Ai đặt tên cho dòng sông? - Người lái đò sông Đà - Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

10 2.2K 11
Ai đặt tên cho dòng sông? - Người lái đò sông Đà - Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ (Trích) Nguyễn Tuân I/ TIỂU DẨN : - Xuất xứ : Người lái đò sông Đà được in trong tập tùy bút “Sông Đà” (1960). - Hoàn cảnh ra đời : Đây là kết quả của những chuyến đi thực tế đến Tây Bắc vừa để thỏa mãn thú phiêu lãng, vừa tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên và chất vàng mười “thứ vàng mười được thử lửa” ở tâm hồn những con người lao động và chiến đấu vùng Tây Bắc. II/ ĐỌC-HIỂU VĂN BẢN : 1/ Hình tượng con sông Đà : Con sông là cảm hứng muôn đời của thơ ca. Với Nguyễn Tuân, sông Đà không còn là một thiên nhiên vô tri vô giác mà trở thành một hình tượng văn học, một sinh thể có tính cách, có tâm trạng độc đáo. Sông Đà có hai nét tính cách đối lập nhau “hung bạo và trữ tình” như nhà văn nhận xét trong tác phẩm. Lúc hung bạo, trở mặt, sông Đà là “một thứ kẻ thù số một, luôn luôn làm mình, làm mẩy với con người và nó ác như một mụ dì ghẻ”, nhưng khi trữ tình, sông Đà đầy chất thơ, dịu dàng và thân thiết như “một cố nhân”. Hai nét tính cách đối lập của sông Đà phù hợp với khả năng chiếm lĩnh thực tại của con người và phù hợp với phong cách của Nguyễn Tuân (tìm đến với những vẻ đẹp khác thường, những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ dữ dội). a.Tính cách hung bạo : Tính cách hung bạo của sông Đà dược miêu tả ở vẻ bề ngoài đầy sức mạnh hoang dại “ở chỗ vách thành dựng đứng”. Chỗ ấy sông hẹp như một cái yết hầu …và nguy hiểm chỉ thấy mặt trời khi đúng ngọ. Sông Đà hẹp cho đến nỗi “con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”. Nguyễn Tuân miêu tả sông Đà không chỉ bằng thị giác mà còn bằng xúc giác “ngồi trong khoang đò qua quãng ấy giữa mùa hè mà cảm thấy ớn lạnh, mà còn thấy tối, thấy như hụt hẫng thất thần như dang ở con hẻm nào đó mà ngóng vọng lên cửa sổ ở tầng nhà thứ mấy nào đó dang tắt phụt đèn điện”. Tất cả những hình ảnh đó tạo cho con người cảm giác ghê rợn và nguy hiểm. Cái nguy hiểm của sông Đà còn được thể hiện ở mặt nước sông Đà “ trên sông Đà có nhiều vực xoáy, nhiều luồng chết, nhiều đá ghềnh và nhiều sóng thác”. Mà rõ nét nhất là những quãng như : mặt ghềnh Hát Loóng dài hàng cây số đầy đá với sóng gió quanh năm “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nỡ xuýt”. Câu văn của Nguyễn Tuân có nhịp điệu 3/3/3 như mô phỏng độ lượn của mặt ghềnh. Ở mặt ghềnh mà con thuyền vượt qua chỉ thấy nước – đásóng – gió mà thôi. Những từ lặp lại “nước-đá-sóng” như gối lên nhau hồi hoàn của mặt ghềnh nguy hiểm. Nhờ vậy câu văn tạo nên một cảm giác mạnh của mặt ghềnh ào ạt. Nếu không phải là cây bút tài hoa thì không thể tổ chức được một câu văn giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh như thế. Cái hung bạo dữ dội của sông Đà còn được thể hiện ở những cái hút nước, xoáy nước như những cái giếng bê tông ở quãng Tà Mường Vát dưới Sơn La “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc’. Có khi nhà văn lại so sánh như những cái giếng sâu, nước ặc ặc như rót dầu sôi vào và chẳng may con thuyền nào bị cái hút nó hút xuống “thuyền trồng ngay cây chuối ngược đi ngầm dưới lòng sông, mươi phút sau sẽ thấy tan xác ở khuỷu sông bên dưới”. Nhờ thủ pháp so sánh, Nguyễn Tuân đã truyền được cảm giác mạnh cho người đọc về sự nguy hiểm của mặt nước sông Đà. Ở chỗ này, nhà văn đã sử dụng con mắt của điện ảnh để tưởng tượng “một anh quay phim táo tợn nào đấy, ngồi vào cái thuyền thúng, cho nó hút vào cái đáy của hút nước khủng khiếp kia tạo cho người xem cảm giác hãi hùng. Sức tưởng tượng kì diệu của Nguyễn Tuân trước thiên nhiên tạo hóa. - 1 - Sự dữ dội của sông Đà còn ở âm thanh của thác nước. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, sông Đà là loài thủy quái nham hiểm, ẩn chứa sức mạnh ghê gớm. Tiếng thác nước được miêu tả từ xa cho đến gần. Khi ở xa, nó gầm gào qua những thác dữ, tiếng nước réo gần mãi, lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như oán trách gì, lại như van xin, giọng gằn mà đầy chế nhạo. Nhưng khi đến gần, nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá truông. Khủng khiếp thay là thác sông Đà. Cái dữ tợn của sông Đà còn được thể hiện ở đám đá hòn, đá tảng trên sông. Bằng biện pháp nhân hóa, Nguyễn Tuân đã thổi hồn người vào đá sông làm cho nó trở nên sống động hẳn. Đá ở đây, ngàn năm vẫn mai phục, mỗi hòn có một nhiệm vụ riêng (nó dàn thạch trận, nó bày trận địa), hình dáng không giống nhau. Mặt hòn nào cũng nhăn nhúm, cũng ngỗ ngược, hòn thì méo mó, hòn thì oai phong bệ vệ, lẫm liệt. Có hòn trông giống như đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Ngay cả khi thua trận, hòn đá tướng tiu ngỉu, cái mặt xanh lè thất vọng. Ở chỗ này, một lần nữa chứng minh khả năng tài hoa về ngôn ngữ của nhà văn. b. Sông Đà trữ tình : Đối lập với con sông Đà hung bạo, nhà văn cũng phát hiện ra một nét tính cách khác của sông Đà : thơ mộng, trữ tình, thanh bình, yên ả. Nét tính cách này của sông Đà phù hợp với phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân; Ông thích khám phá sự vật hiện tượng ở phương diện văn hóa và mĩ thuật. Nguyễn Tuân quan sát và miêu tả sông Đà thơ mộng, trữ tình ở nhiều điểm nhìn khác nhau. Lúc thì nhà văn nhìn con sông từ trên tàu bay (từ trên cao nhìn xuống), lúc thì từ trong rừng đi ra (bằng cái nhìn từ xa), lúc thì trôi thuyền trên sông (bằng cái nhìn cận cảnh). Ở mỗi một góc nhìn, nhà văn đã so sánh sánh sông Đà với nhiều đối tượng khác nhau rất tài tình và rất biến hóa. Nhà văn đã so sánh sông Đà với hơn mười đối tượng, tạo cho người đọc cảm giác ngạc nhiên, thán phục và nhận ra rằng không có nhà văn nào so sánh hay hơn, tài tình hơn nhà văn Nguyễn Tuân. Từ trên cao nhìn xuống, sông Đà ngoằn ngoèo như một sợi dây thừng. Nhìn từ xa “sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo và mù khói Mèo đốt nương xuân”. Sau này, Nguyễn Tuân tiếp tục so sánh “sông Đà như một áng tóc tuôn dài ngàn ngàn, vạn vạn sải”. Chỉ một so sánh độc đáo ấy, Nguyễn Tuân làm hiện ra trước mắt người đọc hình ảnh một con sông có vẻ đẹp kiều diễm, duyên dáng, dịu dàng mềm mại, tha thướt như một nàng thiếu nữ mà mây trời khói núi Tây Bắc trang điểm làm diễm lệ thêm vẻ đẹp dòng sông. Vẻ đẹp màu nước sông Đà cũng mang một nét riêng hết sức cá tính “mùa xuân xanh màu xanh ngọc bích”, mùa thu “lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa”. Cách gọi tên màu sắc con sông quả thật chính xác, ấn tượng. Có lẽ, Nguyễn Tuân yêu sông Đà bởi màu nước của nó “trong ra trong, đục ra đục chứ không lờ lờ canh hến như ở sông gâm và sông Lô”. Sông Đà cũng rất gợi cảm. Có lần nhà văn theo gót anh liên lạc, từ trong rừng đi ra, con sông như một cố nhân gần gũi, thân thiết, tri âm tự bao giờ. Con sông gợi những niềm thơ “màu nắng tháng ba Đường thi trong thơ Lí Bạch”; gợi những niềm vui trong sáng “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn, bươm bước trên sông Đà vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại giấc mơ vừa đứt quãng”. Tác giả cảm nhận con sông bằng nỗi nhớ của một cố nhân “gặp thì vui mừng, xa thì nhung nhớ”. Cũng có khi nhà thơ tiếp cận con sông bằng đôi mắt của lịch sử, của hồi ức, của quá khứ. Ở chỗ này, nhà văn đã có những trang văn tuyệt bút đầy chất thơ, giàu tính nhạc và rất tạo hình “thuyền tôi trôi trên sông Đà…Cảnh ven sông ở đây lặng tờ thuyền tôi - 2 - trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu màu mà tịnh không một bóng người… Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa ”. Đây không còn là văn xuôi nữa mà là một bức họa tuyệt đẹp, cái đẹp thể hiện ở ngôn từ tài hoa của Nguyễn Tuân. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp muôn đời bất biến của con sông chảy qua năm tháng lịch sử. Tóm lại, Nhà văn đã vận dụng tất cả các giác quan và kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau để miêu tả con sông Tây Bắc. Con sông dưới trang viết của Nguyễn Tuân là một công trình nghệ thuật tuyệt vời, là một kì công của tạo hóa được viết bằng tình yêu quê hương đất nước sâu nặng. 2/ Hình tượng người lái đò : trong khi hướng ngòi bút đến những gì phi thường, Nguyễn Tuân còn đặc biệt chú ý đến hình ảnh của những người lao động, mà ông gọi là thứ vàng mười, chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc. Trên con sông hung tợn đó hiện lên hình ảnh người lái đò hiên ngang, vững chãi, tự do và đẹp như một huyền thoại. Khi được tác giả hỏi chuyện, người lái đò làm nghề đò dọc mười năm liền và đã nghĩ nghề gần chục năm. Nhưng mười năm lái đò đã in dấu khá đậm nét ở ngoại hình “một ông lão gần bảy mươi tuổi với cái đầu quắc thước đặt trên thân hình gọn quánh như chất sừng, chất mun. tay ông lêu nghêu như một cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong về một cái bến xa nào đó trong sương mù”. Những câu văn này được viết ra không chỉ để miêu tả ngoại hình mà còn để ca ngợi sự gắn bó, yêu quý nghề của chính người lái đò. Nguyễn Tuân cũng cho người đọc thấy được sự từng trãi, thành thạo nghề của người lái đò “một tai lái tài hoa”. Ông lái đò đã đưa con đò vượt dòng sông đầy thác ghềnh với một nghệ thuật cao cường. Nghệ thuật ở đây, theo tác giả là người lái đò nắm tất cả quy luật tất yếu của dòng sông “ nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá nơi ải nước này…với hơn 100 lần xuôi ngược thì con sông là một trường thiên anh hùng ca mà ông thuộc cả những dấu chấm câu, những đoạn xuống dòng. Ông còn nhớ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở”. Ông lái đò quả là linh hồn của sông nước vì khi đã nắm chắc quy luật tất yếu đó thì người ta có quyền tự do, ngang dọc trên sông. Ông lão đã đưa con thuyền vượt bao cửa tử để đến với cửa sinh, xuôi dòng bình yên. Ở đây với cách nói của mình, tác giả đã bày tỏ sự thán phục của mình về một con người được sinh ra từ những con sóng, ngọn thác hung dữ ở sông Đà. Chỉ từng trãi thôi chưa đủ, đối với sông Đà hung bạo, ai chế ngự được nó đòi hỏi phải có lòng dũng cảm, gan dạ, mưu trí, nhanh nhẹn và cả sự quyết đoán nữa. Nguyễn Tuân đưa nhân vật vào hoàn cảnh khốc liệt mà ở đó tất cả những phẩm chất ấy được bộc lộ, nếu không phải trả giá bằng sinh mạng của bản thân mình. Nhà văn gọi đây là cuộc chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà, một quãng thủy chiến ở mặt trận sông Đà. Đó chính là những cuộc vượt thác đầy nguy hiểm chết người, diễn ra nhiều hồi, nhiều đợt như một trận đánh mà đối phương hiện ra với tâm địa và diện mạo của một thứ kẻ thù số một. Còn ông lão là “một viên tướng ngày xưa lao trận đổ bát quái đã bày sẵn với nhiều cạm bẫy nguy hiểm”. Ở vòng vây thứ nhất, con thuyền và sóng nước giằng co dữ dội. Ông lái đò “hai tay giữ mái chèo để khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa”. Tuy sóng nước như quân liều mạng ùa vào tấn công “chúng đội cả con thuyền lên, thúc gối vào bụng và hông thuyền, thậm chí đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất : đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đòn âm vào chổ hiểm, - 3 - cướp lấy cán chèo võ khí trên cánh tay người lái đò”. Ông lão vẫn không hề nao núng, mà trái lại rất bình tĩnh đây mưu trí như một vị chỉ huy. Ngay cả khi bị thương, ông vẫn cố nén vết thương “hai chân vẫn kẹp lấy cuống lái” và trên cái thuyền sáu bơi chèo đó vẫn nghe tiếng chỉ huy ngắn gọn, sáng suốt. Vậy là trùng vi thạch trận thứ nhất đã xong. Không một phút nghỉ ngơi, ông lái đò phá luôn trùng vi thạch trận thứ hai. Lúc này cả con thác là một bãi đá ngầm, chỉ duy nhất ở phía hữu ngạn con sông là có thể vượt qua. Ông lái đò nhanh nhạy nhận ra luồng sinh, luồng tử và cứ nắm chắc lấy cái bờm đúng sóng của cửa sinh, lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Thế là vào cửa sinh an toàn. Còn trùng vi thứ ba, trùng vi cuối cùng “ít cửa hơn nhưng bên trái bên phải đều là luồng chết cả”. Ông lái đò nhanh tay chớp lấy thời cơ “cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng vào cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá, cánh mở cánh khép, cửa trong lại cửa ngoài. Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được”. Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình vào một bến cát. Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Tiếp đó là những giờ phút ung dung, thanh thản với sông nước thanh bình “đêm hôm ấy, nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh, về những cái hầm cá, hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra tràn đồng ruộng. Chả thấy ai bàn thêm lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi ải nước với đủ cả tướng dữ quân tợn vừa rồi”. Đoạn văn cũng làm nổi bật hình ảnh ông lão lái đò rất đời thường rất khiêm tốn và cũng rất bình dị. Đây quả đúng là thứ vàng mười của tâm hồnTây Bắc. Tóm lại, qua hình tượng người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân muốn khẳng định người anh hùng đâu chỉ xuất hiện ở nơi duy nhất là chiến trường, mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân ta. Cũng như sự tài hoa trí dũng cũng không cần phải tìm ở đâu, mà ngay trong những con người lao động bình thường, vô danh đang có mặt trên mọi miền đất nước. Như vậy trong việc nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ, anh hùng, Nguyễn Tuân đã có cách nhìn mang tính nhân dân cao hơn so với những trang viết của ông trước CMT8. III/ TỔNG KẾT : Ghi nhớ - SGK (trang 193 – Sách Ngữ văn CTC). AI ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG (Trích) Hoàng Phủ Ngọc Tường I. TIỂU DẪN : 1.Tác giả: - Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức yêu nước. Quê gốc ở tỉnh Quảng Trị. Sinh năm 1937 tại thành phố Huế. Tốt nghiệp trường ĐHSP Sài Gòn, từng dạy học ở trường Quốc học Huế, đã tham gia phong trào cách mạng ở nội thành, từng thoát li lên chiến khu. Năm 1990, ông là tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Cửa Việt. - Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn hiện đại của Huế, chuyên viết thể loại bút kí. Văn của ông có sự kết hợp đặc sắc giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa lý luận sắc bén và suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Lối hành văn hướng nội, mê đắm, súc tích và tài hoa. Năm 2007, ông được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. -Tác phẩm chính : Ngôi sao trên đỉnh Phú Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (1986), Hoa trái quanh tôi(1995), Bản di chúc của “Cỏ lau”(1997), Ngọn núi ảo ảnh (1999)… Thơ có : Những dấu chân qua thành phố (1976), Người hái phù dung (1992)…. - 4 - 2.Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?”: - Bài “Ai đặt tên cho dòng sông?” là một trong những bài tùy bút đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường được viết ở Huế vào dịp tiết Cốc Vũ ngày 4.1.1981, sau được in trong tập bút kí cùng tên (1986). -Bài tùy bút có ba phần: • Phần một nói về cảnh quan thiên nhiên của sông Hương. • Phần hai và ba là phương diện lịch sử và văn hóa của sông Hương. - Đoạn trích này nằm ở phần một cộng với lời kết của toàn tác phẩm. Tuy nhiên đoạn trích không chỉ đề cập tới cảnh quan thiên nhiên sông Hương xứ Huế mà còn thấy được sự gắn bó với lịch sử và văn hóa của cố đô Huế. Tác phẩm tiêu biểu cho văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường. 3.Chủ đề : Bài bút kí ca ngợi vẻ đẹp huyền ảo thơ mộng của sông Hương, gắn với bao địa danh và tâm hồn con người nơi cố đô Huế. Đến kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường con sông Hương đã trở thành một người con gái đẹp có tâm hồn, có cá tính dịu dàng và một vẻ đẹp sang trọng đằm thắm, một vẻ đẹp đầy văn hoá II.ĐỌC- HIỂU VĂN BẢN: 1. Vẻ đẹp của sông Hương Vẻ đẹp của sông Hương qua cảnh sắc thiên nhiên: Khác với nhiều con sông “sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”, nghĩa là sông Hương gắn liền với Huế. Điểm nhìn nghệ thuật của bài thơ là sông Hương. -Sông Hương ở đầu nguồn(thượng nguồn): Sông Hương nhìn từ cội nguồn là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Trong mối quan hệ này sông Hương mang tính lưỡng thể : sông Hương ở đầu nguồn rất hùng vĩ với sức sống mãnh liệt, hoang dại “một bản trường ca của rừng già” với nhiều tiết tấu hùng tráng dữ dội “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”; Nhưng cũng dịu dàng và say đắm “giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Tác giả kết luận “Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”. Dòng sông đã được thổi bằng ngọn gió tâm hồn dào dạt nhạy cảm, liên tưởng tự do để càng mạnh mẽ hơn, đắm say hơn ở địa phận thượng nguồn. -Sông Hương ở đồng bằng: Sông Hương được thay đổi về tính cách: “Sông như chế ngự được bản năng của người con gái” để “mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Bằng trí tưởng tượng và biện pháp nhân hoá sông Hương được ví như “người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại”. Chính những hiểu biết về địa lí đã giúp tác giả miêu tả tỉ mỉ về sông Hương với những nét riêng “chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm”, “dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé bằng con thoi”. Sông Hương còn đẹp như bức tranh có đường nét, có hình khối “nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo”. Không những thế, người đọc còn bắt gặp vẻ đẹp đa màu mà biến ảo, phân quang màu sắc của nền trời Tây Nam thành phố: “sớm xanh , trưa vàng, chiều tím”. +Sông Hương lại có vẻ đẹp trầm mặc chảy dưới chân “những rừng thông u tịch với những lăng mộ âm u mà kiêu hãnh của các vua chúa triều Nguyễn”. Đó là vẻ đẹp mang màu sắc triết lí, cổ thi khi đi trong âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chùa Thiên Mụ. - 5 - => Bằng bút pháp kể và tả được kết hợp nhuần nhuyễn và tài hoa trong đoạn văn đã làm nổi bật một sông Hương đẹp bởi phối cảnh kì thú giữa nó với thiên nhiên xứ Huế phong phú mà hài hoà. -Đoạn tả sông Hương khi đi qua thành phố đã gây được nhiều ấn tượng: + Đến vùng ngoại ô Kim Long sông Hướng có vẻ đẹp “vui tươi” khi đi qua những bãi bờ xanh biếc, dòng sông “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam-đông bắc”. Sông Hương có vẻ đẹp “mơ màng trong sương khói” khi nó rời xa thành phố để đi qua những bờ tre, lũy trúc và những hàng cau thôn Vĩ Dạ. +Sông Hương còn đẹp bởi hình ảnh chiếc cầu bắc qua dòng sông Hương “Chiếc cầu trắng in ngấn trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non”. Nhà văn như thổi linh hồn vào cảnh vật: “đường cong ấy làm cho dòng sông như mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói của tình yêu”, “tôi nhớ sông Hương, quý điệu chảy lững lờ của nó khi ngang qua thành phố”. Dường như sông Hương không muốn xa thành phố: “Rồi như sực nhớ lại một điều gì đó chưa kịp nói. Nó đột ngột đổi dòng rẽ ngặt sang hướng Đông Tây để gặp lại thành phố ở góc Bao Vinh…khúc quanh này thật bất ngờ…Đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”. -Sông Hương trở lại “để nói một lời thề trước khi về biển cả”. Tác giả liên hệ “Lời thề ấy vang vọng khắp khu vực sông Hương thành giọng hò dân gian, ấy là tấm lòng người dân Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”. 2.Vẻ đẹp sông Hương được khám phá dưới góc độ văn hóa: -Tác giả cho có một dòng thi ca về sông Hương. Đódòng thơ không lặp lại mình: +“Dòng sông trắng- lá cây xanh”(Chơi xuân-Tản Đà) +“Như kiếm dựng trời xanh”( Trường giang như kiếm lập thanh thiên-Cao Bá Quát). +“Con sông dùng dằng, con sông không chảy Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”(Thơ của Thu Bồn) - Tác giả gắn sông Hương với âm nhạc cổ điển Huế: “Sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya…Quả đúng vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được hình thành trên mặt nước của dòng sông này”. - Tác giả tưởng tượng “trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya”. Phải có độ nhạy cảm về thẩm âm, hiểu biết về âm nhạc của xứ Huế, tác giả mới có sự liên tưởng này. →Với ngòi bút tài hoa cộng với sự rung cảm mạnh mẽ, HPNT nhớ tới Nguyễn Du “Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này với một phiến trăng sầu. Và từ đó, những bản đàn đã đi suốt đời Kiều”. 3.Vẻ đẹp sông Hương gắn liền với những sự kiện lịch sử: Tên của dòng sông Hương được ghi trong “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi; “Nó được ghi là linh giang”. Dòng sông ấy là điểm tựa, bảo vệ biên cương thời kì Đại Việt. Thế kỉ XVIII, nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân, gắn liền với tên tuổi của người anh hùng Nguyễn Huệ. Nó đọng lại đến bầm da, tím máu “nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ XIX”. Nó đi vào thời đại của Cách mạng tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển. Nó chứng kiến cuộc nổi dậy tổng tiến công tết Mậu Thân 1968. Sông Hương đã gắn liền với lịch sử của Huế, của dân tộc. 4.Bài tùy bút kết thúc bằng cách lí giải tên của dòng sông : sông Hương, sông thơm. - 6 - -Cách lí giải bằng một huyền thoại: Người làng Thành Chung có nghề trồng rau thơm. Ở đây kể lại rằng vì yêu quí con sông xinh đẹp, nhân dân hai bờ sông đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước thơm tho mãi mãi.Huyền thoại ấy đã trả lời câu hỏi : Ai đã đặt tên cho dòng sông? -Đặt tiêu đề và kết thúc bằng câu hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” để nhằm mục đích lưu ý người đọc về cái tên đẹp của dòng sông mà còn gợi lên niềm biết ơn đối với những người đã khai phá miền đất này. Mặt khác không thể trả lời vắn tắt trong một vài câu mà phải trả lời bằng cả bài kí dài ca ngợi vẻ đẹp, chất thơ của dòng sông. 4.Nét đẹp của văn phong HPNT: Tác giả đã soi bằng tâm hồn mình và tình yêu quê hương xứ sở vào sông Hương khiến đối tượng trở nên lung linh, đa dạng như đời sống tâm hồn con người. Sự liên tưởng , tưởng tượng phong phú cộng với sự uyên bác về các phương diện địa lí, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã tạo nên áng văn đặc sắc này. Ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh, bộc lộ cảm xúc, sử dụng nhiều biện pháp tu từ như so sánh, ần dụ, nhân hóa. Có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, vhủ quan và khách quan. Chủ quan là sự trải nghiệm của bản thân. Khách quan là đối tượng miêu tả - dòng sông Hương. III/ TỔNG KẾT : Ghi nhớ - SGK CTC. HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT (Trích) Lưu Quang Vũ I/ TIỂU DẪN : 1/Tác giả : Lưu Quang Vũ (1948-1988) -Quê ở Đà Nẵng, sinh tại Phú Thọ trong một gia đình trí thức. Cha là nhà soạn kịch Lưu Quang Thuận, nên năng khiếu và thiên hướng nghệ thuật bộc lộ ngay từ nhỏ. -Lưu Quang Vũ là một tài năng đa dạng : làm thơ, sáng tác văn xuôi, vẽ tranh và soạn kịch. Kịch là phần đóng góp đặc sắc của LQV với những vở kịch gây chấn động dư luận như : Lời nói dối cuối cùng, Nàng Xi-ta, Chết cho điều chưa có, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba, da hàng thịt,… -Lưu Quang Vũ không những trở thành một trong những hiện tượng đặc biệt của sân khấu vào những năm 80 của thế kỉ XX mà còn được coi là nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật VN hiện đại. Lưu Quang Vũ mất giữa lúc tài năng đang vào độ chín, hứa hẹn một sự nghiệp văn chương to lớn. Năm 2000, ông được tặng giải thưởng HCM về văn học nghệ thuật. 2/ Tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” : a. Xuất xứ :“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở kịch gây được nhiều tiếng vang nhất. Vở kịch được viết năm 1981, trình diễn năm 1984, dựa trên một câu chuyện cổ tích dân gian cùng tên. Tác phẩm nhanh chóng tạo được thiện cảm với người xem. Sau đó được công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Truyện nhấn mạnh vào sự phản kháng của linh hồn nhân hậu, thanh cao chống lại sự lấn át và chế ngự của thể xác thô lỗ phàm tục. Những hư cấu sáng tạo của LQV từ câu chuyện cổ tích dân gian nhằm truyền đến người đọc thông điệp của thời đại những vấn đề xã hội mang tính triết lý sâu sắc. b. Tóm tắt nội dung vở kịch : Trương Ba giỏi đành cờ bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết. Trú nhờ linh hồn trong thể xác anh hàng thịt, Trương Ba gặp rất nhiều phiền - 7 - toái; Lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương Ba cũng cảm thấy xa lạ…mà bản thân Trương Ba thì đau khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo. Đặc biệt xác hàng thịt còn làm cho hồn Trương Ba nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn không phải của bản thân ông. Trước nguy cơ tha hoá về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết. c. Chủ đề : Vở kịch đã làm nổi bật - Bi kịch của con người khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống vay tạm, sống tạm bợ và trái tự nhiên khiến tâm hồn nhân hậu thanh cao bị nhiễm độc và tha hoá bởi sự lấn át của thể xác thô lỗ và phàm tục. - Vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, bảo vệ quyền được sống trọn vẹn, hài hoà giữa thể xác và linh hồn, ngoại hình và tính cách. Mỗi con người phải tự cải tạo về mặt linh hồn và thể xác thì mới có thể có nhân cách hoàn thiện và cuộc sống mới có nhiều ý nghĩa. II/ ĐOẠN TRÍCH : 1/ Vị trí : Trích từ cảnh VII và đoạn kết của vở kịch. Thuộc phần cao trào và mở nút. 2/ Tóm tắt nội dung đoạn trích : Sau mấy tháng trời sống tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, nhân vật Trương ba ngày càng trở nên xa lạ với bạn bè và người thân trong gia đình. Ông tự chán ghét chính mình, muốn thoát khỏi nghịch cảnh trớ trêu. Đoạn trích diễn tả sự đau khổ, dằn vặt và quyết định cuối cùng vô cùng cao thượng của hồn Trương Ba. 3/ Tìm hiểu văn bản : a.Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Xác hàng thịt : - Xung đột giữa Hồn – Xác là xung đột trung tâm của vở kịch. Đến cảnh VII, xung đột đã lên đến đỉnh điểm cần được giải quyết. Cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba – Xác hàng thịt là một cuộc đối thoại sinh động đầy ý nghĩa triết lý. Lớp kịch này có 25 lượt lời. Đây là đoạn đối thoại sinh động, đầy sáng tạo, nhiều nghĩa ẩn dụ, thúc đẩy xung đột lên đến đỉnh điểm, đưa tính cách nhân vật ngày càng rõ nét. - Ai cũng biết TB chết một cách vô lý do sự vô tâm tắc trách của Nam Tào và Bắc Đẩu. Để sửa sai, theo lời khuyên của Đế Thích là cho hồn TB nhập vào xác anh hàng thịt nhằm trả lại sự công bằng cho Trương Ba, nhưng lại vô tình đẩy TB vào nghịch cảnh “linh hồn phải trú nhờ trong thể xác kẻ khác” tạ thành một vật quái gỡ là “HTB, XHT”. Sau mấy tháng trời hồn Trương Ba sống nhờ trong xác anh hàng thịt, trong hoàn cảnh “bên trong một đàng, bên ngoài một nẻo”. Do phải sống nhờ thể xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba đành phải chiều theo một số nhu cầu hiển nhiên của xác thịt, đáng sợ hơn hồn TB nhiễm một số thói xấu của anh đồ tể, càng ngày càng trở nên xa lạ với tất cả mọi người đến mức tự chán chính mình “Không! Tôi không thể sống thế này mãi! Tôi chán cái chổ ở không phải của tôi này lắm rồi”. Tình huống kịch bắt đầu từ đây, từ cái hố sâu khoảng cách cứ ngày một rộng hoắc giữa linh hồn và thể xác “Hồn này-Xác kia”. - Ý thức được điều đó, linh hồn TB dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt để tồn tại độc lập, không lệ thuộc vào thể xác. Hàng thịt biết rõ những cố gắng đó là vô ích, đã cười nhạo hồn Trương Ba “chẳng còn cách nào khác đâu” vì “cả hai đã hoà vào nhau làm một rồi”. Xác hàng thịt một điều ‘ông”, hai điều “ông” ngang hàng thách thức và khẳng định sức mạnh ghê gớm của Xác đối với Hồn, khuyên Hồn nên chung sống hoà thuận. Trước những lí lẽ ti tiện của xác hàng thịt, TB đã nổi giận, khinh bỉ, mắng mỏ xác hàng thịt hèn hạ nhưng cũng ngậm ngùi thấm thía nghịch cảnh mà mình đã lâm vào, đành nhập trở lại xác hàng thịt trong sự tuyệt vọng. - 8 - - Như vậy Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng là cuộc sống đáng hổ thẹn vì phải sống chung với cái dung tục và bị sự dung tục đồng hoá. Cuộc đối thoại diễn ra trong tâm trạng một con người giữa : mơ ước tinh thần cao thượng, đẹp đẽ và những dục vọng bản năng thấp kém, tầm thường. Chiến thắng chính mình, chiến thắng những đòi hỏi bản năng, cái ác cái giả dối là vô cùng khó khăn. Nhiều khi trong hoàn cảnh éo le thì khả năng bị tha hoá biến chất là khó tránh khỏi. Từ đó, tác giả cành báo : khi con người phải sống trong sự dung tục thì tất yếu cái dung tục sẽ ngự trị, sẽ thắng thế, sẽ lấn át và sẽ tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ cao quý trong con người. b.Cuộc đối thoại giữa hồn TB trong xác anh hàng thịt với những người thân trong gia đình : - Chính cảnh ngộ mà TB đang lâm vào “hồn này xác kia”, người chồng người cha, người ông nhân hậu thanh cao trước đây đã và đang trở thành một kẻ khác và ngày càng bộc lộ những thói tật không chịu đựng được của một anh đồ tể thô lỗ, phàm tục. Tất cả mọi người trong gia đình dù đã cố chịu đựng và thích nghi với hoàn cảnh mới nhưng càng không thể chấp nhận sự thật quái gở trong nhà mình. Vì thế dẫn đến màn đối thoại giữa TB với những người thân trong gia đình. - Vợ TB đau khổ, buồn bã. Bà rất thương chồng, dù biết trong thân xác nặng nề thô thiển là linh hồn người chồng làm vườn của mình, nhưng bà cũng cay đằng nhận ra rằng “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông TB làm vườn ngày xưa!”. Bà vốn vị tha nên định bỏ đi để nhường TB cho vợ anh hàng thịt. Với cô con dâu : chị con dâu là người hiểu, cảm thông và thương bố chồng nhiều nhất. Nhưng chính chị cũng thấy sợ sự thay đổi ngày càng nhiều, càng lớn đến mức chị không còn nhận ra hình ảnh bố chồng hiền hậu, nhẹ nhàng, khéo léo ngày xưa. Chị cũng đau khổ và bất lực. Với cái Gái, cháu TB thì phản ứng quyết liệt và dữ dội. Đứa cháu nội ngây thơ, trong sáng dứt khoát không chấp nhận ông mình trong xác lão hàng thịt vụng về thô lỗ “đã làm hỏng cả hoa, cây sâm ươm mầm, làm gãy cái diều nan của cu Tỵ”. Nó căm ghét ông, đuổi ông đi vì cho rằng ông ác, ông xấu. Nghĩa là đứa cháu không chấp nhận sự tầm thường, dung tục. Nó dồn hồn TB đến chân tường của sự ân hận. → Đoạn đối thoại với ba người thân yêu nhất của mình càng làm cho hồn TB đau khổ hơn. Ông cũng nhận thấy và hiểu những gì mình đã và đang, sẽ gây ra cho người thân là tệ hại, mặc dù ông không mnốn. TB đã cố gắng sống đúng như con người mình trước đây nhưng không thể. Đến đây xung đột kịch đã lên đến đỉnh điểm cần mở nút giải quyết. TB tự nhủ và tự mở hướng giải quyết “nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày và đánh mất mình? Có thật là không còn cách nào khác không? Không cần cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”. Qua vài tháng trãi nghiệm, cuối cùng hồn TB đã nhận ra điều này và quyết định mời Đế Thích xuống trần để nói rõ quyết định của mình. - Ở đoạn thoại này, nhà văn muốn nói : cái quý giá nhất của con người là cuộc sống nhưng không phải bất cứ cách sống, kiểu sống nào. Sống mà đánh mất bản thân, sống giả dối với người và với mình, sống như hồn TB đang sống thà chết còn hơn. c.Cuộc đối thoại giữa TB với Đế Thích : -Lúc này Hồn TB muốn thoát khỏi cuộc sống bi kịch với bao nhiêu nỗi nìêm day dứt “không thể bêntrong một đằng, bên ngoài một nẻo. Tôi muốn là tôi trọn vẹn”. Xung đột kịch đã lên đến cao trào buộc phải mở nút. Hồn TB phân trần, nài nỉ, nói lên thân phận hèn kém, sống gởi nằm nhờ của mình “sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”. Hồn TB không - 9 - muốn sống trong xác anh hàng thịt, cũng không muốn nhập vào cu Tỵ , bởi lẽ có biết bao nhiêu phiền toái trớ trêu sẽ điễn ra, sâu xa hơn nữa sẽ “bơ vơ, lạc lõng, đáng ghét như kẻ tham lam”. Và hồn TB nhận ra cái cực kì vô lí “một kẻ lý ra phải chết từ lâu nhưng vẫn cứ sống, cứ trẻ khoẻ, cứ ngang nhiên hưởng mọi thứ lộc trời” thì không ra làm sao cả. Nguợc lại, Đế Thích ra sức khuyên TB nhập vào xác cu Tỵ và cho biết cái lẽ trời, cái lẽ đời là “từ Ngọc Hoàng cho đến người trần mắt thịt có ai được là mình toàn vẹn mà phải khuôn ép mình. Vả lại Nam Tào đã gạch tên khỏi sổ, thân thể đã tan rửa thành bùn rồi” . Đế Thích muốn sửa sai. -Qua màn đối thoại này, tác giả đã gởi gắm vào đó nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp vừa mạnh mẽ. Tác giả phê phán những người có chức có quyền làm việc cẩu thả, tắc trách như Nam Tào, Bắc Đầu. Và lòng tốt hời hợt chẳng mang lại kết quả tốt đẹp nào. Và những kiểu sửa sai tạm thời, vá víu như Đế Thích sẽ chẳng mang lại kết quả tốt đẹp mà lắm khi còn gây ra tai hoạ cho bao nhiêu người tốt và tạo cơ hội cho những kẻ xấu như lí trưởng và đám trương tuần sách nhiễu, làm vẫn đục cuộc sống. Đoạn đối thoại còn cho thấy cái nhìn khá quan liêu và hời hợt về cuộc sống của con người nói chung và của Đế Thích nói riêng. d. Màn kết :Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hoá thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh người thân yêu của mình. Ông hoá thành màu xanh của cây vườn, vị thơm ngon của trái na, vẫn quấn quýt với người thân, gần gũi nơi bậc cửa, trong ánh lửa nơi cầu ao, trong cơi trầu, con dao của người thân yêu. -Cuộc sống vẫn tuần hoàn theo quy luật muôn đời. Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bi kịch lạc quan, đồng thời truyền đi thông điệp về sự chiến thắng của cái Thiện, cái Đẹp và của sự sống đích thức. màn kết đầy chất thơ ấy đã làm cho tư tưởng nhân văn toả sáng trong tác phẩm. III/ TỔNG KẾT : -Qua đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ muốn gởi tới người đọc thông điệp : được sống và làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hoà giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thành nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý. - Tính phê phán mạnh mẽ, quyết liệt và chất thơ sâu lắng bay bổng được kết hợp hài hoà tạo nên sức hấp dẫn của vở kịch. - 10 - . qua thành phố (1976), Người hái phù dung (1992)…. - 4 - 2.Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông ?”: - Bài Ai đặt tên cho dòng sông? là một trong những. NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ (Trích) Nguyễn Tuân I/ TIỂU DẨN : - Xuất xứ : Người lái đò sông Đà được in trong tập tùy bút Sông Đà (1960). - Hoàn cảnh

Ngày đăng: 13/09/2013, 20:10

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan