BÁO cáo về TÌNH HÌNH KINH tế năm 2010

5 404 0
BÁO cáo về TÌNH HÌNH KINH tế năm 2010

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc TP Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 3 năm 2011 BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2010 VÀ QUÝ I NĂM 2011 I. Tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 Từ những tháng đầu năm 2010, giá cả thị trường trong nước có xu hướng tăng cao, thâm hụt thương mại lớn, thanh khoản của nhiều ngân hàng khó khăn, lãi suất tín dụng cao, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn . Sau khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao. GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 19,1%, tạo việc làm cho 1,61 triệu người, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 74,3%, thu ngân sách nhà nước vượt 21,2% dự toán và tăng 31.070 tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước 5,6% GDP, giảm 0,6% so với dự toán. Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn. Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ với các giải pháp trợ giúp thiết thực cả về sản xuất và đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85%, xuống còn 9,5%. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục phát triển. Số người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đều tăng, góp phần tích cực vào giảm thiểu thiệt hại và khó khăn cho người tham gia khi gặp rủi ro. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giớI đạt được kết quả tích cực. Một số bệnh dịch mới, nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi. Hệ thống cơ sở y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, có khoảng 80% số xã đạt chuẩn y tế. Giáo dục và đào tạo có bước phát triển. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc mầm non và các cấp học phổ thông tăng nhanh, 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh bỏ học ở hầu hết các vùng đều giảm. Kiểm soát chặt chẽ hơn việc thành lập mới các trường đại học. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội và tích cực triển khai hợp tác đào tạo theo chương trình tiên tiến với các trường đại học nước ngoài. Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao có bước phát triển. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức trọng thể, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp, nâng cao niềm tự hào của nhân dân cả nước về Thủ đô Anh hùng nghìn năm văn hiến. Khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường đạt được những kết quả tích cực. Năm 2010 có trên 300 doanh nghiệp khoa học công nghệ được thành lập mới, gấp 2 lần năm 2009. Số lượng sáng chế của người Việt Nam được đăng ký bảo hộ tăng gấp 2 lần, trong đó số bằng bảo hộ được cấp tăng 15%. Công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện, cả ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hoá. Công tác hội nhập quốc tế được triển khai tích cực và chủ động với những kết quả thiết thực. Góp phần nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam, tạo thêm điều kiện thuận lợi và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình kinh tế, xã hội nước ta trong năm qua còn những hạn chế, yếu kém: 1. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. 2. Thể chế kinh tế thị trường chưa đồng bộ; bao cấp qua giá điện, giá than còn kéo dài. Quản lý giá một số mặt hàng nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh chưa tốt. Nhập siêu còn cao, cán cân thanh toán tổng thể vẫn còn thâm hụt, dự trữ ngoại tệ giảm, lãi suất cho vay còn cao. 3. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo và tái nghèo còn cao. 4. Chất lượng giáo dục đào tạo không đồng đều, chậm được cải thiện; nội dung và chương trình đào tạo nghề nghiệp, phương pháp dạy và học chậm được đổi mới. Phát triển giáo dục đào tạo ở các vùng khó khăn còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm đạo đức trong nhà trường còn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong xã hội. 5. Công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản còn nhiều yếu kém, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn thấp; ý thức về bảo vệ môi trường trong xã hội chưa cao, nguồn lực cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. 6. Kết quả phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm còn hạn chế. Trong hai tháng cuối năm 2010 đã xuất hiện một số diễn biến mới, tác động xấu đến kinh tế-xã hội nước ta, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp, đó là: 1. Lạm phát tăng cao đột biến so với các tháng liền kề. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 1,86% so với tháng 10, tháng 12 tăng 1,98% so với tháng 11, đưa chỉ số giá tiêu dùng cả năm lên 11,75%. 2.Thị trường tiền tệ, thị trường vàng và ngoại tệ diễn biến phức tạp. Cung – cầu trên thị trường ngoại hối tiếp tục mất cân đối, gây nhiều sức ép lên tỷ giá. Lãi suất ngân hàng sau một số tháng khá ổn định đã tăng cao trở lại, từ đầu tháng 11, lãi suất cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu lên đến 12-14%/năm, các lĩnh vực khác từ 15-18%/năm. Những diễn biến phức tạp của lạm phát, lãi suất và tỷ giá đã gây thêm khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vốn đã bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. II. Tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2011 Kinh tế-xã hội 2 tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả tích cực như: thu ngân sách nhà nước tăng 17,6%, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện 2 tháng đầu năm tăng 20,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 40,3%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 23,7%, so với cùng kỳ năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I ước đạt 5,5%. Tuy nhiên, tình hình lạm phát, lãi suất, tỷ giá những tháng đầu năm 2011 vẫn tiếp tục có biến động mạnh và diễn biến phức tạp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 đã tăng 3,87% so với tháng 12 năm 2010, bằng 55% so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Lãi suất trên thị trường tiền tệ tiếp tục tăng cao, lãi suất tiền gửi VND có thời điểm lên tới 16-17%/năm, lãi suất cho vay 18-20%/năm; tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do biến động mạnh và có thời điểm cao hơn tỷ giá giao dịch chính thức gần 10%, kể cả sau khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh tăng 9,3%. III. Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện năm 2011 Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đưa ra các biện pháp đồng bộ, kịp thời, cụ thể với những quyết định mạnh mẽ để giảm tổng đầu tư như kiểm soát tổng phương tiện thanh toán xuống khoảng 15-16%, tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%; giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP, nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, rà soát để cắt giảm đầu tư công, không cho tạm ứng ngân sách . Cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính như sau: -Ưu tiên vốn tín dụng phục vụ trực tiếp sản xuất hàng hóa, sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, thủy sản; hạn chế cấp vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện không khuyến khích nhập khẩu; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn. - Đưa mức bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP, quản lý chặt chẽ các khoản chi có nguồn gốc ngân sách và việc ứng chi ngân sách nhà nước, cắt giảm các dự án đầu tư chưa cần thiết. - Cần giảm tỷ lệ nhập siêu xuống dưới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu trên cơ sở đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập khẩu, góp phần cải thiện mạnh cán cân thanh toán, bảo đảm cân đối ngoại tệ quốc gia - Việc điều chỉnh giá những mặt hàng do nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường phải theo lộ trình, chọn thời điểm thích hợp để không gây sự cộng hưởng tâm lý tăng giá nước theo mưa trên thị trường. - Cần cơ cấu lại việc phân bổ các nguồn lực cho các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế một cách hợp lý. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội, giảm vốn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực, các dự án mang tính kinh doanh để tập trung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực xã hội, nhất là giáo dục, đào tạo, y tế và an sinh xã hội. Hoàn thiện chính sách xã hội hóa đầu tư để khai thác tối đa các nguồn lực trong xã hội phục vụ cho đầu tư phát triển. - Nâng cao hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên cơ sở lồng ghép các chương trình, các chính sách, giảm các đầu mối điều phối thực hiện chính sách giảm nghèo. Giải quyết việc làm phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu lao động ở trong nước, khắc phục tình trạng vừa thiếu, vừa thừa lao động hiện nay. - Tập trung các biện pháp cụ thể để trong thời gian ngắn khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá thuốc chữa bệnh. - Giảm tai nạn giao thông. Tăng cường thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm. - Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới, biển đảo. Mở rộng quan hệ đối ngoại, thực hiện tốt các cam kết quốc tế. - Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, các quy định bắt buộc về tiêu chuẩn công nghệ, chuyển giao công nghệ. Thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu công nghiệp, khu đô thị. - Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cho các cơ sở nghiên cứu, dự báo về thiên tai, biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất và đời sống.

Ngày đăng: 26/12/2013, 00:28

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan