Khái quát về lịch sử tiếng Việt

4 1.2K 13
Khái quát về lịch sử tiếng Việt

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Khái quát về lịch sử tiếng Việt • Trung tâm KHXH&NV Quốc gia Tiếng Việt có nguồn gốc rất cổ xưa và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, đầy sức sống. Sức sống đó biểu hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ và sáng tạo của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh anh dũng vì tiền đồ của đất nước, trong sự phấn đấu bền bỉ để xây dựng và phát triển một nền quốc ngữ, quốc văn, quốc học Việt Nam. 1. Nguồn gốc tiếng Việt Tiếng Việt thuộc họ Nam Á. Đó là ý kiến phổ biến được trình bày trong nhiều công trình nghiên cứu về nguồn gốc các ngôn ngữ ở Đông Dương và châu Á. Họ Nam Á, như thường quan niệm (1) , là một họ ngôn ngữ đã có từ rất xưa, trên một khu vực rộng của vùng Đông Nam châu Á. Vùng này, thời cổ, vốn là một trung tâm văn minh trên thế giới. Đến ngày nay, vẫn còn nhiều dấu vết về mối quan hệ họ hàng gần gũi giữa tiếng Việt với tiếng Mường, và mối quan hệ họ hàng tương đối xa hơn, giữa tiếng Việt với nhóm tiếng Mon-Khmer ở dọc Trường Sơn, ở miền Tây Nguyên, ở trên đấy Campuchia, Miến Điện (Mianma) . Rõ nhất là những dấu vết trong lớp từ căn bản, tức là những từ thông thường đã có từ lâu đời. Ví dụ: Trong tiếng Việt, có từ tay thì từ tương đương trong tiếng Mường nghe như "thay"; tiếng Ba Na, tiếng Mơ Nông, nghe như "ti"; trong tiếng Môn, tiếng Khmer, nghe như "tai" . Trong tiếng Việt, lại còn tìm thấy những chứng cứ về mối quan hệ giữa nó với nhóm tiếng khác, đặc biệt là với nhóm tiếng Thái. Nếu những từ như chim, rú (rừng rú), sông . được xác nhận là cùng gốc với những từ tương đương trong nhóm Mon-Khmer, thì những từ như gà, vịt, đồng, rẫy . lại được chứng minh là cùng gốc với những từ tương đương trong nhóm Thái. Mối quan hệ này là do có họ hàng, hay chỉ do tiếp xúc với nhau mà sinh ra? Công việc nghiên cứu ngồn gốc tiếng Việt và các tiếng khác ở Việt Nam còn tiếp tục, nhưng theo những căn cứ đã tìm thấy, có thể nghĩ rằng phần lớn những ngôn ngữ của các dân tộc thuộc khối cộng đồng người Việt Nam đều sinh ra từ một cội nguồn chung xa xưa. Từ cội nguồn ấy, tiếng Việt đã có quá trình phát triển riêng trong xã hội của người Việt – một xã hội sớm đạt tới trình độ tổ chức khá cao, với một nền văn minh nông nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Trải qua giai đoạn này, tiếng Việt đã thành một ngôn ngữ thống nhất và có bản sắc của nó. Bản sắc ấy khá vững bền. Nó sẽ tiếp tục phát huy tác dụng ở giai đoạn sau, giai đoạn của sự tiếp xúc ngôn ngữ giữa Việt Nam và Trung Quốc. __________ (1) Còn có ý kiến cho rằng họ Nam Á, với họ Thái, thuộc một họ ngôn ngữ lớn hơn (mà cũng có người gọi là họ Nam Á). 2. Tiếng Việt ở giai đoạn dùng chữ Nôm Sự tiếp xúc ngôn ngữ Việt – Hán đã diễn ra cả nghìn năm dưới chế độ đô hộ của phong kiến Trung Quốc, trong khuôn khổ một chính sách đồng hoá quyết liệt, tàn bạo; rồi sau đó, còn diễn ra cả nghìn năm tiếp theo, dưới chính quyền của vua quan trong nước. Suốt giai đoạn này, chữ Hán giữ vị trí rất quan trọng. Nó được dùng trong hành chính, tế lễ, học thuật, thơ văn. Nhưng tiếng Việt, trong giai đoạn ấy, vẫn không ngừng phát triển, và đã phát triển càng ngày càng mạnh. Nền văn học dân gian, với những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, những ca dao, tục ngữ, chứng tỏ quá trình phát triển sinh động, phong phú của tiếng Việt văn học truyền miệng. Tuy vậy, chữ viết là điều kiện cần thiết để cho một ngôn ngữ văn học có thể phát triển tới trình độ cao. Chữ viết của tiếng Việt, ở giai đoạn này, là chữ Nôm – một thứ chữ được tạo ra theo nguyên tắc và cơ sở của chữ Hán (1) . Theo những tài liệu còn lại hiện được biết, có thể nghĩ rằng chữ Nôm đã xuất hiện vào khoảng các thế kỉ IX-X, nhưng đến các thế kỉ XIII-XV mới có thơ phú "quốc âm", "quốc ngữ" viết bằng chữ Nôm, của những người như Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên), Nguyễn Sĩ Cố, Chu An, Nguyễn Trãi. Đáng chú ý hơn cả là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Tập thơ này là một thành công đầu trong nền văn học viết của tiếng Việt. Nhà thơ là một vị anh hùng có công đuổi giặc, cứu nước, đồng thời là một nhà văn hoá đã nhận rõ được ý nghĩa vô cùng quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc. Từ thế kỉ XV về sau, đặc biệt là ở các thế kỉ XVIII, XIX, trào lưu văn học chữ Nôm phát triển mỗi thời một mạnh hơn, với nhiều tác phẩm hơn, những tác phẩm được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, trước thái độ tiêu cực của triều đình và tầng lớp khá đông những nhà nho quá sùng bái chữ Hán (2) . Trào lưu này đã đưa tiếng Việt đến những bước tiến rõ rệt. Kho từ vựng tăng lên, giàu có hơn. Bộ phận nền tảng của nó là những từ gốc Việt. Đó là những từ một âm tiết, như: đất, người, trăng, đẹp, vui . và những từ hai tiếng được cấu tạo theo quy tắc phối hợp âm thanh như: long lanh, ngậm ngùi . hoặc quy tắc phối hợp nghĩa, như: vuông tròn, mây gió . Nó cũng tiếp nhận và đồng hoá nhiều từ gốc Hán. Có những từ một tiếng gốc Hán đã được đưa vào tiếng Việt từ rất xưa, và được Việt hoá hoàn toàn, như: tuổi vốn là gốc ở âm của của chữ Hán "tuế"; buông gốc ở âm cổ của chữ Hán "phóng" . Ngoài ra, còn có những từ một tiếng hay hai tiếng gốc Hán đã đi vào tiếng Việt ở thời kì sau và chủ yếu theo con đường sách vở (3) . Đó là những từ thi ca, như: phong, hoa, tuyết, nguyệt, tài tử, giai nhân . và những từ văn hoá, chủ yếu về đạo lí, triết lí, như: nhân, nghĩa, trung, hiếu, bạc mệnh, tang thương . Nói về cách đặt câu, cách làm thơ, thì qua trào lưu văn học chữ Nôm, rõ ràng là tiếng Việt đã đạt tới trình độ điêu luyện hơn, mà vẫn bền vững, nhuần nhuyễn tính cách Việt Nam. Những tác phẩm như Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều . chứng tỏ rằng tính cách ấy ngày càng đậm đà và có tác dụng sâu sắc. Người Việt Nam chúng ta yêu mến, quý trọng nó là yêu mến và quý trọng bản sắc của ngôn ngữ, của văn hoá dân tộc. Tư tưởng và tình cảm này có hiệu lực đặc biệt quan trọng trong sự bồi dưỡng và phát huy tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam. __________ (1) Có những lí do nhất định cho phép nghĩ tới một thứ chữ cổ hơn của tiếng Việt, song đó còn là một giả thuyết trong phạm vi nghiên cứu . Chữ Nôm, về cơ bản, là một thứ chữ ghi âm bằng các yếu tố của chữ Hán. Ví dụ: chữ (đọc là năm) với nghĩa về thời gian gồm có chữ Hán "nam" (ghi âm) và chữ Hán "niên" (ghi nghĩa); còn chữ cũng đọc là năm với ý nghĩa về sống lượng thì gồm có chữ Hán "nam" (ghi âm) và chữ Hán "ngũ" (ghi nghĩa). Như vậy, chữ Hán "nam" là yếu tố ghi âm. (2) Thế kỉ XVIII, triều Lê-Trịnh, sách Nôm đã có lúc bị cấm, không cho in, không cho đọc, thậm chi bị đốt đi. (3) Những từ này thường được gọi theo thói quen là "từ Hán Việt". Chúng chưa phải là đã Việt hoá hoàn toàn, về cách phát âm cũng như cách dùng. 3. Tiếng Việt ở giai đoạn dùng "chữ quốc ngữ" Từ đầu thế kỉ 20 về sau, tiếng Việt dần dần được dùng trong mọi thể loại văn học, mọi địa hạt văn hoá, khoa học, kĩ thuật. Nó phát triển thành ngôn ngữ văn học toàn diện (1) . Đây là giai đoạn hiện đại của tiếng Việt. Ở giai đoạn này, sự phát triển của tiếng Việt diễn ra mạnh và nhanh, cùng một đà với quá trình biến đổi sâu sắc của xã hội Việt Nam trải qua cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng là sự phát triển đã diễn ra với một lợi khí mới về chữ viết: "chữ quốc ngữ". Chữ quốc ngữ là một thứ chữ được xây dựng theo nguyên tắc ghi âm, bằng chữ cái Latin (2) . Loại chữ này đã được dùng phổ biến từ rất lâu, ở châu Âu. Đến thế kỉ 17, một số giáo sĩ phương Tây (3) đem nguyên tắc ấy dùng vào việc ghi âm tiếng Việt, tạo ra một thứ chữ thuận lợi hơn đối với mục đích truyền đạo. Điều kiện quyết định sự thanh công của việc ghi âm như vậy là cách phát âm về cơ bản giống nhau giữa các địa phương. Điều kiện ấy đã có ở thế kỉ 17. Quả vậy, tiếng Việt trên toàn đất nước, như chính bản thân chữ quốc ngữ của thời kì này đã ghi lại, đã có, tự bấy giờ, một trình độ thống nhất rất cao (4) . Mấy thế kỉ tiếp theo, chữ quốc ngữ chỉ có phạm vi sử dụng hạn chế trong kinh bổn đạo Thiên Chúa. Một số trí thức sớm theo đạo này và sớm có "tây học", nhất là từ khi thực dân Pháp chiếm "Nam Kì", đã ra sức cổ động cho nó. Nhưng lời hô hào của họ không được hưởng ứng rộng rãi. Đó là do ý đồ của những người trí thức ấy không đi ra ngoài khuôn khổ của toàn bộ chính sách thống trị của kẻ xâm lược. Thái độ lạnh nhạt đối với chữ quốc ngữ thay đổi kể từ khi hình thành các phong trào đấu tranh văn hoá có ý nghĩa chính trị, như phong trào Đông kinh nghĩa thục, ở đầu thế kỉ này. Những người lãnh đạo phong trào là một số nhà nho yêu nước, chống Pháp. Họ nêu việc dùng chữ quốc ngữ lên hàng đầu trong sáu biện pháp của bản sách lược gọi là Văn minh tân học sách (1907), và lên tiếng kêu gọi đồng bào vì tương lai của đất nước mà nên dùng thứ chữ tiện lợi ấy. Những tài liệu văn hoá bằng chữ quốc ngữ, do phong trào này phát hành, đã được phổ biến khá rộng. Sách báo chữ quốc ngữ được xuất bản nhiều là từ khoảng 1920 trở về sau. Không những sách báo công khai mà cả sách báo bí mật. Công khai là những tờ "nhật trình", những "tuần san", "nguyệt san", những tiểu thuyết dịch từ Hán văn, Pháp văn lưu hành chủ yếu trong giới trí thức và tiểu tư sản ở các thành phố, các thị trấn. Bí mật là những tờ báo nhỏ, những tài liệu chính trị do các tổ chức như "Nông hội đỏ" chủ trương, phần lớn in bằng phương tiện thô sơ, được truyền tay nhau trong giới thợ thuyền ở những thành phố có ít nhiều cơ sở công nghiệp như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Vinh, Sài Gòn, . và trong giới dân cày, ở những nơi có hình thức tổ chức "Nông hội đỏ". Những tài liệu chính trị quan trọng, như "Đường kách mệnh" (1925) của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, "Luận cương chính trị" (1930) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được truyền đi, trong thời kì này. Qua thời kì ấy, văn xuôi tiếng Việt đã thực sự ra đời và được luyện dần trong thể loại nghị luận chính trị, xã hội. Cách đặt câu đổi mới, coi trọng tính chất rõ ràng, khúc chiết, hơn là tính chất đối xứng, nhịp nhàng. Những tri thức mới về chính trị, về khoa học đòi hỏi nhiều từ mới phải đưa vào tiếng Việt. Những từ như kinh tế, xã hội, văn hoá, tư tưởng, giai cấp, . xuất hiện trong tiếng Việt tự bấy giờ. Văn xuôi nghệ thuật cũng dần trở thành phổ biến. Lúc đầu còn là văn dịch, rồi khoảng từ 1930 trở về sau, lớp văn sĩ "tân học", ngày càng đông, đã sáng tác theo những thể loại mới: truyện ngắn, truyện dài, kịch nói, . Cuối cùng, văn xuôi rời bỏ hẳn lối đặt câu biền ngẫu, có xu hướng gần gũi hơn với lời nói bình thường. "Thơ mới" lại càng mạnh dạn hơn: nó phá bỏ những luật lệ khắt khe, xích tới gần văn xuôi. Trong phạm vi từ vựng thì thơ hay văn xuôi, thuộc xu hướng hiện thực hay lãng mạn, đều dựa vào lớp từ thuần Việt và đã làm cho lớp từ này tỏ rõ hiệu lực nghệ thuật của nó. Trong khoa học tự nhiên và kĩ thuật thì số lượng thuật ngữ mới hoặc gốc Hán như: tâm, bán kính, ẩn số, .; hoặc gốc Pháp như: a-xít, ô-xy, mê-tan, . đã tăng lên nhiều, và bắt đầu được truyền bá qua một số công trình dịch thuật và biên soạn có tính chất giáo khoa phổ thông. Đó là những công trình có ý nghĩa quan trọng, do những nhà trí thức yêu nước chủ trương, để chứng minh hiệc lực khoa học của tiếng Việt trong địa hạt những khoa học chính xác – địa hạt mà chính quyền thực dân và những học giả bảo thủ cho rằng tiếng Việt là "bất cập". Cũng qua những công trình đó mà văn xuôi khoa học tiếng Việt hình thành và phát triển nhanh chóng. Nhìn lại khoảng thời gian từ 1920, đặc biệt từ 1930, đến Cách mạng Tháng Tám, có thể nhận thấy rằng không khí đấu tranh chính trị, văn hoá rất sôi nổi đã có tác động rõ ràng tới sự phát triển của tiếng Việt. Nhưng từ các xu hướng khác nhau, cũng đã hiện ra những quan niệm không giống nhau về chuẩn mực của tiếng Việt: có quan niệm "hồi cổ", không thừa nhận những đổi mới đã thành phổ biến; có quan niệm "bình dân" muốn ghi chép lời nói thông thường, không theo những nền nếp của ngôn ngữ văn học, chuẩn hoá; có quan niệm "logic", muốn làm cho tiếng Việt gần gũi với cái logic chung, không cần chú ý tới mặt tâm lí của nhân dân đối với đặc điểm có tính chất dân tộc trong ngôn ngữ . Đề cương văn hoá Việt Nam (1943) của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời trong hoàn cảnh đó. Xác định phương châm chung của cuộc đấu tranh vì một nền văn hoá cách mạng, bản đề cương rất chú ý tới vấn đề ngôn ngữ và đã đề cao giá trị khoa học, đồng thời rất coi trọng sự giữ gìn bản sắc dân tộc, cũng như tính nhân dân của tiếng Việt. Công việc nghiên cứu và biên soạn ngữ pháp tiếng Việt cũng đã được bản đề cương nêu lên thành một nhiệm vụ quan trọng. __________ (1) "ngôn ngữ văn học" là ngôn ngữ đã phá triển đến trình độ thống nhất và chuẩn hoá; nó được thể hiện trong sáng tác nghệ thuật và cả trong các địa hạt văn hoá, khoa học. (2) Ví dụ, âm tiết năm gồm có 3 âm vị đoạn tính, thì từng âm vị đươc ghi bằng các chữ cái: n, ă, m. Nghĩa của từ năm là gì (nghĩa số lượng hay thời gian) thì không được biểu hiện trên mặt chữ. (3) Việc đặt ra chữ quốc ngữ thường được gắn liền với tên tuổi A. de Rhodes, người Avignon (thời bấy giờ chưa thuộc Pháp). Sự thật thì còn có những giáo sĩ khác, người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã tham gia vào việc này. (4) Từ thế kỉ 17 tới nay, ngữ âm tiếng Việt tất nhiên đã biến đổi. Cho nên, chữ quốc ngữ hiện nay có khác, so với chữ quốc ngữ ban đầu. Những sự khác biệt này là do điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống ngữ âm đã biến đổi và ngoài ra, do cải biến nhằm bổ khuyết những sai sót của cách ghi âm thời đó nữa. Những điều chỉnh và cải tiến này được thực hiện qua thực tiễn sử dụng. 4. Từ Cách mạng tháng Tám đến nay [*] Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trước nhân dân Việt Nam và toàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên ngôn độc lập. Đó là một văn kiện lịch sử đối với lịch sử của dân tộc Việt Nam, đối với cả lịch sử của tiếng Việt. Những lời văn sáng sủa, hùng tráng của bản đại cáo ấy chính thức tuyên bố quyền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, đồng thời chính thức xác định vị trí của tiếng Việt đối với nước Việt Nam đã tự mình làm chủ vận mệnh của mình. Từ đó, tiếng Việt đảm nhiệm một vai trò mới. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngay từ khi thành lập, đã quyết định dùng tiếng Việt ở mọi cấp học, bậc học, ở mọi ngành hoạt động. Trong vai trò này, tiếng Việt tỏ ra dồi dào khả năng. Một trong những ý nghĩa của các thành tựu văn hoá, khoa học, giáo dục, hơn ba mươi lăm năm qua của nước Việt Nam, là minh chứng rõ ràng cho những khả năng đó của tiếng Việt. Trong nghệ thuật, giá trị của tiếng Việt được tiếp tục phát huy. Một đặc điểm của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa hiện nay là chất liệu ngôn ngữ lấy từ cuộc sống của nhân dân. Đó là một chất liệu rất phong phú vốn được xây dựng nên từ các nguồn văn học truyền miệng và văn học viết cổ điển; qua sự nảy nở những tư tưởng và tình cảm cách mạng của nhân dân trong cuộc sống chiến đấu và lao động, chất liệu đó lại càng phong phú hơn. Cũng từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vai trò ngôn ngữ chung của tiếng Việt đối với các thành phần dân tộc anh em lại càng được đề cao. Mỗi thành phần dân tộc có ngôn ngữ riêng với vai trò quan trọng của nó ở mặt sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân thuộc thành phần dân tộc đó. Chính sách của Đảng và Chính phủ là tôn trọng quyền của mỗi thành phần dân tộc trong việc sử dụng ngôn ngữ riêng của mình, vào tạo điều kiện thuận lợi cho ngôn ngữ của tất cả các thành phần đều phát triển. Song, tiếng Việt là ngôn ngữ chung, dùng trong địa hạt giao lưu giữa các thành phần dân tộc, và đặc biệt, trong sự xây dựng và phát triển nền văn hoá và khoa học-kĩ thuật chung của khối cộng đồng dân tộc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự có mặt ngày một nhiều của những tác gia thuộc các thành phần dân tộc khác nhau trên văn đàn nghệ thuật và khoa học của tiếng Việt đang biểu hiện một cách sâu sắc cho vai trò ngôn ngữ chung của tiếng Việt, và đồng thời cho khối đoàn kết vững chắc của toàn thể dân tộc Việt Nam. Ngày nay, trong nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tiếng Việt có vị trí đầy vinh dự và vai trò ngày càng quan trọng. Đó là công cụ đấu tranh của hơn năm mươi triệu người Việt Nam đang tiến hành đồng thời cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng tư tưởng và văn hoá, cách mạng khoa học-kĩ thuật, đang xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Vị trí và vai trò ấy đặt ra yêu cầu chuẩn hoá nó về mặt chữ viết, từ vựng, ngữ pháp, và ngữ âm. Chuẩn hoá tiếng Việt là xác định tính chất đúng đắn và thống nhất của các quy tắc trong ý thức "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", tức là giữ gìn cái bản sắc đẹp đẽ, cái bản lĩnh độc đáo của tiếng Việt, đồng thời xác nhận những hiện tượng mới nảy sinh trong quá trình phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt, nhằm mục đích nâng cao hiệu lực của nó đối với "tư duy chính trị, tư duy kinh tế, tư duy nghệ thuật, tư duy khoa học" của người Việt Nam trong giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng, như đồng chí Phạm Văn Đồng – Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – đã phát biểu (1) . . Khái quát về lịch sử tiếng Việt • Trung tâm KHXH&NV Quốc gia Tiếng Việt có nguồn gốc rất cổ xưa và đã trải. Tuyên ngôn độc lập. Đó là một văn kiện lịch sử đối với lịch sử của dân tộc Việt Nam, đối với cả lịch sử của tiếng Việt. Những lời văn sáng sủa, hùng tráng

Ngày đăng: 21/10/2013, 18:11

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan