ĐOÀN THỊ ĐIỂM

9 351 0
ĐOÀN THỊ ĐIỂM

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Đoàn Thị Điểm Từ tối đến giờ quan thị lang Nguyễn Kiều vẫn ngồi trầm tư trước chiếc kỷ thấp, nghiên bút, giấy mực đã bày biện sẵn sàng. Mấy ngày nay, ông đã bao lần ngất đi vì cái chết đột ngột của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, người vợ mà ông rất mực yêu quý và trân trọng. May nhờ nhiều người khuyên giải, ông mới vợi được phần nào nỗi buồn đau để tỉnh táo trở lại. Quan thị lang đã sai sửa soạn làm lễ an táng Đoàn Thị Điểm, cho xứng với danh giá, đức độ và tài năng người đã khuất. Ông quyết định làm bài văn tế người vợ mà ông vừa kính phục vừa chịu ơn. Ý nghĩ ấy đã khơi dậy những tình cảm sâu kín, thiêng liêng khiến cho quan thị lang xúc động đến nghẹn ngào. Con người mẫn tiệp, đoan trang ấy đã dũng cảm cáng đáng gánh nặng gia đình, nuôi mẹ già, chị dâu và hai cháu nhỏ, nhưng lại khảng khái khước từ bả vinh hoa phú quý, khước từ lời cầu hôn của nhiều văn nhân, tiến sĩ, thượng thư để trở thành kế thất quan thị lang Nguyễn Kiều. Quyết định của Đoàn Thị Điểm thực sự đã gieo cho giới thi nhân một nỗi bất ngờ. Chỉ có Nguyễn Kiều mới hiểu, nữ sĩ lấy ông không chỉ vì mến tài đức ông mà còn vì thương những đứa con nhỏ của ông không người chăm sóc dạy dỗ, khi ngày đi sứ của ông đã tới gần. Hiểu như thế, ông càng yêu quý Đoàn Thị Điểm bội phần. Một người hầu gái rón rén bưng khay trà đến dâng quan, đã cắt đứt mạch hồi ức của tiến sĩ Nguyễn Kiều, ông xoay mình nâng chén trà, nhấp một ngụm nhỏ. Thứ trà được người vợ quá cố ướp hoa nhài công phu, hương vị thật là ngát. Phải, ông đã uống thứ trà lần đầu ở Chương Dương gần bảy năm trước, để không bao giờ quên được dư vị ngọt ngào của nó. Bây giờ uống lại thứ trà ấy, trong cảnh ngộ hiện tại, lòng ông bỗng nao nao thương nhớ người vợ yêu đã khuất. Ông lại đắm mình trong những kỷ niệm êm đềm về nữ sĩ mà tháng năm sẽ chẳng thể phai nhòa trong ông. Sau ngày cưới, con người có vẻ ngoài lãnh đạm, kiêu kỳ ấy lại trở thành người có tài quản suất công việc trong nhà một cách chu đáo. Nữ sĩ đã thực sự đem lại cho gia đình ông nguồn hạnh phúc vô bờ, đến nỗi, sự vắng mặt của nữ sĩ, dù chỉ có một buổi, cả gia đình ông đều thấy trống trải đến không chịu được. Chính bằng tình yêu thắm nồng, bằng sức mạnh của tài năng, bằng cách lấy văn chương làm vị thuốc chữa bệnh cho một người làm văn chương, Đoàn Thị Điểm đã tế nhị chỉ cho ông rõ, tài ông chưa hơn được thiên hạ ít nhất là còn thua vợ. Não lòng thay, sống chung của ông với nữ sĩ ngắn chẳng tẩy gang. Sau ngày cưới, lửa hương nồng đượm chưa quá một tuần trăng, ông phải đi Bắc sứ. Ba năm sau trở về, ông mới thực sự hiểu nữ sĩ một cách trọn vẹn. Ông sửng sốt thấy nữ sĩ không chỉ hiểu lòng ông mà còn đọc được cả ý nghĩ của ông. Chẳng những nữ sĩ đã quán xuyến gia đình, dạy dỗ các con ông chu đáo mà còn để tâm dịch Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn một cách tài tình. Nhưng đời người như đóa hoa phù dung, quan thị lang thầm nghĩ, biệt hiệu Hồng Hà của nữ sĩ sao ứng với nghĩa của chữ đến thế? Chỉ ba năm sau lúc đi Bắc sứ về ông nhận chiếu chỉ về trấn Nghệ An và xảy ra cái chết bi thương của nữ sĩ. Nhớ lại những kỷ niệm ngày ấy, thị lang Nguyễn Kiều thấy dội lên nỗi ân hận day dứt. Bởi vì lúc ông sửa sọan hành trình, nữ sĩ vì không được khỏe có ý chối từ xin đi sau. Nhưng nể ông nài ép, nữ sĩ không nỡ trái ý bất đắc dĩ xuống thuyền. Ai ngờ chuyến đi ngàn dặm buồm căng, tưởng rằng vợ chồng có dịp chén tạc, chén thù cùng đàm đạo chuyện đời, làm thơ vịnh cảnh những lúc trăng lên, mỗi khi gặp cảnh non kỳ nước tú lại dẫn đến sự phân ly đôi đường kim cổ. Trái tim ông co lại. Ông vội gạt nước mắt, dầm bút vào nghiên mực, ghi vội những dòng cảm xúc: "Thật ngẫu chi phú Trường hu đoản thán Thốn kết sầu tràng Song thùy lệ nhãn" Cho đến lúc gia nhân đã trở dậy, quan thị lang mới viết những dòng cuối, lòng trĩu nặng ưu tư: " Than ơi đường chia đôi ngả Duyên đứt sáu năm, vui ít sầu nhiều, tài dài mệnh ngắn" Rồi đám tang Đoàn Thị Điểm được cử hành như ông đã định. Quan lại và những bậc khoa bảng trong trấn đều đến đông đủ. Nhiều danh sĩ, thi nhân từ kinh đô và các trấn khác cũng gấp lên đường kịp dự tang lễ. Linh cữu Đoàn Thị Điểm được đem về an táng tại quê Nguyễn Kiều. Ròng Rã mấy năm sau, nấm mồ nữ sĩ không ngày nào vắng người đến viếng. Có người thắp hương, có người trồng hoa, có người khóc bằng nước mắt, có người khóc bằng thơ. Và không phải chỉ ở nấm mồ này, không phải chỉ ở kinh đô mà xa hơn nữa, trong các thôn xóm cuộc đời của Đoàn Thị Điểm với bao huyền thoại, đã được nhắc lại Thuở ấy nhân dân hạt Văn Giang không ai không hay biết và đem lòng kính trọng gia đình ông đồ Đoàn Doãn Nghi. Mọi người biết tường tận gia đình ông đồ Nghi, bởi vì gia đình ấy có hai người con rất mực thông minh, hay chữ là Đoàn Doãn Luân và Đoàn thị Điểm. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, có truyền thống hiếu học lại rất thông minh nên từ rất sớm, Đoàn Thị Điểm đã nổi tiếng là thần đồng. Năm tuổi, Đoàn Thị Điểm đã đọc được bài trong kinh thi. Mười tuổi học sử và kinh dịch. Mười bốn tuổi học hết tứ thư ngũ kinh, sử truyện. Khi mới năm tuổi, nhân học sách Hán Cao Tổ, cha Đoàn Thị Điểm đồng thời là thầy học, muốn thử tài con mà ra câu đối rằng: - Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhì trảm chí. Ông đồ Nghi bỗng sửng sốt nghe một vế đối rất chỉnh của con gái: - Hoàng long phụ chu, vũ ngưỡng thiên nhi thán viết Dẫu khiêm tốn, ông đồ Nghi cũng phải thừa nhận tài năng lỗi lạc của con mình. Càng lớn lên, Đoàn Thị Điểm chẳng những chỉ nổi tiếng về tài năng mà còn nổi tiếng là người có sắc đẹp mặn mà, cử chỉ đoan trang, tao nhã, nói năng mềm mỏng. Cũng chính bởi nổi tiếng như vậy nên Đoàn Thị Điểm sớm bước sang một khúc ngoặt, hoàn toàn trái với những mơ ước bình dị của đời mình. Ấy là một buổi chiều, gia đình ông đồ Đoàn Doãn Nghi được vinh hạnh đón tiếp quan thượng thư Lê Anh Tuấn từ kinh tới. Sau bữa cơm thịnh soạn quan thượng thư lấy nê là thầy học cũ của chủ nhà muốn thử tài đứa cháu gái sớm nổi danh. Quan thượng thư gọi Đoàn Thị Điểm tới ngắm nghía dung nhan rồi bắt đi bảy bước vịnh một bài thơ độc hành (đi một mình). Quan thượng thư chưa kịp đưa chén trà lên miệng sau câu nói, đã nghe thấy cô gái mười sáu tuổi ứng khẩu đọc: Đàm luận cổ kim tâm phúc hữu Trung tùy tả hữu cổ quang thần Từng nghe đồn đại về tài thơ của Đoàn Thị điểm, vậy mà quan Thượng không dấu nổi sửng sốt: - Khá khen con là người nhanh trí, cốt cách con đoan trang tao nhã mà lời lẽ khí phách như một đại nhân. Ông đồ Nghi đỡ lời con: - Cháu nó cũng võ vẽ đôi chữ, chứ học hành nào đã ra gì! Khi chỉ còn hai người, thượng thư Lê Anh Tuấn gật gù, chậm rãi nói với ông đồ Nghi: - Không phải vô cớ ta về thăm gia đình con. Ở kinh nghe danh cháu Điểm ai cũng lấy làm sự lạ. Hỏi ra, biết cháu chẳng phải người xa, ta vui mừng khôn xiết. Thật là danh bất hư truyền. - Thật hân hạnh cho gia đình con, ông đồ Nghi xúc động đáp. - Người như cháu Điểm thực xưa nay hiếm. Con bé ấy được cả tài lẫn sắc. Ta đồ rằng chúa Thượng cũng đã phong thanh hay biết mà phủ chúa xưa nay vẫn thiếu người như thế! Chén trà trên tay ông Đồ bỗng rơi xuống sập, nước đổ lênh láng. Nhận ra vẻ lo lắng trên nét mặt ông đồ, viên thượng thư già làm bộ tự nhiên. - Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Từ xưa ta vốn chuộng người hiền tài, gia quyến lại hiếm hoi. Bởi thế, ta cất công về đây muốn được xin cháu Điểm làm con nuôi. Lên kinh có thầy giỏi thì dù phận gái không được đi thi nhưng chắc cháu sẽ làm rạng danh cho gia đình con và làm đẹp mặt ta nữa. Chẳng hay con có bằng lòng không? Ông Đồ Nghi bỗng lâm vào thế khó xử. Nhưng nể và tin thầy học cũ, người được chúa Trịnh Cương sủng ái bậc nhất thời ấy, lại cũng muốn đầu óc con mình mở mang, ông nhận lời mà lòng chẳng vui: - Bẩm quan Thượng! Quan Thượng đã dạy thế, thế nào con dám trái ý. Đoàn Thị Điểm được gọi đến. Lần nữa ngắm nhìn cô gái ăn mặc giản dị mà vẫn như một bông hoa đẹp đầy hương sắc, viên thượng thư gật gù: - Ta đã thưa với cha con. Ta muốn đưa con về kinh coi như con đẻ. Ở đó con sẽ mặc sức học rộng hiểu sâu và tiếp xúc với các văn nhân, trau dồi đường học vấn. Sợ con trái ý thất lễ, ông đồ Nghi âu yếm nhìn con: - Cha đã bằng lòng cho con lên ở với Quan Thượng. Con nhớ phải giữ lễ và nghe chỉ giáo của quan trên. Đoàn Thị Điểm nhỏ nhẹ: - Cha đã dạy, con xin vâng. Mấy ngày sau, Đoàn Thị Điểm bùi ngùi chia tay cha mẹ, từ biệt mảnh đất ghi đậm bao kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu để theo quan thượng thư Lê Anh Tuấn về kinh. Sống giữa kinh thành mặc dù được quan thượng thư và gia quyến hết sức chiều chuộng, song Đoàn Thị Điểm vẫn không nguôi được nỗi nhớ cha mẹ và cuộc sống bình dị trong tình thương yêu đ ùm bọc rất đỗi chân thật, đầm ấm với người dân quê mình. Dường như đối với Đoàn Thị Điểm, cuộc sống nhung lụa, nhàn tản, có kẻ hầu người hạ hoàn toàn xa lạ đối với cô gái trẻ. Chỉ có điều an ủi duy nhất là dinh quan thượng thư chứa rất nhiều sách. Đoàn Thị Điểm say mê đọc sách. Bởi vậy, kho sách hàng nghìn cuốn của quan Thượng, Đoàn Thị Điểm chỉ đọc không đầy nửa năm đã hết. Đến lúc ấy, cuộc sống xa hoa, trống rỗng ở dinh quan thượng mới thực sự dày vò cô gái. Đoàn Thị Điểm chỉ còn biết làm thơ, trau chuốt câu văn làm vui. Những bài thơ lời đẹp ý hay ấy được quan Thượng trao tay cho các văn thần trong triều thưởng thức. Bởi vậy tài năng của Đoàn Thị Điểm dậy lên ở kinh đô. Thấy tiếng tăm con nuôi nổi lên như sóng cồn, thượng thư Lê Anh Tuấn rất hoan hỉ. Nhận ra cô con nuôi đẩy lên và do đó, có một vẻ đẹp quyến rũ đặc biệt, quan Thượng càng vui lòng. Cũng từ đó dinh quan thượng không mấy lúc vắng khách vào ra. Một hôm có bốn danh sĩ được tôn là "Tứ hổ đất Tràng An", tới dinh quan thượng để so đo tài năng với Đoàn Thị Điểm. Biết được thâm ý của các danh sĩ, Đoàn Thị Điểm trở về phòng riêng lấy giấy bút thảo nhanh một vế đối hóm hỉnh rồi sai người hầu trao tận tay khách. Vế đối ấy là: - Đình tiến thiếu nữ khuyến tân lang. Nhận ra vế đối vô cùng hiểm hóc (thiếu nữ là người con gái đồng thời là gió nhẹ. Tân lang là chàng rể vừa có nghĩa là cau). Bốn danh sĩ lúc đầu còn cười trừ, về sau toát mồ hôi hột mà không sao đối lại được. Chủ định đi thi tài bỗng dưng bị bại ngay từ màn đầu, cả bốn danh sĩ xấu hổ, vội vã tháo lui. Sau lần "đánh quỵ" bốn con hổ ở đất "Tràng An" tên tuổi Đoàn Thị Điểm được gắn với một loạt những huyền thoại. Sùng kính tài năng ấy, nhân dân đã phong Đoàn Thị Điểm là trạng Giữa. Mặc dù sớm đạt tới đỉnh cao vinh quang trong giới thi nhân. Đoàn Thị Điểm vẫn dửng dưng trước những lời khen cũng như trước những ánh mắt âu yếm của các trang công tử. Từ đáy lòng mình Đoàn Thị Điểm vẫn không nguôi nhớ đến cha mẹ, nhớ đến bà con trong xóm ngoài làng, nhớ những bài ca có lời óng chuốt, có nghĩa uẩn súc của quê hương. Nhưng rồi cuộc sống êm ả của Đoàn Thị Điểm ở kinh thành cũng qua mau. Dù không muốn quan tâm đến thời thế, nhưng sống ngay trong dinh quan Thượng, Đoàn Thị Điểm không thể bỏ qua được những biến đổi ở trong triều. Mới chỉ không đầy một năm sống ở kinh kỳ, Đoàn Thị Điểm đã bao lần chứng kiến những cuộc xuất chinh đi "Dẹp loạn" của binh lính triều đình. Thậm chí có lần, tướng sĩ vừa cờ rong trống mở xuất quân đi đánh trận này thì ở trận khác hỏa hiệu lại nổi lên cấp báo tin dữ. Triều đình lại một phen nhốn nháo huy động binh mã xuất chinh. Lo âu, chán nản trước cảnh ly loạn ấy, nhưng Đoàn Thị Điểm không dễ hiểu được ai là "Giặc", vì sao trấn này hay trấn khác "Làm phản triều đình". Mặc dù vậy, mỗi lúc nghe thấy trống động binh, nhìn thấy hỏa hiệu ngút trời, báo động một cách khẩn cấp về triều, tâm hồn cô gái trẻ lại nhói đau không dứt. Bỗng dưng Đoàn Thị Điểm xót xa khi nhớ tới những câu ca lan truyền trong dân gian: "Trời mưa cho ướt lá bầu Vì ai nên phải đi hầu chàng ơi Nhà vua có lệnh về đòi Đồn rằng chàng trẩy hai mươi tháng này". Bằng những hiểu biết bắt nguồn từ lòng nhân đạo, đã có sức mạnh kéo Đoàn Thị Điểm ra khỏi cuộc sống mơ mộng giữa bốn bức tường sách vở ở dinh quan Thượng để nhìn thẳng vào những biến động của thời cuộc đang diễn ra xung quanh mình. Đoàn thị Điểm se lòng khi tận mắt nhìn thấy những đoàn ăn mày rách rưới gầy còm lũ lượt tràn về kinh thành xin ăn. Tình hình đàng ngoài càng xấu đi nhanh chóng từ khi Trịnh Giang lên kế vị ngôi chúa. Vốn là người ngu dốt, nhu nhược, đa nghi, tàn ác, ưa phỉnh nịnh, Trịnh Giang mãi lo ăn chơi hưởng lạc và tùy tiện thưởng phạt, khiến lòng dân không phục. Chứng kiến những sự thật đau lòng ấy Đoàn Thị Điểm ân hận đã có lúc vô tâm với thời cuộc. Đoàn Thị Điểm tự hỏi, nước loạn là bởi đâu? Phải chăng nước thiếu bậc minh quân, lương thần? Nghĩ vậy Đoàn Thị Điểm say mê đọc sử sách nước nhà, tìm hiểu việc trị nước, hăm hở học gương nghĩa hiệp của những tôi trung hết lòng vì dân vì nước. Tuổi đời còn quá trẻ, tầm nhìn còn hạn chế, Đoàn Thị Điểm chưa hiểu hết việc làm của những nghĩa quân nông dân, nhưng Đoàn Thị Điểm ghét cay ghét đắng những hành động đồi bại, tàn ác của chúa. Đoàn Thị Điểm ước mơ có đủ tài năng và uy tín để chẳng những hiểu được phép trị nước mà còn được vua tin nghe, giao cho trọng trách, mong ngăn được loạn ly, làm cho dân thịnh nước giàu. Ngạc nhiên trước các sách mà cô con nuôi dày công nghiền nghẫm, quan Thượng có lần hỏi: - Lâu nay con lơi việc làm thơ để học nghĩa các sách này chăng? Việc ấy có ích lợi gì? - Thưa cha, Đoàn Thị Điểm từ tốn, xưa Từ Huệ Phi, một hiền phi của Đường Thái Tôn cũng biết dâng sớ bày mưu tính kế cho vua và được xem là một nữ tử thông tuệ đó sao. Quan thượng thư Lê Anh Tuấn sửng sốt: - Con gái của cha cũng có bụng phò vua giúp nước theo gương người xưa? - Thưa cha! Đất nước loạn ly, dân tình khốn khổ, phận nữ nhi càng thiệt thòi mọi bề. Lẽ ấy khiến cho con có nhiều điều băn khoăn tấc dạ. Thấy lạ, quan Thượng gặng hỏi: - Thần nịnh, chúa hôn? Quả là nước đang có lúc không yên. Cha muốn được biết những lẽ băn khăn của con. Chỗ cha con trong nhà đừng e dè. - Thưa cha! Cha đã hỏi, con không dám giấu. Đọc sách xưa nghĩ cảnh nay, con tự đặt mình lạm nghĩ kế trị nước. Thật lòng con không muốn trái trứng để khoe tài. - Con thử nói cha nghe! - Theo con, Đoàn thị Điểm sau lúc đắn đo, cất giọng quả quyết nước muốn thịnh dân muốn giàu thì bậc minh quân trước phải năng giữ cỗi gốc của nước, trừ hà bạo. Hai là giữ nếp cũ, bỏ phiền nhiễu cho kỷ cương khỏi rối. Ba là nén kẻ quyền thần để ngăn ngừa chính sự mọt nát. Bốn là thải bớt kẻ nhũng lạm để trừ tệ đục khoét của dân. Năm là mở đường cho người nói thẳng để cho cửa thành cùng với đường can gián đều mở toang. Sáu là chọn tướng nên cần người thao lược mà không căn cứ vào thế gia. Chỉ có vậy, nước mới trị, dân mới yên. Nghe xong những ý táo bạo ấy từ miệng cô con nuôi bội phần xinh đẹp, quan thượng thư Lê Anh Tuấn bỗng lặng đi. Quan Thượng không thể ngờ mới ngần ấy tuổi đầu, Đoàn Thị Điểm lại có được sức nghĩ sâu rộng, sáng suốt và táo bạo đến thế. Luận giải của Đoàn Thị Điểm về thời thế cũng chính là những điều mà quan thượng thư bận tâm suy nghĩ. Dường như không phải Đoàn Thị Điểm bàn luận nghĩa sách mà bàn về việc nước, thổ lộ niềm tâm sự thầm kín bấy lâu ấp ủ cùng ông. Hơn thế, đã đọc được lòng ông. Thật thế, kể từ khi Trịnh Giang lên ngôi chúa, mọi việc Giang nhất nhất nghe bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ, ghẻ lạnh các đại thần có năng lực. Nghĩ cảnh mình và chứng kiến hàng loạt việc làm thất nhân tâm của Trịnh Giang, Lê Anh Tuấn lo buồn đến quên ăn mất ngủ. Trong tâm trạng ấy, nghe con nuôi luận về thời cuộc, quan Thượng sửng sốt vì không phải ai khác, chính là con ông đã bộc bạch những điều ông nung nấu, những điều bao lâu ông dấu kín trong lòng. - Chẳng hay những điều con lạm bàn đã làm phiền lòng cha? Đoàn Thị Điểm thấy quan thượng thư đâm chiêu nên rụt rè hỏi, cha đã chẳng cho phép con nói đó sao? Nghe tiếng hỏi, thượng thư Lê Anh Tuấn trở về thực tại. Ngắm nhìn khuôn mặt thanh tú, linh lợi của con, quan Thượng thở dài nói: - Phải là người thông tuệ xuất chúng, lại phải là người nặng lòng ưu ái thương dân, thì ở tuổi con, mới có được những lời bàn xác đáng như thế. Nhưng con đã không gặp thời, cũng như cha đã hết thời mất rồi. Đến lượt Đoàn Thị Điểm sửng sốt. - Thưa cha! Cha nói gì con không hiểu. Thượng thư Lê Anh Tuấn thấy không thể giấu con: - Xưa nay trong nghiệp trị nước, được người hiền giúp thì nước thịnh, mất người hiền thì nước suy. Đó là lẽ thường. Nay chúa ghét bỏ người cao minh viễn kiến mà tin dùng bọn nịnh thần thì trách sao khỏi suy loạn? Sớm muộn rồi họa cũng đến với gia đình ta. Chỉ ngần ấy lời thôi nhưng Đoàn Thị Điểm hiểu được tai họa của cha đã đến gần. Đoàn Thị Điểm rơm rớm nước mắt. - Người ta lúc thế này, lúc thế khác; họa phúc thật khó lường. Nhưng đối với người cả đời vì dân mà mưu điều lợi, bỏ điều hại như cha, lẽ nào kẻ quyền thế dám ngang nhiên giày xéo lên công luận? Giọng quan Thượng đượm buồn: - Kẻ bạo ngược muốn giết một thuộc hạ thì thiếu gì cách êm thấm. Cha đã nghĩ kỹ rồi nhưng chưa tiện nói. Đến lúc con phải về quê nhà. Cha không muốn vì cha con phải liên lụy. Đời con còn dài, trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ chí khí. Đoàn Thị Điểm ngước nhìn quan Thượng, thành kính: - Cầu cho cha tai qua nạn khỏi. Con sẽ không phụ lòng cha. Đoàn Thị Điểm không ngờ đó là buổi đàm đạo với cha nuôi lần cuối cùng. Chỉ mấy ngày sau, trong lúc Đoàn Thị Điểm còn lưu luyến chưa vội trở về quê nhà thì thượng thư Lê Anh Tuấn bị Trịnh Giang giáng chức, đẩy đi làm đốc trấn Lạng Sơn. Trở về quê nhà ít lâu Đoàn Thị Điểm kinh hoàng được tin: Thượng thư Lê Anh Tuấn, người có nhiều công trong thời Trịnh Cương, đã bị Trịnh Giang buộc phải uống thuốc độc tự tử ở trấn thành Lạng Sơn. Ngay sau khi rời khỏi dinh quan thượng thư Lê Anh Tuấn trở về quê nhà, gia đình Đoàn Thị Điểm đã trải qua những ngày lo âu căng thẳng. Không lạ gì những việc làm độc ác của chúa Trịnh Giang, nhất là xung quanh Trịnh Giang còn cả một bọn bộ hạ mất hết tính người, Đoàn Thị Điểm khuyên cha di cả gia quyến đi nơi khác, phòng hậu họa. Khi mối lo đã qua đi và sự nghèo đói không còn từng ngày thúc bách, Đoàn Thị Điểm bình tâm trở lại. Nỗi tiếc thương quan Thượng, sự bất bình trước việc làm hèn hạ của chúa khiến cho Đoàn Thị Điểm như cảm thấy ước mơ của mình bị sụp đổ, số phận mình cũng mỏng manh, ngắn ngủi như ráng đỏ chiều hôm. Để ghi nhớ cái kỷ niệm đau buồn bao hàm nỗi thất vọng về thời thế, Đoàn Thị Điểm thự đặt cho mình hiệu là Hồng Hà. Năm tháng trôi đi, bằng sự tiếp xúc rộng rãi, cởi mở với mọi người, vốn sống của Đoàn Thị Điểm cũng dày nhanh như những trang sách đã đọc. Sự hiểu biết ấy như bổ sung cho vốn học uyên thâm và tay bút tài hoa, khiến Đoàn Thị Điểm có thể diễn đạt được những nguyện vọng, ước mơ của con người, nỗi khát khao cuộc sống của tuổi trẻ. Đoàn Thị Điểm suy nghĩ về thế nước. Theo nữ sĩ, nước đã thiếu bậc minh quân, thiếu những lương thần ắt sinh loạn lạc. Đoàn Thị Điểm se lòng khi thấy loạn ly như một thứ bệnh dịch không phương cứu chữa. Cũng bởi ấp ủ những hoài bão giúp dân dựng nước. Đoàn Thị Điểm nẩy ý định viết sách để bày tỏ chính kiến, gởi gấm những tâm sự của mình. Nữ sĩ muốn mượn nét bút để khẳng định người đ àn bà dù ở thời nào cũng có tài năng, hiểu việc trị nước và sẵn lòng sinh tử cho đại nghĩa. Ý nghĩ ấy thôi thúc Đoàn Thị Điểm nhanh chóng bắt tay vào công việc. Một mẫu người đàn bà tài hoa biết lo cho vận nước, sẵn lòng chết vì nghĩa lớn đã được dàn dựng. Chuyện lấy tên "Hải khẩu linh từ" (Đền thiêng ở cửa biển) kể về nàng Bích Châu cung phi của vua Trần Duệ Tông. Nàng đã dám dâng lên vua bản điều trần gồm có mười điều gọi là "Kệ minh thập sách" đại ý khuyên vua năng giữ gìn cỗi gốc của nước, trừng trị bọn quyền thần nhũng lạm, cổ động nho phong và chỉnh đốn quân đội. Và nàng sẵn sàng hy sinh thân mình để giữ tính mạng cho vua và các chiến truyền. Đoàn Thị Điểm thận trọng đọc lại đoạn viết về bản điều trần: - "Một là nâng giữ cỗi gốc của nước trừ hà bạo thì lòng người yên vui. Hai là giữ nếp cũ bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối. Ba là nén kẻ quyền thần để ngăn ngừa chính sự mục nát. Bốn là thải bớt những kẻ nhũng lạm để trừ tệ khoét đục của dân. Năm là sinh cổ động nho phong Sáu là mở đường cho người nói thẳng Bảy là kén quân nên chú trọng dũng lược Tám là chọn tướng nên cần người thao lược mà không căn cứ vào thế gia. Chín là khí giới quý hồ bền sắc không chuộng hình thức. Mười là trận pháp cốt cho chỉnh tề " Đọc lại "Kệ minh thập sách" Đoàn Thị Điểm mỉm cười hài lòng. Phấn chấn Đoàn Thị Điểm bắt tay viết tiếp chuyện "Long hổ đấu kỳ" (Rồng và hổ tranh nhau về tài lạ) ngầm ý đề cao kẻ hiền tài, vạch mặt kẻ tham quan gian ác hiểm độc. Mượn lời đạo sĩ chứng kiến cuộc tranh cãi giữa rồng và hổ, nữ sĩ muốn khuyên mọi người phải bắt chước rồng làm mưa, làm gió, bổ ích cho thế gian, chớ nên bắt chước hổ giơ nanh múa vuốt cắn lại loài người. Đoàn Thị Điểm đã đưa hai chuyện ấy cho cha và anh đọc. Hiểu con gái có chí lớn nhưng Đoàn Doãn Nghi chỉ thở dài, nói nhỏ với con: - Con làm chuyện xúc tích lắm. Nhưng ở đời mấy ai làm được điều mình nghĩ. Lạ thay, chỉ có những người chịu cảnh nghèo, không may mới hay nghĩ được những điều sáng suốt. Giữa những ngày Đoàn Thị Điểm say mê đi sâu tìm hiểu đời sống và con người, ôm ấp hoài bão viết sách răn đời thì một biến cố xảy ra, làm đảo lộn những suy tính của nữ sĩ. Ông đồ Đoàn Doãn Nghi sau một trận ốm dài ngày, đã qua đời. Cái chết của cha chẳng những để lại cho Đoàn Thị Điểm một vết thương lòng khó hàn gắn, mà gia đình cũng mất một chỗ tựa vững chắc tin cậy. Đã thế, thuốc thang, ma chay cho cha khiến gia đình Đoàn Thị Điểm khánh kiệt. Mấy năm sau, một bất hạnh khác lại đến với Đoàn Thị Điểm, Đoàn Doãn Luân không may mất sớm, để lại mẹ già, người vợ vụng về và hai cháu nhỏ. Lo cho anh mồ yên mả đẹp, Đoàn Thị Điểm bước vào những năm khó khăn thử thách vượt quá sức mình. Cho đến sau này, Đoàn Thị Điểm cũng không biết sức mạnh nào khiến cho mình có đủ bình tĩnh và nghị lực để đương đầu với khó khăn, cáng đáng của gia đình qua khỏi những trận đói khủng khiếp. Nhưng Đoàn Thị Điểm vẫn chẳng được yên. Nhan sắc, tài năng, đức hạnh của nữ sĩ vẫn là một miếng mồi hấp dẫn những kẻ quyền cao chức trọng, học vấn nông cạn nhưng lại thích tiếng tăm. Một hôm Đoàn Thị Điểm đang ngồi dạy các cháu học ở dưới nhà ngang, bỗng có một đoàn hơn sáu mươi trai tráng, rước theo một chiếc kiệu xồng xộc ập vào nhà. Ngơ ngác chưa hiểu duyên cớ, Đoàn Thị Điểm thấy một người trạc ngũ tuần, mày râu nhẵn nhụi, mặc phẩm phục đại thần, từ trên kiệu bước xuống, tiến vào nhà, vái mẹ Đoàn Thị Điểm, xin nộp đồ sính lễ cưới Đoàn nữ sĩ. Vốn thông minh, Đoàn Thị Điểm bỗng hiểu nỗi nguy khốn sắp chụp lên đầu mình. Viên đại thần ấy chính là Bỉnh Trung Công, Vũ Tất Thận, em bà Vũ Thái Phi mới đổi tên là Trịnh Thể tháng trước, đưa người đến mai mối muốn lấy nữ sĩ làm kế thất. Việc Đoàn Thị Điểm khước từ tưởng đã xong. Nào ngờ, hắn lại cậy quyền thế toan lấy thịt đ è người nỡ ép liễu nài hoa. Trong lúc tuyệt vọng, Đoàn Thị Điểm bỗng nảy ra một kế. Nữ sĩ vội mặc chiếc áo rách đã vá nhiều miếng, kín đáo lách ra sau bếp, lấy đất bùn bôi lên khắp mặt mũi, quần áo rồi điềm tĩnh xách chiếc gầu ra khỏi cổng. Sau cả buổi sục tìm không thấy nữ sĩ họ Đoàn, Bỉnh Trung Công ra lệnh cho lính tráng bắt mẹ Đoàn Thị Điểm về kinh. Hắn tính bằng cách ấy, vì thương mẹ, Đoàn Thị Điểm sẽ phải tìm đến, thuận lòng lấy hắn. Nhưng Bỉnh Trung Công lần nữa tỏ ra không hiểu sĩ khí của bậc tài nữ. Đã hơn một tháng Đoàn Thị Điểm vẫn không tìm đến dinh hắn, chịu nộp mình cho tên dâm đãng. Trong lúc ấy, xúc phạm đến Đoàn Thị Điểm tức là xúc phạm đến một tài nữ được nhân dân hâm mộ, Bỉnh Trung Công đã bị dư luận phỉ nhổ. Không chịu được búa rìu dư luận công kích nên cực chẳng đã Bỉnh Trung Công phải lấy lễ hậu vớt vát cho uy tín mình, rồi đưa trả mẹ Đoàn Thị Điểm về nhà. Sau việc khẳng khái cự tuyệt Bỉnh Trung Công, tên tuổi Đoàn Thị Điểm với thái độ cam chịu cảnh nghèo, quyết chống lại cường quyền, đã trở thành niềm tự hào của dân chúng và án một tấm gương cho giới thi nhân. Tuy vậy, không mơ hồ về phẩm chất xấu xa của những tên quan lại tham tài háo sắc, nên nhân có người con gái ở Sài Trang được chúa sủng ái muốn đón Đoàn Thị Điểm vào cung dạy dỗ, Đoàn Thị Điểm đã nhận lời. Nhờ việc dạy dỗ các cung nhân, Đoàn Thị Điểm có dịp hiểu rõ tâm sự chán chường, nỗi lòng u uẩn của những thiếu nữ phải chôn vùi tuổi xuân trong cung cấm, để ngày đ êm phục dịch hầu hạ mọi ý thích của chúa. Đoàn Thị Điểm se lòng khi nhìn những cô gái xinh đẹp, thông minh ăn vận ngư những nàng tiên, đã sớm phải chịu bất hạnh, bị lãng quên trong nỗi cô đơn buồn tẻ. Hiểu ước nguyện của các cung nữ tràn đầy sức sống, bằng trái tim tuổi trẻ của mình, bằng vốn sống tích lũy được bao năm và bằng cả sự rung cảm của tâm hồn mình, Đoàn Thị Điểm đã thai nghén hàng loạt đề tài về tình yêu và quyền sống của người phụ nữ. Sống giữa triều đình Lê Trịnh, chứng kiến những diễn biến của thời cuộc, Đoàn Thị Điểm không ít chuyện để viết. Cầm lại bút sau bao năm vì hoàn cảnh phải xếp lại, Đoàn Thị Điểm đã nhiều đ êm thức trắng để hoàn thành liên tiếp chuyện "Vân cát thần nữ" và "Bích câu kỳ ngộ", để bày tỏ, gửi gắm tâm tư của mình và khích lệ chị em phụ nữ. Sớm nhận ra các cung nhân không còn ngoan ngoãn trong khi hầu hạ mình như trước, chúa Trịnh tuy không có cớ để bắt tội Đoàn Thị Điểm nhưng đã buộc nữ sĩ phải rời cung, trở về quê nhà. Đoàn Thị Điểm đi rồi nhưng các cung nhân vẫn chẳng thể nào quên bậc tài nữ đã hiểu lòng họ và vẫn tìm mọi dịp để kể cho nhau nghe về những chuyện Đoàn Thị Điểm đã viết ở đó. Trở về quê làng Chương Dương vui với nghề dạy học và những tưởng lửa lòng đã tắt thì mối tình nồng nàn, thiết tha của tiến sĩ Nguyễn Kiều đã làm cho Đoàn Thị Điểm bối rối cảm động. Yêu người tài, trọng vì đức, nhất là biết quan thị lang Nguyễn Kiều sắp phải đi sứ, bốn đứa con dại không người chăm nom, Đoàn Thị Điểm đã xiêu lòng. Trở thành vợ tiến sĩ Nguyễn Kiều cuộc đời Đoàn Thị Điểm bước sang một trang mới. Dù những ý nghĩ về cuộc sống vẫn nặng nề như bản thân cuộc sống, nhưng gặp được người chồng tâm đầu ý hợp, lại phải bận rộn cáng đáng gánh nặng gia đình, Đoàn Thị Điểm hầu như không còn thì giờ suy nghĩ cho riêng mình. Nhưng hạnh phúc gia đình vừa nhóm lên đã lại phải chia ly. Ngay sau tuần trăng mật, khi những cuộc vui sướng họa của cặp vợ chồng hay chữ chưa thành lệ thì tiến sĩ Nguyễn Kiều đã phải cầm đầu phái đoàn đi Bắc sứ. Mối tình muộn mằn nhưng không kém nồng thắm của Đoàn Thị Điểm, bởi vậy, đã lại xa xôi như một nỗi nhớ. Yêu chồng, Đoàn Thị Điểm đã dành trọn tình cảm của mình chăm sóc, dạy dỗ bốn đứa con riêng của chồng. Chỉ đêm đến, dưới ánh đèn khuya nữ sĩ mới lặng lẽ dõi theo bước đi của chồng trong nỗi lo lắng, buồn thương xen kẽ. Tình yêu thương nồng đượm, chân thành ấy đã khiến cho Đoàn Thị Điểm có một nguồn cảm hứng đặc biệt. Bằng nỗi xúc cảm mạnh mẽ ấy. Đoàn Thị Điểm viết chuyện "Am ấp liệt nữ" có mang bóng dáng mình. Cốt chuyện đơn giản nhưng nó được dệt bằng tình yêu thương rộng lớn, nên kết cục bi thảm mà người đọc vẫn có một ấn tượng đẹp về một mối tình đẹp. Đọ lại những trang bản thảo sau nhiều lần sửa chữa, Đoàn Thị Điểm vẫn chưa hết xúc động. Cố ý tô đậm cuộc sống cô đơn, buồn tẻ của Đinh phu nhân, để Đinh phu nhân hết lo cho chồng "Chiếc xe lăn lộc cộc nơi chân trời xanh biếc đầy những cát lầm" "Lại lo cho tuổi trẻ của mình chóng qua" "Tuổi thanh xuân chạy nhanh như bóng mặt trời nhấp nhoáng" và khát khao mong chồng trở về. Đoàn Thị Điểm đã gài được thâm ý coi thường mệnh lệnh của vua Lê chúa Trịnh, xem thường công danh, coi thường lễ giáo đương thời. Đoàn Thị Điểm vừa đóng, xén xong tập truyện của mình thì một gia nhân vào báo có quan ngự sử Đặng Trần Côn đến thăm. Nghe cái tên quen quen, Đoàn Thị Điểm sực nhớ ra người học trò đã từng ra mắt mình gần mười năm trước nay đã làm quan to nên thoáng bối rối. Đáp lại lời chào của vị quan trẻ, đẹp trai, có gương mặt thông minh, Đoàn Thị Điểm cố lấy giọng tự nhiên: - Quan ngự sử có nhã ý đến thăm gia đình chúng tôi, thật là hân hạnh. - Thưa Tôn phu nhân, Đặng Trần Côn theo chủ nhà bước vào phòng khách, giọng cởi mở, về tuổi đời, cả về nghề nghiệp văn chương tôi chỉ đáng mặt học trò. Xin Tôn phu nhân chớ khách khí. Sau một tuần trà, Đặng Trần Côn ân cần rút từ tay áo mình tập sách đã đóng xén công phu, trao cho Đoàn Thị Điểm giọng cung kính: - Bấy lâu xa cách nhưng tôi vẫn một lòng bái phục tài thơ và vốn học vấn uyên thâm của Tôn phu nhân. Nay nhân làm được tập sách này tôi muốn Tôn phu nhân đọc giúp và tham góp chỉ giáo cho. Xúc động đỡ lấy tập sách, Đoàn Thị Điểm vội lật tờ bìa và nói như reo: - "Chinh phụ ngâm khúc"! Thật là cảm động cho người đầu tiên được đọc khúc ngâm này. Đặng Trần Côn cởi mở: - Tôi sẽ xin ở lại đây để Tôn phu nhân có thời giờ đọc xong và được nhận những lời chỉ dạy nhân thế? - Nếu vậy, Đoàn Thị Điểm chỉ vào tập sách của mình, cũng xin quan ngự sử xem câu chuyện tôi mới làm chắc quan ngự sẽ chỉ vẽ cho những chỗ còn sai sót. Không khí trong phòng trở nên thân mật, ấm cúng. Hai thi nhân đã bỏ qua hẳn cử chỉ dè dặt buổi đầu để chăm chú đọc tác phẩm của nhau, những tác phẩm có chủ đề gần giống nhau. Đặt tập "Chinh phụ ngâm khúc" trên kỷ, Đoàn Thị Điểm bùi ngùi nói với Đặng Trần Côn: - Thiên chuyện của tiên sinh thật là hay. Tiên sinh dùng lối văn tập cổ lại dùng nhiều điển tích của thơ Đường những lời lâm ly não nuột làm héo hắt lòng người. Viết thiên chuyện này là tiên sinh hiểu thấu nỗi lòng của người thiếu phụ có chồng đi trận, điều mà bấy lâu tôi vẫn hằng để tâm nghiền ngẫm. - Thưa Tôn phu nhân, Đặng Trần Côn hoan hỉ, chính vì biết Tôn phu nhân để tâm viết nhiều về khách má hồng buổi chinh chiến mà tôi đem "Chinh phụ ngâm khúc" tới nhờ chỉ giáo. - Làm được thiên chuyện này chắc hẳn tiên sinh phải lao tâm khổ tứ hàng năm trời. Nhưng nếu để vậy, người thưởng thức được cái hay của thiên chuyện chẳng có là bao! Tôi có ý định diễn âm tập sách này. Tôi quyết thế vì cốt chuyện làm cho tôi cảm động. Và có vậy mới xứng với lòng trân trọng của tiên sinh đối với tôi. Đặng Trần Côn còn đang bàng hoàng xúc động trước phần thưởng đặc biệt mà Hồng Hà nữ sĩ đã dành cho mình thì đã nghe Đoàn Thị Điểm cất giọng ngâm: "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên Xanh kia thăm thẳm từng trên Vì ai gây dựng cho nên nỗi này " Đặng Trần Côn sững sờ kinh ngạc: - Tôn phu nhân đã diễn âm thanh như thần, tôi thực không ngờ được. Thiên chuyện này mà được bậc khuê tú anh tài như Tôn phu nhân để tâm diễn dịch thì phải thống thiết lắm. Công ấy của Tôn phu nhân. Kẻ làm sách đã dược thơm lây. Bên ngọn đèn khuya, giấy bút, nghiên mực đã bày biện sẵn sàng, Đoàn Thị Điểm lại say sưa dịch sách. Lần giở thiên chuyện và theo đuổi những diễn biến tâm trạng nhân vật, nữ sĩ không khỏi giật mình thấy Đặng tiên sinh có những suy nghĩ đồng điệu với mình. Cũng như Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm đồng tình với câu hỏi của người chinh phụ: " Xanh kia thăm thẳm từng trên Vì ai gây dựng cho nên nỗi này? " Nhưng ai đã gây ra nỗi này? Ai gây ra nạn binh đao? Đọc suốt thiên chuyện không thấy chinh phụ trả lời. Nhưng hơn ai hết Đoàn Thị Điểm hiểu thâm ý của Đặng Trần Côn: Kẻ gây ra họa binh đao ấy chính là vua chúa không còn chút tình dân. Cái chết thê thảm của thượng thư Lê Anh Tuấn chẳng phải là bài học răn đời đó sao? Đoàn Thị Điểm lại tiếp tục việc dịch thiên chuyện. Càng dịch Đoàn Thị Điểm càng thấy tâm đắc với Đặng tiên sinh kín đáo bày tỏ thái độ mình qua lời than của Chinh phụ Thái độ đó là vì thương chồng, nhớ chồng, vì oán ghét chiến tranh phi nghĩa, chinh phụ đã công nhiên đi ra ngoài lễ giáo, ngang nhiên giày xéo lên công, dung, ngôn, hạnh, hoàn toàn trái với đạo lý. Trút cả tâm hồn mình cho việc dịch chinh phụ ngâm, Đoàn Thị Điểm không còn chú ý đến thời khắc trôi qua. Cho đến lúc mệt mỏi muốn đi nghỉ, nữ sĩ kinh ngạc thấy trời đã sáng. Một niềm tự hào nho nhỏ thoáng đến với Đoàn nữ sĩ: Kể từ ngày bắt tay vào dịch chinh phụ ngâm. Đã bao đêm nữ sĩ say sưa làm việc như thế và rồi mai mốt khi dịch phần hoàn thành, mỗi lần đọc nó, người đời chắc sẽ chẳng quên ta! . là Đoàn Doãn Luân và Đoàn thị Điểm. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, có truyền thống hiếu học lại rất thông minh nên từ rất sớm, Đoàn Thị Điểm đã nổi tiếng là thần đồng. Năm tuổi, Đoàn Thị. đau lòng ấy Đoàn Thị Điểm ân hận đã có lúc vô tâm với thời cuộc. Đoàn Thị Điểm tự hỏi, nước loạn là bởi đâu? Phải chăng nước thiếu bậc minh quân, lương thần? Nghĩ vậy Đoàn Thị Điểm say mê đọc. nhìn còn hạn chế, Đoàn Thị Điểm chưa hiểu hết việc làm của những nghĩa quân nông dân, nhưng Đoàn Thị Điểm ghét cay ghét đắng những hành động đồi bại, tàn ác của chúa. Đoàn Thị Điểm ước mơ có đủ

Ngày đăng: 10/07/2014, 07:00

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan