Cảm quan về tồn tại kiếp người qua nghệ thuật sắp đặt chi tiết của franz kafka

10 2.2K 3
Cảm quan về tồn tại kiếp người qua nghệ thuật sắp đặt chi tiết của franz kafka

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

CẢM QUAN VỀ TỒN TẠI KIẾP NGƯỜI QUA NGHỆ THUẬT SẮP ĐẶT CHI TIẾT CỦA FRANZ KAFKA Nguyễn Thị Thắng 1 Cảm nhận thấm thía bi kịch của con người thời hiện đại trong cuộc sống có quá nhiều cạm bẫy, Franz Kafka đã trút nỗi đau đớn, niềm đồng cảm ấy vào trong tác phẩm của mình bằng nghệ thuật sắp đặt các chi tiết của truyện. Nhà văn dường như cố tình “sắp đặt lệch” các chi tiết truyện mà vốn theo logic thông thường chúng không thể đứng cạnh nhau. Kafka cho thấy tính bi hài trong tồn tại kiếp người khi cuộc đời giống như một trò chơi, là một sân khấu mà mỗi người phải sắm một vai và đến vai mình thì không đảm đương nổi. Đổi mới nghệ thuật ở Kafka còn là sự tìm tòi của nhà văn trong việc dùng chi tiết nghệ thuật làm thay đổi cấu trúc truyền thống của tác phẩm. Nhà văn đã không ngần ngại xáo trộn lôgic thông thường, lắp ráp rời rạc lỏng lẻo các chi tiết làm nên cốt truyện kiểu giấc mơ. Triệt tiêu tối đa lôgic sự kiện, nhiều tác phẩm của ông chỉ còn là một tình huống giả định, một cử chỉ, hay một hình ảnh…Nhà văn phơi bày trước mắt người đọc những “giấc mộng kinh hoàng” tưởng không thể có trong đời thực mà ám ảnh khôn nguôi: sự tha hoá, phi nhân, tuyệt giao thấu hiểu, niềm tin lung lay, đời sống chao đảo…trong muôn nỗi thù địch của cuộc đời. Một cảm quan bi đát vây bọc con người. 1. Đặt vấn đề “Kỳ diệu thay là con người! Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài”. Đã có một thời gian loài người chúng ta sung sướng và tự hào làm sao mỗi khi nghĩ tới câu nói đầy kiêu hãnh mà cũng đầy đau đớn của chàng hoàng tử Hamlet của Shakespeare. Thế nhưng, niềm tin ấy chẳng được bao lâu khi thời đại Phục hưng, thế kỷ Ánh sáng qua đi, thời hiện đại tràn tới với bao biến cố làm lung lạc lòng tin của con người vào cuộc đời. Người ta bắt đầu hoài nghi về sự tồn tại của kiếp người, đặt ra những câu hỏi: đâu là mục đích, ý nghĩa của sự sống con người? đâu là giá trị con người? khi nạn diệt chủng, chủ nghĩa độc tài phát xít hoành hành ở khắp mọi nơi. Sống trong thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ của Châu Âu từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, Franz Kafka (1883 – 1924) dù không tận mắt chứng kiến nhưng đã tiên cảm thật tài tình những đau đớn, mất mát, sự chông chênh trong tồn tại của kiếp người. Những cảm nhận ấy của nhà văn đã được ông thể hiện trong tác phẩm qua nghệ thuật sắp đặt chi tiết đầy dụng ý. 2. Nội dung 2.1. Nghệ thuật “sắp đặt lệch” Chúng ta từng biết những bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực rất tài tình trong việc sử dụng chi tiết nghệ thuật như H. Balzac hay A. Chekhov… Tuy nhiên, chi tiết nghệ thuật không phải là lãnh địa riêng của chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX. Chúng tôi nhận thấy trong tác phẩm của mình, Kafka đã sử 1 ThS, Sở GD&ĐT Bắc Ninh dụng những chi tiết, hình ảnh của huyền thoại để tổ chức, sắp xếp lại làm nên cách diễn đạt của riêng mình, khoác cho nó những biểu tượng mới không giống với bất kỳ nhà văn nào. Chi tiết về sự “biến dạng” của Gregor Samsa là một minh chứng điển hình về nghệ thuật “sắp đặt lệch”: “Một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một con côn trùng khổng lồ”[7, tr.15]. Kafka đã tàn nhẫn đến tài tình khi tạo ra một con vật – người khủng khiếp đội lốt côn trùng mà bên trong vẫn là tâm lý, nghĩ suy rất người, rất đời: “Lạy Chúa, - anh nghĩ - Mình chọn chi cái nghề quá đỗi nhọc nhằn này!”; “Nếu không vì bố mẹ mà chịu nhịn nhục thì mình đã bỏ việc luôn từ lâu rồi” [7, tr.16]. Không còn lời thông báo nào bi đát hơn về sự tha hoá của con người trong thế giới hiện đại. Khoét sâu hơn tình thế bi đát ấy, Kafka tước đoạt luôn phương tiện giao tiếp của nhân vật: “Gregor bàng hoàng khi nghe thấy giọng nói của chính anh đang trả lời mẹ, đúng là giọng anh, không lẫn vào đâu được, nhưng kèm theo một chuỗi âm thanh the thé léo nhéo ghê rợn, rền rền như một tiếng thì thầm… dâng lên dội lại quanh các từ, phá huỷ ý nghĩa của chúng đến mức người nghe không dám chắc là mình có nghe đúng hay không” [7, tr.18]. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp hữu hiệu của con người trong thế giới người. Ngôn ngữ là dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất để con người được gọi là “người”. Mất phương tiện giao tiếp, không được thấu hiểu, Samsa tất yếu bị gạt ra khỏi xã hội loài người, trở thành một thứ người - bọ đầy kinh tởm trước mắt ngay cả những người ruột thịt trong gia đình. Vẫn là “biến dạng” ta thường thấy trong thần thoại, huyền thoại cổ xưa nhưng Kafka đã tổ chức lại, làm “lệch” chi tiết huyền thoại. Nếu như “biến dạng” của thần thoại, huyền thoại suy nguyên là một vòng tuần hoàn: người - vật - người, tiên - người - tiên… thường thể hiện mơ ước tái sinh hay khát vọng đổi đời thì Kafka đặt nhân vật vào biến dạng đường thẳng: Người - côn trùng - cái chết vĩnh viễn. “Sự biến dạng của Gregor Samsa là dấu hiệu của sự li khai khỏi nhóm, sự tha hóa, xung đột, sự đoạn tuyệt với gia đình và xã hội một huyền thoại lộn ngược, một thứ phản huyền thoại, nếu như coi huyền thoại nguyên thủy là mẫu mực” [3, tr.486]. Vận dụng “nghịch lý” khi sắp đặt chi tiết nghệ thuật miêu tả vợ chồng người bán than ở Người cưỡi xô, Kafka đã vô dụng hóa những phương tiện sẵn có của con người: ông bán than bị điếc mà vẫn nghe thấy lời khẩn cầu của khách hàng, ngược lại mụ vợ thính tai tinh mắt thì “chẳng nghe thấy gì”, chẳng nhìn thấy gì. Thế giới trở nên vô nhân và “điếc đặc” khi con người tự loại bỏ phương tiện để thấu hiểu. Cùng với thủ pháp gia tăng yếu tố hoang đường ở chi tiết miêu tả cái xô: “cái xô của tôi bay lên, diệu kỳ, diệu kỳ”, “cái xô của tôi có tất cả những phẩm chất của một con ngựa hay ngoại trừ sức kháng cự nó không có; nó quá nhẹ; cái tạp dề của người đàn bà có thể quạt nó bay trong không khí” [7, tr.797], Kafka viết lời cáo chung cho thế giới “đóng băng về tình cảm”: ở đây không có sự cứu rỗi của tình người! Ở mảng truyện ngắn mang dấu ấn ngụ ngôn của Kafka, nghệ thuật sắp đặt “lệch” được biểu hiện qua thủ pháp đối lập - tương phản. Đặt lời kể chuyện, lời báo cáo đường hoàng bình thản vào miệng một con khỉ, Báo cáo gửi viện Hàn lâm của Kafka là tiếng cười đầy mỉa mai, chua chát giễu nhại con người: “một con tinh tinh nhỏ và Achilles vĩ đại là như nhau”, “chúng tôi thường nhổ vào mặt nhau; chỉ khác là tôi liếm sạch mặt sau đó còn họ thì không”, “Bản chất khỉ của tôi rời khỏi tôi, từ đầu đến gót chân rồi thoát ra, do vậy chính người thầy đầu tiên của tôi hầu như biến thành khỉ theo cách đó…” [1, tr.312]. Sự tương phản đến từng chi tiết của Kafka đã đánh lừa sự chờ đợi của độc giả. Con khỉ càng tiến hóa thành người hoàn hảo bao nhiêu thì ngược lại bản chất của con người càng bị lột trần ra thô bỉ, xấu xa, đáng cười bấy nhiêu. Nghệ thuật diễn thuyết nghịch của con khỉ khiến cho “lập luận của bản thông báo trở thành thứ châm biếm cay độc những tham vọng và ảo tưởng mà con người vẫn si mê. Như vậy, bằng lối tự sự cá nhân, ở đây đã bày ra một bản biện hộ trái khoáy” [8, tr.145]. Hóa ra những việc con người thường làm như hút tẩu, uống rượu, làm tình… những phát minh xưa nay được coi là tiến bộ của con người chỉ là “trò khỉ” không hơn trong mắt một con khỉ, sau khi đã học cách tiến hóa thành người. Bởi “cuộc sống của quý ngài như những con khỉ, thưa quý ngài”. Hóa ra việc tiến hóa thành người của con người lại là một thất bại thảm hại nhất của con người hay sao? Khi “tôi chỉ vừa báo cáo xong” thì cũng là lúc bức biếm họa về bản chất con người được trải ra, còn sự mênh mông, vô tận của nó đến thế nào tùy thuộc vào sự cảm nhận của độc giả. Cùng một cách diễn đạt như thế, ở Josephine, nữ ca sĩ hay Dân chuột Kafka lại xếp đặt chi tiết thành các đối cực: phi thường > < tầm thường, lý tưởng > < phi lý tưởng, cao cả > < thấp hèn, nghệ thuật > < phi nghệ thuật…, khiến cho nhân vật giống như người anh hùng vừa được “tấn phong” bỗng chốc bị “hạ bệ”. Câu chuyện mang tính chất Carnaval này đem đến triết lý thâm thúy mà bi đát vô cùng về cuộc đời: Cuộc đời này giống như một trò chơi, là một sân khấu mà mỗi người phải sắm một vai, kẻ sắm vai anh hùng luôn cho mình là vĩ đại, chỉ có người ngoài cuộc mới thấy rõ tính khôi hài, kệch cỡm của vai diễn. Bi đát thay khi tiếng hát của nàng ca sĩ chuột tưởng rằng là “một sứ điệp” là tiếng hiệu triệu của dân tộc cuối cùng cũng chỉ là tiếng “chút chít” thảm hại của loài chuột luôn chui rúc trong xó tối bị chôn vùi trong quên lãng. Chẳng lẽ đó là kết cục tồi tệ nhất của kiếp người? Rõ ràng những tìm tòi trong nghệ thuật sắp đặt chi tiết phi lý của Kafka không bao giờ đơn giản chỉ là chuyện hình thức. 2.2. Cốt truyện “kiểu giấc mơ” Cốt truyện được hiểu là “hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu và tư tưởng nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại hình tự sự và kịch (…). Dù đa dạng, mọi cốt truyện đều trải qua một tiến trình vận động có hình thành, phát triển và kết thúc. Vì vậy mỗi cốt truyện thường gồm các thành phần: trình bày, khai đoạn (thắt nút), phát triển, đỉnh điểm (cao trào) và kết thúc (mở nút)” [6, tr.70-72]. Chúng ta vẫn thường có cách hiểu truyền thống về cốt truyện như thế. Nhưng ở Kafka, “truyền thống” bước đầu đã trở nên “lỗi thời”, khi ông bắt đầu tìm đường đổi mới nghệ thuật văn xuôi. Nói như vậy không có nghĩa ngay từ người mở đường Franz Kafka đã có kiểu cốt truyện phi cốt truyện như ở Tiểu thuyết mới sau này (mà Alain Robbe - Grillet là một đại diện tiêu biểu). Gọi cốt truyện trong tác phẩm của Kafka là cốt truyện “kiểu giấc mơ”, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn trong việc tổ chức, sắp xếp các chi tiết, sự kiện theo lôgíc của giấc mơ. Mà “trong giấc ngủ, vương quốc tất nhiên nhường chỗ cho vương quốc tự do” [2, tr.47]. Đổi mới đáng ghi nhận của Kafka thể hiện ở việc nhà văn cố ý nới lỏng cốt truyện của mình trong quá trình tự do sáng tạo nghệ thuật. Cốt truyện trong tác phẩm của Kafka vì thế mang một đặc trưng riêng: lôgíc trong sự phi lý. Nó được thể hiện bằng những sáng tạo độc đáo sau đây. 2.2.1. Biến cố khởi đầu Thông thường, hình thức tổ chức cơ bản của cốt truyện là liên kết các sự kiện thành một chuỗi tiếp diễn. Nhưng ở Kafka sự liên kết này bị triệt tiêu đến mức tối thiểu, khiến cả câu chuyện chỉ còn là một biến cố ở ngay bước khởi đầu: “Một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một côn trùng khổng lồ” [7, tr.15]; “Chắc hẳn là người ta đã vu oan cho Josef K., bởi vì chẳng làm điều gì nên tội, thế mà một buổi sáng kia anh bị bắt” [7, tr.75]. Đặt nhân vật vào tình huống bất ngờ, không có lựa chọn, Kafka muốn trình làng “cái phi lý” một cách đột ngột và “trần trụi” nhất. Kết hợp với thủ pháp tăng cường các chi tiết đối lập, dồn dập hóa sự kiện tạo chướng ngại vật ngay ở bước khởi đầu: “Tôi rơi vào một tình cảnh cực kỳ khó xử; tôi phải bắt đầu một chuyến đi khẩn cấp; một người mắc trọng bệnh đang đợi tôi ở ngôi làng cách xa 10 dặm; trận bão tuyết dữ dội đã lấp dày khoảng không gian rộng lớn giữa anh ta và tôi; tôi có một chiếc xe độc mã;… nhưng không có một con ngựa nào, ngựa của tôi đã chết hồi đêm…” [7, tr.780]; “Than đã hết nhẵn; cái xô trống rỗng cái xẻng vô dụng; bếp lò buông từng hơi thở lạnh buốt; căn phòng băng giá,… tôi phải có than; tôi không thể bị chết cóng; phía sau tôi là lò sưởi tàn nhẫn; đằng trước mặt là bầu trời độc ác; tôi phải… tìm kiếm sự cứu giúp từ người bán than. Nhưng rõ ràng ông ta đã điếc trước bất kỳ yêu cầu bình thường nào” [7, tr.794]; “Tôi cứng và lạnh, tôi là một cây cầu, tôi nằm trên khe núi. Ngón tay tôi bíu lấy bờ bên này, ngón chân tôi bíu lấy bờ bên kia, tôi móc chặt tôi vào trong đám đất sét đang vỡ tan dần” [1, tr.320]. Vô tình nhân vật bị đặt vào tình huống không có lối thoát. Tình huống là nơi nảy sinh các sự kiện, nhưng do nhân vật bị động trước tình huống không có lựa chọn nên nó bị “hút” vào một biến cố duy nhất. Quá nhiều chi tiết dồn dập và mâu thuẫn nhau, ngay từ đầu đã phá vỡ tính mạch lạc của cốt truyện, phân tán sự tập trung của người đọc vào hệ thống các sự kiện. Cốt truyện của Kafka vì thế thường là sự lắp ráp lỏng lẻo các chi tiết và sự kiện. Nó giống như những hình ảnh trong giấc mơ, luôn có sự đứt nối các tiếp đoạn. Trong khi mơ ngủ, thường sự kiện đầu tiên bao giờ cũng sáng rõ nhất, dần dần các chi tiết càng xảy ra về sau càng mờ nhạt dần. Và điều đặc biệt là ở rất nhiều người, trong nhiều lần mơ ngủ khi tỉnh dậy thường không nhớ được những gì mình đã mơ đêm qua dù biết chắc chắn rằng mình đã mơ một cái gì đó, giấc mơ là có thật. Một nhà thơ Trung Quốc đã nói rất đúng về điều này: “Người xưa Trang Chu mơ thấy bướm Sống động như bướm trên đời Bỗng chốc, chẳng thấy Trang Chu mơ thấy bướm Giấc mơ thấy bướm là của Trang Chu” [2, tr.13]. Cũng như vậy, cốt truyện của Kafka mờ nhạt dần theo diễn biến của câu chuyện, khi kết thúc truyện người đọc thường băn khoăn: nhà văn vừa kể cái gì nhỉ? Nói cái gì nhỉ? Lúc ban đầu rõ ràng đến kia mà? Cho nên, “đọc Kafka ta thường phải đọc lại, bởi sau khi có cảm giác đọc một cái gì rất trong sáng dễ hiểu, ta lại thấy hình như có một nghĩa gì đây ta chưa nắm được” [5, tr.50]. Điều này cũng là hệ quả tất yếu của sự lồng ghép các câu chuyện trong quá trình thuật truyện của Kafka, mà ta có thể gọi là cốt truyện đa tầng hay sự đa tầng truyện. 2.2.2. Đa tầng truyện Tại sao lại là đa tầng truyện mà không phải là cốt truyện đa tuyến? “Cốt truyện đa tuyến là cốt truyện trình bày một hệ thống sự kiện phức tạp, nhằm tái hiện nhiều bình diện của đời sống ở một thời kỳ lịch sử, tái hiện những con đường diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật, do đó có một dung lượng lớn. Hệ thống sự kiện trong cốt truyện đa tuyến được chia thành nhiều dòng, nhiều tuyến gắn liền với số phận các nhân vật chính của tác phẩm” [6, tr.71]. Không giống như cốt truyện đa tuyến trong Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoi, là sự đan cài các tuyến truyện trình bày một cách rõ ràng số phận, cuộc đời, tính cách nhân vật như các tuyến truyện về Andrey Bolconski, Piere Bezukhov, hay Natasha hoặc Napoleon…, cốt truyện của Kafka không có sự đan xen các tuyến truyện mà chỉ là sự chồng chéo một số tầng truyện lên trên mạch truyện của nhân vật chính. Sự chồng chéo này không làm phân chia truyện ra thành từng dòng, từng tuyến truyện về từng nhân vật mà ngược lại góp phần “mờ hóa”, khuấy loãng mạch truyện về nhân vật chính. Điều này thể hiện rõ nhất ở hai tiểu thuyết của Kafka. Ở Vụ án, trong cuộc tìm hiểu về thế giới tòa án và các quan tòa của Josef K., xuất hiện tầng truyện của thương gia Block với năm năm theo đuổi vụ án và các “luật sư vườn” (chương VIII), rồi câu chuyện về người đến trước cửa pháp luật mà không vào được cho đến chết của cha tuyên úy kể cho Josef K. nghe (chương IX). Trong Lâu đài, nhân vật K. được nghe bà chủ quán trọ Ông chủ kể về cuộc tình của mình với Klamm (chương VI), nghe Olga kể về bí mật của Amalia và bi kịch gia đình cô (chương XV)… Rõ ràng đây chỉ là sự “nảy nòi” một tầng truyện từ mạch truyện về nhân vật chính. Thủ pháp gia tăng vai người kể chuyện này của Kafka góp phần làm đứt đoạn mạch truyện, khiến cho cốt truyện trở nên lỏng lẻo đứt gãy ở từng bộ phận. Với Kafka, cốt truyện không còn là phương tiện bộc lộ tính cách hay để nhà văn khái quát về cuộc đời, số phận nhân vật nữa, mà nó phù hợp để nhạt hóa cuộc đời cũng như sự tồn tại của nhân vật trên cuộc đời. Bởi mỗi một tầng truyện nảy sinh chỉ là một lát cắt về một nhân vật được nói đến, ngay mạch truyện về nhân vật chính cũng chỉ là sự chắp nối rời rạc các tiếp đoạn của một mảnh đời ở một khoảng thời gian nhất định của cuộc đời nhân vật. Ngay như Biến dạng được coi là một truyện ngắn có cốt truyện rõ ràng hơn cả trong số các tác phẩm của Kafka, người đọc cũng chỉ có thể biết một đoạn đời “mờ mờ xam xám” của nhân vật, ngoài ra không biết gì hơn nữa về lịch sử nhân vật. Nhà nghiên cứu E.M. Meletinsky khẳng định: “Mô hình thế giới của Kafka được xây dựng không phải dựa trên sự phân cách (hoặc là / hoặc là), mà là trên sự liên kết (và / và) và cho phép có “cái thứ ba ngoại lệ” [3, tr.481]. Nó giống mô hình thế giới của một giấc mơ. Bạn đã bao giờ mơ một giấc mơ đẹp nhưng chợt thức giấc? Bạn nuối tiếc và muốn xem sự việc tiếp theo xảy ra như thế nào? Bạn nhắm mắt lại, giấc mơ bắt đầu, nhưng nó đã chuyển sang hướng khác. Hoặc cũng có khi ngay trong giấc mơ, đang ở sự việc này lại diễn sang sự việc khác, là người này bỗng biến thành người khác chỉ trong chớp mắt… Vì “tuyệt đại đa số các giấc mơ có một đặc trưng chung: chúng không tuân theo quy luật lôgíc đã chi phối lộ trình tư duy khi chúng ta thức tỉnh; ở đây, phạm trù thời gian, không gian bị coi thường” [2, tr.11]. Vận dụng lôgíc của giấc mơ vào việc xây dựng kết cấu cốt truyện, Kafka đã cho thấy công dụng hữu hiệu của nó trong việc làm rối cốt truyện, phá vỡ tính mạch lạc của cốt truyện. Ông cố tình để truyện chồng lên truyện, truyện nảy sinh truyện… nhưng không theo lôgíc phát triển cốt truyện truyền thống mà theo lôgíc của sự phân tán tư duy. Các sự việc, các chi tiết cứ chàng màng được kể, được phơi bày ra nhưng không một chút rõ ràng, không một điểm nhấn của sự liên kết. Cho nên khi đọc xong tác phẩm, rõ ràng người đọc biết mình vừa đọc xong một cái gì đó nhưng không thể nhớ rõ và hệ thống được đó là những cái gì. Vì vậy ở Kafka việc trình bày số phận nhân vật qua hệ thống liên kết các sự kiện trong tổ chức cốt truyện đã trở nên lỗi thời. 2.2.3. Chi tiết “nhiễu” mạch truyện Tiếp tục lôgíc của giấc mơ, Franz Kafka sáng tạo trong tác phẩm của mình những chi tiết mà theo lôgíc thông thường của cốt truyện là “thừa”, vì nó không góp phần phát triển hay liên kết các sự kiện trong cốt truyện. Chúng tôi gọi là những chi tiết “lệch” truyện. Chẳng hạn chi tiết Josef K., buổi tối hôm anh bị bắt, trở về nhà sau một ngày làm việc anh gặp “cậu thiếu niên đứng lặng lẽ hút tẩu thuốc” (Vụ án). Đọc chi tiết này, người đọc sẽ băn khoăn rằng không hiểu Kafka đưa nó vào truyện với dụng ý gì? Chẳng có ý nghĩa gì cho liên kết các sự kiện, ngược lại nó làm phân tán sự tập trung của người đọc vào truyện, làm “nhiễu” mạch truyện từ bên trong. Thành công của sáng tạo nghệ thuật đôi khi chỉ nằm ở những tiểu tiết như thế. Ở Một thầy thuốc nông thôn, câu chuyện thực sự trở nên rối rắm và khó nắm bắt được bởi tư duy lôgíc khi nó được trần thuật đậm đặc các chi tiết. Chính kiểu kể chuyện như đang độc thoại nội tâm của ông thầy thuốc khiến cho các chi tiết cứ tự do rẽ về các ngả đến nỗi người đọc không thể hiểu ông ta đang nói gì. Vừa khám bệnh xong, muốn chứng tỏ chàng trai hoàn toàn khỏe mạnh ông nghĩ: “tốt nhất là tống cậu ta ra khỏi giường bằng một cú đẩy”. Nhưng rồi ông lại nói luôn: “Tôi không phải là nhà cải cách thế giới và thế là tôi cứ để cậu ta nằm đó”. Đến nhà bệnh nhân chữa bệnh, ông lại tự bộc bạch: “Tôi được trả lương thấp nhưng lại hào phóng và thường giúp đỡ người nghèo”. Điều này chẳng ăn nhập chút nào với nhiệm vụ, công việc chữa bệnh mà ông đang làm cả. Rồi cũng khi đang khám bệnh, ông lại chuyển suy nghĩ sang mối quan hệ giữa con người với con người: “Kê một cái đơn thuốc là dễ những để thấu hiểu mọi người thì không hề đơn giản tí nào”. Với cách kể chuyện này “ranh giới mạch lạc trong tự sự bị vi phạm một cách nghiêm trọng. Người đọc cùng một lúc có thể tiếp nhận vô vàn thông tin từ ông thầy thuốc lắm lời này” [1, tr.201]. Vì thế mà mọi thứ đều trở nên mù mờ, người đọc cũng hoang mang như chính nhân vật trong truyện. Và rốt cục thì dù phải đọc đi đọc lại nhiều lần mà kết luận cuối cùng về một cốt truyện rõ ràng, mạch lạc vẫn còn bị bỏ ngỏ. Để lạ hóa, rời rạc hóa cấu trúc cốt truyện, Franz Kafka không ngần ngại trong việc tìm ra những cách kể chuyện khác lạ, nhiều khi đến ma quái, thực sự khiến người đọc bất ngờ. Khẳng định này đúng với Josephine, nữ ca sĩ hay Dân chuột. Ở đây chúng ta sẽ tìm thấy hàng loạt những chi tiết đối nhau chan chát, được đặt cách nhau khi nhà văn để người kể chuyện trần thuật theo kiểu khẳng định rồi phủ định đồng thời tiếp diễn: “Liệu có thật là tiếng hát không nhỉ? Không khéo chỉ là một tiếng huýt?”. “Song tác phẩm của ả lại không đơn giản chỉ là tiếng huýt”, “Nghe không đủ, tiếp nhận nghệ thuật của ả là kèm cả chiêm ngưỡng”, “trung thành vô điều kiện là cái gì thì dân chúng tôi hầu như không biết - Dân chúng vẫn trung thành với ả”, “Người ta cũng thừa nhận Josephine có đôi điều đáng cười… Nhưng cười Josephine thì không”… Kết hợp với vô vàn thông tin trong dòng suy nghĩ, liên tưởng kịp thời của người kể: đang nói đến tiếng hát của Josephine liên tưởng ngay đến truyền thuyết “dân tộc chúng tôi cũng biết hát”, đến việc bóc hạt của dân tộc chuột, rồi đến việc “đời chúng tôi lắm nỗi, lo âu, cứ ngược xuôi tán loạn vì những mục đích nhiều khi chẳng lấy gì làm sáng tỏ…” cứ thế câu chuyện trở thành sự lắp ghép các đoạn, các chiều suy tưởng khác nhau của người kể chuyện. Cốt truyện rời rạc, không thể hệ thống theo một hướng nhất định, được mở theo nhiều hướng nên cũng mang nhiều ngụ ý khác nhau: có thể là ca ngợi giọng hát nhưng cũng có thể là sự phỉ báng nghệ thuật; có mối quan hệ giữa nghệ thuật và truyền thống, giữa nghệ sĩ với công chúng, giữa đặc tuyển với đại chúng, giữa cá nhân với cộng đồng; có những triết lý về bản chất con người và cuộc sống; còn có thể là một di chúc nghệ thuật nếu xét về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm vào những tháng cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi của nhà văn… Dịch giả của câu chuyện, Phạm Thị Hoài, khẳng định: “Giễu cợt, riết róng, tinh vi, ám ảnh và cả tuyệt vọng, bản di chúc nghệ thuật này không cung cấp một câu trả lời nào hết và tràn đầy tính nước đôi như mọi tác phẩm khác của Kafka. Nó trốn một cách diễn giải duy nhất” [4, tr.6]. Đó chính là mục đích nghệ thuật của Franz Kafka khi ông miệt mài trong việc tìm tòi đổi mới nghệ thuật xây dựng cốt truyện tác phẩm của mình. Ở tác phẩm Lâu đài, những chi tiết trong một số đoạn đối thoại không khỏi làm ta ngạc nhiên. Ở chương II, khi K. lần đầu tiên gặp hai tên giúp việc, anh ta phàn nàn: “…các anh đến muộn quá đấy, các anh thật là lười biếng. - Đường xa quá, - một người trong bọn họ nói. - Đường xa, - K. nhắc lại. - Nhưng tôi đã thấy các anh đến từ Lâu đài. - Vâng, - họ trả lời mà không giải thích dài dòng. - Thế dụng cụ đo đạc đâu cả rồi? - K. hỏi. - Chúng tôi không có dụng cụ đo đạc, - họ nói. - Những dụng cụ đo đạc mà tôi đã giao cho các anh giữ ấy? - K. nói. - Chúng tôi không có dụng cụ đo đạc, - họ nhắc lại. - Không thể chịu đựng nổi các anh! - K. nói. - Thế các anh có hiểu gì về công việc đạc điền không? - Không!, - họ nói. - Nhưng nếu các anh là những phụ tá cũ của tôi thì các anh cần phải hiểu việc đó chứ? - K. nói. Họ im lặng” [7, tr.322]. Hay như đoạn Olga và K. đến quán trọ: - “Anh muốn gì? ông chủ quán? - cô hỏi. - Tôi muốn ngủ đêm tại đây, - K. nói. - Nhưng anh ngủ ở chỗ chúng tôi cơ mà, - Olga ngạc nhiên nói. - Tất nhiên, tất nhiên. - K. nói, và Olga có thể hiểu câu đó như thế nào tùy ý" [7, tr.342]. Họ đối thoại với nhau như những con rối và dường như không có thiện chí xây dựng cuộc thoại, không có “hứng” nói chuyện. Bản chất của đối thoại là các đối tượng hướng vào nhau và hướng đến mục đích của cuộc thoại, để hiểu nhau. Nhưng các nhân vật của Kafka chỉ nói rồi bỏ đấy, không cần biết đến người nghe, và “im lặng” là cử chỉ thường thấy trong các cuộc thoại của nhân vật Kafka. Một người nói, một người im lặng, đối thoại trở thành lố bịch, con người đã hoàn toàn thờ ơ trước nhu cầu giao tiếp, nhu cầu được thấu hiểu. Phi lý hơn, có cuộc thoại, lời nói của nhân vật hoàn toàn lệch pha nhau, chẳng đi đến đâu: - “Không được, - K. nói, - hoàn toàn chưa ổn. Tôi không cần Lâu đài ban cho món quà thương mại, mà tôi cần có được tất cả theo quyền của tôi. - Mici, - trưởng thôn nói với vợ đang ngồi nép vào người ông ta. Bà ta hờ hững gấp lá thư của Klamm thành một chiếc tàu thủy nhỏ và chơi với nó làm cho K. phải hoảng hốt lấy lại, - chân anh lại bắt đầu đau lắm rồi, cần có tấm vải chườm mới đắp lên thôi. K. đứng dậy. - Vậy tôi xin cáo từ, - chàng nói. - Tốt, - Mici nói trong khi đang chuẩn bị thuốc bôi, - Gió mạnh lắm” [7, tr.387]. Những đối thoại phi đối thoại này đã kéo dãn cốt truyện, làm cho nội dung câu chuyện có nhiều lỗ hổng. Bởi lời thoại hướng ra bên ngoài nên nhân vật của cuộc thoại giống như người ngớ ngẩn. Với những chi tiết này, Franz Kafka là người mở đường để sau này những tác giả kịch phi lý khoét sâu hơn vào bi kịch về sự tuyệt giao giữa con người với con người khi không thể thấu hiểu trong những đối thoại của những người điếc như trong tác phẩm của E. Ionesco hay S. Beckett… 2.2.4. Những giấc mộng kinh hoàng Ở Kafka, ngoài việc sáng tạo những chi tiết phi lý, để xây dựng kiểu cốt truyện giấc mơ, nhà văn kể những câu chuyện phi lý đến mức người đọc không thể tin nổi là sự thật. Nó chỉ có thể là sự thật của giấc mơ. Một nhà nghiên cứu người Pháp gọi Kafka là “người nằm mơ bừng tỉnh” kể về những giấc mộng kinh hoàng vừa xảy đến với mình. Đó là giấc mộng đáng sợ về một con người một buổi sáng thức dậy thấy mình không còn là người nữa, mà là một con côn trùng khổng lồ, giống như một quái vật ghê tởm trước mặt mọi người. Hay là hình ảnh về một con người bị thú vật hóa, bò từ trong chuồng lợn ra bằng cả hai tay hai chân. Chỉ ở Kafka người ta mới thấy một thầy thuốc đi chữa bệnh cho bệnh nhân lại bị lột truồng, ném lên giường cùng bệnh nhân; chỉ vừa lúc trước chàng trai khỏe mạnh hoàn toàn, bây giờ ghê sợ, ngỡ ngàng làm sao một vết thương lở loét, nhung nhúc ròi bọ như bông “hoa ác” đang hủy hoại thân thể chàng (Một thầy thuốc nông thôn). Cũng chỉ ở Kafka người ta mới thấy tình người lạnh lùng phi lý đến mức người cha kết tội chính đứa con mình phải chết (Lời phán quyết). Không kinh hoàng và phi lý sao được khi một thanh gươm cắm vào sau lưng “tôi” mà “tôi” không hề chết, những người bạn của tôi rút nó ra khỏi lưng tôi một cách hoàn hảo, “không một giọt máu không một vết thương” (Thanh gươm cổ). Sự hòa trộn giữa hư ảo và hiện thực khiến cho tác phẩm của Kafka có thể được liên tưởng theo nhiều chiều và không bao giờ có lời kết. Phải chăng “con người là một động vật hay quên, bởi vậy cần phải nhắc nhở, sự kinh hoàng là một cách nhắc nhở” (Đỗ Lai Thúy). Nếu vậy thì quả là Thanh gươm cổ kia đã nhắc nhở không chỉ cho “tôi”, mà còn cho bạn, cho chúng ta nhiều điều: “Ai dung thứ cho sự lang thang của những hiệp sĩ cổ xưa trong những giấc mơ bất cẩn, vung gươm đâm vào người vô tội đang ngủ, những người được cứu thoát khỏi vết thương nguy hiểm không chỉ bởi vì vũ khí ấy bằng cách nào đó đã đâm chệch ra khỏi cơ thể sống, mà cũng còn vì những người bạn chung thủy đã gõ cửa, sẵn sàng đương đầu lại sự bất cẩn đó?”. Với con người, sự giúp đỡ của đồng loại thủy chung, tin cậy luôn luôn là điều cần thiết, nhất là trong cuộc sống ngày càng nhiều “bất cẩn” này. Là mơ đấy nhưng cũng là đời thực! Tạo cho mình nét độc đáo trong nghệ thuật trần thuật theo “kiểu cốt truyện giấc mơ”, Kafka phải chăng muốn nói rằng cuộc đời này, cuộc sống của con người nhiều khi giống như mơ vậy, phù du, hư ảo, có đấy mà bỗng chốc lại là không. Sự tồn tại của kiếp người vô định, chống chếnh làm sao! Từ đó người đọc nhận ra khả năng thiên tài của nhà văn trong việc “vật thể hóa những ẩn dụ”, vật thể hóa cả những tiên cảm, tiên nghiệm của mình về con người và cuộc đời… 3. Kết luận Là người con của dân tộc Do thái, F.Kafka cảm nhận sâu sắc hơn ai hết nỗi đau đớn khi dân tộc mình bị rơi vào nạn “bài Do thái” gần như bị diệt chủng, phải lang bạt khắp nơi trên thế giới mong giữ cho được mạng sống. Đó là lúc con người ta cảm nhận rõ nhất sự mong manh trong tồn tại kiếp người, sự khốn cùng khi thế giới trở nên phi nhân. Bằng cách sắp xếp các chi tiết theo mục đích nghệ thuật của riêng mình, nhà văn đã rất tài tình trong việc nâng chi tiết trong tác phẩm của mình lên mức độ khái quát cao. Ở đó người đọc cảm nhận thấm thía bi kịch của con người hiện đại trong một thế giới thiếu sự giao tiếp, con người không được thấu hiểu, ngân vang những thanh âm mòn mỏi của tồn tại kiếp người trong sự tha hoá dữ dội, nghiệt ngã khi thế giới bị thống trị bởi cái phi lý siêu hình, vô nhân. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Huy Bắc, Nghệ thuật Franz Kafka, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006. 2. Erich Fromm, Ngôn ngữ bị lãng quên, Lê Tịnh dịch, Dương Vũ hiệu đính, Nxb VHTT, Hà Nội, 2002. 3. E.M. Meletinsky, Thi pháp của huyền thoại, Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch, Nxb ĐHQGHN, 2004. 4. Franz Kafka, Josephine, nữ ca sĩ hay dân chuột, Phạm Thị Hoài dịch và giới thiệu, talawas.org, 2003. 5. Đặng Thị Hạnh, Mắt của Kafka màu gi?, Tạp chí Ngày nay, số 10, 2004. 6. Nhiều tác giả, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1992. 7. Nhiều tác giả, Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn, Trung tâm văn hoá và ngôn ngữ Đông Tây, 2003. 8. Nhiều tác giả, Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000. REALLY THE LIFETIME OF EXISTING INSTALLATION ART THROUGH THE DETAILS OF FRANZ KAFKA Nguyen Thi Thang Abstract Feel the subtlety of the human tragedy in modern life there are too many pitfalls, Franz Kafka had pouring anguish, belief that sympathy into his work in installation art of story details. Writers seem to deliberately “setting differences”, which details the story logic of capital as they usually can not stand side by side. Kafka showed the victim in life who exist when life is like a game, a stage that each person must buy a shoulder to shoulder and I can not cope well. Artistic innovation in Kafka's also the writer to explore in detail the use of art to change the traditional structure of the work. The writer has no hesitation or confusion conventional logic, discrete assembly of loose parts make dream storyboard style. Eliminate most logical events, many of his works is only a hypothetical situation, a gesture, or an image Writers exposed to the human eye to read the “terror dream” is unworkable in the real calming wisdom that haunts: alienation, non - human, great communication understanding, confidence shaken, chaotic life want in life so hostile. A dramatic sensory surrounds human. . CẢM QUAN VỀ TỒN TẠI KIẾP NGƯỜI QUA NGHỆ THUẬT SẮP ĐẶT CHI TIẾT CỦA FRANZ KAFKA Nguyễn Thị Thắng 1 Cảm nhận thấm thía bi kịch của con người thời hiện đại trong. trong tồn tại của kiếp người. Những cảm nhận ấy của nhà văn đã được ông thể hiện trong tác phẩm qua nghệ thuật sắp đặt chi tiết đầy dụng ý. 2. Nội dung 2.1. Nghệ thuật sắp đặt lệch” Chúng. cạm bẫy, Franz Kafka đã trút nỗi đau đớn, niềm đồng cảm ấy vào trong tác phẩm của mình bằng nghệ thuật sắp đặt các chi tiết của truyện. Nhà văn dường như cố tình sắp đặt lệch” các chi tiết truyện

Ngày đăng: 05/09/2015, 08:54

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan