Nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học môn Giáo Dục Công Dân bằng cách ứng dụng Chương trình Dạy học của Intel vào giảng dạy.

5 792 0
Nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học môn Giáo Dục Công Dân bằng cách ứng dụng Chương trình Dạy học của Intel vào giảng dạy.

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học môn Giáo Dục Công Dân bằng cách ứng dụng Chương trình Dạy học của Intel vào giảng dạy. PHẦN 1 : PHẦN MỞ ĐẦU Trong những năm trở lại đây, việc tích cực đổi mới phương pháp dạyhọc là một trong những yêu cầu trọng tâm, quan trọng và mang tính quyết định đến sự phát triển tư duy học sinh cho phù hợp với yêu cầu mới. Chất lượng dạyhọc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song xét đến cùng, yếu tố quyết định nhất là cách giảng dạy của Thầy và cách học của Trò. Do đó, việc đổi mới phương pháp là tất yếu khách quan. Càng ngày, với sự hội nhập tình hình kinh tế quốc tế cộng với những giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, học sinh có rất nhiều cơ hội tiếp cận với những nền văn hóa tiên tiến của các nước, có cơ hội để tự mình tìm thêm những kiến thức, những kỹ năng và đón nhận hàng loạt những thách thức mới. Vậy, trước tình hình đó, chính bản thân mỗi giáo viên làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng dạy học? Trong quá trình tiếp cận với chương trình dạy học mở đầu của Intel, gọi tắt là ITGS, tôi nhận thấy những điểm hay, những điểm không hề xa lạ nhưng cách trình bày, cách dẫn dắt làm thay đổi những tư duy và cả những cách nghĩ theo lề lối bình thường. Ở đó, mỗi giáo viên thực sự là người dẫn dắt, nhưng người dẫn dắt đó được đặt ở một vị trí rất quan trọng, làm thế nào để học sinh tiếp cận chủ động với tri thức. Và làm thế nào để khai thác triệt để tư duy tích cực của học sinh? Chính vì thế, trong suốt 1 năm học qua, tôi đã áp dụng những gì mình được tìm hiểu, được trao đổi vào trong quá trình giảng dạy. Và tôi nhận thấy, hiệu quả và chất lượng dạy học tăng lên rất nhiều. Chính vì thế, tôi chọn đề tài “Nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học môn Giáo Dục Công Dân bằng cách ứng dụng Chương Trình Dạy Học của Intel vào giảng dạy tại trường THPT Quốc Học – Huế ” làm đề tài để viết sáng kiến kinh nghiệm của mình. Ở đề tài này, phạm vi nghiên cứu và ứng dụng của tôi chỉ thu hẹp trong trường THPT Quốc Học, với 12 lớp mà tôi đã giảng dạy. Thông qua việc ứng dụng Chương Trình Dạy Học của Intel, tôi mong muốn trong những năm tiếp theo, tôi sẽ phát huy hơn nữa tính hiệu quả của chương trình ngày càng nhiều hơn. PHẦN 2 : PHẦN NỘI DUNG 1. Tính tất yếu khách quan của việc đổi mới phương pháp dạy học (PPDH): Phương pháp dạy học (PPDH) là những hình thức và cách thức hoạt động của giáo viên và học sinh trong những điều kiện dạy học xác định nhằm đạt mục đích dạy học (những hình thức và cách thức, thông qua đó và bằng cách đó, giáo viên và học sinh lĩnh hội những hiện thực tự nhiên và xã hội chung quanh trong những điều kiện học tập cụ thể). Trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, với sự phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin, tin tức và những điều kiện cơ sở vật chất khác mang lại cho học sinh một điều kiện vô cùng dễ dàng để có thể tiếp thu những tri thức mới, những thông tin mới. Trong khi đó, với cách giảng dạy trước đây của chúng ta, việc giáo viên đóng vai trò thuyết trình để trình bày hàng loạt những kiến thức đến với học sinh là không còn phù hợp. Nên việc đổi mới phương pháp dạy học là tất yếu khách quan. Mục đích của việc đổi mới PPDH ở trường phổ thông là thay đổi lối dạy học truyền thụ một chiều sang dạy học theo “Phương pháp dạy học tích cực” nhằm giúp học sinh phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, tinh thần hợp tác, kĩ năng vận dụng kiến thức vào những tình huống khác nhau trong học tập và trong thực tiễn. Làm cho “Học” là quá trình kiến tạo, học sinh tìm tòi, khám phá, phát hiện, luyện tập, khai thác và xử lý thông tin, tự hình thành hiểu biết, năng lực và phẩm chất. Trong đó lấy học sinh làm trung tâm. Trong tiến trình đổi mới, với việc thay đổi nội dung sách giáo khoa và hàng loạt hội nghị, hội thảo, tập huấn thay sách … đã diễn ra về vấn đề đổi mới phương pháp dạy học đủ để nhận thấy đổi mới là rất cần thiết, mang tính quyết định và là điều tất yếu , bắt buộc phải làm để nâng cao hơn nữa hiệu quả dạyhọc của giáo viên và học sinh. 2. Nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học bằng cách ứng dụng Chương Trình Dạy Học của Intel vào giảng dạy: Trong những năm qua, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã tiến hành rất nhiều hội thảo, nghiên cứu, tập huấn thay sách để nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học. Những nội dung, phương pháp mới cũng được trao đổi, nghiên cứu và tiến hành áp dụng trong các buổi lên lớp. Giáo viên quen dần và sử dụng thường xuyên, liên tục những phương pháp như phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp động não, phương pháp đóng vai …. Hiệu quả dạy học được tăng lên rất nhiều, học sinh hứng thú và tích cực tự học cũng như rèn luyện tư duy. Tháng 6/2008, tôi được học chương trình ITGS (Khóa học khởi đầu), một trong những Chương Trình Dạy Học của Intel. Tôi thực sự hứng thú và cảm thấy đây là 1 trong những chương trình mình có thể ứng dụng để nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng dạy học. Khóa học khởi đầu là chương trình bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên phổ thông hạn chế hoặc không có kỹ năng công nghệ thông tin nhưng có nhu cầu được trang bị kỹ năng tin học và các kỹ năng sư phạm theo phương pháp dạy học theo dự án. Bên cạnh các kỹ năng máy tính, chương trình chú trọng bồi dưỡng kỹ năng và phương pháp dạyhọc của thế kỷ 21, kỹ năng cộng tác và tư duy phê phán. Các giáo viên được hướng dẫn cách thức cụ thể để tích hợp công nghệ thông tin vào công tác tổ chức dạy học nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy thông qua các bài tập về Hệ soạn thảo văn bản, Bảng tính và phần mềm đa phương tiện. Thông qua chương trình, giáo viên được chú trọng bồi dưỡng kỹ năng và những phương pháp dạyhọc của thế kỷ 21. Những nội dung cơ bản, gần gũi nhưng thực sự không dễ thực hiện nếu giáo viên không đầu tư suy nghĩ, ứng dụng và liên tục đổi mới. Đó là lí do mà tôi nhận thấy thực sự hứng thú từ chương trình này. Tôi xin đưa ra một số điểm bản thân tôi nhận thấy rất hay, và tôi đã ứng dụng trong suốt gần 1 năm học vừa qua. a. Tính hiệu quả, trực quan trong việc đổi mới phương pháp dạy học: Cụm từ “đổi mới phương pháp dạy học” thường gắn liền với vấn đề dạy học thay vì lấy “Dạy” làm trung tâm sang lấy “Học” làm trung tâm. Trong phương pháp tổ chức, người học – đối tượng của hoạt động “dạy”, đồng thời là chủ thể của hoạt động “học” – được cuốn hút vào các hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa rõ, chưa có chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giáo viên sắp đặt. Thứ 1, tính hiệu quả đầu tiên khi đề cập đến việc thay đổi theo hướng tích cực lấy học sinh làm trung tâm này, chương trình đã đưa ra 1 đoạn flash đơn giản mà hiệu quả . Ngay chính bản thân tôi, khi đặt ra cho các em học sinh câu hỏi “Theo em, lấy học sinh làm trung tâm có nghĩa là thế nào?” . Chính các em vẫn còn đang lúng túng, nên việc đưa ra cho các em những hình dung bước đầu sẽ giúp các em định hình và có hướng thay đổi sau này. Sau đây là 1 số hình minh họa được lấy từ chương trình minh họa trực quan cho việc đổi mới PPDH lấy HS làm trung tâm. Qua flash đơn giản vừa rồi, giáo viên có thể giúp học sinh bắt đầu định hình được vai trò, vị trí và những việc học sinh sẽ làm trong suốt quá trình học. Vấn đề này chương trình đưa ra bằng 1 ví dụ đơn giản, trực quan nhưng hiệu quả để lại trong học sinh và cả trong giáo viên rất nhiều. Trong quá trình dạy học bài đầu tiên, bản thân tôi đã đưa 2 ví dụ này vào, trong chừng 3’ thực hiện, và học sinh đã nhận ra được những việc mình sẽ làm, coi đây như là 1 hình thức trao đổi nhưng giúp cho học sinh có 1 hình dung chuẩn về vị trí của chính bản thân trong tiến trình tham gia vào quá trình học tập trên lớp. Thực tế, tôi đã ứng dụng việc đổi mới phương pháp dạy học bằng cách để các em tự tìm hiểu, trình bày và giáo viên hướng dẫn, dẫn dắt và tổng kết ở 1 số bài học mà các em có khả năng tự mình tìm lấy những dẫn chứng. (Ví dụ: Bài 12 (Công dân với tình yêu, hôn nhân, gia đình) – lớp 10; Bài 15 (Công dân với một số vấn đề cấp thiết của nhân loại) – lớp 10; Bài 7 (Quyền tự do dân chủ của công dân) – lớp 12). Sau những gì đã định hình trước với học sinh thông qua phần trình chiếu flash về những vấn đề học sinh có thể làm, qua đó các em bắt đầu tự mình phân công, chia nhóm và sử dụng những kỹ năng của mình có để lĩnh hội tri thức. Hiệu quả tăng lên rõ rệt ở điểm, có những kiến thức các em nhớ rất sâu, kỹ năng phân tích, tổng hợp và đánh giá khái quát của các em được nâng cao hơn. Các em nhận thấy đây không phải là trách nhiệm, mà là vai trò của chính các em, để từ đó hiệu quả trong việc tích lũy kiến thức tăng lên rất nhiều. Thứ 2, tính hiệu quả thể hiện trong cách tiến hành thảo luận nhóm. Chúng ta hiện nay quá quen thuộc với hình thức thảo luận nhóm, với nhiều cách phân chia nhóm nhằm mang lại những hiệu quả nhất định cho mục đích đề ra. Nhưng nhìn chung, chúng ta thường cho các em thảo luận nhóm bằng cách chia lớp thành 4 nhóm, hoặc chia thành những nhóm nhỏ trong cùng 1 bàn…. Khi được học Chương trình Dạy học của Intel, tôi tiếp cận được khá nhiều cách thức tiến hành thảo luận nhóm rất linh hoạt mà giáo viên có thể thực hiện hàng ngày, ví dụ chia nhóm theo màu sắc, theo trò chơi, theo khả năng của từng học sinh, theo mục đích từng bài. Điều này không chỉ mang lại tính hấp dẫn cho quá trình thảo luận nhóm, mà còn giúp giáo viên có thể đánh giá, nhận xét từng học sinh để tránh trường hợp các em đã quen với nhóm mình hay thảo luận và có thái độ ỷ lại trong suy nghĩ. Việc này đã được tôi ứng dụng trong 5 lớp 10 Chuyên (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin) vì đa phần các lớp này ít học sinh hơn lớp phổ thông, do đó việc chia nhóm sẽ rất nhanh, và các em di chuyển cũng thuận lợi, không gây quá mất trật tự ảnh hưởng đến các lớp khác. Chính việc thực hiện thảo luận nhóm này đã góp phần nâng cao hiệu quả cho từng nhóm nhỏ, để bản thân mỗi em tự nhận thấy được vai trò, ý thức và trách nhiệm của mình, tránh tình trạng nhàm chán trong những lần thảo luận nhóm trước đây chúng ta hay thực hiện. Những năm trước, tôi cũng có học sinh thảo luận nhóm, nhưng thường thì cũng theo thói quen là chia lớp thành 4 nhóm, cố định theo từng bàn cho dễ thảo luận và cũng khỏi mất công di chuyển. Tôi thấy mặc dù các em vẫn tiến hành thảo luận, nhưng vẫn có nhiều em không tích cực, đồng thời cứ làm suốt 1 năm, các em cũng thấy nhàm chán, dẫn đến việc chưa phân nhóm mà các em cũng có thể đoán mình ở nhóm nào. Và tính tích cực của các em giảm sút đáng kể. Khi vận dụng phương pháp dạy học của chương trình này trong quá trình thực hiện cụ thể ở các lớp trên, học sinh đã quen với việc linh hoạt trong cách sắp xếp, những học sinh có biểu hiện ỷ lại theo thói quen đã giảm xuống đáng kể. Mỗi học sinh tự giác xem bài ở nhà, tích lũy những kinh nghiệm và kiến thức mình đã có ngoài giờ lên lớp (đọc báo, xem tivi, lên mạng tìm tài liệu) để phục vụ tốt cho việc thảo luận và trao đổi từng nhóm nhỏ trên lớp. Qua 1 năm thực hiện, tôi nhận thấy việc áp dụng nhiều hình thức thảo luận nhóm khác nhau lẫn sử dụng cách đặt câu hỏi mà ở Chương trình Dạy học của Intel trình bày giúp cho hiệu quả học tập của học sinh tăng lên rất nhiều, học sinh hào hứng, hấp dẫn trong việc “thách đố” về khả năng, kỹ năng với nhóm khác để lĩnh hội tri thức mới. Từ chỗ học sinh hơi thụ động và có phần ỷ lại, hiện nay các em thoải mái và tự chủ động liên kết bạn bè, thái độ của các em với môn học cũng thay đổi, hoàn toàn thoải mái và thậm chí hứng khởi trong quá trình học tập. Thứ 3, tính hiệu quả trong việc giới thiệu cách đặt câu hỏi trong mô hình phân loại của Bloom nhằm kích thích tư duy ở mức độ cao. Vấn đề này cũng được các chương trình tập huấn của Bộ đề cập, khai thác và ứng dụng. Nhưng ở Chương trình Dạy học của Intel, thì vấn đề này được khai thác ở 1 ví dụ tưởng chừng như rất nhẹ nhàng, nhưng mang lại hiệu quả rất cao vì rất gần gũi với các em học sinh. Ví dụ : Truyện Bánh Chưng – Bánh Dày Những câu hỏi được đặt ra theo từng cấp độ như sau : - Lang Liêu là ai? - Nhà vua đã yêu cầu các hoàng tử làm gì? - Lang Liêu đã làm những bánh gì? Từ những nguyên liệu nào? - Câu chuyện này muốn nói với chúng ta điều gì? - Theo hướng dẫn của câu chuyện, chúng ta có thể làm bánh chưng/ bánh dày theo cách nào? - … Chỉ là 1 ví dụ , nhưng trong từng cấp độ chúng ta đã kích thích tư duy của học sinh, từ nhớ lại, hiểu, vận dụng, phân tích …. Giáo viên có thể tùy theo từng bài, hoặc trong phần kiểm tra, đánh giá để thực hiện. Trong phạm vi dạy học, tôi đã tiến hành cho học sinh làm bài tập về nhà, ngoại khóa và cả trong phạm vi thi kiểm tra, thi học kỳ để giúp các em vừa có thể nhớ lại kiến thức đã học, vừa biết cách vận dụng vào để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn của cuộc sống . Ví dụ : - Thế nào là phủ định biện chứng? Điểm cốt yếu nhất của phủ định biện chứng là gì? - Lấy ví dụ minh họa để chứng minh rằng trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đã vận dụnghiệu quả quy luật phủ định biện chứng. Trong việc ứng dụng những câu hỏi từ thấp đến cao này đến với học sinh, tôi nhận ra rằng mỗi học sinh bắt đầu chịu sự tác động rõ rệt nhất là không còn những cách học bài thụ động, không còn nhìn sách mỗi lúc giáo viên đặt câu hỏi mà thay vào đó là tích cực động não để tìm ra câu trả lời. Hiệu quả của việc ứng dụng này là ở điểm học sinh sẽ không để mình ở trạng thái thụ động, cứ chăm chăm nhìn sách và lười suy nghĩ. Thì bây giờ, ở những câu hỏi dạng tổng hợp, khái quát, liên hệ và vận dụng thì mỗi học sinh lại đưa ra những câu trả lời rất hay, thậm chí là ngay cả giáo viên cũng có thể lấy làm ví dụ điển hình để minh họa. Hiệu quả và chất lượng học tập của học sinh ngày càng tăng. Học sinh cũng được rèn dần dần việc phản xạ nhanh với những câu hỏi mang tính thực tiễn và liên hệ bản thân, với những vấn đề tổng quát và hiệu quả nhất là mang lại cho các em 1 tư duy sáng tạo cao. Ở điểm này, chúng ta ngoài việc phục vụ tốt trong việc trang bị kiến thức vững cho các em, còn học sinh lại rèn thêm được kỹ năng giải quyết vấn đề và sáng tạo trong suy nghĩ. b. Rèn luyện tư duy phản biện và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh: Thứ 1, rèn luyện tư duy phản biện: Trong việc đổi mới phương pháp dạy học thì việc học sinh tự tìm tòi, học hỏi để tiếp thu kiến thức đi kèm với việc giáo viên lẫn học sinh sẽ đóng vai trò phản biện tốt cho nhau. Nhưng để phản hồi này theo hướng tích cực, thì cả giáo viên lẫn học sinh đều phải học cách phản hồi ý kiến tích cực. Chương trình Dạy học của Intel đã giúp tôi nhận ra rằng, việc phản hồi ý kiến để giúp mỗi học sinh tiến bộ là dễ nhưng đôi lúc chúng ta chưa giúp học sinh biết cách phản hồi ý kiến. Chúng ta có thể cho học sinh làm bài tập và cho học sinh tự nhận xét bài của nhau, để xem thử cách em tôn trọng cách làm bài của bạn mình như thế nào? Có nên mở đầu bằng nhận xét “Tôi thấy bài này bạn làm dở, không phù hợp” … hay không? Cách phản biện không chỉ giúp học sinh tự tin khi trình bày một cách logic, khoa học, mà còn giúp giáo viên kết luận những bài học, xây dựng ý thức, thái độ đúng đắn cho học sinh. Học sinh biết tôn trọng ý kiến, cách làm của bạn mình, bởi mỗi người có 1 cách suy nghĩ, cách làm khác nhau, nhưng phải biết học cách đi nhanh nhất, gần nhất và tuyệt đối không bằng con đường “chê bai” cách đi của bạn mình. Đó là 1 trong những kỹ năng không thể thiếu của học sinh. Nhận xét thẳng thắn, nhưng phải mang ý nghĩa tích cực. Là những kỹ năng học sinh cần trong thế kỷ 21. Và cũng là 1 trong những kỹ năng rất ý nghĩa mà chương trình dạy học của Intel mang lại. Khi áp dụng phương pháp này của Chương trình Dạy học của Intel vào giảng dạy, tôi nhận thấy sự thay đổi tích cực từ phía học sinh sau 1 năm thực hiện. Quan sát của tôi 2 tháng đầu tiên (tháng 9 và 10) của năm học, sau khi tiến hành thảo luận nhóm, tôi cho các em tự nhận xét phần thảo luận của các bạn. Các em thường bắt đầu bằng các câu nhận xét “Em thấy bài bạn này thiếu phần này, phần kia”, “Em thấy bạn viết lủng củng”, “Em thấy bạn trình bày chưa rõ ràng” … Rồi dẫn đến việc những nhóm khác phản ứng, thậm chí có bạn còn xin phép giáo viên để đứng dậy cãi lại …. Nhưng khi trao đổi với các em về việc phản biện có khoa học và phản hồi tích cực, thì tôi nhận thấy các em từ từ thay đổi, và cho tới hôm nay, sau khi kết thúc năm học, khi cho các em làm bài tập về “Một số ý kiến của riêng em về việc học sinh thực hiện chính sách môi trường” , và cho các em trao đổi bài và nhận xét, tôi thấy rằng các em không chỉ “khen” nhau có lệ, mà các em thực sự tôn trọng nhau, giúp nhau sửa sai theo hướng tích cực. Hiệu quả nhất của chương trình với phương pháp này đối với học sinh là ở chỗ học sinh phải tự mình tìm kiếm tri thức đồng thời phải biết lắng nghe, chia sẻ, sử dụng tri thức và xây dựng tư duy phản biện khoa học. Đồng thời, suốt 1 năm, mỗi học sinh khi đứng trình bày trên lớp càng ngày càng được rèn giũa hơn, và mỗi học sinh lắng nghe và nhận xét cũng tích cực và có trách nhiệm hơn. Thứ 2, tác động vào ý thức HS. Môn GDCD là một môn học không khô khan, nhưng đôi lúc tâm lý các em, đây là 1 môn không thi tốt nghiệp, do đó 1 số em có thái độ thiếu quan tâm. Do đó, việc mỗi giáo viên tự đổi mới hàng ngày là 1 điều rất quan trọng. Vậy làm thế nào để cuốn hút các em vào guồng quay làm việc của cả giáo viên lẫn học sinh? Làm thế nào để các em chấp nhận đổi mới theo hướng tích cực? Chương trình Dạy học Intel đã đưa ra 1 ví dụ rất điển hình về việc chấp nhận những thay đổi bằng 1 trò chơi nho nhỏ. Trò chơi : Giáo viên gọi 2 học sinh lên bảng, cho mỗi em có 2’ quan sát bạn mình. Sau 2’, mỗi em quay ngược lưng nhau và bắt đầu tìm cách thay đổi 3 điểm ngay bản thân mình ở trên bục. 2 em tiến hành thay đổi, sau 2’ quay lại, bạn nào đoán đúng bạn mình thay đổi những điểm nào thì sẽ là người thắng. Nhưng không dừng lại ở việc thắng, thua, hay ai quan sát nhanh hơn? Mà giáo viên chỉ hỏi 1 câu đơn giản khi học sinh về chỗ “Các em đã có hành động gì khi về chỗ ngồi?”. 1 em trả lời “Em đã gài lại cúc áo, bỏ ống quần xuống và vuốt tóc lại”. Và giáo viên bắt đầu trao đổi với các em bằng 1 câu đơn giản “Có thể, sự thay đổi nào cũng mang lại những khó chịu tạm thời, nhưng các em hãy chấp nhận sự thay đổi đó, có thể sẽ đem đến những thử thách và cả những thành công cho các em. Việc đổi mới tư duy cũng vậy, nếu các em thấy việc thay đổi đó là chưa quen, thì hãy tập quen dần, và tuyệt đối, đừng lặp lại thói quen cũ mà hãy chấp nhận thay đổi nó”. Đây chính là ví dụ làm bản thân tôi cảm thấy bị thuyết phục. Tôi đã thử ở các lớp mình dạy. Lúc đầu các em nhốn nháo vì cho rằng đây là 1 trò chơi, vui vẻ và thoải mái. Nhưng các em lặng người đi khi tôi trao đổi với các em về những điều thay đổi. Và tôi nhận thấy rằng, cho tới thời điểm này, tôi đã làm các em thay đổi thói quen và suy nghĩ về môn GDCD. Đó là điều tôi nhận thấy chương trình đã thay đổi những tư duy của chính tôi. Và việc áp dụng chương trình rất hiệu quả trong công tác giảng dạy. Và chính học sinh cũng đã ngấm dần sự thay đổi từ ví dụ đơn giản đó. Cuối năm, khi tôi thực hiện việc tổng kết, chính các em còn nhắc cho tôi nhớ tôi còn nợ các em 1 bài ngoại khóa tổng kết cuối năm. Và các em xin tôi cho các em tự mình chọn đề tài, tự mình thuyết minh và giáo viên cũng như các bạn nhận xét, trao đổi. Đề tài các em chọn là “Văn hóa ẩm thực trong học sinh Huế”. Và tôi nhận thấy rằng, chỉ một câu nói đó của các em, chỉ tư duy đó, tôi thấy hiệu quả của cả năm học mà tôi với việc ứng dụng chương trình dạy học của Intel đã mang lại hiệu quả cho học sinh của tôi như thế nào? Trên đây chỉ là 1 trong rất nhiều phương pháp, kỹ năng mà tôi đã được học và vận dụng trong quá trình giảng dạy. Hiệu quả đem lại rất rõ ràng, các em hiểu và vận dụng được những nội dung đã học vào cuộc sống, nhớ lâu và tác động về ý thức, rèn luyện đạo đức của học sinh. Tôi nhận ra rằng, môn GDCD nó quan trọng bởi chính người dạy GDCD, không có cái gì là không thực hiện , chỉ là chúng ta có chịu thay đổi hay không. Tất cả những điều đó chỉ gói gọn trong 2 quyển sách của Chương trình Dạy học của Intel, mà tầm ảnh hưởng của nó lan rộng ra trong quá trình dạy học của chúng tôi. Tôi nhận thấy, hiệu quả và chất lượng dạy học được nâng cao hơn rất nhiều. PHẦN 3 : PHẦN KẾT LUẬN Chúng ta nhận thấy rằng, việc giáo dục cho học sinh với môn GDCD không chỉ là giáo dục kiến thức, mà còn rèn luyện kỹ năng, đặc biệt là giáo dục thái độ, cách ứng xử, cư xử của các em . Do đó, với vai trò và trách nhiệm đó, chúng ta không ngừng đổi mới cách thức, vận dụng , nhưng có lẽ, cái đơn giản nhất là chúng ta trực tiếp trao đổi, chia sẻ ở những vấn đề đời thường nhất, để các em hiểu rằng, chính các em mới là đối tượng chính trong tiến trình dạyhọc hiện nay. Bằng cách trình bày khoa học, cụ thể và mang tính thực tiễn cao nhất, Chương Trình Dạy Học của Intel đã trang bị cho chính bản thân tôi nhiều phương pháp tiếp cận học sinh nhẹ nhàng, hiệu quả và kích thích sự sáng tạo của chính các em, khuyến khích các em bằng những ý tưởng của mình, giúp các em biết hợp tác, chia sẻ với nhau vì mục đích chung của cả nhóm. Chính điều đó tạo nên sự khác biệt trong từng tiết học tôi lên lớp. Có thể, quá trình dạy học ở mỗi lớp, mỗi lứa tuổi và từng năm học khác nhau. Nhưng với những gì được trang bị, mỗi giáo viên chúng tôi nhận thấy rằng mình đủ sức để giúp các em có cái nhìn mới về môn GDCD, về những vấn đề thực tiễn của cuộc sống mà các em vấp phải. Và chúng tôi tin rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học là cần thiết và đúng hướng trong quá trình dạyhọc hiện nay. Đề tài sáng kiến kinh nghiệm có sử dụng tư liệu flash của Thầy Nguyễn Minh Thiên Hoàng, sử dụng tư liệu từ trang web http://www.intel.com/education/vn. Đề tài sáng kiến kinh nghiệm được đúc kết từ những thực tiễn trải nghiệm của bản thân, do đó sẽ không thể tránh khỏi sơ suất và sai sót. Mong nhận được những đóng góp quý báu của quý Thầy/Cô – những người đã gieo niềm sáng tạo cho chính bản thân tôi để đề tài được trọn vẹn hơn Xin chân thành cám ơn quý Thầy/Cô! Sáng kiến Kinh nghiệm, môn Giáo dục Công dân của cô Châu Thị Quỳnh Thy, giáo viên trường THPT Quốc học Huế . tài Nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học môn Giáo Dục Công Dân bằng cách ứng dụng Chương Trình Dạy Học của Intel vào giảng dạy tại trường THPT Quốc Học –. Nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học môn Giáo Dục Công Dân bằng cách ứng dụng Chương trình Dạy học của Intel vào giảng dạy. PHẦN 1 : PHẦN

Ngày đăng: 26/09/2013, 02:10

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan