Để hiểu thêm “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs docx

9 388 0
Để hiểu thêm “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs docx

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Để hiểu thêm “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs Nhưng G. Lukacs lại có cách lý giải khác. Theo thống kê của R. Wellek trong tác phẩm của G. Lukacs đã có 1032 lần trích dẫn câu của Mác “Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của con người, mà trái lại, tồn tại xã hội của con người quyết định ý thức của con người ”. Có thể thấy, với G. Lukacs giờ đây quan trọng nhất không phải là ý thức xã hội, mà tất cả là từ tồn tại xã hội. Chính vì thế mà ông đã lí giải chủ nghĩa hiện thực của Balzac cùng nhận định của Anghen về nó như sau: “Thế giới quan và thái độ chính trị của các nhà văn hiện thực vĩ đại, nghiêm chỉnh dường như là việc không quan trọng lắm. Trên một mức độ nhất định quả thực là như vậy. Bởi vì, không kể quan điểm nhận thức của tôi, hoặc xét từ quan điểm lịch sử và tương lai, cấp thiết nhất vẫn là bức tranh mà tác phẩm miêu tả ra, còn như vấn đề bức tranh có phù hợp với tác giả đến mức độ nào, đều là sự việc thứ yếu. Điều này tự nhiên làm cho chúng tôi suy nghĩ đến một vấn đề mỹ học quan trọng. Trong khi luận bàn về Balzac, Anghen đã xem vấn đề này là sự thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực, như thế là đã thâm nhập vào một vấn đề thực sự gốc rễ của sáng tác nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. Vấn đề này đã tiếp cận được thực chất của chủ nghĩa hiện thực chân chính: khát vọng chân lý của các nhà văn vĩ đại, sự truy tìm cuồng nhiệt của ông ta đối với hiện thực hoặc nói theo thuật ngữ của luân lý học thuật, đó là sự chân thành và chính trực của nhà văn. Một nhà văn hiện thực vĩ đại như Balzac, thì giả sử như sự phát triển nghệ thuật bên trong những cảnh và người do ông sáng tạo ra lại phát sinh xung đột với những thiên kiến thân thiết nhất của mình, thậm chí cả với những niềm tin thần thánh bất khả xâm phạm, thì lập tức ông ta có thể không chút do dự vứt hết những thiên kiến và niềm tin ấy, để miêu tả những sự vật mà thực sự nhìn thấy, chứ không phải miêu tả những sự vật mà ông ta tâm niệm muốn thấy được. Thái độ vô tình đối với bức tranh thế giới chủ quan của mình như vậy là dấu hiệu ưu việt của tất cả các nhà văn hiện thực vĩ đại” (Nghiên cứu của chủ nghĩa hiện thực châu Âu). Thật ra trong phát biểu này của G. Lukacs, chủ nghĩa hiện thực cũng không thoát khỏi thế giới chủ quan của nhà văn, thoát khỏi một lĩnh vực ý thức, đó là đạo đức luân lý kết tinh trong tính trung thực và lòng chính trực. Tuy nhiên, khẳng định chủ nghĩa hiện thực vô quan với thế giới quan vẫn là chuyện không bình thường trong quan niệm “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs trên cơ sở phản ảnh luận Lênin được hình thành trong những năm tháng sinh sống và nghiên cứu ở Liên Xô. Nhưng chính là bối cảnh này sẽ là chìa khoá giúp giải mã chỗ không bình thường nói trên. Thật ra trong giai đoạn sống ở Liên Xô 1930-1945 (trừ các năm 1931-1933 sang làm việc ở Đức) sinh mệnh tư tưởng và học thuật của G. Lukacs cũng có những bước thăng trầm. Năm 1930 khi G. Lukacs mới đặt chân sang Liên Xô, thì giới văn học nơi đây đang hoành hành bởi tư tưởng nghệ thuật của Hội Nhà văn vô sản Nga. Họ phủ nhận di sản cổ điển, cắt đứt quan hệ máu thịt giữa nền văn học cách mạng hiện đại với truyền thống văn học Nga, kêu gọi đả đảo, thiêu huỷ các kiệt tác của văn học Nga trong thế kỷ XIX. Họ cho rằng các nhà văn cổ điển bị chi phối bởi thế giới quan của giai cấp thống trị, cho nên tác phẩm của họ tất yếu vốn đã là xuyên tạc hiện thực. Cùng với học giả Xô Viết M. Lipsix, G. Lukacs đã góp phần đắc lực trong cuộc đấu tranh chống lại bệnh xã hội học dung tục trầm trọng này. Triển khai luận điểm “sự thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa hiện thực” của Anghen, kết hợp với việc khảo sát các nhà văn cổ điển từ Homere, qua Shakespeare, đến Balzac và Tolstoi, G. Lukacs đã khái quát đặc điểm chung của họ là sự trung thực và lòng chính trực, chứ không phải là thế giới quan và quan điểm chính trị tiến bộ, vô hình trung đã có ý nghĩa tích cực trong cuộc đấu tranh này. Đến năm 1934, như là một phần kết quả của cuộc đấu tranh bệnh xã hội học dung tục, nhất là với cái gọi là “phương pháp sáng tác duy vật biện chứng”, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã chính thức được ghi vào Điều lệ Hội Nhà văn được thông qua tại Đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ nhất, hiển nhiên là lúc đầu G. Lukacs rất ủng hộ. Mãi sau này vào năm 1958, nghĩa là ngay trong giai đoạn phi Stalin – hoá, G. Lukacs vẫn viết: “Qua lần Đại hội này, mà trước hết là qua báo cáo của M. Gorki, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được khẳng định, đó là kết quả của những cuộc thảo luận và đấu tranh với một số nhóm phái trong nhiều năm trước đó”(12). Nhưng rồi sự giải thích và quán triệt về sau đối với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa bị phân hoá. Thế nào là thật sự đúng đắn trong việc giải thích và quán triệt bao giờ cũng khó và hiếm, và tựu trung vẫn có hai phái thiên tả và thiên hữu. Phái tả núp dưới bóng Stalin, chủ trương nhà văn phải ra sức rèn luyện nhân sinh quan cộng sản, thấm nhuần đường lối chính sách của Đảng, thì tác phẩm mới có thể “giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho nhân dân lao động” (xin lưu ý đây vốn là một vế trong định nghĩa về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đến Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ hai vào năm 1954 mới bị tước bỏ). Được hình dung theo biệt ngữ, thì đây là “phái nhờ vào” (Blagađarist), (ý nói nhờ vào tư tưởng tiên tiến sẽ viết được tác phẩm ưu tú) tập hợp chung quanh tờ Văn học do Fadeev làm hậu thuẫn và chiếm địa vị chính thống trên văn đàn. Đối trọng trở lại là “phái bất kể” (Vaprekist), mà G. Lukacs là một nòng cốt, chủ trương “bất kể” thế giới quan nhà văn như thế nào, miễn là phải chính trực và trung thực phản ảnh cuộc sống thì có thể sáng tạo ra những kiệt tác. Phái này tập hợp chung quanh tờ Bình luận văn học, dấy lên những “làn sóng” rồi “làn sóng mới” vào nửa sau những năm 30 trên văn đàn Liên Xô. Và bản thân G. Lukacs tiếp tục phát huy quan niệm “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của mình trong những công trình như Chủ nghĩa Mác và lý luận văn học thế kỷ XIX (1937), Lịch sử chủ nghĩa hiện thực (1939) và liền bị xem là đi ngược lại tinh thần cộng sản trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Từ tháng 11 năm 1939 đến tháng 3 năm 1940, cũng như M. Lipsix, người tiêu biểu cho “làn sóng mới”, G. Lukacs đã rơi vào vòng xoáy của những đợt phê phán trên văn đàn Xô Viết. Và sau khi có nghị quyết “Về phê bình văn học và sách báo” của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, thì tờ Bình luận văn học bị đình bản từ số 13 năm 1940. G. Lukacs lại một lần nữa phải tự phê bình, tất nhiên ông vẫn giữ quan niệm của mình mãi về sau này. Có thể thấy quan niệm của “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs chính là đã hình thành qua sự cọ xát, đấu tranh với bệnh xã hội học dung tục nói chung và với việc giải thích và quán triệt tả khuynh đối với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ngay trên văn đàn Xô Viết. Điều này về sau, chính G. Lukacs cũng đã nói rõ: “Từ những năm 30 trước đây, việc nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực cổ điển của Goethe, Balzac, Tolstoi, chính là để đấu tranh với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”(13). Và đến cuối đời, ông lại nói: “Không nên quên lần đầu tiên công bố bức thư của Anghen về vấn đề Balzac thời ấy. Chúng tôi kiên quyết phủ nhận hình thái ý thức có thể trở thành tiêu chí về thành tựu mỹ học của tác phẩm nghệ thuật - đó là quan điểm hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa Stalin, nhưng cũng không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng. Chúng tôi cho rằng, dù hình thái ý thức rất tồi, như chủ nghĩa bảo hoàng của Balzac, cũng có thể sản xuất ra văn học rất tốt. Trái lại mà nói, hình thái ý thức rất tốt, lại có thể sản sinh ra văn học tồi (Tự truyện). Cho nên quan niệm “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs, chí ít vẫn có ý nghĩa tích cực ở chỗ biện hộ cho những nhà văn trung thực và dũng cảm dị ứng với chủ nghĩa Stalin trong thời Xô Viết. Không phải ngẫu nhiên mà G. Lukacs đã công bố vào năm 1970 (nghĩa là đã viết nhiều năm trước đó) một chuyên luận về Solschenizyn. Cầu lưu ý rằng tất cả những nhà mỹ học mác-xít phương Tây như R. Garaudy, E. Fischer, H. Lefèbvre, v.v đều không tán thành chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cho nên nói quan niệm “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs có yếu tố mác-xít phương Tây là vì vậy. Nhưng chỉ là yếu tố thôi, bởi vì nói chung, tuy ở mức độ khác nhau, nhưng các nhà lý luận mác-xít phương Tây đều biện hộ cho chủ nghĩa hiện đại, nhưng G. Lukacs thì không. Giáo sư người Anh D. Maclannan cho rằng về mỹ học, G. Lukacs “có ý đồ giữ lập trường trung gian giữa chủ nghĩa duy tâm chủ quan mà ông cho là suy đồi với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Xô Viết quá ư giản đơn”(14). Cho nên cũng có thể nói cụ thể hơn rằng “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs là đứng giữa chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa hiện đại. Như thế ông bị kẹt giữa hai làn đạn truy kích về tội vừa giáo điều vừa xét lại là không có gì lạ. Ở trên chúng tôi có sử dụng thuật ngữ mác-xít chính thống là cách hình dung của một thời đã qua. Nhưng ngay bây giờ đây chủ nghĩa Mác chính thống cũng phải được đổi mới, kể cả việc đổi mới trong một số cách nhìn cho là xét lại đối với chủ nghĩa Mác phương Tây trước đây. Nhưng đổi mới không có nghĩa là nói ngược một cách giản đơn, cái gì trước đây khẳng định thì bây giờ phủ định hoặc ngược lại. Thật ra, theo chúng tôi, ngày nay nhìn lại, ngoài những kiến giải đáng trân trọng, quan niệm “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs vẫn có những điểm yếu của nó mà trước hết là việc ông phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa hiện đại, không thấy có thể hấp thu những yếu tố khả thủ của nó để làm phong phú thêm thi pháp của chủ nghĩa hiện thực là một biểu hiện khá rõ. Tất nhiên không kể nhiều nhà mác-xít phương Tây quá thiên về chủ nghĩa hiện đại, nhưng đúng mực nhất là B. Brecht vẫn kiên trì chủ nghĩa hiện thực, nhưng cũng đã thẳng thắn ghi nhận những thành tựu của chủ nghĩa hiện đại ngay những năm 30, thì chứng tỏ G. Lukacs thiếu sự nhạy cảm kịp thời về mặt này. Mặt khác, việc ông khái quát đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực vĩ đại một cách phi ý thức hệ, không liên quan gì đến hình thái ý thức cũng là phiến diện, và mâu thuẫn, bởi vì ông cho rằng các nhà văn hiện thực vĩ đại chỉ cần chân thành và chính trực về mặt luân lý, nghĩa là một yêu cầu rất cao về mặt đạo đức, nhưng chính đạo đức cũng thuộc lĩnh vực của hình thái ý thức rồi. Nhưng đạo đức tốt mới là tiền đề, chưa đủ đẻ ra được kiệt tác. Chân thành và chính trực, nghĩa là có thiện tâm và dũng khí nhìn thẳng vào sự thực, nhưng có nhìn đúng được sự thực, rồi có biểu hiện được sự thực đó hay không, thì còn phải có quan điểm và phương pháp tư tưởng nữa, nghĩa là đạo đức không thể tách rời với thế giới quan, với hình thái ý thức rồi. Còn như nói: “Hình thái ý thức rất xấu như chủ nghĩa bảo hoàng của Balzac, vẫn có thể đẻ ra văn học rất tốt” là không toàn diện. Chủ nghĩa bảo hoàng chỉ là ý thức chính trị, chứ chưa phải toàn bộ hình thái ý thức. Vả chăng nếu đi sâu vào tư tưởng chính thống của Balzac sẽ thấy chủ nghĩa bảo hoàng của ông là chủ trương phải có được hoàng đế khai minh ủng hộ việc phát triển khoa học kỹ thuật. Vả chăng việc ông tuyên bố nguyện làm người thư ký trung thành của thời đại, việc ông nhìn thấy được vận mệnh và tương lai của cả hai thế lực suy tàn và vươn lên như Anghen đã nhận xét, cũng là nằm trong phạm vi tư tưởng của Balzac. Còn cho rằng “Hình thái ý thức rất tốt, cũng có thể đẻ ra văn học xấu”, nếu đúng thì nhiều lắm cũng một nửa thôi, tức là ý thức tốt, tốt đích thực, vẫn cứ sản xuất ra tác phẩm xoàng, không hay, chứ không thể là tác phẩm xấu. Tác phẩm xấu, lạc hậu, chỉ có thể là con đẻ của một loại ý thức tương ứng. ở đây quả là G. Lukacs quên nói thêm rằng tác hại của ý thức không tốt đối với sáng tác nghệ thuật, một điều mà trong khi luận chứng những vấn đề cụ thể ông đã quán triệt. Phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa hiện đại là không đúng, tuy nhiên mặt tiêu cực trong chủ nghĩa hiện đại cũng là một thực tế. Nguồn gốc của mặt tiêu cực đó, G. Lukacs đã khẳng định là bắt nguồn từ tư tưởng, từ cách nhìn đời bi quan bế tắc. So sánh giữa T. Man với F. Kafka, ông đã khái quát như sau: “Sự lựa chọn đặt ra cho con người ngày nay là thế này: Tiếp cận mối lo sợ hay xa lánh nó, vĩnh viễn hoá nó hay khắc phục nó, chỉ coi nó là một xúc cảm như mọi xúc cảm khác, trong hàng loạt xúc cảm vô cùng đa dạng tạo nên đời sống bên trong, hay thừa nhận cho nó là cái cơ bản quyết định của thân phận con người… Điều rất rõ ràng là, trước khi lựa chọn như thế giữa hai thái độ, thì đã phải trả lời một câu hỏi đặt ra trước: Con người tự quan niệm bản thân mình là nạn nhân bất lực siêu nhiên không thể biết hay không thể địch được, hoặc không phải thế, mà là thành viên chủ động của một tập thể con người, trong đó nó phải đóng vai trò của nó, hữu hiệu ít hay nhiều, nhưng… bao giờ cũng tác động lên vận mệnh của nhân loại”(15). Như thế Lukacs có thấy rõ vai trò của tư tưởng, cách nhìn đời của nhà văn quan trọng như thế nào rồi. Cho nên dường như trên vấn đề này, G. Lukacs có thể vì né tránh không muốn chĩa mũi dùi trực diện, chí ít ra cũng là không diễn đạt hết ý mình, hoặc nói sát đúng hơn là không khái quát hết những khía cạnh tiềm ẩn trong quan niệm của mình. Chống lại bệnh xã hội học dung tục nói chung hay mặt trái trong chủ nghĩa Stalin nói riêng, thì tất nhiên rất cần sự trung thực và chính trực, nhưng không phải chỉ là câu chuyện luân lý đạo đức, mà trước hết là vấn đề tư tưởng. Bởi một lẽ giản đơn căn bệnh ấy, mặt trái ấy, trước hết là câu chuyện quan điểm và phương pháp tư tưởng. Đương đầu với nó, do đó, cũng chính là đấu tranh tư tưởng. Trung thực và chính trực chính là phương diện luân lý phục vụ cho cuộc đấu tranh tư tưởng ấy, cho nên nó cũng thấm nhuần hoặc ẩn chứa tính chất tư tưởng, chứ không phải chỉ là câu chuyện thuần tuý luân lý. Mà nói cho cùng giữa các lĩnh vực hình thái ý thức như đạo đức, triết học, chính trị với đạo đức, và giữa tất cả chúng với văn học nghệ thuật bao giờ cũng có sự gắn bó và chuyển hoá lẫn nhau. ở đây cũng cần lưu ý thêm rằng, G. Lukacs tuy rằng tổng kết những bài học của các nhà văn cổ điển (Balzac, Tolstoi, v.v…), mà sự nghiệp đã hoàn kết, nhưng là để đối thoại với văn giới hiện đại còn đang đi trên con đường sáng tạo, lại càng phải nêu rõ mối liên hệ toàn diện nói trên, chứ không chỉ nhấn mạnh riêng bất cứ khía cạnh nào. Tuy nhiên, nếu thừa nhận rằng trong quan niệm lý thuyết của G. Lukacs có tiềm ẩn những khía cạnh liên đới mà ông chưa khái quát toàn diện, thì ý kiến của ông cho rằng đối với văn học nói chung, với chủ nghĩa hiện thực nói riêng, tính trung thực và lòng chính trực của nhà văn là tối quan trọng vẫn có ý thức thực tiễn tích cực từ cả hai mặt nghiên cứu lẫn sáng tác văn học. Nghiên cứu dù là quá khứ hay hiện tại, nhưng đều là đối với những cái đã là thành phẩm rồi, thì chỉ cần xem bức tranh bằng lời mà tác giả vẽ ra có đúng với thế sự và nhân tâm không là đủ, không cần lấy việc truy xét thế giới quan và ý thức tư tưởng của tác giả làm tiền đề. Còn đối với người đang trên đường sáng tác, thì nếu gặp hoàn cảnh mà tư tưởng chính thống hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan và quyền lợi của nhân dân, thì như cá gặp nước rồi. Nhưng trong trường hợp ngược lại, thì phải viết với tính trung thực và lòng chính trực trước, và tất nhiên tự mình phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử. Đối với chủ nghĩa Mác Lênin cũng vậy thôi, bởi vì trước hết như Lênin đã nói: “Chúng ta hoàn toàn không xem lý thuyết của Mác là cái gì tuyệt đỉnh và không thể vượt qua được. Ngược lại, chúng ta khẳng định rằng, nó chỉ đặt viên đá tảng cho khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa còn phải tiếp tục đẩy tới mọi hướng nếu họ không muốn lạc hậu trước cuộc sống”(16). Thứ nữa là, ngay với những chân lý tuyệt đối của chủ nghĩa Mác–Lênin, thì sự vận dụng trong đường lối chính sách của các Đảng công nhân, mà thực tiễn hàng trăm năm qua cũng chứng tỏ không phải lúc nào cũng tuyệt đối đúng đắn. Cho nên trong những tình huống như vậy, nhà văn không nên bị hoặc tự bắt buộc phải có ý thức tư tưởng theo đúng những đường lối chính sách đó. Tất nhiên nhà văn cũng không nên bị hoặc tự bắt buộc chuyển nghề sang hoạt động chính trị thực tiễn. Trung thành với thiên chức của mình là tiếp tục sáng tạo ra những giá trị xã hội – thẩm mỹ, nhà văn chỉ cần phải trung thực và chính trực trong những bức tranh nhân thế mà mình vẽ ra, và chịu trách nhiệm trước xã hội. Đó phải chăng là hạt nhân hợp lý trong quan niệm về “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” có yếu tố đề kháng với tính chất Stalin ít trong việc quán triệt chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô trước đây. Bàn về công việc của nhà sáng tác là như vậy, nhưng ngay sự “sáng tác” của chính nhà lý luận phê bình càng phải như vây. Tính trung thực và lòng chính trực của cả nhà sáng tác và cả nhà lý luận phê bình theo chủ nghĩa Mác như thế này thật ra là bắt gặp cái đặc điểm cao quý của kẻ sĩ cổ kim Đông Tây mà nhân loại đã đúc kết là “tính trung thực trí thức” (probité intellectuelle). Và cả cuộc đời tư tưởng học thuật của G. Lukacs đã nêu gương sáng về mặt này. Ông trung thực và chính trực với mình, với đời. Ông nhận rõ về cơ bản sai lầm trong Lịch sử và ý thức giai cấp, nhưng đến cuối đời ông vẫn không nhận rõ thiếu sót trong việc phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa hiện đại. Và tuy ông cũng có đôi lần tự kiểm điểm trước sự quy kết là xét lại đối với lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng ngày càng chứng tỏ chân lý thuộc về ông. Song tất cả các biểu hiện khác nhau đó đều bắt nguồn từ lòng trung thành của ông đối với chủ nghĩa Mác và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Cho nên không lấy gì làm lạ là từ chỗ xuất thân trong một gia đình bố là chủ ngân hàng, mẹ thuộc dòng dõi quý tộc, ông trở thành một thành viên Lãnh đạo của Đảng Cộng sản, rồi lại nhiều lần bị phê phán, thậm chí bị khai trừ, nhưng lúc “cái quan” vẫn được “định luận” là “đại biểu kiệt xuất của tư tưởng Mác–Lênin, vĩ nhân của thế kỷ XX”./. . Để hiểu thêm “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs Nhưng G. Lukacs lại có cách lý giải khác. Theo thống kê của R. Wellek trong tác phẩm của G. Lukacs đã có 1032 lần trích dẫn câu của. hơn rằng “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs là đứng giữa chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa hiện đại. Như thế ông bị kẹt giữa hai làn đạn truy kích về tội vừa giáo điều vừa. “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs, chí ít vẫn có ý nghĩa tích cực ở chỗ biện hộ cho những nhà văn trung thực và dũng cảm dị ứng với chủ nghĩa Stalin trong thời Xô Viết. Không phải ngẫu

Ngày đăng: 23/07/2014, 09:22

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan