HNTS 2012 05 KÍCH THÍCH SINH sản NHÂN tạo cá TRÈN bầu ompok bimaculatus BẰNG CÁCH kết hợp các LOẠI CHẤT KÍCH THÍCH SINH sản

11 850 8
HNTS 2012 05 KÍCH THÍCH SINH sản NHÂN tạo cá TRÈN bầu ompok bimaculatus BẰNG CÁCH kết hợp các LOẠI CHẤT KÍCH THÍCH SINH sản

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

Thông tin tài liệu

KÍCH THÍCH SINH SẢN NHÂN TẠO CÁ TRÈN BẦU Ompok bimaculatus BẰNG CÁCH KẾT HỢP CÁC LOẠI CHẤT KÍCH THÍCH SINH SẢN Lê Văn Lễnh Đại học An Giang TÓM TẮT Nghiên cứu được thực hiện tại trường Đại học An Giang. Thời gian nghiên cứu từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2011. Thí nghiệm sử dụng ba loại chất kích thích sinh sản (não thùy, HCG và LHRH_a) để kết hợp. Thí nghiệm 1: 2 mg não thùy kết hợp với 1500 UI, 2000 UI, 2500 UI HCG/kg cá cái. Thí nghiệm 2: 2 mg não thùy kết hợp với 50 µg, 100 µg, 150 µg LHRH_a/kg cá cái. Thí nghiêm 3: 200 UI HCG kết hợp với 50 µg, 100 µg, 150 µg LHRH_a/kg cá cái. 200 µg LHRH_a kết hợp với 20 mg DOM. Cá đực tiêm bằng 1/3 liều cá cái. Cá chỉ tiêm 1 lần. Khối lượng cá cho sinh sản dao động từ 50 – 110 g/con. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại. Kết quả đạt được như sau: Tỷ lệ cá đẻ: thí nghiệm 1: 33,3 %; thí nghiệm 2: 66,7 %; thí nghiệm 3: 66,7 %. Sức sinh sản thực tế: thí nghiệm 1: 64.902 ± 116 trứng/kg cá cái; thí nghiệm 2: 67.834 ± 402 trứng/kg cá cái; thí nghiệm 3: 66.488 ± 585 trứng/kg cá cái. Tỷ lệ trứng thụ tinh: 71,8 % ± 3,22; 77,8 % ± 6,42 và 72,1 % ± 5,98 tương ứng với thí nghiệm 1, thí nghiệm 2 và thí nghiệm 3. Tỷ lệ trứng nở của thí nghiệm 1, thí nghiệm 2, thí nghiệm 3 lần lượt là: 79,2 % ± 1,6; 89,5 % ± 3,46 và 85,1 % ± 1,42. Tỷ lệ cá bột: thí nghiệm 1: 76,9 % ± 7,09; thí nghiệm 2: 82,1 % ± 6,04 và thí nghiệm 3: 86,9 % ± 1,02. Ở nhiệt độ nước 27 - 28 o C thì thời gian hiệu ứng: 12,5 – 13,5 giờ, thời gian phát triển phôi 23 – 24 giờ. Kích thước đường kính trứng 1,17 mm ± 0,07. Trứng cá Trèn bầu thuộc loại trứng chìm. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hệ thống sông Mekong là một trong những hệ thống sông lớn nhất và màu mỡ nhất trên thế giới. Nó cung cấp thực phẩm và sinh kế cho hàng triệu cư dân. Sông Mekong chứa đựng một trong những khu hệ cá phong phú và đa dạng nhất trên thế giới (Sverdrup – Jensen, 2002 trích trong Poulsen và ctv, 2005). Thống kê của MCR (Mekong River Commission) cho biết có ít nhất 1200 loài cá đang sống ở đây đại diện cho nhiều họ, đa dạng về mặt hình thái và đời sống. Ở hạ lưu sông Mekong sản lượng nghề cá nội địa ít nhất là 2 triệu tấn.năm -1 và chắc chắn là gần 3 triệu tấn.năm -1 (Hortle and Bush, 2003 trích trong Poulsen và ctv, 2005), làm cho nghề đánh cá ở đây thành nghề lớn hàng thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu sông Mekong cũng được thừa hưởng trữ lượng dồi dào của tài nguyên thủy sản trên con sông này với các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá Tra (Pangasianodon hypophthalmus), cá Ba sa (Pangasius bocourti), cá Bông lau (Pangasius krempfi), … và không thể không kể đến họ Siluridae mà tiêu biểu là cá Leo (Wallago attu), cá Trèn bầu (Ompok bimaculatus), cá Kết (Micronema bleeleri) …. Cá Trèn bầu (Ompok bimaculatus) có chất lượng thịt thơm ngon, từ lâu đã trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu trong thực đơn của người nội trợ. Lượng cá cung cấp cho thị trường là do đánh bắt ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của điều kiện khí hậu, sự phát triển kinh tế, ô nhiễm môi trường nước, khai thác thủy sản ngày càng gia tăng …. đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước và thủy sản làm cho nguồn lợi này đang giảm rõ rệt. Và cá Trèn bầu không ngoại lệ, tuy chưa có những thống kê về sự suy giảm sản lượng của loài cá này trên sông nhưng việc hạn chế dần sự có mặt cùng với giá cả tăng cao trên thị trường của cá Trèn bầu đã nói lên điều đó. Vấn đề được đặt ra hiện nay là làm thế nào để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Để góp phần giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học, mà tiên phong là các nhà nghiên cứu về sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản đã vào cuộc. Rất nhiều đối tượng thủy sản đã được đưa vào nghiên cứu và ứng dụng mang lại nhiều kết quả khả quan như cá Tra, cá Ba sa, cá Lăng, cá Leo, …. Thế nhưng, vẫn còn nhiều đối tượng chưa được đầu tư nghiên cứu sâu rộng trong đó có cá Trèn bầu. Vì thế, việc nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu được xem là giải pháp hàng đầu trong việc giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn tài nguyên này, là nhu cầu thiết thực sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc nuôi thương phẩm đối tượng này. Chính vì lí do trên, đề tài “Kích thích sinh sản nhân tạo cá trèn bầu (Ompok bimaculatus) bằng cách kết hợp các loại chất kích thích sinh sản” được lựa chọn thực hiện nhằm góp phần đa dạng hóa số lượng loài thủy sản được nuôi, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững cũng như mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và sản xuất giống thủy sản nói riêng. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định chất kích thích và liều lượng phù hợp nhất sử dụng kích thích sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu. Để đạt được mục tiêu trên, đề tài tiến hành nghiên cứu hai nội dung sau: (i) Kết hợp các chất kích thích sinh sản: Não thùy, HCG, LHRH – a + Dom ở 3 liều lượng khác nhau cho mỗi loại để kích thích sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu. (ii) Theo dõi so sánh các chỉ tiêu sinh sản: tỉ lệ cá sinh sản, sức sinh sản thực tế, tỉ lệ trứng thụ tinh, tỉ lệ trứng nở, tỉ lệ sống của cá bột 3 ngày tuổi trong từng nghiệm thức. 2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP 2.1. Nguyên vật liệu, địa điểm và thời gian nghiên cứu Địa điểm nghiên cứu: Trại thực nghiệm Thủy sản, Khoa Nông nghiệp – Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại Học An Giang. Thời gian nghiên cứu: từ tháng 04 đến tháng 06/2011. Đối tượng nghiên cứu: cá Trèn bầu (Ompok bimaculatus). Các chất kích thích sinh sản: Não thùy, HCG, LHRH – a + DOM. 2.2. Phương pháp nghiên cứu 2.2.1. Kích thích sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu Bố trí thí nghiệm Chọn cá bố mẹ đạt tiêu chuẩn cho sinh sản: - Cá cái: khỏe mạnh, không bị thương tật, bụng to, mềm, lỗ sinh dục màu hồng, dùng tay vuốt nhẹ từ gốc vây ngực kéo dài đến lỗ sinh dục thấy có trứng tròn, đều, đồng màu. - Cá đực: khỏe mạnh, nguyên vẹn, gai sinh dục sưng to, màu hồng nhạt. Thí nghiệm được tiến hành với 3 chất kích thích sinh sản để kết hợp: Não thùy, HCG, LHRH – a + DOM. Mỗi thí nghiệm được bố trí thành 3 nghiệm thức với 3 liều lượng khác nhau và lặp lại 3 lần cho mỗi nghiệm thức. Các nghiệm thức được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên. Liều lượng tiêm của mỗi nghiệm thức như sau: Bảng 1: Kích thích sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu bằng cách kết hợp chất kích thích sinh sản khác nhau Nghiệm thức Chất kích thích sinh sản Liều lượng tiêm cho 1 kg cá cái 1A 1B 1C 2A 2B 2C 3A 3B 3C Não thùy + HCG Não thùy + HCG Não thùy + HCG Não thùy + LHRH – a + DOM Não thùy + LHRH – a + DOM Não thùy + LHRH – a + DOM HCG + LHRH – a + DOM HCG + LHRH – a + DOM HCG + LHRH – a + DOM 2 mg + 1500 UI 2 mg + 2000 UI 2 mg + 2500 UI 2 mg + 50 µg + 5 mg 2 mg + 100 µg + 10 mg 2 mg + 150 µg + 15 mg 200 UI + 50 µg + 5 mg 200 UI + 100 µg + 10 mg 200 UI + 150 µg + 15 mg Chỉ tiêm một liều duy nhất cho tất cả các nghiệm thức. Cá đực được tiêm cùng thời điểm tiêm cá cái, với liều lượng bằng 1/3 của cá cái. Vị trí tiêm là cơ lưng. Cách cho cá sinh sản Sau khi tiêm chất kích thích sinh sản xong, cho cá vào các bể đẻ có sục khí và lót một tấm lưới bên dưới bể để thu trứng cá sau khi đẻ. Tỷ lệ đực : cái là 1 : 1 Phương pháp ấp trứng Sử dụng hệ thống bình Weys (09 bình) làm bằng nhựa có thể tích 09 lít để tiến hành ấp trứng. 2.2.2. Các chỉ tiêu theo dõi Các chỉ tiêu về yếu tố môi trường Nhiệt độ nước, pH, NH 3 , DO: đo các chỉ tiêu môi trường của bể đẻ, bể ấp, bể ương bột bằng nhiệt kế và test Sera (lúc 7h và 14h). Các chỉ tiêu sinh sản - Thời gian hiệu ứng: được tính từ khi tiêm chất kích thích sinh sản đến khi cá đẻ trứng. - Tỉ lệ cá đẻ (%) = (Số lượng cá đẻ / Tổng số cá cho đẻ) x 100. - Sức sinh sản tương đối thực tế (trứng.kg -1 ) = Số trứng đẻ ra (trứng) / Khối lượng cá cái (kg). - Tỉ lệ trứng thụ tinh (%) = (Số trứng thụ tinh / Số trứng quan sát) x 100. - Tỉ lệ trứng nở (%) = (Số trứng nở / Số trứng thụ tinh) x 100. - Tỉ lệ sống của cá bột sau 3 ngày tuổi (%) = (Số cá bột 3 ngày tuổi / Số cá bột mới nở) x 100. Các chỉ tiêu trong quá trình ấp trứng Sau khi cá đẻ, trứng được thu và ấp trong bình Weys. Các chỉ tiêu theo dõi: - Kích thước trứng mới đẻ: đo 30 trứng dưới kính hiển vi ngay sau khi cá đẻ. - Kích thước trứng sau khi trương nước (1h sau khi ấp): đo 30 trứng dưới kính hiển vi sau khi đẻ 1h. - Theo dõi quá trình phát triển của phôi: theo dõi dưới kính hiển vi từ khi trứng thụ tinh đến khi trứng nở. - Thời gian trứng nở: từ khi trứng thụ tinh đến khi trứng nở. 2.3. Phương pháp tính toán và xử lí số liệu Các số liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm Excel 2007, SPSS 16.0. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Các chỉ tiêu về môi trường Theo Nguyễn Văn Tư (2005), cá là loài động vật biến nhiệt nên nhiệt độ là yếu tố môi trường ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến quá trình trao đổi chất từ đó ảnh hưởng đến suốt quá trình sinh sản của cá. Mỗi loài cá chỉ thực hiện việc đẻ trứng ở một phạm vi nhiệt độ giới hạn nhất định và nhiệt độ cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình rụng trứng, thụ tinh và phát triển phôi. Ngoài ra, trong sinh sản nhân tạo nhiệt độ thấp thường kéo dài thời gian hiệu ứng để gây rụng trứng. Nhiệt độ cũng là yếu tố gây ảnh hưởng rõ rệt nhất lên sự phát triển phôi. Mỗi loài cá thích ứng với một giới hạn nhất định. Nhìn chung ở vùng ôn đới là 3 – 14 o C, còn ở vùng nhiệt đới khoảng 18 – 32 o C (Lưu Thị Dung và Phạm Quốc Hùng, 2005). Cũng theo Phạm Minh Thành và Nguyễn Văn Kiểm (2009) thì nhiệt độ thích hợp cho phôi phát triển của các loài cá có xuất xứ vùng ĐBSCL và những vùng có vĩ độ thấp là từ 27 – 31 o C. Hầu hết phôi các loài cá đều không có khả năng phát triển trong môi trường quá cao hay quá thấp (pH < 5 hoặc pH > 9) mà cần pH ổn định, thay đổi dù rất nhỏ về pH cũng ảnh hưởng xấu tới phôi. Theo Vương Học Vinh (2008), trong điều kiện các yếu tố môi trường đảm bảo cho sự phát triển của trứng thì sự thay đổi nhiệt độ nước có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển toàn bộ của phôi. Khi nhiệt độ tăng thì thời gian nở của trứng rút ngắn và ngược lại. Qua thực tế và các kết quả nghiên cứu ở đồng bằng Nam Bộ nói riêng và nước ta nói chung nhiệt độ thích ứng cho quá trình phát triển của phôi hầu hết ở các loài cá từ 20 – 30 0 C và thích hợp nhất là từ 26 – 28 o C. Hầu hết các loài cá chỉ sinh trưởng và sinh sản bình thường ở pH từ 6 - 8 và cực thuận khi pH 6,5 – 7,5. Ngoài ngưỡng pH này cá chậm lớn, quá trình thành thục bị ảnh hưởng. Nếu môi trường ấp trứng và cá bột có pH 4,5 – 5 thì trứng và cá bột chết toàn bộ. Mỗi loài cá và mỗi giai đoạn phát triển tuyến sinh dục đều có nhu cầu oxy khác nhau. Hàm lượng DO trong nước từ 3 – 4 mg.l -1 thì quá trình phát triển và thành thục của cá diễn ra bình thường, DO < 2 mg.l -1 thì cá nổi đầu nhẹ. Còn trong từng giai đoạn phát triển của phôi có nhu cầu về lượng oxy hòa tan khác nhau, đồng thời tùy đặc điểm trứng của từng loài mà yêu cầu về oxy hòa tan cũng khác nhau. Những loại trứng bán trôi nổi, hàm lượng Carotenoid trong trứng thấp có nhu cầu oxy cao hơn so với loại trứng có hàm lượng Carotenoid cao. Nhưng nhìn chung DO từ 1,5 – 1,8 mg.l -1 phôi sẽ bị chết ngạt, DO từ 3 – 4 mg.l -1 thì phôi phát triển bình thường. Sự tiêu hao oxy tăng dần theo quá trình phát triển của phôi. Cá sống trong môi trường có pH thấp sẽ chậm phát dục, nếu quá thấp sẽ không đẻ hay ít đẻ. Oxy là chất khí quan trọng nhất trong số các chất khí hòa tan trong môi trường nước. Nó rất cần đối với đời sống sinh vật đặc biệt là đối với thủy sinh vật vì hệ số khuếch tán của oxy trong nước nhỏ hơn trong không khí rất nhiều (Trương Quốc Phú và Vũ Ngọc Út, 2006). Theo Trịnh Thị Lan (2007), NH 3 là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến tỉ lệ sống và sinh trưởng đối với thủy sinh vật. Nồng độ NH 3 tăng khi pH và nhiệt độ tăng. Hàm lượng NH 3 thích hợp cho cá tôm là nhỏ hơn 0,1 mg.l -1 . Theo Nguyễn Đình Trung (2004), đa số các loài cá nuôi có nhiệt độ thích hợp là 20 – 30 o C, pH từ 6 – 9, NH 3 < 0,1 mg.l -1 và nồng độ oxy hoàn tan trong nước từ 3 – 5 mg.l -1 . Trong thí nghiệm này, kết quả các chỉ tiêu môi trường như sau: điều kiện môi trường bể đẻ, bể ấp và bể ương là nhiệt độ 27 – 28 o C; pH = 7,5; NH 3 = 0 mg.l -1 ; DO = 4 mg.l -1 . Với kết quả này thích hợp cho sinh sản, ấp trứng và ương cá Trèn bầu, và kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với sự sinh trưởng của cá Trèn bầu. 3.2. Kích thích sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu bằng cách kết hợp Não thùy với HCG ở các mức liều lượng khác nhau Thí nghiệm đạt được kết quả như bảng sau: Bảng 2: Kết quả các chỉ tiêu sinh sản cá Trèn bầu NT Số cá cái (con) TG hiệu ứng (h) Tỉ lệ cá đẻ (%) SSS thực tế (trứng.kg -1 ) Tỉ lệ trứng thụ tinh (%) Tỉ lệ trứng nở (%) TLS cá bột (%) 1A n = 3 - - - - - - 1B n = 3 - - - - - - 1C n = 3 12,5 – 13,5 100 64.902 ± 116 71,8 ± 3,2 79,2 ± 1,6 76,9 ± 7,1 Kết quả bảng 2 khi sử dụng Não thùy kết hợp với HCG ở ba mức liều lượng 1500, 2000 và 2500 UI.kg -1 cá cái cho thấy: Khối lượng cá cái 55 – 110 g.con -1 (trung bình 73,3 g.con -1 ). Thời gian hiệu ứng khi sử dụng Não thùy kết hợp với HCG nằm trong khoảng 12,5 – 13,5 giờ, ở điều kiện nhiệt độ nước 27 – 28 o C. Thời gian hiệu ứng phụ thuộc rất nhiều vào liều lượng sử dụng, phương thức sử dụng cũng như giai đoạn thành thục của noãn sào trước khi sử dụng chất kích thích (Đỗ Thị Thanh Hương và ctv, 2008). Thời gian hiệu ứng này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Sridhar và ctv (1998) trên cá Trèn bầu nhưng bằng kích dục tố Ovaprim với liều 0,5 ml.kg -1 cá cái, sau 5 – 6 giờ thì cá đẻ. Sự khác biệt này có thể là do liều lượng thuốc sử dụng, loại thuốc sử dụng khác nhau. Ngoài ra điều kiện địa lý cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau này (nghiên cứu của của Sridhar và ctv thực hiện ở Ấn Độ). Tỉ lệ cá đẻ ở nghiệm thức 1C (2 mg Não thùy + 2500 UI HCG cho một kg cá cái) là 100% nhưng ở nghiệm thức 1A (2 mg Não thùy + 1500 UI HCG cho một kg cá cái) và 1B (2 mg Não thùy + 2000 UI HCG cho một kg cá cái) thì cá không đẻ. Theo Vương Học Vinh (2008), tỷ lệ cá đẻ phụ thuộc vào hai nguyên nhân: nhiệt độ khi tiêm và tình trạng của cá. Ở xứ lạnh thì nhiệt độ xuống thấp làm giảm tỷ lệ cá rụng trứng. Tuy nhiên người ta có thể khắc phục trong một biên độ nhiệt độ nhất định bằng cách tăng liều kích dục tố. Ở nước ta, người ta thường cho cá đẻ trong bể. Cá bị mệt lại gặp nhiệt độ cao thì trứng có thể rụng (trong xoang buồng trứng hoặc xoang thân) nhưng cá không đẻ được. Ngoài ra khi, trứng đã rụng mà bị giữ quá lâu trong xoang buồng trứng hoặc xoang thân thì tỷ lệ thụ tinh giảm, nếu quá lâu (hơn 30 phút) trứng không còn khả năng thụ tinh. Kết quả trên cho thấy ở nghiệm thức 1A và 1B cá không tham gia sinh sản có thể là do khâu chọn cá bố mẹ không được tốt (cá chưa sẵn sàng tham gia sinh sản) hoặc liều lượng chất kích thích sinh sản chưa đủ, đặc biệt có một đặc điểm ở cá Trèn bầu khi sinh sản thì cá Trèn bầu đực sẽ quấn ngang bụng cá Trèn bầu cái, lúc đó cá cái phóng trứng ra thì cá đực sẽ phóng tinh. Do đó nếu trứng trong bụng cá cái rụng mà con đực không tham gia vào sinh sản thì cá cái cũng không đẻ trứng. Trong thí nghiệm này cá cái đã rụng trứng mà không sinh sản được, đều này có thể kết luận cá đực chưa tham gia vào sinh sản. Hình 1: Cá Trèn bầu bố mẹ Hình 2: Cá bắt cặp sinh sản Về sức sinh sản thực tế ở nghiệm thức 1C là 64.902 ± 116 trứng.kg -1 cá cái. Đối với tỉ lệ trứng thụ tinh, tỉ lệ trứng nở và tỉ lệ sống cá bột ở nghiệm thức 1C (71,8 ± 3,2; 79,2 ± 1,6; 76,9 ± 7,1 %). Như vậy ở nghiệm thức 1C mới kích thích sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu. 3.3. Kích thích sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu bằng cách kết hợp Não thùy với LHRH – a + DOM ở các mức liều lượng khác nhau Thí nghiệm đạt được kết quả như bảng sau: Bảng 3: Kết quả sử dụng Não thùy kết hợp với LHRH – a + DOM cho cá Trèn bầu sinh sản NT Số cá cái (con) TG hiệu ứng (h) Tỉ lệ cá đẻ (%) SSS thực tế (trứng.kg -1 ) Tỉ lệ trứng thụ tinh (%) Tỉ lệ trứng nở (%) TLS cá bột (%) 2A n = 3 - - - - - - 2B n = 3 12,5 – 13,5 100 67.364 ± 386 a 80,5 ± 1,5 a 89,9 ± 2,5 a 82,7 ± 3,8 a 2C n = 3 12,5 – 13,5 100 67.834 ± 502 a 77,8 ± 6,4 a 89,5 ± 3,5 a 82,1 ± 5,9 a Ghi chú: Trên cùng một cột, các số trung bình theo sau bởi các chữ cái giống nhau thì khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở mức (p > 0,05). Kết quả bảng 3 cho thấy, sử dụng Não thùy kết hợp với LHRH – a + DOM thì cá sinh sản ở nghiệm thức 2B (2 mg Não thùy + 100 µg LHRH – a + 10 mg DOM) và 2C (2 mg Não thùy + 150 µg LHRH – a + 15 mg DOM). Khối lượng cá cái 50 – 95 g.con -1 (trung bình 69,5 g.con -1 ). Thời gian hiệu ứng khi sử dụng Não thùy kết hợp với LHRH – a + DOM đều nằm trong khoảng 12,5 – 13,5 giờ, ở điều kiện nhiệt độ nước 27 – 28 o C, thời gian hiệu ứng này cũng dài hơn so với tiêm chất kích thích sinh sản đơn lẽ. Về sức sinh sản thực tế dao động 67.364 – 67.834 trứng.kg -1 cá cái, tỉ lệ trứng thụ tinh trong khoảng 77,8 – 80,5 %, tỉ lệ trứng nở là 89,5 – 89,9 % và tỉ lệ sống cá bột dao động từ 82,1 – 82,7 % ở nghiệm thức 2B và 2C nhưng không có sự sai khác (p > 0,05). Với các chỉ tiêu trong bảng 3 có thể kết luận rằng dùng 2 mg Não thùy kết hợp với 100 µg LHRH – a + 10 mg DOM hoặc 150 µg LHRH – a + 15 mg DOM để kích thích sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu. 3.4. Kích thích sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu bằng cách kết hợp HCG với LHRH – a + DOM ở các mức liều lượng khác nhau Thí nghiệm đạt được kết quả như bảng sau: Bảng 4: Kết quả sử dụng HCG kết hợp LHRH – a + DOM cho cá Trèn bầu sinh sản NT Số cá cái (con) TG hiệu ứng (h) Tỉ lệ cá đẻ (%) SSS thực tế (trứng.kg -1 ) Tỉ lệ trứng thụ tinh (%) Tỉ lệ trứng nở (%) TLS cá bột (%) 3A n = 3 - - - - - - 3B n = 3 12,5 – 13,5 100 65.133 ± 624 a 72,9 ± 5,2 a 86,1 ± 0,1 a 87,9 ± 2,9 a 3C n = 3 12,5 – 13,5 100 67.884 ± 856 a 71,1 ± 5,9 a 84,1 ± 1,4 a 86,1 ± 1,1 a Ghi chú: Trên cùng một cột, các số trung bình theo sau bởi các chữ cái giống nhau thì khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở mức (p > 0,05). Trong thí nghiệm này sử dụng HCG kết hợp LHRH – a + DOM ở liều lượng (200 UI HCG + 50 µg LHRH – a + 5 mg DOM cho một kg cá cái) không có khả năng gây rụng trứng và kích thích cá đẻ; có thể là do liều lượng chất kích thích sinh sản chưa đủ nên chưa kích thích quá trình chín và rụng trứng. Khối lượng cá cái dao động 50 – 100 g.con -1 (trung bình 71,1 g.con -1 ). Thời gian hiệu ứng khi sử dụng HCG kết hợp với LHRH – a + DOM nằm trong khoảng 12,5 – 13,5 giờ, ở điều kiện nhiệt độ nước 27 – 28 o C. Tỉ lệ cá đẻ ở nghiệm thức 3B (200 UI HCG + 100 µg LHRH – a + 10 mg DOM cho một kg cá cái) và 3C (200 UI HCG + 150 µg LHRH – a + 15 mg DOM cho một kg cá cái) là 100%. Về sức sinh sản thực tế, ở nghiệm thức 3B và 3C dao động từ 65.133 đến 67.884 trứng.kg -1 cá cái. Đối với tỉ lệ trứng thụ tinh ở nghiệm thức 3B và 3C có kết quả từ 71,1 % đến 72,9 %. Tỉ lệ trứng nở là 84,1 % đến 86,1 %. Tỉ lệ sống cá bột dao động từ 86,1 % đến 87,9 %. 3.5. Kích thước trứng cá Trèn bầu Kích thước trứng cá Trèn bầu lúc mới đẻ dao động (1,0 – 1,2 mm), trung bình 1,17 ± 0,07 mm. Sau khi đẻ 60 phút (trương nước) thì kích thước trứng dao động (1,1 – 1,3 mm), trung bình 1,2 ± 0,05 mm. Theo Phạm Thanh Liêm và ctv (2007), kích thước trứng bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố môi trường cũng như nhân tố di truyền, kích thước trứng còn bị ảnh hưởng bởi thức ăn, tuổi và cỡ cá cái. Theo Vương Học Vinh (2008), tùy loài cá mà có mức độ trương nước khác nhau, trứng trương nước có tác dụng như một lớp đệm bảo vệ trứng và là môi trường cho trứng phát triển. Với kết qua này kích thước trứng cá Trèn bầu có phần lớn hơn so với trứng cá Leo (0,9 – 1,1 mm) (Dương Nhật Long và Nguyễn Hoàng Thanh, 2008); trứng cá Tra (0,9 – 1,0 mm); tương đương với trứng cá Chép và cá Trắm cỏ (1,1 - 1,2 mm) (Phạm Minh Thành và Nguyễn Văn Kiểm, 2009). Kết quả này gần tương đương với đường kính trứng cá Trèn bầu mà Sridhar, 1998 đã nghiên cứu là (1,22 ± 0,03 mm). Trứng cá Trèn bầu thuộc loại trứng chìm. 3.6. Quá trình phát triển phôi của cá Trèn bầu Bảng 5: Quá trình phát triển phôi cá Trèn bầu Các giai đoạn phát triển phôi Thời gian sau thụ tinh Hình thành đĩa mầm 25’ 2 phôi bào 40’ 4 phôi bào 50’ 8 phôi bào 60’ 16 phôi bào 1h15’ Nhiều phôi bào 1h47’ Phôi nang cao 3h40’ Phôi nang thấp 4h30’ Đầu phôi vị 4h55’ Cuối phôi vị 5h20’ Hình thành dây sống 7h55’ Hình thành điểm mắt 11h20’ Phôi bắt đầu cử động 12h50’ Cá nở 23h00’ Hình 3: 2 phôi bào Hình 4: Phôi bắt đầu cử động 3.7. Thời gian trứng nở Trong khoảng thời gian ấp trứng nhiệt độ nước khoảng 27 – 28 o C, sau khoảng 23 – 24 giờ tính từ lúc cá đẻ thì trứng nở. Kết quả này tương ứng với kết quả nghiên cứu trên cá Trèn bầu cũng là khoảng 24 – 25 giờ (Sridhar, 1998). 4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ 4.1. Kết luận - Các yếu tố môi trường trong quá trình sinh sản, ấp và ương cá đều nằm trong giới hạn cho phép: Nhiệt độ 27 – 28 o C; pH = 7,5; NH 3 = 0 mg.l -1 ; DO = 4 mg.l -1 . - Kết quả sử dụng kết hợp chất kích thích trong sinh sản cá Trèn bầu cho thấy các nghiệm thức (2 mg Não thùy + 1500 UI HCG); (2 mg Não thùy + 2000 UI HCG); (2 mg Não thùy + 50 µg LHRH – a + 5 mg DOM) và (200 UI HCG + 50 µg LHRH – a + 5 mg DOM) chưa kích thích cá sinh sản được. - Trứng cá Trèn bầu thuộc loại trứng chìm. Kích thước trứng cá Trèn bầu lúc mới đẻ trung bình là 1,17 ± 0,07 mm. Sau khi đẻ 60 phút (trương nước) thì kích thước trung bình là 1,2 ± 0,05 mm. - Ở nhiệt độ nước 27 – 28 o C thì thời gian hiệu ứng dao động 12,5 – 13,5 giờ; thời gian phát triển phôi khoảng 23 giờ; thời gian trứng nở thành cá bột dao động từ 23 – 24 giờ. 4.2. Đề nghị - Nghiên cứu nuôi vỗ thành thục cá Trèn bầu trong các điều kiện khác nhau và nuôi vỗ tái thành thục; - Nghiên cứu ương cá Trèn bầu bằng các loại thức ăn và mật độ khác nhau. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Dương Nhựt Long và Nguyễn Hoàng Thanh (2008). Kết quả bước đầu về sinh sản nhân tạo cá Leo (Wallago attu Schneider). Tạp chí nghiên cứu khoa học 2008 (2): 29 – 38. 2. Đỗ Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Hồng Thắm và Nguyễn Anh Tuấn (2008). Kết quả bước đầu về sản xuất giống nhân tạo lươn đồng (Monopterus albus). Tạp chí khoa học 2008 (2) : 50 – 58. 3. MRC (2008) Fish of the Mekong Delta. 288 trang. 4. Nguyễn Đình Trung (2004). Bài giảng quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản. Hà Nội: Nxb. Nông Nghiệp. 5. Nguyễn Văn Tư (2005) Bài giảng Sinh lý cá và giáp xác. Khoa Thủy sản – Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. 6. Phạm Thanh Liêm và Trần Đắc Định (2004) Giáo trình Phương pháp nghiên cứu sinh học cá. Tủ sách Đại học Cần Thơ. 81 trang. 7. Phạm Minh Thành và Nguyễn Văn Kiểm (2009). Cơ sở khoa học và kỹ thuật sản xuất cá giống. TP HCM: Nhà xuất bản nông nghiệp. 8. Poulsen.A. F, Hortle. K. G, Valbo – Jorgensen. J, Chan. S, Chhuon. C. K, Viarvong. S, Bouakhamvongsa. K, Suntornratana. U, Yooroong. N, Nguyễn Thanh Tùng, và Trần Quốc Bảo (2005). Phân bố sinh thái một số loài cá sông quan trọng ở hạ lưu sông Mekong (Distribution and Ecology of Some Important Riverine Fish Species of the Mekong River Basin). TP Hồ Chí Minh: Nxb. Nông nghiệp, 120 trang. 9. Sridhar. S, Vijayakumar. C and Haniffa. M. A (1997). Induced spawning and establishment of a captive population for an endangered fish, Ompok bimaculatus in India. Centre for Aquaculture Research and Extension, St. Xavier’s College, Palayamkottai 627 002, India. Available from: http://www.ias.ac.in/currsci/nov251998/articles27.htm, Accessed : (10.03.2011). 10. Trịnh Thị Lan (2007) Tài liệu giảng dạy Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi thủy sản. Khoa Nông nghiệp – TNTN. Trường Đại học An Giang. 11. Trương Quốc Phú và Vũ Ngọc Út (2006) Bài giảng Quản lý chất lượng nước. Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ. 12. Vương Học Vinh (2008). Bài giảng tóm tắt môn sản xuất giống cá nước ngọt. Khoa Nông Nghiệp – Tài Nguyên Thiên Nhiên. Trường Đại học An Giang. [...]...TRI ON INCLUCING THE ARTIFICIAL SPAWNING OF BUTTER CATFISH Ompok bimaculatus BY COMBINATION OF GONADOTROPHIC HORMONES ABSTRACT This study was conducted at the Experimental Farm of Fisheries, Faculty of Agriculture and Natural Resources, An Giang University and was... 3: 86,98% ± 1,02 The effect time was 12,5 to 13,5 hours At the temperature of 27 – 28 oC, the duration for embryo growth was from 23 to 24 hours The egg diameter was from 1,17 ± 0,07 mm The eggs of Ompok bimaculatus is sink eggs . tài Kích thích sinh sản nhân tạo cá trèn bầu (Ompok bimaculatus) bằng cách kết hợp các loại chất kích thích sinh sản được lựa chọn thực hiện nhằm góp phần đa dạng hóa số lượng loài thủy sản. KÍCH THÍCH SINH SẢN NHÂN TẠO CÁ TRÈN BẦU Ompok bimaculatus BẰNG CÁCH KẾT HỢP CÁC LOẠI CHẤT KÍCH THÍCH SINH SẢN Lê Văn Lễnh Đại học An Giang TÓM TẮT Nghiên. Với kết quả này thích hợp cho sinh sản, ấp trứng và ương cá Trèn bầu, và kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với sự sinh trưởng của cá Trèn bầu. 3.2. Kích thích sinh sản nhân tạo cá Trèn bầu bằng

Ngày đăng: 24/08/2015, 09:37

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan