Thị trấn tỉnh lẻ trong truyện của a p tsekhov

5 1.2K 1
Thị trấn tỉnh lẻ trong truyện của a p  tsekhov

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

THỊ TRẤN TỈNH LẺ TRONG TRUYỆN CỦA A.P.TSEKHOV Nguyễn Thị Minh Loan 1 Có thể nói, thị trấn tỉnh lẻ là không gian bao trùm, không gian chủ đạo trong truyện Tsekhov. Bài báo đi sâu phân tích những dấu hiệu đặc trưng của không gian này, qua đó tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của nhà văn về cuộc sống và con người. 1. Đặt vấn đề Hành động trong phần lớn truyện Tsekhov diễn ra ở các thị trấn tỉnh lẻ. Ông nói: “Cuộc sống của chúng ta là tỉnh lẻ, các thành phố không được lát đá, các làng quê nghèo nàn…” [2, tr.237]. Khai thác cuộc sống ở thị trấn tỉnh lẻ là một cái mới trong nghệ thuật của Tsekhov trong khi Dostoievski chủ yếu miêu tả cuộc sống ở các đại đô thị, Tolstoi miêu tả cuộc sống ở các làng quê Nga. Korolenko phát hiện rất chính xác rằng thị trấn tỉnh lẻ là “khoảng giữa bị bỏ lửng”, và Tsekhov là nhà văn của “khoảng giữa” chưa được khám phá ấy. Tsekhov có nhắc đến Moskva, thậm chí ông có một truyện ngắn nhan đề Ở Moskva, nhưng trung tâm chú ý của nhà văn không phải là cuộc sống ở thủ đô, mà là trạng thái tình cảm, đời sống tâm lý của con người. “Địa hạt” của ông là cuộc sống ở những thị trấn tỉnh lẻ, sức mạnh của ông được thể hiện trong việc khám phá và mô tả không gian này. 2. Nội dung 2.1. Những dấu hiệu đặc trưng của thị trấn tỉnh lẻ trong truyện Tsekhov Thị trấn tỉnh lẻ xuất hiện ngay trong những truyện ngắn đầu tiên của Tsekhov: Hội chợ (1882), Ngày 29 tháng 6 (1882), Những biện pháp thích đáng (1884), Nữ dược sỹ (1886), Người chồng (1886) và được ông tiếp tục miêu tả ngày một sâu sắc hơn trong rất nhiều tác phẩm cho đến tận truyện ngắn cuối cùng Người vợ chưa cưới (1903). Ngay trong những sáng tác giai đoạn đầu của Tsekhov, thị trấn tỉnh lẻ đã để lại ấn tượng về một không gian nhỏ bé, xấu xí, ở một nơi xa xôi hẻo lánh: “Một thị trấn nhỏ rất khó nhìn thấy. Gọi là thành phố nhưng nó không giống thành phố mà chỉ như một ngôi làng xấu xí giống thành phố” (Hội chợ, 1882); “Một thị trấn nhỏ, mà theo cách nói của người giám thị nhà tù địa phương, thậm chí dưới kính thiên văn cũng không tìm thấy nó trên bản đồ địa lý…” (Những biện pháp thích đáng, 1884). Sự buồn tẻ và đơn điệu là những nét đặc trưng của cuộc sống ở tỉnh lẻ. Mở đầu truyện Thảo nguyên (1888), trước mắt người đọc đã xuất hiện “tỉnh lỵ N. thuộc tỉnh Z”. Tác giả không miêu tả thị trấn này một cách tỉ mỉ mà tập trung nhấn mạnh tính chất khép kín của nó: “Khi chiếc xe chạy qua nhà lao, Yegoruska nhìn mấy người lính canh đang thong thả đi lại dọc bức tường trắng cao, nhìn những khung cửa hẹp có chấn song sắt”, “kế theo nhà lao là mấy cái lò rèn ám khói đen kịt loang loáng lướt về phía sau, rồi đến khu nghĩa địa cỏ mọc xanh rờn, ấm cúng, có một bức tường xây bằng đá cuội lớn bao bọc xung quanh”, “Sau nghĩa địa là nhà máy nung gạch bốc khói”. Môtip bức tường đá tạo nên hình tượng của một không gian bị tách biệt với thế giới xung quanh, khói đen và lớp bụi đỏ từ nhà máy nung gạch bay ra là những dấu hiệu đặc trưng của một thị trấn tỉnh lẻ. 1 ThS, Trường Đại học Hải Phòng Trong số nhiều truyện của Sêkhôp miêu tả thị trấn tỉnh lẻ, người ta nhắc đến Phòng số 6 (1892) nhiều hơn cả. Theo M.B.Khrapchenco, tác phẩm là “biểu hiện tập trung nhất nỗi buồn, gánh nặng của cuộc đời ngưng đọng lại trong những khuôn khổ cực kì co hẹp, bất động của mình” [1, tr.248]. Cái thị trấn tỉnh lẻ ấy được nhấn mạnh là một nơi xa xôi hẻo lánh, một thị trấn “bé nhỏ, cách xa đường xe hoả đến hai trăm vexta”. Cuộc sống trong đó gần như ngưng đọng lại, buồn tẻ đến khủng khiếp: “Trong thị trấn buồn phát ngấy lên … Không có ai để nói lấy một lời, nghe lấy một câu cho ra hồn. Không có lấy một nhân vật nào mới”, “Trong thị trấn này cuộc sống ngột ngạt và buồn tẻ, các giới ở đây không có những hoài bão cao cả, họ sống một cuộc đời mờ nhạt, vô nghĩa…”. Cả hai nhân vật chính đều nhận xét về nó là “một thị trấn bất hạnh”. Phòng số 6 không chỉ là câu chuyện của những bệnh nhân tâm thần và những y, bác sĩ, người canh gác trong bệnh viện chẳng khác gì nhà tù, mà còn là câu chuyện về những con người sống thiếu mục đích, kéo lê cuộc đời tẻ nhạt, vô nghĩa trong cái thị trấn bé nhỏ, hẻo lánh này: “Nhà hát không có, âm nhạc cũng không còn (…) Thanh niên không khiêu vũ, suốt ngày chỉ tụ tập xung quanh quầy giải khát hoặc ngồi đánh bài (…) những người dân ở thị trấn này đem phung phí hết sinh lực của mình, tâm hồn và trí tuệ của mình vào những trò giải trí vô bổ và những chuyện ngồi lê đôi mách…”. Cảnh hoang tàn, buồn tẻ, những đường phố vắng vẻ, những ngôi nhà thấp phủ đầy bụi, những con người mơ màng, ngái ngủ, sống im lìm, bất động, không làm gì, không quan tâm đến vấn đề gì là những nét đặc trưng của thị trấn tỉnh lẻ trong truyện Tsekhov. Đây là cảm nhận của Iulia về thị trấn quê hương khi cô từ Moskva trở về: “…cô cảm thấy những đường phố hoang tàn, vắng lặng, tuyết màu xám, còn những ngôi nhà thì nhỏ bé hệt như bị ai đó làm bẹp xuống. Cô gặp một đám ma, người ta mang người chết trong chiếc quan tài mở nắp…” (Ba năm, 1894). Một cảm giác tương tự như vậy có ở Nađia Sumina (Người vợ chưa cưới, 1903): “Đến trưa Nađia về đến tỉnh nhà. Từ nhà ga về, cô thấy đường xá hoang vu, lạ lùng, nhà cửa sao mà nhỏ bé thế, nó lại bè bè thế nào ấy (…). Trong tỉnh, nhà nào nhà nấy phủ một lớp bụi.(…) Nhà ở đặc những ruồi muỗi, trần nhà như càng tụt xuống thấp thêm (…). Cô nhìn những ngôi nhà, những bờ rào bẩn thỉu. Cô thấy hình như cái tỉnh này đã già cỗi từ lâu rồi, nó đã hết kì hạn của nó, nó đang đợi hoặc rồi tiêu tán đi…”. Sống trong không gian ấy là những con người bất tài, bất lực, lười biếng, uể oải. Panaurov nói với Laptep về những bác sĩ, những người được xem là có học thức, có sức sống nhất trong thị trấn: “Trong thành phố có 28 bác sĩ, tất cả đều tạo nên cơ nghiệp và sống trong những ngôi nhà riêng của họ, còn những người dân thì vẫn như trước đây, sống trong tình trạng bất lực Họ không biết gì, không hiểu gì, không quan tâm đến vấn đề gì” (Ba năm, 1894). Bầu không khí ảm đạm, buồn tẻ bao trùm lên cả nhà hát - nơi thể hiện đời sống văn hoá tinh thần của những người dân thị trấn với những “làn bụi mỏng như sương bốc lên”, với “âm thanh ngán ngẩm của dàn nhạc tồi, của những cây đàn viôlông rẻ tiền” (Người đàn bà có con chó nhỏ, 1899). Màu sắc cơ bản Sêkhôp dùng để miêu tả khung cảnh tỉnh lẻ và cuộc sống ở đó là màu xám, nó tượng trưng cho cuộc sống buồn tẻ, nhợt nhạt. Ngay cả trong căn phòng sang trọng nhất ở khách sạn thành phố X. thì màu xám vẫn là gam màu chủ đạo: “…dưới nền nhà trải một lớp dạ lính màu xám, trên mặt bàn đặt một lọ mực cũng màu xám vì bụi, một cái tượng người kị sĩ cưỡi ngựa … đầu bị gãy cụt (…) trên chiếc giường trải một tấm chăn xám rẻ tiền thường thấy trong bệnh viện” (Người đàn bà có con chó nhỏ, 1899). 2.2. Thị trấn tỉnh lẻ và thủ đô trong truyện Tsekhov Hình tượng thị trấn tỉnh lẻ bộc lộ rõ những đặc điểm của nó khi trong nhiều tác phẩm Tsekhov đặt nó trong sự đối sánh với thủ đô (Moskva hoặc Peterburg). Nếu thị trấn tỉnh lẻ gắn liền với sự lạc hậu, buồn tẻ thì thủ đô là nơi đầy quyến rũ, nếu không phải nơi sinh sống, chốn đi về của các nhân vật thì cũng là nơi để họ ao ước ngưỡng vọng, phải được đến sống ở đó hoặc phải được đến đó một lần. Sự đối lập giữa thủ đô và tỉnh lẻ trong sáng tác của Tsekhov như sự đối lập giữa “cái cần có” và “cái đang tồn tại”. Ngược lại với thị trấn tỉnh lẻ uể oải, mơ màng, thủ đô gắn liền với những hình dung về một cuộc sống đích thực, hài hoà. Bởi vậy, nhân vật luôn mơ ước được đến thủ đô. Laepxki sẵn sàng làm một cuộc “trao đổi”: “Nếu tôi được lựa chọn một trong hai điều: hoặc làm thợ sửa ống khói ở Peterburg hoặc làm quý tộc ở vùng này, thì tôi chọn làm nghề sửa ống khói” (Quyết đấu, 1891). Trong truyện vừa Ba năm (1895), sự đề cao thành phố thủ đô, gắn mơ ước về sự thay đổi cuộc đời mình với nó thể hiện trong những suy nghĩ của Iulia trước lời cầu hôn của Laptep. Với cô, Laptep là người Moskva, điều này còn quan trọng hơn cả việc anh giàu có. Cô nghĩ: “Laptep dù sao cũng là người Moskva…; anh ấy sống ở thủ đô - nơi có nhiều người thông minh, cao quý, nổi tiếng, nơi đó cuộc sống ồn ào, có những nhà hát tuyệt vời, những buổi hoà nhạc, những người thợ may tài giỏi, những loại bánh kẹo ngon…”. Moskva là niềm an ủi khi cô ngộ ra cuộc hôn nhân là sai lầm: “nếu giả sử cô phải sống với chồng không phải ở Moskva mà ở một thành phố nào khác, thì có lẽ cô đã có cảm giác là không thể chịu nổi sự khủng khiếp này”. Với chàng dự thẩm trẻ tuổi Lưjin (Một chuyến công vụ, 1898), chuyến đi công tác về một nơi hẻo lánh gợi lên trong anh ấn tượng về sự khác biệt rất lớn giữa cuộc sống ở thủ đô với cuộc sống ở nơi này: làng Xưrnhia “cách Moskva hàng ngàn vexta … Nước Nga thực sự là Moskva, là Peterburg, còn đây chỉ là nơi khỉ ho cò gáy, cách trở xa xôi” và “sẵn sàng trả giá cao đến thế nào để được đi trên đại lộ Nepxki hay trên đường phố Pêt’rôpka ở Moskva”. Thậm chí, đối với nhân vật, ở nơi này hoàn toàn không có cuộc sống tồn tại . Tuy vậy, trong nhiều truyện của Tsekhov sự đối lập giữa thủ đô và tỉnh lẻ chỉ ở vẻ bề ngoài chứ không ở bản chất. Và vì thế Moskva, Peterburg hay một thị trấn tỉnh lẻ nào đó đều không thể giúp con người làm thay đổi cuộc sống. Cứ ở trong một không gian này, nhân vật lại mơ ước được chuyển đến không gian khác, nơi mà anh ta gán cho nó những phẩm chất tốt đẹp. Có nhà nghiên cứu đã đưa ra khái niệm “ngôi nhà thường nhật” (дом обыденности) và “ngôi nhà mơ ước” (дом мечты) như sự đối lập giữa “cái hiện có” và “cái mong muốn” trong cuộc sống các nhân vật của Tsekhov. Trong truyện của ông, Moskva hay Peterburg không phải bao giờ cũng là “ngôi nhà mơ ước”, nó vẫn có thể trở thành “ngôi nhà thường nhật” bởi nhân vật của ông luôn trong trạng thái không hài lòng với cái hiện có. Đây là những suy nghĩ của Laepxki (Quyết đấu, 1891): “Hai năm trước, khi mới yêu Nagiêgiơđa Phiôđôrôpna, anh những tưởng chỉ cần dám tằng tịu với Nagiêgiơđa rồi cùng nàng chạy tới vùng Capkaz này là anh thoát khỏi sự đơn điệu và trống rỗng của cuộc đời; cũng như giờ đây, anh tin chắc rằng, nếu anh dám bỏ Nagiêgiơđa Phiôđơrôpna và quay về Peterburg là anh có thể nhận được tất cả những gì mình cần”. Nhưng anh lại nghĩ: “Trở về Peterburg? Nhưng điều đó có nghĩa lại bắt đầu cuộc sống cũ mà mình nguyền rủa”, và cuối cùng đã ngộ ra rằng: “… người tìm kiếm sự cứu vớt bằng cách thay đổi chỗ ở, giống như chim thiên di, sẽ chẳng thể tìm được gì hết, bởi đối với anh ta, nơi nào trên trái đất này chẳng như nhau”. Điều này cũng được khẳng định qua lời của giáo sư Nhicôlai Stêpanôvich trong Câu chuyện tẻ nhạt (1889): “tôi lạnh nhạt với mọi việc, đi đâu cũng thế, dù là đi Kharkov, Pari hay Berđisev”. Không gian tỉnh lẻ và không gian thủ đô đồng thời xuất hiện và tồn tại trong truyện Người đàn bà có con chó nhỏ (1899). Chúng tôi dừng lại phân tích kĩ tác phẩm để thấy rõ quan niệm của nhà văn về hai không gian tưởng như đối lập này. Hành động truyện được triển khai trong ba không gian nhỏ: Ianta, Moskva và thành phố X. Ianta là nơi nảy sinh những mỗi tình bãi biển, nhưng đồng thời Ianta gắn với biển, với núi - hiện thân của vẻ đẹp và sự vĩnh cửu. Từ điểm nhìn của các nhân vật, bao trùm lên Ianta là một sự buồn tẻ của một tỉnh lẻ. Gurôp nói: “…tôi thì đã gắng gượng ở đây đến tuần thứ hai”, còn Anna Xecgâyepna nhận xét: “Thời gian trôi qua thật nhanh chóng mà ở đây thì thật là buồn tẻ”. Cũng như ở các thị trấn tỉnh lẻ khác, ngoài đường phố Ianta gió cuốn bụi bay mù, còn trong các căn phòng là không khí nóng bức, ngột ngạt, niềm vui duy nhất của những người đến đây nghỉ mát là vào buổi chiều ra bờ biển xem tàu thuỷ đến. Mặc dù vậy, Gurôp - một người Moskva, lại có cái nhìn khác về Ianta khi so sánh nó với các tỉnh lẻ ở nước Nga nói chung: “Đó chỉ là điều người ta mặc nhiên quy ước với nhau rằng ở đây buồn tẻ mà thôi. Một người tầm thường sống một cách thích thú vui vẻ ở Bêlép hay ở Giưđơrô, thế mà vừa đặt chân đến thì đã kêu lên: “Ôi, buồn tẻ quá! Toàn bụi là bụi!”. Hoá ra anh ta là người từ Grênađa tới” (Bêlep và Giưđơrô là tên những thành phố hẻo lánh, nhỏ bé và xấu xí ở nước Nga). Thủ đô Moskva, đối với Gurôp, là cuộc sống sinh hoạt quen thuộc: anh lao vào cuộc sống ở Maxcơva, anh đọc ba tờ báo mỗi ngày, những khách sạn, câu lạc bộ thu hút anh, anh tham dự những bữa tiệc liên hoan, kỉ niệm, anh hởi lòng hởi dạ khi được trò chuyện, đánh bài với những nhân vật quan trọng, … Ý thức về tính chất giả tạo của cuộc sống đến với Gurôp chỉ sau khi nghe câu đáp lời của viên quan lại về món cá chiên khi anh muốn hé mở bí mật trái tim, muốn tâm sự với anh ta về tình yêu của mình. Gurôp bắt đầu phán xét về lối sống ở Moskva: “Những cuộc đánh bài điên dại, những bữa ăn nghiến ngấu, những lúc say rượu, những cuộc nói chuyện quanh đi quẩn lại vẫn một đề tài! Những việc làm vô tích sự, những cuộc nói chuyện lặp đi lặp lại ấy cướp mất đi cái phần thời giờ tốt nhất, cái phần sinh lực quý nhất và cuối cùng là để lại một cuộc sống tẻ ngắt không sao cất cánh bay bổng lên được - một cái gì ngu độn. Anh biết vậy mà không sao trốn ra được, chạy thoát được cuộc đời ấy, anh có cảm giác mình đang sống trong một nhà thương điên hay giữa một đoàn tội phạm nào”. Nhân vật bước vào mối xung đột với môi trường, cái môi trường mà lâu nay anh vẫn là một phần trong nó. Và như vậy, trong truyện này, Tsekhov không xây dựng hình tượng Moskva như một trung tâm của các hoạt động văn hoá tinh thần, trung tâm của cuộc sống văn minh, mà khắc đậm tính chất ồn ào, giả tạo của thủ đô, nơi không có chỗ dành cho những tình cảm thực sự. Thành phố X., nơi Gurôp tìm đến theo tiếng gọi của trái tim, gợi lên trong nhân vật và người đọc một cảm giác khó chịu trước hết bởi “bức rào sắt nhọn màu xám với những cái đinh” bao quanh ngôi nhà của Anna, tiếp theo đó là khung cảnh tồi tàn, buồn tẻ, vô vị ở khách sạn và nhà hát. Bản thân Anna Xecgâyepna cũng từng nói rằng thành phố X. này gây khó chịu cho nàng ngay từ những ngày đầu mới đến. Tuy vậy, chính ở đây, trong cái thành phố tỉnh lẻ buồn tẻ, tồi tàn này, cuộc sống mới mới bắt đầu đối với Gurôp: tim anh bắt đầu đập liên hồi khi nhìn thấy con chó bông trắng quen thuộc, trái tim anh thắt lại khi nhìn thấy Anna Xecgâyepna bước vào nhà hát, “anh bỗng chợt hiểu rằng, giờ đây, trên thế giới này, đối với anh không còn ai gần gũi hơn, quý giá hơn, quan thiết hơn người phụ nữ này”, lần đầu tiên trong cả đời mình, anh mới yêu, yêu thực sự chân thành. Và như vậy, với truyện ngắn này Tsekhov khẳng định sự khác biệt, đối lập giữa tỉnh lẻ với thủ đô không phải như sự đối lập giữa cuộc sống buồn tẻ, đơn điệu, lạc hậu với cuộc sống văn minh, nhộn nhịp, sự khác biệt giữa chúng là ở chỗ: khác với thủ đô, chính ở thị trấn tỉnh lẻ tâm hồn con người đã được hồi sinh. Bằng cách đó, nhà văn khẳng định giá trị, sự cao đẹp và sức cảm hoá của tình cảm, tình yêu chân thành luôn tồn tại trong con người, nó vượt qua rào cản và sự trói buộc của không gian. 3. Kết luận Thị trấn tỉnh lẻ với sự lạc hậu, buồn tẻ, đơn điệu, với những con người lười biếng, ngái ngủ xuất hiện trong nhiều truyện Tsekhov và trở thành không gian cơ bản, không gian bao trùm trong sáng tác của ông. Đó là một không gian sinh hoạt khép kín, nó trói buộc con người trong những việc làm tẻ nhạt, vô nghĩa. Miêu tả không gian này, nhà văn muốn các nhân vật ý thức được cuộc sống tồi tệ của mình và mơ ước tới những không gian khoáng đạt, rộng mở, tới cuộc sống có ý nghĩa, xứng đáng với con người hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Khrapchenko M.B, Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người, tập 1 (Người dịch: Nguyễn Hải Hà, Lại Nguyên Ân, Duy Lập), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984. 2. Serebrov A, Về Trekhov (Từ Thị Loan dịch), Tạp chí Văn học nước ngoài số 4, 2004. THE PROVINCIAL TOWNS IN SEKHOV’S STORIES Nguyen Thi Minh Loan Abstract It can be said that the provincial towns are covering spaces, fundamental spaces in Sekhov’s stories. This article analyzes in depth the featured signs of this space, thereby to explore the writer’s artistic notions about life and people. . THỊ TRẤN TỈNH LẺ TRONG TRUYỆN C A A .P. TSEKHOV Nguyễn Thị Minh Loan 1 Có thể nói, thị trấn tỉnh lẻ là không gian bao trùm, không gian chủ đạo trong truyện Tsekhov. Bài báo đi sâu phân. đặc trưng c a thị trấn tỉnh lẻ trong truyện Tsekhov Thị trấn tỉnh lẻ xuất hiện ngay trong những truyện ngắn đầu tiên c a Tsekhov: Hội chợ (1882), Ngày 29 tháng 6 (1882), Những biện ph p thích. covering spaces, fundamental spaces in Sekhov’s stories. This article analyzes in depth the featured signs of this space, thereby to explore the writer’s artistic notions about life and people.

Ngày đăng: 05/09/2015, 09:05

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan