Đặc trưng ngữ âm thổ ngữ thọ xuân (thanh hoá)

125 764 3
Đặc trưng ngữ âm thổ ngữ thọ xuân (thanh hoá)

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

Thông tin tài liệu

Luận văn, khóa luận, tiểu luận, báo cáo, đề tài

Bộ giáo dục đào tạo Trờng đại học vinh ---------***--------- Nguyễn thị nga đặc trng ngữ âm Thổ ngữ thọ xuân (Thanh hoá) luận văn thạc sĩ Chuyên ngành: Ngôn ngữ học MS: 60.22.01 Hớng dẫn khoa học: Ts. Nguyễn hoài nguyên Vinh 2009 -1- MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI 1.1. Tiếng Việt là ngôn ngữ vừa thống nhất vừa đa dạng. Tính đa dạng của ngôn ngữ dân tộc được thể hiện ở sự khác nhau trên các vùng phương ngữ, giữa các tầng lớp người trong xã hội và ở từng phong cách chức năng. Tiếng Việt là một ngôn ngữ bao gồm nhiều phương ngữ. Các phương ngữ Việt vừa có sự thống nhất về ngữ âm, từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp đảm bảo cho người Việt từ Bắc vào Nam nói, nghe và hiểu nhau trong hoạt động giao tiếp nhưng giữa các vùng phương ngữ cũng còn có cái khác biệt ít nhiều về ngữ âm, từ vừng và ngữ pháp, điều đó làm nên diện mạo ngôn ngữ - văn hóa đặc trưng của mỗi vùng. Cái sắc thái ngôn ngữ riêng của mỗi vùng miền thể hiện rõ nhất là ngữ âm. Vì thế người ta mới nhận ra giọng Huế, giọng Nghệ, giọng Quảng…Cho nên, nghiên cứu phương ngữ luôn là sự cần thiết trong việc nghiên cứu tính đa dạng của ngôn ngữ Việt. 1.2. Trong công cuộc hiện đại hoá đất nước, trước sự phát triển của giao thông, giáo dục, các phương tiên thông tin đại chúng, sự giao lưu tiếp xúc giữa các vùng miền càng ngày càng rộng rãi, thuận lợi. Thực tế đó cũng làm cho tiếng địa phương nói chung và các thổ ngữ nói riêng đang vận động hoà nhập dần vào ngôn ngữ văn hoá; sự khác nhau về ngôn ngữ giữa các vùng ngày càng thu hẹp. Phương ngữ nói chung, thổ ngữ nói riêng là nơi lưu giữ tiếng nói cổ xưa của cha ông và văn hóa phong tục tập quán của dân tộc. “Đó là những dấu vết vô cùng quý báu để hiểu lịch sử tiếng Việt” [10, tr.55]. Cho nên, nghiên cứu phương ngữ, thổ ngữ là cần thiết, mang tính cấp bách. 1.3. Thanh Hoá - một tỉnh nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam, như là điểm cuối của Bắc Bộ và là điểm đầu của Trung Bộ. Thanh Hóa cũng như một trung tâm cư trú của cư dân Mường ở phía Nam. Phương ngữ Thanh Hóa vì thế sẽ có đặc điểm riêng khác các phương ngữ khác trong vùng Bắc Trung Bộ. Tiếng nói của cư dân Thanh Hóa được phần lớn các nhà nghiên cứu xếp vào phương ngữ Bắc Trung Bộ, cùng tiếng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên nhưng sự tác động của các làn sóng ngôn ngữ từ phía Bắc vào, tính chất trung gian chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Trung Bộ hẳn là để lại dấu vết trên các thổ ngữ của phương ngữ này. Ngoài tính chất cổ như phương ngữ Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, thêm đặc điểm riêng đó, vì thế, nghiên cứu phương ngữ cũng như các thổ ngữ Thanh Hóa lại càng có ý nghĩa đối với nghiên cứu phương ngữ học và lịch sử tiếng Việt. -2- 1.4. Giữa các phương ngữ, sự khác biệt chủ yếu và rõ nhất là về ngữ âm. Việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt cũng như ngữ âm các phương ngữ trong gần một thế kỷ qua đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Thổ ngữ Thọ Xuân (TNTX) là một bộ phận của PNTH, có giọng nói khá đặc biệt. Tuy không phải là huyện miền núi, nhưng Thọ Xuân lại có hai thành phần dân tộc Mường – Thái cùng sinh sống. Thọ Xuân, từ ngàn năm trước đã là địa bàn của người Việt – Mường cổ, đến nay cư dân trong huyện dù đã pha trộn người tứ xứ ngụ cư, nhưng vẫn bảo lưu khá bền vững không ít tiếng Việt – Mường cổ. Nghiên cứu thổ ngữ Thọ Xuân vì thế sẽ có nhiều ý nghĩa và hứa hẹn thu được nhiều kết quả bổ ích. Tuy vậy, cho tới nay, tiếng nói vùng này chưa có công trình nào nghiên cứu. Xuất phát từ ý nghĩa lý luận và thực tiễn như trên chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài: “Đặc trưng ngữ âm thổ ngữ Thọ Xuân” (Thanh Hoá) làm đề tài cho luận văn của mình. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Ngữ âm có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu phương ngữ. Nghiên cứu đặc trưng ngữ âm thổ ngữ Thọ Xuân (Thanh Hoá) là một vấn đề còn rất mới mẻ, chưa được quan tâm, cho đến nay, chưa có công trình nào đi vào ngiên cứu thổ ngữ này. Chúng tôi xin điểm qua một số công trình có liên quan : Có thể nói, các công trình nghiên cứu về lý luận phương ngữ tiếng Việt chưa có nhiều. Các công trình đáng chú ý trước nhất có đề cập đến phương ngữ tiếng Việt của các tác giả nước ngoài là Nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt (1912) của H. Maspéro; Ngữ âm tiếng Việt (Phương ngữ miền thượng Trung kì) (1902), Ngữ âm tiếng Việt (Phương ngữ miền hạ Trung kỳ) (1911) của L. Cadìere; Cơ cấu ngữ âm tiếng Việt (1984) của M.V.Gordina và I.S.Bưxtrov. Có thể nói công trình quy mô nhất về phương ngữ tiếng Việt của các tác giả trong nước là Tiếng Việt trên các miền đất nước (Phương ngữ học) (1989), sau này được đổi tên là Phương ngữ học tiếng Việt (2004) của Hoàng Thị Châu. Trong công trình này, tác giả đã đề cập đến lý luận nghiên cứu phương ngữ, chỉ ra đặc điểm chung của phương ngữ tiếng Việt cũng như các vùng phương ngữ, thổ ngữ. Một vấn đề được nhiều người quan tâm nghiên cứu là phân vùng các phương ngữ Việt. Quan điểm và kết quả phân chia các vùng phương ngữ Việt rất khác nhau. Điều này đã được Trương Văn Sinh nhìn lại một cách hệ thống trong bài viết Điểm qua tình hình nghiên cứu phương ngôn tiếng Việt trong thời gian qua (1976) và Hoàng Thị Châu tổng kết trong công trình nói trên. Trong các vùng phương ngữ tiếng Việt, cho tới nay, phương ngữ Bắc Trung Bộ là vùng được nghiên cứu nhiều hơn cả. Ngoài những nghiên cứu chung của -3- Hoàng Thị Châu trong công trình nói trên, một loạt công trình có đối tượng nghiên cứu trải rộng trên nhiều khía cạnh của phương ngữ như biên soạn từ điển, nghiên cứu về ngữ âm, từ vựng, ngôn ngữ - văn hóa của các phương ngữ gắn liền với các vùng địa lý - dân cư nhất định. Đó là Từ điển địa phương Nghệ Tĩnh (1999) của Nguyễn Nhã Bản (chủ biên), Hoàng Trọng Canh, Phan Mậu Cảnh, Nguyễn Hoài Nguyên; Bản sắc văn hóa của người Nghệ Tĩnh (Trên dẫn liệu ngôn ngữ) (2001) của Nguyễn Nhã Bản; Nghiên cứu đặc điểm lớp từ địa phương Nghệ Tĩnh (Luận án tiến sĩ, 2001); Từ địa phương Nghệ Tĩnh – Về một khía cạnh ngôn ngữ - văn hóa (2009) của Hoàng Trọng Canh; Miêu tả đặc trưng ngữ âm phương ngữ Nghệ Tĩnh (Luận án tiến sĩ, 2002) của Nguyễn Văn Nguyên; Nghiên cứu đặc điểm ngữ âm tiếng Thanh Hóa (Luận án tiến sĩ bằng tiếng Nga) của Phạm Văn Hảo,… Riêng nghiên cứu về phương ngữ Thanh Hóa, cho tới nay các công trình được công bố chưa có nhiều. Ngoài công trình nói trên của Phạm Văn Hảo, tác giả này còn có bài viết Về một số đặc trưng tiếng Thanh Hóa, thổ ngữ chuyển tiếp giữa phương ngữ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (1985). Ở bài viết này, ông cùng chung quan điểm với tác giả Hoàng Thị Châu xem tiếng địa phương Thanh Hóa là phương ngữ chuyển tiếp giữa phương ngữ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đồng thời tác giả cũng đưa ra một số nhận xét của mình về đặc trưng tiếng địa phương Thanh Hoá. Ngoài ra còn có một số bài báo mà các tác giả khi phân vùng phương ngữ có đề cập đến PNTH như: Trương Văn Sinh, Nguyễn Thành Thân (1985). Trong bài viết này hai tác giả đưa ra nhận xét của mình về vị trí của tiếng địa phương Thanh Hoá, cho rằng, các nhà nghiên cứu định vị tiếng địa phương Thanh Hoá là không thật sự ổn định, hoặc xếp PNTH vào phương ngữ Bắc Bộ hoặc xếp vào phương ngữ Bắc Trung Bộ. Căn cứ vào cứ liệu ngữ âm và từ vựng, hai tác giả đề nghị nên xếp tiếng Thanh Hoá vào phương ngữ Bắc Trung Bộ cùng với tiếng địa phương Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên. Có thể kể thêm một số luận văn cao học và khóa luân cũng nghiên cứu đến phương ngữ Thanh Hóa, như Khảo sát vốn từ địa phương Thanh Hóa (2005) của Nguyễn Thị Sơn; Đặc điểm từ địa phương Thanh Hóa (2007) của Nguyễn Thị Thắm,… Trong số các công trình kể trên, chưa có công trình nào lấy thổ ngữ Thọ Xuân làm đối tượng nghiên cứu. Những tác giả có nhận xét về đặc điểm tiếng địa phương Thanh Hóa trong các công trình của mình đều mới chỉ dựa vào một số tư liệu hạn chế. Do đó, chúng tôi thiết nghĩ qua miêu tả hệ thống ngữ âm thổ ngữ Thọ Xuân, bước đầu kiểm chứng những nhận định của các tác giả đi trước và hi vọng rút ra được những kết luận bổ sung thêm vào đặc điểm ngữ âm PNTH nói riêng và phương ngữ Bắc Trung Bộ nói chung. -4- 3. ĐỐI TƯỢNG VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là hệ thống ngữ âm thổ ngữ Thọ Xuân được xác lập qua miêu tả, so sánh đối chiếu với hệ thống ngữ âm TVVH và tiếng Mường trong vùng. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận văn của chúng tôi tập trung giải quyết những nhiệm vụ cơ bản sau đây: 1/ Từ tư liệu điền dã miêu tả đặc điểm ngữ âm TNTX (Thanh Hoá ), cố gắng thể hiện một cách đầy đủ và trung thực diện mạo ngữ âm vốn có của thổ ngữ này. Đồng thời với việc miêu tả, chúng tôi tiến hành so sánh đặc điểm ngữ âm TNTX với TVVH và các thổ ngữ khác của PNTH, phương ngữ Nghệ Tĩnh, mặt khác cũng so sánh, đối chiếu với tiếng Mường trong vùng để đi đến xác định vị trí của TNTX trong PNTH và vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ. 2/ Xác định thực trạng tồn tại của các thổ ngữ tiếng Việt trên địa bàn huyện Thọ Xuân trên cơ sở xử lý nguồn tư liệu điền dã do bản thân tác giả trực tiếp thu thập, tham khảo các tư liệu có liên quan từ các công trình đã công bố. Bằng phương pháp miêu tả đồng đại các hiện tượng ngữ âm cụ thể về hệ thống phụ âm đầu, phần vần và thanh điệu có trong các TNTX, trên cơ sở đó có thể hình dung bức tranh chung về thổ ngữ vùng tây bắc tỉnh Thanh Hoá. 3/ Ở mức độ nhất định, bước đầu chúng tôi cố gắng lý giải một số hiện tượng ngữ âm TNTX dưới góc nhìn lịch đại để góp phần khôi phục lại một số dấu vết cổ của lịch sử ngữ âm tiếng Việt. 4. NGUỒN TƯ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 4.1. Nguồn tư liệu Để tiến hành nghiên cứu TNTX sau khi khảo sát bước đầu trên diện rộng gồm 38 xã và thị trấn của huyện, tiếp đến chúng tôi chọn một số xã, mỗi xã chọn một số thôn ( xóm, đội ) có tiếng nói đại diện cho mỗi vùng làm điểm khảo sát. Căn cứ để chọn điểm khảo sát miêu tả là dựa vào các đặc điểm: vị trí địa lý, lịch sử, dân cư của các xã và sự thẩm nhận ngữ âm của bản thân là người bản ngữ. Chúng tôi chọn các điểm điều tra thuộc một số xã cách xa trung tâm huyện, có tiếng nói đặc biệt, đồng thời đó là những xã có thành phần người Kinh cùng sinh sống, tiếp xúc với người Mường và một thị trấn làm tiêu điểm để miêu tả, so sánh. Theo chúng tôi, đây là các đơn vị làng, xã có tiếng nói mang đậm tính phương ngữ, thể hiện rõ ràng và đầy đủ hơn cả các đặc điểm ngữ âm của TNTX. Cụ thể là: thôn Tân Phúc thuộc xã Thọ Lâm, thôn Quần Đội, Quần Lai thuộc xã Thọ Diên, xã Xuân Thiên, xã Xuân Yên xã Phú Yên, xã Xuân Lập, xã Thọ Trường, xã Xuân Tín, xã Xuân -5- Tường, Thị trấn Lam Sơn, Thị trấn Thọ Xuân. Để thu thập tư liệu, ở mỗi điểm điều tra, chúng tôi tiến hành lựa chọn một số nhân chứng tiêu biểu. Các nhân chứng chủ yếu là những người già có độ tuổi từ 60 trở lên, là người gốc địa phương, sinh hoạt ở địa phương (không có thời gian thoát ly địa phương). Khi tiếp xúc với các nhân chứng, chúng tôi chuẩn bị một số ngữ cảnh giao tiếp theo những định hướng phát âm cụ thể, ding tai để thẩm nhận kết hợp với máy ghi âm để ghi lại các cách phát âm địa phương. Các hiện tượng ngữ âm địa phương chúng tôi ghi lại bằng ký hiệu ghi âm quốc tế (IPA) 4.2. Phương pháp nghiên cứu Do tính chất của đề tài, từ khảo sát thực tế về cách phát âm của người Thọ Xuân để miêu tả TNTX như một hệ thống ngữ âm hoàn chỉnh của nó, do vậy trong quá trình khảo sát nghiên cứu ngoài việc vận dụng lý thuyết ngôn ngữ học đại cương, chúng tôi luôn luôn tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp và các thao tác phương ngữ học là: - Phương pháp điều tra điền dã (khảo sát trên diện rộng, sau đó chọn điểm, chọn nhân chứng điều tra, gợi hỏi, nghe, ghi chép, thu âm,…) - Phương pháp phân tích, miêu tả tổng hợp. - Phương pháp so sánh đối chiếu (với các thổ ngữ, phương ngữ Việt và với tiếng Mường trong vùng). (Do không có điều kiện sử dụng máy móc thực nghiệm nên trong quá trình sử lý tư liệu đề tài, chúng tôi dựa trên sự phân tích bằng thính giác trực tiếp theo cảm thức của người bản ngữ). 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN - Từ việc khảo sát thực tế, đây là công trình đầu tiên trình bày một cách có hệ thống đặc điểm ngữ âm TNTX. Qua so sánh đối chiếu với phương ngữ Nghệ Tĩnh và một số thổ ngữ khác của Thanh Hoá, với tiếng Mường (trong vùng) luận văn làm rõ các đặc điểm ngữ âm TNTX nói riêng, vùng tây bắc Thanh Hoá nói chung chỉ ra những đồng nhất và khác biệt của nó so với TVVH. - Nghiên cứu TNTX, luận văn sẽ góp thêm tư liệu giúp các nhà khoa học nghiên cứu nguồn gốc lịch sử phát triển, những xu hướng biến đổi ngữ âm của tiếng Việt. - Nghiên cứu ngữ âm TNTX, còn góp phần phục vụ cho nhu cầu giao tiếp trên khu vực địa phương. Ngoài ra, nó còn hướng tới mục đích giáo dục mà trọng tâm là vấn đề nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Việt trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung. -6- 6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục, Bản đồ hành chính huyện Thọ Xuân, Tài liệu tham khảo, dự kiến luận văn gồm có 4 chương: Chương 1: Một số vấn đề chung. Chương 2: Âm đầu thổ ngữ Thọ Xuân. Chương 3: Hệ thống vần thổ ngữ Thọ Xuân Chương 4: Thanh điệu thổ ngữ Thọ Xuân. -7- CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Những khái niệm liên quan đến đề tài 1.1.1. Tính thống nhất và đa dạng của tiếng Việt hiện đại Từ trước đến nay, các sách vở Việt ngữ học thường giới thiệu tiếng Việt như một thực thể nhất dạng. Nhưng trong thực tế tiếng Việt rất đa dạng, sinh động và không ngừng biến đổi, uyển chuyển thể hiện qua những sắc thái địa phương. Tiếng Bắc mượt mà tình tứ, duyên dáng như câu quan họ; tiếng Nam đằm thắm, vang ngân như những câu hát cải lương; tiếng Huế thủ thỉ, da diết như câu hò mái nhì, mái đẩy; còn tiếng Nghệ thì trầm nặng, trọ trẹ như câu ví dặm giận thương,… Những sắc thái đó, mọi người đều có thể cảm nhận được nhưng việc phân tích, lý giải tường tận về nó thì không phải ai cũng làm được. Tiếng Việt là ngôn ngữ của người Việt nhưng đồng thời cũng là ngôn ngữ quốc gia – ngôn ngữ chung cho 54 dân tộc anh em cộng cư trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, trong bản chất của nó, tiếng Việt phải là ngôn ngữ thống nhất, vượt lên mọi thời gian, không gian. Nhưng thống nhất không có nghĩa là đồng nhất. Ở mặt biểu hiện, cũng như các ngôn ngữ khác, tiếng Việt cũng hết sức đa dạng. Tính đa dạng của tiếng Việt thể hiện ở nhiều mặt: ở phong cách thể hiện, ở hiệu quả thể hiện, ở tính phân tầng xã hội – lớp người sử dụng, ở khu vực địa lý - dân cư thể hiện. Có lẽ, tính đa dạng của tiếng Việt biểu hiện trên khu vực địa lý – dân cư là rõ nét nhất. Sự biểu hiện của tiếng Việt xét từ phương diện này được gọi là tiếng địa phương hay phương ngữ. Cố nhiên, sự thống nhất và đa dạng của tiếng Việt thì thống nhất là căn bản. Tiếng Việt từ xa xưa đã là một ngôn ngữ thống nhất và tính thống nhất ấy còn được duy trì chặt chẽ trong ngôn ngữ văn học mà các nhà văn tôn trọng một cách có ý thức dù họ là người địa phương nào, nói phương ngữ nào. Các phương ngữ cũng không hề cản trở đến giao tiếp. Trong hoạt động giao tiếp hàng ngày, dù đi đâu, nói với ai, ta cũng dùng giọng địa phương, dùng phương ngữ của mình mà không hề gặp một trở ngại nào. Điều đó chứng tỏ những sự khác biệt của các phương ngữ và giữa các phương ngữ so với tiếng Việt toàn dân là không lớn lắm; đó là sự khác biệt trên một căn bản thống nhất. Lại nữa, chính tả tiếng Việt là thống nhất trong toàn quốc và sự thống nhất về mặt chính tả cũng phản ánh phần nào tính thống nhất của tiếng Việt. -8- Phương ngữ là hình thức ngôn ngữ được sử dụng trong cộng đồng dân cư tại một vùng, miền nhất định trên lãnh thổ một quốc gia. Hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới đều có phương ngữ. Tuy nhiên, số lượng phương ngữ và mức độ khác biệt giữa các phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân ở các ngôn ngữ là không như nhau, tuỳ theo các điều kiện về phân bố địa lý, lịch sử phát triển văn hoá, xã hội, ngôn ngữ là đặc điểm tôn giáo tín ngưỡng, phong tục, tập quán của từng quốc gia. Tiếng Việt là một ngôn ngữ gồm nhiều phương ngữ. Tuy nhiên, phương ngữ tiếng Việt không phải là đối tượng nghiên cứu đầu tiên của ngành Việt ngữ học nhưng nó được nghiên cứu trong một phân môn của ngành Việt ngữ học là phương ngữ học tiếng Việt. Phương ngữ học nghiên cứu các quy luật hình thành, phát triển, biến đổi của các phương ngữ về cấu trúc và hành chức, về sự tác động, ảnh hưởng qua lại giữa các phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân cũng như giữa các phương ngữ với nhau trong tiến trình lịch sử của ngôn ngữ dân tộc. 1.1.2. Khái niệm phương ngữ Biến thể và dạng tồn tại của ngôn ngữ được sử dụng với tư cách là phương tiện giao tiếp trên một khu vực địa lý – dân cư, trước đây các nhà ngữ học gọi là phương ngôn (theo cách dùng của Trung Quốc). Nhưng vì thuật ngữ phương ngôn trong tiếng Việt được dùng để chỉ tục ngữ ở địa phương nên dùng thuật ngữ này dễ gây hiểu lầm. Các tác giả Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Quang Ninh dùng thuật ngữ phương ngôn để nhấn mạnh phương ngôn không phải là một ngôn ngữ riêng biệt, mà là những chi thể địa phương của một ngôn ngữ thống nhất (vì thế chúng tôi không dùng phương ngôn, e gây hiểu nhầm) [ , tr. 51] Tổ hợp tiếng địa phương cũng được một số nhà ngữ học dùng nhưng hình thức cấu tạo của tổ hợp này không chặt chẽ nên không đáp ứng được yêu cầu của thuật ngữ. Cũng có nhà ngữ học dùng khái niệm giọng hay giọng địa phương (dân gian thường gọi giọng Bắc, giọng Nghệ, giọng Huế, giọng Nam…) nhưng giọng chỉ nhấn mạnh mặt ngữ âm, không bao quát được mọi biến dạng của ngôn ngữ. Vậy nên, thuật ngữ phương ngữ (dialect) là phù hợp hơn cả. Có thể dẫn ra một số cách hiểu về khái niệm phương ngữ. Hoàng Thị Châu: Phương ngữ là một thuật ngữ ngôn ngữ học để chỉ sự biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể với những nét khác biệt của nó so với ngôn ngữ toàn dân hay với một phương ngữ khác [11, tr. 29]. Vương Toàn: Phương ngữ là hình thức ngôn ngữ có hệ thống từ vựng, ngữ pháp và ngữ âm riêng biệt được sử dụng ở một phạp vi lãnh thổ hay xã hội hẹp hơn là ngôn ngữ [47, tr. 275]. -9- Nguyễn Như Ý và các tác giả: Biến dạng của một ngôn ngữ được sử dụng với tư cách là phương diện giao tiếp của những người gắn bó chặt chẽ với nhau trong một cộng đồng thống nhất về lãnh thổ, về hoàn cảnh xã hội hay về nghề nghiệp [62, tr. 231]. 1.1.3. Quan hệ giữa phương ngữ với ngôn ngữ dân tộc 1.1.3.1. Quá trình hình thành ngôn ngữ dân tộc Tự thân khá niệm phương ngữ đã chứa đựng mối quan hệ giữa các phương ngữ trong cùng một ngôn ngữ cũng như với ngôn ngữ dân tộc. Quá trình hình thành dân tộc đồng thời cũng hình thành một ngôn ngữ dân tộc thống nhất. Mỗi ngôn ngữ dân tộc đều có sự thống nhất nội bộ. Tuy nhiên, sự thống nhất của ngôn ngữ dân tộc cũng không có nghĩa là sự thống nhất tất cả biểu hiện của nó trong thực tế. Tính thống nhất của ngôn ngữ dân tộc được thừa nhận như là một thuộc tính bản chất nhưng mặt biểu hiện của nó là tình trạng tồn tại các phương ngữ địa lý và phương ngữ xã hội mà chúng ta có thể quan sát được trong bất kỳ một ngôn ngữ nào đó. Nhìn một cách tổng quát, nói tới quan hệ giữa phương ngữ và ngôn ngữ dân tộc là nói tới tính thống nhất trong cái đa dạng và đa dạng trên một căn bản thống nhất (G.Condominas, 1997). Khái niệm ngôn ngữ dân tộc thường được hiểu là Ngôn ngữ chung của cả một dân tộc. Đó là một phạm trù lịch sử - xã hội biểu thị ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của một dân tộc và được thể hiện dưới hai hình thức nói và viết. Ngôn ngữ dân tộc hình hành cùng với sự hình thành dân tộc, đồng thời cũng là tiền đề và điều kiện hình thành, tồn tại của dân tộc. Mặt khác ngôn ngữ dân tộc là kết quả và sản phẩm của quá trình hình thành, tồn tại của dân tộc [62, tr.156]. Tuy có sự phân biệt về mặt khái niệm nhưng nội dung của thuật ngữ ngôn ngữ dân tộc gần gũi với nội dung thuật ngữ ngôn ngữ toàn dân bởi ngôn ngữ dân tộc là hình thức thống nhất của ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ toàn dân: là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày, không bị hạn chế ở phong cách và phạm vi sử dụng; ngôn ngữ được mọi người trong một quốc gia biết, chấp nhận và sử dụng [62, tr.171]. Vì vậy, ở những phương diện nhất định, có thể xem mối quan hệ giữa phương ngữ với ngôn ngữ dân tộc cũng là mối quan hệ phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân. Ngôn ngữ dân tộc là phương tiện giao tiếp chung của tất cả các thành viên trong dân tộc, bất kể sự khác nhau về lãnh thổ hay hoàn cảnh xã hội của họ. Tùy theo hoàn cảnh lịch sử mà sự hình thành dân tộc và ngôn ngữ dân tộc, mỗi nơi, mỗi thời kỳ một khác, theo những con đường khác nhau. Theo Mác và Ăng ghen, ngôn ngữ dân tộc được hình thành từ ba con đường: 1/ từ chất liệu vốn có, có thể lấy -10-

Ngày đăng: 17/12/2013, 21:36

Hình ảnh liên quan

Bảng vần nửa mở ở cỏc TNTX (và cũng là TVVH) được thể hện trờn chữ viết: - Đặc trưng ngữ âm thổ ngữ thọ xuân (thanh hoá)

Bảng v.

ần nửa mở ở cỏc TNTX (và cũng là TVVH) được thể hện trờn chữ viết: Xem tại trang 72 của tài liệu.

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan