Báo cáo nghiên cứu khoa học: "BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NHẰM NÂNG CAO "HIỆU QUẢ TRONG" Ở ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG" docx

6 444 0
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NHẰM NÂNG CAO "HIỆU QUẢ TRONG" Ở ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG" docx

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NHẰM NÂNG CAO "HIỆU QUẢ TRONG" Ở ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG MANAGEMENT MEANS TO IMPROVE "INTERNAL EFFICIENCY"AT THE UNIVERSITY OF DANANG LÊ ĐÌNH SƠN Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Chất lượng và hiệu quả đang là điểm yếu của giáo dục đại học nước ta. Thời gian gần đây Đại học Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động trong lĩnh vực chất lượng. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong đào tạo ("hiệu quả trong") là yếu tố gắn liền với chất lượng đào tạo thì còn ít được quan tâm. Những phân tích về "hiệu quả trong" và biện pháp nâng cao "hiệu quả trong" ở Đại học Đà Nẵng có thể góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của nhà trường trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. ABSTRACT Quality and efficiency are still weak points of Vietnam higher education. Recently, the University of Danang has organized a number of quality management improvement activities. However, its resource using efficiency in training ("internal efficiency"), a factor closely related to training quality has not yet gained enough attention. The analysis in this paper on "internal efficiency" and the means for improving "internal efficiency" at the University of Danang will be a contribution to increasing competitive capability of UD in the current international integration. 1. Đặt vấn đề Thừa nhận giáo dục (GD) là dịch vụ trong cơ chế thị trường (theo định hướng XHCN) cũng có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh. Hiện nay, khi Việt Nam đã gia nhập WTO và tham gia khá sâu rộng vào các cam kết của GATS, dòng chảy của GD xuyên quốc gia vào nước ta sẽ ngày càng mạnh hơn. Cạnh tranh về chất lượng và hiệu quả giữa các cơ sở giáo dục là tất yếu. Nhà trường đại học là thiết chế hiện thực hóa sứ mệnh của nền giáo dục trong đời sống kinh tế - xã hội. Trường đại học thực hiện sứ mệnh cao cả đối với xã hội, mà tập trung nhất là "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài". Nhưng đồng thời, là một thiết chế, một cơ sở cung ứng dịch vụ giáo dục, trường đại học cần được quản lý như đối với một đơn vị kinh tế hoàn chỉnh. Dưới góc độ kinh tế có thể thấy rằng, hiệu suất sử dụng các nguồn lực trong đào tạo (một tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục - CSGD) của các trường đại học nước ta còn nhiều hạn chế. Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) cũng nằm trong tình trạng chung đó. Việc xem xét nghiêm túc vấn đề này ở ĐHĐN sẽ giúp các cấp quản lý hoạch định các biện pháp cần thiết nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nhà trường trong bối cảnh hiện nay. 2. Khái niệm về "hiệu quả trong" và phân tích "hiệu quả trong" của CSGD 2.1. Khái niệm về "hiệu quả trong" Hiệu quả được xem là đại lượng cho biết giá trị của kết quả đạt được ở đầu ra so với mục tiêu và so với giá trị của nguồn lực đầu vào của chu trình hoạt động. Hiệu quả của nhà trường/CSGD thường được xem xét dựa trên 3 tiêu chí cơ bản: Chất lượng đào tạo; Mức độ đáp ứng mục tiêu kinh tế xã hội; Hiệu suất sử dụng các nguồn lực trong đào tạo. Dựa vào mục tiêu về chất lượng, đánh giá hiệu quả của CSGD thường là so sánh giữa các giải pháp/phương án nâng cao chất lượng với chi phí bỏ ra. Xem xét sự đóng góp của CSGD vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội là so sánh giữa mức độ phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhờ đào tạo và chi phí đầu tư. Đó là hiệu quả kinh tế - xã hội, thường được gọi là "hiệu quả ngoài" (effectiveness). Hiệu suất sử dụng các nguồn lực trong đào tạo được xem là tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá hiệu quả của CSGD và thường được gọi là "hiệu quả trong" (efficiency). Theo UNESCO: "Khái niệm efficiency nói về mối liên hệ giữa đầu vào của một hệ thống và đầu ra của hệ thống đó. Một hệ thống GD được gọi là có hiệu suất cao nếu với một đầu vào xác định lại thu được đầu ra tối đa, hoặc thu được một đầu ra xác định với một đầu vào nhỏ nhất có thể. Tuy nhiên, đo lường hiệu suất của GD cũng là vấn đề lớn do những khó khăn trong việc đo lường đầu ra cũng như lượng hóa mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra". Như vậy, "hiệu quả trong" hay hiệu suất sử dụng các nguồn lực trong đào tạo được xem như điều kiện cần để có hiệu quả. Các tiêu chí cụ thể được xem xét gồm: chi phí đào tạo; sử dụng nguồn nhân lực trong đào tạo; sử dụng trang thiết bị và cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ đào tạo. 2.2. Phân tích hiệu quả trong của CSGD Bản chất của việc phân tích hiệu quả là so sánh giữa chi phí và kết quả theo những mục tiêu nhất định. Nói đến mục tiêu người ta luôn đề cập đến các chỉ số cụ thể về số lượng, chất lượng, thời gian và nguồn lực. Như đã nói trên, "hiệu quả trong" biểu thị sự đánh giá các nỗ lực của nhà trường nhằm đạt tới mục tiêu đặt ra trong phạm vi các nguồn lực và thời gian cho trước. Các chỉ số về "hiệu quả trong" chú trọng các hoạt động cụ thể bên trong của nhà trường, có xu hướng làm sao đạt được kết quả với chi phí ít hơn, hay cùng một điều kiện đạt kết quả cao hơn. Tất nhiên, chất lượng luôn là thước đo không thể thiếu khi xem xét hiệu quả. * Khi phân tích "hiệu quả trong" của CSGD thường tính đến các chỉ số sau: - Các hiện tượng tốn kém vô ích như tỷ lệ sinh viên (SV) bỏ học; tỷ lệ SV chậm tiến độ, học lại; tỷ lệ SV không tốt nghiệp, không hoàn thành khóa học;… - Kết quả nâng chất lượng đào tạo trong trường hợp chi phí được giả sử là cố định như thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nhằm tăng tính tích cực học tập của SV, tự học và tự nghiên cứu của SV; tỷ lệ SV tham gia các đề tài NCKH ngay trong quá trình đào tạo; số giờ học trung bình mà mỗi SV thực dành cho một môn học/ năm học/ cả khoá học;… - Cơ cấu các khoản chi phí cho hoạt động giáo dục, đào tạo: tiền trả thù lao cho giảng viên (GV); chi phí cho giáo trình và tài liệu tham khảo; chi phí thực tập, thí nghiệm; chi phí đổi mới chương trình, bồi dưỡng GV; chi phí hành chính quản lí; … - Các tỷ lệ nhằm sử dụng hợp lý các nguồn lực: tỷ lệ HS trên GV; số SV trung bình cho một lớp học/ CSGD; định mức giờ giảng dạy và nghiên cứu cho mỗi GV; chi phí thường xuyên trung bình cho mỗi SV; tỷ lệ giờ thực tế sử dụng CSVC- TB phục vụ cho dạy học; tỷ lệ SV đến thư viện;… * Các phương pháp chủ yếu thường được sử dụng khi phân tích "hiệu quả trong": - Phương pháp phân tích tình trạng và xu hướng biến đổi của các chỉ số "hiệu quả trong" của CSGD (Phân tích tỷ lệ SV/ GV theo thời gian; phân tích cơ cấu của chi phí để thấy rõ sự khác biệt và tìm nguyên nhân; phân tích tình trạng sử dụng trang thiết bị của CSGD và tìm nguyên nhân). - Phương pháp so sánh các chỉ số hiệu quả trong giữa các phương thức đào tạo hoặc giữa các CSGD (So sánh 2 trường khác nhau hoặc 2 loại hình đào tạo khác nhau có cùng chất lượng đầu ra, khác nhau về chi phí đơn vị; hoặc ngược lại, có cùng chi phí đơn vị, nhưng khác nhau về chất lượng; so sánh các chỉ số của một CSGD cụ thể với con số trung bình của khối trường hoặc của cả hệ thống GD). 3. Thực trạng "hiệu quả trong" ở Đại học Đà Nẵng Như đã trình bày trong mục 2.2., để đánh giá hiệu quả trong của một CSGD cần đến rất nhiều chỉ số và phải có sự so sánh khách quan giữa các CSGD hoặc xác định sự thay đổi theo thời gian của các chỉ số ngay trong chính cơ sở đó, tùy thuộc vào mục đích đánh giá. Trong các phương pháp chủ yếu để phân tích "hiệu quả trong", việc so sánh các chỉ số "hiệu quả trong" của nhà trường với các CSGD khác mang tính thuyết phục cao, nhưng không thể thực hiện được vì chưa có một thống kê đầy đủ. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng chủ yếu Phương pháp phân tích tình trạng và xu hướng biến đổi của các chỉ số "hiệu quả trong" của CSGD. Đây cũng là một công việc phức tạp. Cho đến nay chưa có công trình nào điều tra khảo sát về vấn đề này ở ĐHĐN. Do đó, bài viết không kỳ vọng đưa ra được một hệ thống chỉ số toàn diện, mà chỉ có thể tiệm cận vấn đề thông qua những cứ liệu được rút ra từ các báo cáo đánh giá tình hình công tác các năm học của các đơn vị, các trường trực thuộc và ĐHĐN, các báo cáo tại các hội nghị chuyên đề về hoạt động của nhà trường. * Điểm mạnh về hiệu suất sử dụng các nguồn lực trong đào tạo ở ĐHĐN - Tăng qui mô đào tạo: từ 2001 đến 2005 qui mô đào tạo của ĐHĐN tăng gần gấp đôi (31.069 SV -> 58.060 SV), trong khi đó số lượng GV chỉ tăng 30%. Tỷ lệ HS trên GV: 45. Tuy nhiên, tính kinh tế nhờ qui mô là một chỉ số quan trọng cần được xem xét từ nhiều khía cạnh. - Đổi mới phương pháp dạy học được phát động trong mấy năm gần đây đã có tác động thay đổi nhất định cách dạy, cách học. Đặc biệt việc đưa giáo trình và hướng dẫn bài tập, tài liệu tham khảo kèm theo lên mạng đang tiến hành tích cực ở các trường thành viên đã giúp SV chủ động hơn trong hoạt động tự học. - Tỷ lệ SV làm luận văn tốt nghiệp tăng lên: từ khoảng 20% (2001) -> 35% (2005). Riêng SV trường Đại học Bách khoa: 100% làm đồ án tốt nghiệp. - Tỷ lệ giữa chi phí quản lý hành chính và chi phí cho hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học (giáo trình, tài liệu tham khảo; thực tập, thí nghiệm, lương GV, chi phí đổi mới chương trình, bồi dưỡng GV…) giảm. Từ 2001 - 2005 số lượng cán bộ quản lý (CBQL), phục vụ chỉ tăng 10% trong khi số lượng giáo viên tăng 30%. - Định mức giờ giảng dạy cao, không đồng đều ở các chuyên ngành (cao hơn định mức qui định từ 150% - 300%). * Các điểm yếu - Tỷ lệ SV chậm tiến độ ở một số ngành còn cao (đặc biệt các ngành kỹ thuật) gây lãng phí về nguồn tài lực và vật lực. - Phương pháp dạy học chậm đổi mới. Vì vậy, không phát huy được tính tích cực của SV, không quản lý được giờ tự học, tự nghiên cứu của SV. Chất lượng đào tạo, do vậy không tăng tương xứng với đầu tư CSVC. - Tỷ lệ SV tham gia các đề tài NCKH ngay trong quá trình đào tạo thấp, đặc biệt ở các chuyên ngành kỹ thuật (Đại học Bách khoa: 2000: 37/7119 SV; 2005: 65/10.650 SV). - Nội dung chương trình chậm đổi mới, vì vậy việc giảng dạy càng trở nên quá tải và hiệu quả thấp (số giờ lên lớp quá nhiều so với yêu cầu tăng cường tự học, tự nghiên cứu của SV). Chi phí cho giáo trình và tài liệu tham khảo chiếm tỷ lệ thấp trong tổng chi phí. - Tỷ lệ SV đến thư viện thấp (ĐHĐN có hai Thư viện điện tử hiện đại, nhưng mật độ SV đến khai thác tài liệu, thông tin hàng ngày thấp). - Số SV trung bình cho một lớp học các ngành: từ 40 - 50; ngoại ngữ: từ 25 - 35. Tuy nhiên, một số ngành đào tạo không tuyển đủ số lượng; tổ chức giờ học các môn chung với lớp nhỏ (70 - 100 SV), hiệu quả kinh tế thấp. - Chi phí hành chính quản lí còn cao do chất lượng của đội ngũ CBQL, phục vụ hạn chế. - Một số phòng thí nghiệm đầu tư thiếu đồng bộ, trùng lặp (Ví dụ: Các khoa cùng lập dự án đầu tư phòng máy tính riêng) dẫn đến không khai thác hết công suất. - Đặc biệt, hiệu quả sử dụng CSVC, trang thiết bị dạy học thấp. Trong khi hàng năm phải xây thêm các nhà học phục vụ tuyển mới, tăng qui mô đào tạo; các Trung tâm Đào tạo thường xuyên, Phát triển Phần mềm còn phải thuê địa điểm học, thì hiệu suất sử dụng phòng học chỉ đạt khoảng 70-80% (tính chung cả năm). Mấy năm vừa qua, với nguồn vốn tài trợ và dự án, ĐHĐN đã xây dựng được một số phòng thí nghiệm hiện đại như: phòng thí nghiệm Sản xuất tự động, phòng thí nghiệm Kỹ thuật Điện, phòng Thí nghiệm Kỹ thuật Nhiệt, Phòng thí nghiệm Rơle…; các phòng máy tính nối mạng và phòng LAB… Mỗi phòng thí nghiệm được đầu tư hàng triệu USD. Nhưng trên thực tế các thiết bị hiện đại không được khai thác hết công suất, thậm chí có phòng LAB từ khi lắp đặt đến lúc phải cải tạo, nâng cấp vẫn còn đóng cửa, không sử dụng. * Nguyên nhân tồn tại - Chậm đổi mới về chương trình, phương pháp đào tạo và tổ chức đào tạo: Chương trình, phương pháp đào tạo chưa khuyến khích được tính tích cực, sáng tạo của SV. Số giờ lên lớp quá nhiều, vừa gây lên tình trạng quá tải của GV, vừa hạn chế hoạt động tự học của SV. Việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, tổ chức lớp học còn làm theo khuôn mẫu, sơ cứng, thiếu cải tiến (Ví dụ: Yêu cầu thí nghiệm các chương trình đào tạo đều thiết kế sau phần lý thuyết, nên đầu học kỳ phòng thí nghiệm hầu như không sử dụng, nhưng đến cuối kỳ lại quá tải; lớp học môn chung tổ chức theo từng khoa nên không tận dụng hết hiệu suất phòng học;…). - Chưa quan tâm đúng mức đến việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tính toán qui mô hợp lý cho các loại hình phù hợp với sự gia tăng hạn chế của đội ngũ GV (qui mô đào tạo chính qui tăng quá nhiều…). - Một số dự án đầu tư thiết bị chưa tính toán kỹ nhu cầu sử dụng. Chưa có qui trình, biện pháp thống nhất quản lý, khai thác, sử dụng các trang thiết bị dạy học. Việc đánh giá hiệu quả sử dụng CSVC-TB định kỳ không được thực hiện. - Thiếu những chế định cần thiết (hoặc đã có, nhưng chưa đủ mạnh) để đổi mới hoạt động đào tạo (đổi mới phương pháp dạy học; chế định về nghiên cứu khoa học của GV và SV; về xây dựng chương trình, giáo trình và tài liệu tham khảo; về khai thác trang thiết bị dạy học; các chính sách khuyến khích nâng cao hiệu suất sử dụng CSVC). Cơ chế, chính sách quản lý tài chính còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường. 4. Biện pháp quản lý nâng cao "hiệu quả trong" ở Đại học Đà Nẵng Căn cứ thực trạng trình bày trên, để nâng cao "hiệu quả trong" ở ĐHĐN, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp cơ bản sau: 4.1. Nâng cao chất lượng bộ máy tổ chức và đội ngũ nhân lực Đây là yếu tố đầu tiên quyết định "hiệu quả trong" ở CSGD. Vì vậy, đầu tư xây dựng đội ngũ và tổ chức bộ máy là nhiệm vụ chiến lược của nhà trường. Từ thực trạng phân tích trên có thể định hướng thực hiện một số nội dung sau: - Nghiên cứu thực hiện cơ chế phân cấp và tăng cường trách nhiệm của CBQL các cấp; xây dựng các qui trình quản lý từng lĩnh vực công việc; ngăn ngừa tình trạng quan liêu, trì trệ, thiếu hiệu quả do có nhiều tầng bậc trung gian. Tăng tính tự chủ, sáng tạo của các đơn vị trực thuộc và tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm quản lý hiệu quả của các trường, các đơn vị trong và ngoài ĐHĐN. - Xây dựng và triển khai dự án tăng cường năng lực cho đội ngũ CBQL. Thông qua dự án này tổ chức bồi dưỡng đội ngũ CBQL và phục vụ cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý hiện đại. Đổi mới phương pháp quản lý giáo dục. Nghiên cứu áp dụng các hình thức quản lý của các trường đại học tiên tiến nhằm tăng hiệu suất sử dụng đội ngũ, CSVC-TB. - Triển khai kế hoạch bổ sung GV trẻ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, nâng tỷ lệ GV có học hàm, học vị cao ở các chuyên ngành mũi nhọn và các đơn vị giảng dạy còn yếu (vừa tăng chất lượng GD, vừa giảm chi phí mời thỉnh giảng). Đào tạo, bồi dưỡng GV một số chương trình có định hướng, để có thể giảng dạy thay thế GV nước ngoài. 4.2. Đổi mới về chương trình, phương pháp đào tạo và tổ chức đào tạo - Cần thống nhất quan điểm phương pháp luận cho việc đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng tăng cường tính tích cực, sáng tạo của SV, giảm giờ lên lớp, tăng giờ tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Hiệu suất sử dụng đội ngũ nhờ vậy sẽ tăng lên cùng với chất lượng đào tạo. - Tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ một cách triệt để hơn, lưu ý tăng tính mềm dẻo, linh hoạt của các chương trình đào tạo, xây dựng các chương trình liên thông, cải tiến phương thức tổ chức đào tạo, áp dụng mở rộng hình thức đào tạo qua mạng, đào tạo từ xa, để có thể tận dụng được năng lực đội ngũ và CSVC trong điều kiện hạn chế về số lượng GV. 4.3. Tăng cường quản lý CSVC - TB dạy học và nâng cao hiệu quả sử dụng - Nghiên cứu, khảo sát mô hình tổ chức các phòng thí nghiệm hiện đại của một số trường đại học tiên tiến để đầu tư và quản lý khai thác có hiệu quả. Các thiết bị nhiều ngành có nhu cầu sử dụng cần phải có kế hoạch để các đơn vị cùng khai thác. Các thiết bị thay đổi công nghệ nhanh, cần tính toán kỹ lưỡng hiệu suất sử dụng trước khi đầu tư. - Tổ chức cho GV và SV tự thiết kế, lắp đặt các bàn thí nghiệm, làm các phần mềm DH, nhằm phát huy khả năng sáng tạo của họ, đồng thời tiết kiệm được nguồn kinh phí. - Triển khai học kỳ hè để khai thác có hiệu quả cao CSVC-TB. Xây dựng các chương trình đào tạo và bồi dưỡng ngắn hạn, để sử dụng được CSVC trong các dịp nghỉ hè. Cải tiến tổ chức lớp học, phối hợp giữa các bộ phận quản lý chuyên môn và quản lý CSVC, kết hợp giữa thời khóa biểu môn học và biểu đồ thời gian thí nghiệm (Có thể tách các phần thí nghiệm, thực hành thành các đơn vị học trình riêng, độc lập với môn học), để tận dụng hiệu quả hơn các phòng thí nghiệm, thực hành. - Hợp tác tích cực giữa thư viện và các khoa, nhằm đầu tư sách, tài liệu, tài nguyên thư viện phù hợp với nhu cầu sử dụng và yêu cầu phát triển, đảm bảo tính hữu dụng, đồng thời thống nhất được biện pháp yêu cầu, khuyến khích SV sử dụng thư viện (Đổi mới phương pháp dạy học cũng là giải pháp quan trọng nâng cao hiệu suất sử dụng thư viện). - Thống nhất qui trình quản lý, sử dụng và định kỳ kiểm tra - đánh giá hiệu quả sử dụng CSVC-TB để có biện pháp cải tiến, khắc phục, điều chỉnh kịp thời. 4.4. Xây dựng các chế định trong hoạt động quản lý giáo dục Chế định của nhà trường vừa là cơ sở pháp lý, vừa là những định hướng cần thiết cho hoạt động quản lý giáo dục. Để tác động, thúc đẩy làm cho hoạt động GD của ĐHĐN có hiệu quả hơn cần tập trung một số vấn đề sau: - Xây dựng chương trình, kế hoạch đảm bảo chất lượng toàn diện cho các hoạt động của nhà trường và chủ động, tích cực tham gia chương trình kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Ngành; khuyến khích áp dụng các mô hình, phương thức quản lý chất lượng tiên tiến. - Xây dựng các qui chế, qui định nội bộ phù hợp với chủ trương phân cấp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường thành viên. Tăng cường phân cấp và trách nhiệm trong các lĩnh vực quản lý, cải cách bộ máy và cải tiến công việc. - Xây dựng một số chế độ, chính sách khuyến khích tính tích cực, chủ động của GV và SV trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp dạy học, học tập sáng tạo (Đồng thời có thể có chế tài về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học). - Xây dựng chính sách khuyến khích đủ mạnh để đổi mới quản lý CSVC-TB, nâng cao hiệu suất sử dụng phòng học, phòng thí nghiệm, trang thiết bị (khoán chi phí đào tạo, sử dụng thiết bị, khen thưởng về hiệu suất sử dụng ). Thiết kế một cơ chế, chính sách quản lý tài chính có thể khuyến khích tiết kiệm, tăng hiệu suất sử dụng CSVC-TB (VD: Tính cả số tiền phải trả cho việc sử dụng phòng học, thiết bị vào ngân sách của trường, khoa. Nếu tiết kiệm được có thể dành cho hoạt động bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học,…). - Xây dựng chiến lược phát triển nguồn tài chính để đảm bảo các mặt hoạt động của nhà trường. Có chính sách tăng cường mạnh mẽ các nguồn thu từ hoạt động khoa học - công nghệ, sản xuất, dịch vụ tận dụng CSVC-TB của nhà trường. 5. Kết luận Cũng như ở nhiều nước đang phát triển trên thế giới, các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục nước ta bắt đầu nói nhiều và nghiêm túc đến hiệu quả và chất lượng giáo dục mới chỉ vài năm gần đây. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang mang tính cạnh tranh ngày càng cao và với việc Việt Nam gia nhập WTO, các cơ sở giáo dục đại học với tư cách là nơi cung cấp dịch vụ đặc biệt cần phải quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả. Vấn đề "hiệu quả trong" đang trở thành thách thức và là mối quan tâm hàng đầu của lý luận và thực tiễn QLGD. Mô hình quản lý kiểu doanh nghiệp, quản lý nhà trường hiệu quả cần được tính đến. Việc đưa ra xem xét, phân tích "hiệu quả trong" ở ĐHĐN nhằm mục đích đề xuất các biện pháp để sử dụng tốt hơn các nguồn lực hay hạ thấp chi phí trong hoạt động GD của nhà trường, đồng thời đảm bảo chất lượng giáo dục như một tiêu chí thành phần của quan niệm về hiệu quả GD. Nhưng với vấn đề lớn như vậy, bài viết mới chỉ xới lên những dấu hiệu dễ nhận biết, rất cần phải có sự đầu tư nghiên cứu, điều tra khảo sát sâu hơn. Cũng như đối với chất lượng, "hiệu quả trong" của nhà trường chỉ có thể được cải thiện thực sự nếu có sự quan tâm của lãnh đạo cao nhất của nhà trường và sự tham gia tích cực của mọi bộ phận, cá nhân trong trường. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đặng Quốc Bảo (2001), Kinh tế học Giáo dục (Tài liệu giảng dạy lớp Cao học Quản lý Giáo dục), Khoa Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội. [2] Chính phủ (2005), Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02.11.2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, Hà Nội. [3] Đại học Đà Nẵng (2006), Đề án qui hoạch phát triển tổng thể Đại học Đà Nẵng trọng điểm đến năm 2015, Đà Nẵng. [4] Đại học Đà Nẵng (2007). Báo cáo tình hình thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25.4.2006, Đà Nẵng. [5] Nguyễn Lộc (2006), Hiệu quả và chất lượng trong giáo dục, Tạp chí Khoa học Giáo dục số 4, Hà Nội. [6] Phạm Quang Sáng (2006), Quản lý tài chính trong giáo dục (Đề cương bài giảng chương trình Cao học Quản lý giáo dục), Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, Hà Nội. [7] Lê Đình Sơn (2001), Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu thiết bị đào tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, Nội san Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng. [8] Đặng Ứng Vận (2006), Giải pháp phát triển giáo dục đại học trong cơ chế thị trường, Tạp chí Khoa học Giáo dục số 12, Hà Nội. [9] Sanyal B.C. (1995), Innovations in University Management, Paris. . vụ cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý hiện đại. Đổi mới phương pháp quản lý giáo dục. Nghiên cứu áp dụng các hình thức quản lý của các trường đại học tiên tiến nhằm tăng hiệu suất sử dụng đội. PHÁP QUẢN LÝ NHẰM NÂNG CAO "HIỆU QUẢ TRONG" Ở ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG MANAGEMENT MEANS TO IMPROVE "INTERNAL EFFICIENCY"AT THE UNIVERSITY OF DANANG LÊ ĐÌNH SƠN Đại học Đà. cường quản lý CSVC - TB dạy học và nâng cao hiệu quả sử dụng - Nghiên cứu, khảo sát mô hình tổ chức các phòng thí nghiệm hiện đại của một số trường đại học tiên tiến để đầu tư và quản lý khai

Ngày đăng: 22/07/2014, 18:21

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan