vai trò của sách đối với thanh niên

8 402 0
vai trò của sách đối với thanh niên

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

9 VAI TRÒ CỦA SÁCH ĐỐI VỚI THANH NIÊN ThS. Diệp Phương Chi 0904931963 chidp@hcmute.edu.vn Viện Sư phạm Kỹ thuật ********* Người Do Thái - một dân tộc được xem là thông minh, trí tuệ nhất thế giới với chỉ hơn 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% giải Nobel trên thế giới - rất yêu sách. Họ có truyền thống đặt tủ sách ngay ở đầu giường để có thể thường xuyên đọc được nhiều sách. Theo truyền thuyết, trên phần mộ của những người Do Thái thường được đặt một quyển sách với niềm tin rằng người đã khuất cũng sẽ hiện về xem sách trong đêm khuya. Người Do Thái không bao giờ đốt sách, cho dù đó là cuốn sách đả kích họ. Và một trong những điều dạy con đầu tiên của một người mẹ Do Thái đó chính là đọc sách, những đứa trẻ Do Thái ngay từ nhỏ đã luôn được dạy rằng những trang sách là những điều hết sức ngọt ngào. Như vậy, một dân tộc của những tên tuổi lớn của thế giới như nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein, nhà phân tâm học Sigmund Freud, họa sĩ theo trường phái lập thể Picasso, người sáng tạo ra chủ nghĩa cộng sản Karl Marx hay những người thành đạt, giàu có nhất thế giới như Bill Gates, Warren Bufett, Micheal Dell… đã biết giá trị của sách đối với sự phát triển của một con người - đặc biệt là từ khi người ấy còn rất nhỏ. Mỗi con người đều là một phần của xã hội, và thế hệ thanh niên sẽ là ngày mai của một đất nước. Thế hệ thanh niên có trưởng thành và phát triển lành mạnh thì một đất nước mới có thể đứng dậy và tỏa sáng. Vậy sách có vai trò như thế nào trong quá trình phát triển và trưởng thành đó của thanh niên? Khi bàn về vai trò của sách đối với thanh niên, nhất là đối với thanh niên Việt Nam trong thời đại mới, thời kỳ kinh tế thị trường, gia nhập WTO và khi cả đất nước đang phải nỗ lực để tránh khỏi sự tụt hậu, kém phát triển so với các nước khác trên thế giới, có thể nhận thấy sách có những giá trị vô cùng to lớn sau: Thứ nhất, sách giúp thanh niên Việt Nam bồi dưỡng tâm hồn, định hướng lý tưởng và các giá trị sống chân chính. Những cuốn sách văn học sẽ bồi dưỡng cho người trẻ một tâm hồn giàu cảm xúc, biết rung động trước cuộc sống, biết hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ, biết yêu thương đồng loại, yêu thương đồng bào, 10 yêu thiên nhiên và yêu tổ quốc, biết phân biệt ranh giới giữa cái đúng và cái sai, cái thiện và cái ác, và giữa những xu hướng rối rắm, những tác động lệch chuẩn từ phía xã hội thì biết tự chọn cho mình được một lý tưởng sống phù hợp, tích cực, lành mạnh và chân chính. Trong những thời kỳ chuyển giao, môi trường xã hội đôi khi có những điều lệch chuẩn tác động xấu đến tâm lý của thanh niên, khiến người trẻ hoang mang, mất định hướng, mất niềm tin, không xác định được mình nên sống ra sao, nên sống như thế nào cho hợp lý để vừa có ích cho bản thân mình, cho gia đình và cho xã hội mà không bị thiệt thòi, không phải trả giá. Thật ra, đó là câu hỏi không bao giờ là đơn giản đối với tất cả mọi người, không phải chỉ riêng đối với những người trẻ cũng như không phải chỉ trong một thế hệ, như lời một bài hát từng trăn trở: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình…” (Một rừng cây, một đời người - Trần Long Ẩn). Cần phải sống như thế nào, đó là một câu hỏi không dễ trả lời, và có lẽ cũng không thể có một lời giải đáp hoàn mỹ, vừa nhân văn lại vừa thực tế cho câu hỏi ấy. Thế nhưng các bạn trẻ hãy đọc sách đi, hãy đọc thật nhiều sách văn học, để rồi mỗi người sẽ tự rút ra cho mình một câu trả lời riêng, hợp lý. Sách văn học đích thực bao giờ cũng giúp con người hướng đến những điều chân chính, những giá trị sống tốt đẹp, giúp con người biết rung cảm sâu xa trước cuộc sống, để rồi biết yêu thương những mảnh đời đau khổ hơn mình của đồng bào xung quanh, biết đồng cảm với những mất mát, bất hạnh của người khác, biết khinh thường những cái xấu xa và yêu mến, tôn trọng những điều thiện lương, tốt đẹp, từ đó biết tự lựa chọn cho mình một cách sống lành mạnh, trong sáng và hữu ích hơn. Những thanh niên không biết cảm động trước một cảnh một người già một mình run rẩy sang đường, không chìa tay giúp đỡ một người tàn tật khi cần thiết, nhìn những người dân của quê hương mình còn quá lam lũ, khổ cực mà không thấy xót xa…thì sẽ tạo nên một xã hội của những con người chỉ biết ích kỷ lo hưởng thụ cho bản thân, ngồi vô bổ bình luận, “ném đá” chỉ trích những “người ảo” xa lạ trên mạng, không nói những điều nhân văn, làm những điều nhân văn và lao động chăm chỉ để góp tay xây dựng tổ quốc mình. Nếu thanh niên mà không phân biệt được chuyện nào đúng và chuyện nào sai, không thấy được thói tham lam, dối trá, lười biếng và đố kỵ là thói xấu, nhìn những chuyện tiêu cực lệch chuẩn mà hùa theo, không có chính kiến của mình, lại còn cho rằng đó là cách sống “khôn ngoan” để học hỏi và thích nghi theo… thì sẽ tạo nên một xã hội của những người chỉ biết vơ vét cho bản thân, bất chấp lợi ích cộng đồng, méo mó lệch chuẩn và chắc chắn chỉ có con đường tụt hậu, bởi không có một xã hội nào có thể phát triển dựa trên sự mánh lới, khôn lỏi, đố kỵ và giả dối, chỉ có một xã hội với những người dân chăm chỉ lao động chân chính, nâng đỡ lẫn nhau, khuyến khích lẫn 11 nhau thì mới có thể phát triển nhanh và xa. Nếu một thanh niên mà chỉ mải mê xem giá trị vật chất là giá trị cốt lõi, chạy theo những hào nhoáng của mảnh áo, manh quần, xe cộ phù phiếm… mà không quan tâm đến việc bảo vệ thiên nhiên, không lo học hành làm giàu kiến thức và lao động để đóng góp cho xã hội, không biết rung động trước vẻ đẹp của cuộc sống thì với một tâm hồn nghèo nàn, trống rỗng, người ấy lãng phí cuộc đời mình và sống không có ý nghĩa với xã hội cũng như đất nước. Sách văn học giúp cho thanh niên có tâm hồn trong sáng hơn, hướng thiện hơn, biết quý sự trung thực, biết hướng tới cái đẹp, định hướng lối sống lành mạnh và biết xem thường, tẩy chay cái xấu xa. Đã có một thời, thế hệ cha anh ở tuổi thanh niên đã mải mê đọc “Thép đã tôi thế đấy”, “Ti-mua và đồng đội”, “Ruồi trâu”, “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, “Những tấm lòng cao cả”,… thế nên đã có một thế hệ sống trong sáng, cao thượng, hồn nhiên, dám hy sinh tất cả cho người khác và cho đất nước như “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Đã có một thời, trẻ con và thanh niên ai ai cũng đọc “Ông già Khốt-ta-bít”, “Gu-li-vơ du kí”, “Không gia đình”, “Mít đặc và các bạn”, “Cuộc phiêu lưu của Varik và Valia”, “Cánh buồm đỏ thắm”, “Những người khốn khổ”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Những người thích đùa”, “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, “Giamilia-truyện núi đồi và thảo nguyên”, “Bông hồng vàng và bình minh mưa”, “Anna Karenina”, “Tội ác và trừng phạt”, “Miếng da lừa”, “Tình yêu cuộc sống”, “Ông già và biển cả”, “Bà ấy xuống xe ở Bom-bay”, “Miếng bít-tết”, “Đi-tê con của người đời”, “Quê nội”, “Dế mèn phiêu lưu kí”, “Tắt đèn”,… Trong đó, mọi vấn đề về cuộc sống, xã hội và tình yêu, mọi giá trị nhân bản, nhân văn được đề cập, bồi đắp cho con người thẩm mỹ nhìn nhận, trí tưởng tượng, lòng nhân ái, nghị lực, sự phẫn nộ trước bất công xã hội, sự đau đớn đồng cảm với nỗi đau con người. Người ta biết đằng sau nụ cười châm biếm hài hước của Azit Nê-xin trong “Những người thích đùa” là nước mắt, là sự đau khổ của nhà văn trước thực trạng nhiễu nhương, giả dối, sự đảo lộn mọi giá trị của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ quê hương ông, là tình yêu quê hương tha thiết của ông, từ đó người ta biết cười vào những cái xấu, đứng trên những cái xấu để mà cao hơn nó, để mà góp tay tiêu diệt nó. Người ta biết đằng sau thuyền trưởng Nê-rô (Hai vạn dặm dưới đáy biển - Jules Verne) là trí tưởng tượng vô tận của con người về thế giới thiên nhiên, về đại dương sâu thẳm, về khao khát tự do, công bằng và về lòng nhân ái, đằng sau “Cuộc phiêu lưu của Karik và Valia” là lòng yêu thiên nhiên đến từng ngọn cây gốc cỏ, từng loài côn trùng, sự nâng niu trân trọng từng sự sống trong tự nhiên. Ai đã từng đọc những cuốn sách như vậy, chắc không thể nào ra tay tàn phá thiên nhiên, giết hại cây 12 xanh hoặc thiếu trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh… Đồng thời, qua những cuốn sách về văn học dân gian, những người trẻ Việt Nam sẽ hiểu thêm và trân trọng thêm những giá trị truyền thống của văn hóa ông cha, để biết yêu và bảo tồn văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở hơn. Đọc những cuốn sách về kho tàng tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam, truyện cổ tích Việt Nam, câu đố, truyện cười, vè… lại càng thêm yêu mến tâm hồn ông cha, gắn bó với truyền thống dân tộc hơn. Hoặc qua những bài thơ, những cuốn sách hay ca ngợi quê hương đất nước, thanh niên càng thêm tự hào và yêu tha thiết những vẻ đẹp thiên nhiên, những vẻ đẹp văn hóa của dân tộc: “Ai về bên kia sông Đuống Cho ta gửi tấm the đen Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên Những hội hè đình đám Trên núi Thiên Thai Trong chùa Bút Tháp Giữa huyện Lang Tài Gửi về may áo cho ai Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?” (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm) Mỗi cuốn sách văn học đều chứa đựng trong nó một giá trị định hướng nhân văn vô cùng to lớn, giúp thanh lọc hồn người, và thật nhiều thanh niên đọc sách văn học sẽ góp phần tạo ra một ngày mai tươi sáng hơn của đất nước. Bởi tất cả mọi vấn đề về kỹ thuật hay về kinh tế, suy cho cùng đầu tiên cũng phải để phục vụ con người, vì con người, cho con người, hướng tới con người, và cao hơn cả là hướng tới tổ quốc, cũng như tổ quốc có phát triển được hay không, có tiến lên được hay không, suy cho cùng cũng là do yếu tố con người, như Tố Hữu đã từng viết từ năm 1971 nhưng giá trị cho đến nay thật ra không hề thay đổi: Ta sẽ khai những mỏ dầu mỏ sắt Đóng những con tàu đi khắp đại dương Nhưng phải luyện những con người đẹp nhất Biết căm thù và biết yêu thương (Tố Hữu – Bài ca xuân 71) Sách văn học sẽ giúp bồi dưỡng hồn người, định hướng lý tưởng sống và định hướng được giá trị chân - thiện - mỹ cho thanh niên trong mọi hoàn cảnh xã hội khác nhau. 13 Thứ hai, sách là nguồn kinh nghiệm sống vô tận từ ông cha và từ nhân loại đối với thanh niên. Có câu nói rằng: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách” - (All that mankind has done, thought or been: it is lying as in magic preservation in the pages of books - Thomas Carlyle). Đối với những thanh niên đang nỗ lực trưởng thành, còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, thì sách là một người thầy vĩ đại, cung cấp một nguồn kinh nghiệm sống vô tận từ ông cha và từ nhân loại đến cho thanh niên. Chẳng hạn, khi đọc kho tàng ca dao, tục ngữ của ông cha, có thể tham khảo rất nhiều kinh nghiệm ứng xử, kinh nghiệm sống mà nhiều thế hệ cha ông đã rút ra qua hàng ngàn năm: “ Lời nói chẳng mất tiền mua Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” “Chớ thấy sóng cả mà lo Sóng thì mặc sóng, chèo cho có chừng” “Thói thường gần mực thì đen Anh em bạn hữu phải nên chọn người” “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng” Sách có thể truyền cho đại chúng rất nhiều kinh nghiệm sống giá trị. Thanh niên có thể học hỏi từ cách “Đời thay đổi khi ta thay đổi”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống” hay “Đắc nhân tâm”, cho đến những bí quyết làm giàu của người Do Thái, của những người nổi tiếng, thành đạt trên thế giới. Thanh niên có thể đọc cả những kinh nghiệm về nuôi dạy con, về quan niệm sắp xếp đời sống hằng ngày qua sách vở để có thể tự quản lí tốt cuộc sống trong hiện tại và tương lai của mình, có thể tiếp xúc với tư duy của những người ở những miền đất khác nhau, đã viết sách để truyền lại kinh nghiệm của mình cho những người khác, cho những thế hệ khác. Có thể tìm thấy mọi chủ đề kinh nghiệm và tri thức ở mọi lĩnh vực khác nhau trong sách từ cổ chí kim. Sách chứa đựng mọi tri thức của nhân loại, là suối nguồn tri thức nhân loại, do đó, tiếp cận với sách là con đường ngắn nhất để thanh niên có thể tiếp thu nhiều kinh nghiệm nhân loại, tiếp kiệm được biết bao nhiêu thời gian, hạn chế bớt những sai lầm, trả giá. Các thành quả phát hiện tri thức của cha ông, các kinh nghiệm của tiền nhân qua hàng nghìn năm đã được ghi chép, lưu truyền trong sách. Mọi kinh nghiệm về khoa học, mọi tri thức khoa học cũng đều có tính kế thừa, đó là nhờ được lưu 14 trữ, bảo tồn trong sách. Nhân loại muốn tiến lên về khoa học, về học thuật, thì phải kế thừa các thành quả về khoa học, học thuật từ quá khứ, từ thế hệ đi trước. Cũng cần chú ý, người Do Thái có câu rằng: “Đừng làm con lừa thồ sách”, hoặc người Đức có câu châm ngôn: “Biết cách sử dụng một quyển bách khoa toàn thư thì tốt hơn trở thành một quyển bách khoa toàn thư”, có ý muốn khuyên rằng đọc phải đi đôi với ứng dụng, chớ nên chỉ đọc lý thuyết suông, tiếp nhận kinh nghiệm và trí thức suông rồi để đó mà không áp dụng vào thực tế. Có như thế mới phát huy được hết vai trò truyền kinh nghiệm của sách. Như vậy, sách là nguồn tri thức và kinh nghiệm phong phú vô tận của loài người về tất cả mọi mặt của cuộc sống: từ chuyên môn cho tới kinh nghiệm kiến thức phổ thông, từ vấn đề triết học lớn lao, vấn đề kinh tế vi mô vĩ mô, vấn đề khoa học, kỹ thuật phức tạp cho tới vấn đề nấu ăn, dinh dưỡng hằng ngày, vấn đề văn hóa ứng xử… Người trẻ nên cố gắng mở rộng đọc nhiều các thể loại sách khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau. Có xu hướng cho rằng ai học chuyên môn nào thì chỉ cần đọc sách trong chuyên môn đó thôi, như thế là được rồi vì chỉ cần kinh nghiệm của chuyên môn đó. Thật ra, mọi tri thức trên đời đều có mối liên hệ với nhau, bởi mọi thứ trên đời đều có sự liên hệ lẫn nhau không thể cô lập, tách rời. Ví dụ một người nghiên cứu khoa học giáo dục, thì cũng phải đọc cả về tâm lí, triết học, xã hội học, văn hóa, nghệ thuật, văn học, thậm chí cả về âm nhạc, hội họa… bởi khoa học giáo dục có liên quan mật thiết đến mọi vấn đề về con người, về cảm xúc, về thẩm mĩ, một nhà giáo dục ở góc độ nào đó cũng là một nhà nghệ thuật; Tương tự, một người nghiên cứu chính trị học thì phải đọc cả sách lịch sử, kinh tế, pháp luật, triết học, quân sự, tâm lý học, ngoại giao…Bởi vấn đề chính trị có liên quan đến mọi khía cạnh trên; Một người học về kỹ thuật cơ khí, thì cũng phải đọc cả sách về điện, về đồ họa, về công nghệ thông tin, về kinh tế, về quản lý… bởi việc hành nghề thực tế có thể đòi hỏi tất cả mọi kiến thức liên quan trên, nhất là khi ngày nay, yếu tố liên chuyên ngành đóng một vai trò ngày một quan trọng và cấp thiết hơn. Hơn nữa, kiến thức thì có nhiều loại, bao gồm từ những kiến thức phổ thông mà con người dù là ai cũng cần phải biết cho đến những kiến thức chuyên môn sâu. Và dù là người học ở chuyên ngành nào, cũng vẫn phải nên đọc sách văn học, vì sách văn học giúp bồi dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng đạo đức nói chung. Một người với tâm hồn nghèo nàn, đơn điệu, thì dù làm việc gì cũng dễ gặp khó khăn hoặc khó phát triển cao, ví dụ như có học kinh tế mà tâm hồn nghèo nàn, suy nghĩ đơn điệu, thì trao đổi cùng đối tác cũng không thuận lợi, khó thu hút được khách hàng, hay một người 15 học kỹ thuật mà thiếu trí tưởng tượng, thiếu tính nhân văn, không có một lý tưởng sống đẹp hoặc một hoài bão trong cuộc sống thì cũng khó đạt đến sự thành đạt lớn, thiếu động lực nỗ lực và tiến xa. Thứ ba, sách cung cấp và bồi dưỡng tri thức chuyên môn cho thanh niên. Như đã nói ở khía cạnh đầu, sách có giá trị giáo dục, góp phần bồi dưỡng tâm hồn và định hướng lý tưởng cho thanh niên. Nhưng thanh niên chúng ta cũng hay gặp cảnh “năng lực chưa đủ để phục vụ lý tưởng”. Để bồi dưỡng năng lực, chúng ta đi học ở nhà trường, học ở thầy, ở bạn. Thế nhưng kiến thức ở nhà trường, ở thầy, ở bạn cũng không thể đủ để bồi dưỡng năng lực cho chúng ta, và “Chúng ta sẽ trở thành gì phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi tất cả các thầy cô giáo đã xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở” – What we become depends on what we read after all of the professors have finished with us. The greatest university of all is a collection of books (Thomas Carlyle). Tri thức chuyên môn ngày càng nhiều, chương trình trong nhà trường không thể cung cấp đủ mọi kiến thức cho thanh niên để đáp ứng được hết yêu cầu của nghề nghiệp trong thực tế, chưa kể một số vấn đề về lạc hậu tri thức mà nhà trường do một số lí do nào đó mà chưa thể cập nhật được. Do đó, người trẻ ngoài đọc sách giáo trình trong nhà trường còn nên tự tìm thêm nhiều sách chuyên môn bên ngoài để tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực nghề nghiệp cho mình. Cuối cùng, bàn về cách đọc sách, thanh niên chúng ta nên đọc sách như thế nào cho có hiệu quả và đỡ lãng phí thời gian? Ở đây, người viết xin chia sẻ một số suy nghĩ riêng từ kinh nghiệm riêng như sau: Về vấn đề lựa chọn sách: Chọn sách văn học: như đã nói, dù bạn đang học ngành gì, đang nghiên cứu chuyên môn gì, bạn cũng vẫn cần đọc các thể loại sách văn học để bồi dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng tư duy nói chung. Nên lựa chọn ưu tiên đọc ít nhất được một số những quyển sách văn học kinh điển, nổi tiếng thế giới vì nó chứa rất nhiều giá trị nhân văn tinh túy của nhân loại, nếu có điều kiện thì sau đó sẽ đọc nhiều hơn. Sau đó là những tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu qua các thời kì, từ truyện Kiều - Nguyễn Du cho đến một số văn học thiếu nhi, văn học hiện thực phê phán 30-45, văn học hiện đại tiêu biểu được nhiều người nhắc tới trong điều kiện thời gian cho phép. 16 Chọn các thể loại sách khác: Chọn các sách có liên quan gần hoặc xa tới chuyên môn của mình; chọn đa dạng các loại sách khác nhau để có thêm kinh nghiệm phong phú nhiều mảng; Chọn sách chuyên môn: Ưu tiên những quyển có giá trị của những tác giả có tên tuổi hoặc những quyển sách mà giáo viên hoặc người nào am hiểu hơn chúng ta đề nghị, giới thiệu cho chúng ta. Tuy nhiên, vì thời gian của chúng ta có hạn, lại có quá nhiều mối quan tâm khác nhau trong cuộc sống, thời gian đọc sách trên thực tế là không thể có nhiều, thế nên không cần ưu tiên đọc nhiều mà cần ưu tiên chọn đúng sách và đọc cho kỹ. Đọc ít mà hiểu kỹ, thấm sâu thì tốt hơn là cái gì cũng đọc nhưng không lưu lại được gì. Về kỹ thuật đọc sách: Đầu tiên đọc thật kỹ tên sách, bởi tên sách thường là sự cô đọng “tinh cất” chủ đề của quyển sách. Tiếp theo nên đọc kỹ phần mục lục để có sự hình dung cấu trúc nội dung quyển sách. Sau đó, tùy theo mục đích và nhu cầu nắm bắt thông tin mà có thể lựa chọn hoặc phối hợp đọc lướt, đọc sâu, đọc toàn bộ hay chỉ cần đọc một phần nội dung cần thiết. Cần tập trung chú ý khi đọc thì mới nắm bắt được nội dung. Khi cần thiết, có thể vừa đọc vừa ghi chép, ghi chú ra giấy hoặc ra sổ tay bên ngoài những từ khóa hoặc những ý chính; Trường hợp nội dung quá phức tạp, có thể sử dụng sơ đồ tư duy (mind map) để khái quát hóa, tổng hợp nội dung. Nên đọc lại nhiều lần nội dung quan trọng để hiểu rõ, hiểu kỹ và nhớ được. Như vậy có thể thấy, sách đối với thanh niên vừa là một người thầy giỏi, vừa như một người bạn tốt. Thanh niên cần xác định được vai trò quan trọng và tích cực của sách đối với sự phát triển và trưởng thành của bản thân mình, sự hỗ trợ rất to lớn của sách đối với tinh thần thanh niên, chống lại những hoang mang, mất định hướng trong cuộc sống, đồng thời tích lũy dần dà kiến thức, bồi dưỡng năng lực để góp phần xây dựng đất nước theo khả năng của mình. Sách cũng kích thích nhiều ước mơ của thanh niên, khơi dậy mong muốn sống có ý nghĩa và sống tốt đẹp, tiếp tục trải nghiệm mọi vẻ đẹp của cuộc sống: “Bạn càng đọc nhiều, bạn càng biết nhiều. Bạn càng học nhiều, bạn càng đi nhiều” - The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go (Dr. Seuss). . thấy, sách đối với thanh niên vừa là một người thầy giỏi, vừa như một người bạn tốt. Thanh niên cần xác định được vai trò quan trọng và tích cực của sách đối với sự phát triển và trưởng thành của. trong quá trình phát triển và trưởng thành đó của thanh niên? Khi bàn về vai trò của sách đối với thanh niên, nhất là đối với thanh niên Việt Nam trong thời đại mới, thời kỳ kinh tế thị trường,. biết giá trị của sách đối với sự phát triển của một con người - đặc biệt là từ khi người ấy còn rất nhỏ. Mỗi con người đều là một phần của xã hội, và thế hệ thanh niên sẽ là ngày mai của một đất

Ngày đăng: 01/06/2015, 12:12

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan