Văn học cung đình và văn học thành thị ở Thăng Long _1 pdf

7 363 0
Văn học cung đình và văn học thành thị ở Thăng Long _1 pdf

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Văn học cung đình và văn học thành thị ở Thăng Long Về đề tài, văn học cung đình đề cập đến những vấn đề chính trị lớn của triều đại như đường lối chính trị, đối nội và đối ngoại, vấn đề quốc gia, dân tộc. Các cảm xúc, tư tưởng, hình tượng nghệ thuật đều trực tiếp hay gián tiếp có quan hệ với điểm nhìn xã hội, dân tộc của các tác giả cung đình này. Đi sâu vào các hình thức diễn ngôn và tự sự của văn học cung đình cũng có nhiều chuyện phức tạp. Ở hình thái điển hình của nó, các bậc hoàng đế, các vị quý tộc khi sáng tác thơ văn, dù là kín đáo hay lộ liễu, tất nhiên phải gợi mở tinh thần đề cao, tán dương, khẳng định triều đại, khai mở cho cảm hứng “ca công tụng đức” vốn có tiềm năng không nhỏ nơi các văn sĩ triều thần gần gũi. Đó là chuyện xướng họa thơ văn của vua tôi Lê Thánh Tông với ngót 30 văn thần nổi tiếng. Nhà vua tỏ ra “khiêm tốn” với câu thơ gợi mở “Bố đức thi nhân tín vị năng/ Hoàng thiên tích phúc lũy phong đăng” (Ta tin là chưa có thể làm điều ban bố nhân, đức nhưng may được trời giáng phúc, cho mấy năm được mùa liên tiếp) như để thăm dò suy nghĩ của các văn thần về mình. Tất nhiên, các văn thần thông minh đã đón bắt ý của quân vương rất nhanh. Thân Nhân Trung viết “Cách thiên đế đức diệu toàn năng/ hiệp ứng hưu trưng bách cốc đăng” (Đức của nhà vua cảm thấu đến trời nên xảy ra điều kỳ lạ/ Điềm lành hiện ra, mùa màng tươi tốt). Đến thế kỷ XVIII, tuy song song tồn tại cung vua phủ chúa, một thể chế chính trị được giới nghiên cứu gọi là “lưỡng đầu chế”, song quyền lực thực sự nằm trong tay các chúa Trịnh (3) . Mô hình diễn ngôn của văn học cung đình thời Lê - Trịnh có thể cho ta biết quyền lực thực sự thuộc về các chúa Trịnh điều này. Sách Lịch triều tạp kỷ chép tháng 5 năm 1717, Trịnh Cương sai các triều sĩ soạn bài châm Biết người đem dâng để thử xem tài học súc tích đến đâu. Đặng Đình Tướng, Nguyễn Quý Đức cùng soạn bài châm Biết người dâng chúa, trong đó có những câu ca tụng như Cao cả thay chúa thượng ta là bậc thánh ! Thông minh tính trời (4) … Năm 1721, chúa Trịnh Cương đi chơi hồ Tây, “bọn Trịnh Quán, Đặng Đình Tướng, Nguyễn Công Hãng và Lê Anh Tuấn đều đi hộ giá. Chúa Trịnh đích thân làm hai bài thơ quốc âm để ban cho họ. Trong thơ có ví (chúa tôi họ) như cảnh cá gặp nước, tương đắc với nhau. Bọn Quán đều có dâng thư ca tụng và tạ ơn nhà chúa” (5) . Việc làm của Trịnh Cương tựa hồ như mô phỏng cử chỉ sáng tác văn học cung đình của Lê Thánh Tông, ban phát cho quần thần cơ hội để ca tụng mình, để khẳng định uy quyền tuyệt đối của mình hoặc khen ngợi lòng trung thành của bề tôi và văn thơ được xem như một phương tiện hữu hiệu để thực hiện mục đích đó. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp chúa Trịnh ban, tặng thơ cho các quan lại, kể cả thơ Hán và thơ Nôm. Nhìn chung, những lối thơ tụng ca cung đình, khuyến khích lòng trung thành này ít có giá trị văn học vì chúng thường khuôn sáo, công thức, thù tạc. Không ít tác giả của văn học cung đình kẻ kín đáo, người lộ liễu ca ngợi triều đại. Vua chúa thì khen ngợi quần thần, khích lệ sự cúc cung tận tụy. Mặt khác, trên cương vị là những người “thống trị”, dẫn đạo xã hội (ở đây chúng ta không bàn về những con đường đi đến vị trí lãnh đạo này), tác giả văn học cung đình còn quan tâm đến một mảng đề tài khác- vấn đề tu dưỡng nhân cách đạo đức để xứng đáng với địa vị đó. Các bậc quan lại, công khanh, quý tộc, sĩ đại phu, tướng lãnh có thể gắn liền sự tu thân gắng chí với sự tồn vong của quốc gia Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san (Trần Quang Khải), đó là giang sơn đất nước chung của tất cả nhưng trước hết là giang sơn nhà Trần và người phát ngôn ở đây là Thượng tướng. Tác giả bài thơ Thuật hoài nổi tiếng Phạm Ngũ Lão tuy xuất thân từ bình dân nhưng trở thành môn khách và con rể Trần Quốc Tuấn, rồi chính ông cũng có con gái làm thứ phi, như thế thì ông nói “thẹn” khi nghe chuyện Vũ hầu là một cảm xúc hữu trách có tính khuynh hướng của người sẽ/ đã bước vào chốn cung đình, vào môi trường quý tộc. Trần Quốc Tuấn viết lời dụ chư tướng trong Binh gia yếu lược đã nói thẳng ra là sự tồn vong của đất nước liên quan trực tiếp đến điền trang thái ấp, bổng lộc vinh hoa của chính ông và các tướng lĩnh, quý tộc, từ đó mà khích lệ chư tướng có chí tiến thủ: “Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan mà vợ con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các người cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận” - một viễn cảnh đầy đe dọa nếu tầng lớp tướng lĩnh không chịu giữ ý chí tiến thủ. Mấy thế kỷ XIV-XV, âm vang của văn học cung đình còn thấy trong những bài thơ, phú khai thác đề tài lịch sử để gián tiếp và kín đáo gửi thông điệp cho các bậc quân vương chú ý đến nguyên lý đức trị tại đức bất tại hiểm. Trương Hán Siêu viết Bạch Đằng giang phú, Nguyễn Sưởng viết thơ Bạch Đằng giang, Lý Tử Tấn làm Chí Linh sơn phú, Xương Giang phú… đều nhấn mạnh tư tưởng tại đức bất tại hiểm như một triết học chính trị để nhắn gửi cho các bậc quân vương. Họ mượn đề tài lịch sử, vẻ ngoài ca ngợi các chiến công lừng lẫy tại các địa danh này, song thực ra là muốn kín đáo nhắn nhủ bài học đạo đức. Xác nhận quan tâm chung của nhiều thế hệ nho sĩ về triết lý này là ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: khi Hồ Quý Ly chuyển kinh đô về Thanh Hóa, Nguyễn Nhữ Thuyết đã can gián bằng một triết lý “Tại đức bất tại hiểm”. Sự thành bại của một sự nghiệp không phải dựa vào thế hiểm yếu của giang sơn mà tại đức của người lãnh đạo. Cũng theo bộ sử này, Hồ Quý Ly tỏ ra không thích nghe lời khuyên này nên đã cách chức Nguyễn Như Thuyết (6) . Xem thế để hiểu rằng không phải tác phẩm văn học cung đình nào cũng được vua chúa tiếp nhận một cách tích cực: tinh thần xây dựng chế độ trong một số trường hợp lại hàm nghĩa phê phán vua chúa nên bị coi là tiêu cực. Chúng ta qua phản ứng của Hồ Quý Ly cũng hiểu được vì sao nhà nho phải chuyển tải các thông điệp đạo đức - chính trị dưới hình thức hồi tưởng các sự kiện lịch sử: câu chuyện quá khứ giúp che giấu cho ý đồ bình luận chính trị. Đó là phương pháp đối phó với cấm kỵ chính trị quen thuộc của văn học trung đại. Vẫn là vấn đề tu dưỡng đạo đức của giới lãnh đạo cung đình, song lúc thì được nhìn từ góc độ quyền lợi của đẳng cấp quý tộc, lúc lại được nhìn từ bổn phận đạo đức của họ trước nhân dân. Đức ở đây là thân dân, là nhân nghĩa, là hiếu sinh, thứ đức mà thi hành có thể mang lại lợi ích cho nhân dân Vì: Dân mến người có đức/ Trời giúp bậc chí thành (Xương Giang phú). Nếu ta có thể xếp những sáng tác bàn về tu dưỡng đạo đức của quân vương vào văn học cung đình thì những sáng tác trong đó nho gia bàn về tu dưỡng đạo đức bản thân lại có tính cách độc lập, có nội dung và thi pháp khác, không hoàn toàn thuộc phạm vi văn học cung đình. Nhìn chung bộ phận văn học cung đình là bộ phận chủ yếu ở những thế kỷ đầu tiên của văn học Thăng Long (mà cũng là của văn học Việt Nam) cho đến quãng thế kỷ XVI. Điều đó có thể cắt nghĩa bằng một số lý do. Trước hết phải nói là ở những thế kỷ đầu tiên, lực lượng sáng tác chủ yếu, căn bản đến từ tầng lớp lãnh đạo như vua, trí thức quan lại, quý tộc, tướng lĩnh, sĩ tử và các thiền sư. Ngoại trừ sáng tác của các thiền sư vốn có tính chất độc lập tương đối, tất cả các tác giả thế tục đều ít nhiều có liên hệ với chính sự của triều đại. Lại nữa, phải kể đến sự phát triển còn hạn chế về cơ học của Thăng Long về quy mô và cấu trúc dân cư trong những thế kỷ đầu tiên. Một triều đình vốn khép kín trong thành quách với thành phần và cấu trúc dân cư như thế tất nhiên đã sản sinh ra một nền văn học cung đình. Nhưng cùng với thời gian, khu vực “thị - chợ” bao bọc quanh Hoàng Thành ngày càng mở rộng ra để đến khoảng thế kỷ XVII-XVIII, bản dịch Nôm Truyền kỳ mạn lục đã gọi Thăng Long là Kẻ Chợ. Sự sầm uất của Kẻ Chợ xưa đã được một số người Tây phương mô tả từ thế kỷ XVII tuy có thể là phóng đại để gây tò mò, lôi kéo thêm những người đồng hương khác tới phương Đông, song cũng phản ánh một sự thật nào đó. Cuốn từ điển đối chiếu Việt - Bồ - La, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (1651) đã có giải thích khái niệm “Kẻ Chợ”. Nó đã thành tên gọi phổ biến đến mức các giáo sĩ và thương nhân phương Tây đến đây trong thế kỷ XVIII đều sử dụng. Cùng với thời gian, khu vực “thị - chợ” mở rộng, các lớp cư dân thành thị dần tăng lên: những người nông dân kiêm thợ thủ công đổ ra Thăng Long vào những dịp nông nhàn dần tăng lên; thương nhân đến từ mọi miền đất nước, người Hoa thương nhân ngày một đông đảo như là một trong những nguồn cung cấp cập nhật nguồn sách mới đến từ Trung Quốc, trong đó có thể có những tác phẩm văn học thành thị của họ; tầng lớp quan lại sống bên ngoài hoàng thành với các quan hệ xã hội càng mở rộng; các sĩ tử đổ về Thăng Long thụ nghiệp và tham dự các kỳ thi; nhân vật ca nhi, kỹ nữ, ả đào phục vụ cho nhu cầu giải trí của vua chúa, quý tộc, quan lại và thương nhân nhiều tiền lắm của đến thế kỷ XVIII đã trở thành một loại nhân vật khá đậm nét trong đời sống văn hóa Thăng Long… Hiện không thật rõ quá trình phát triển dân số cơ học và cấu trúc dân số Thăng Long qua các đời, song nếu nhìn vào văn học thì khoảng thế kỷ XVII, ở đây đã có một thứ văn học có thể gọi là văn học thành thị. Chúng tôi dùng khái niệm “văn học thành thị” để chỉ mảng sáng tác ra đời trong không gian “Kẻ Chợ”, phản ánh những vấn đề của đời sống thị dân, văn hóa thị dân, nhìn cuộc sống và con người theo quan điểm thị dân. Tác giả của văn học thành thị có thể là nhà nho, là thương gia, là phụ nữ chứ không nhất thiết đây phải là sáng tác của những thương nhân hay thợ thủ công, hay là ả đào. Cho đến nay, chưa rõ có thợ thủ công nào làm văn thơ hay không. Và ta chỉ thấy khá ít ỏi trường hợp xuất xứ từ gia đình thương nhân như Nguyễn Hữu Chỉnh, từ ả đào như Hồ Xuân Hương (7) làm thơ. Phần lớn tác giả của mảng văn học thành thị vẫn là nhà nho, và cũng không thiếu người trong số họ có quan hệ mật thiết với triều đình. Nguyễn Gia Thiều là cháu gọi chúa Trịnh Cương bằng cậu ruột; Nguyễn Du có cha làm Tể tướng, anh trai làm Tham tụng của triều Lê Trịnh. Nhưng sáng tác của họ đã rất khác văn học cung đình của khoảng 5 thế kỷ đầu tiên. Điều căn bản là văn học thành thị phải có điểm khác văn học cung đình. Về sự kiện ta có thể đọc được trong Lịch triều tạp kỷ ghi chép năm 1718: “Phủ liêu vâng mệnh truyền cho quan dân cả nước: “Phàm các sách vở gì có quan hệ đến việc giáo hóa ở đời thì mới nên khắc in và lưu hành. Gần đây, những kẻ hiếu sự lặt lượm càn bậy những truyện tạp nhạp và lời quê kệch bằng quốc âm, không biết phân biệt nên hay chăng, cứ khắc vào ván gỗ, in ra để buôn bán. Việc đó đáng nên cấm chấp. Từ nay về sau, hễ nhà nào có chứa chấp các ván in sách và các sách in nói trên thì cho phép viên quan đi ốp làm việc ấy được lục soát, tịch thu, rồi tiêu hủy hết cả” (8) . Có mấy thông tin đáng chú ý từ tư liệu lịch sử ngắn ngủi này: 1) Ở Thăng Long khi đó đã xuất hiện những truyện hay thơ quốc âm không có quan hệ với giáo hóa; 2) Chúng được khắc in để buôn bán kiếm lời (một kiểu thị trường sách với qui mô nào đó); 3) Phủ chúa (phủ liêu) cơ quan quyền lực cao nhất thời Lê - Trịnh lên án tình trạng trên và có biện pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh như khám xét, tịch thu, tiêu hủy. Những thông tin này gợi cho chúng ta nghĩ đến một nền văn học thành thị Thăng Long đã tồn tại khá rõ nét cho đến năm 1719. Đến năm 1760, Nhữ Đình Toản khi diễn ra Nôm 47 điều giáo hóa năm 1633 đã diễn âm thêm nội dung của lệnh cấm năm 1719 nói trên. Điều đó chứng tỏ dòng văn học thành thị vẫn tiếp tục phát triển mà nhà Chúa không thể ngăn chặn được. Văn học thời này có đặc điểm gì khiến cho giới chính trị cung đình quan tâm đến vậy? Nếu giải thích là các sáng tác này được viết bằng chữ Nôm, mà nôm na là cha mách qué thì chỉ là suy diễn, hoàn toàn không chính xác. Nhiều chúa Trịnh làm thơ nôm, có khi trong cùng một ngữ cảnh, viết đồng thời hai bài một chữ Nôm, một chữ Hán tức coi giá trị hai thứ chữ như nhau. Chẳng hạn năm 1718, chúa Trịnh đã làm một bài thơ Đường luật chữ Hán và một bài thơ Nôm ban cho Nguyễn Công Hãng và Nguyễn Bá Tông đi sứ sang nhà Thanh, năm 1719, khi Đặng Đình Tướng dâng sớ xin về trí sĩ, Trịnh Cương cũng ban cho hai bài thơ khen, một bài chữ Hán, một bài chữ Nôm (9) . Có cách giải thích khá phổ biến một thời cho rằng các tác phẩm bị cấm này có tính chất chống phong kiến mạnh mẽ. Nhưng lối giải thích xã hội học như vậy cũng không ổn, vì không có nhà Nho nào chống lại Nho giáo cả. . Văn học cung đình và văn học thành thị ở Thăng Long Về đề tài, văn học cung đình đề cập đến những vấn đề chính trị lớn của triều đại như đường lối chính trị, đối nội và đối. dung và thi pháp khác, không hoàn toàn thuộc phạm vi văn học cung đình. Nhìn chung bộ phận văn học cung đình là bộ phận chủ yếu ở những thế kỷ đầu tiên của văn học Thăng Long (mà cũng là của văn. văn học cung đình của khoảng 5 thế kỷ đầu tiên. Điều căn bản là văn học thành thị phải có điểm khác văn học cung đình. Về sự kiện ta có thể đọc được trong Lịch triều tạp kỷ ghi chép năm 17 18:

Ngày đăng: 25/07/2014, 20:20

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan