Bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho học sinh tiểu học thông qua biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa

10 4.6K 15
Bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho học sinh tiểu học thông qua biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC CHO HỌC SINH TIỂU HỌC THÔNG QUA BIỆN PHÁP TU TỪ SO SÁNH VÀ NHÂN HÓA Nguyễn Thị Hoà 1 Tóm tắt: Một mục tiêu của môn Tiếng Việt ở tiểu học là giúp học sinh cảm nhận cái hay, cái đẹp của ngôn từ Tiếng Việt và bước đầu có những hiểu biết sơ giản về cuộc sống xung quanh. Vẻ đẹp của ngôn từ tiếng Việt được thể hiện trong ngữ liệu những bài tập đọc. Trong quá trình giảng dạy, người giáo viên tiểu học cần bồi dưỡng và tích cực hoá khả năng cảm thụ Văn học của học sinh. Về mặt hình thức, để tạo sức hấp dẫn phù hợp tâm lí lứa tuổi, hầu hết các tác phẩm Văn học được đưa vào sách giáo khoa bậc học này đều tạo hiệu quả thẩm mỹ thông qua các biện pháp tu từ. Bài viết giới hạn việc khảo sát tác dụng của hai biện pháp so sánh và nhân hóa thông qua hệ thống bài tập thực nghiệm, từ đó góp ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề bồi dưỡng khả năng cảm thụ Văn học cho học sinh. 1. MỞ ĐẦU 1.1. Môn Tiếng Việt ở tiểu học có vai trò quan trọng trong việc hình thành các kĩ năng cơ bản cho học sinh. Riêng phân môn tập đọc có nhiệm vụ hình thành và phát triển các khả năng tiếp nhận văn bản. Số lượng các tác phẩm văn học được lựa chọn làm ngữ liệu trong sách giáo khoa bậc học này đều dựa trên cơ sở đảm bảo tính hệ thống, phù hợp với quan điểm xây dựng chương trình. Trong các giờ tập đọc mà đối tượng là tác phẩm văn học, phần lớn giáo viên hướng dẫn các em đọc đúng, đọc hiểu là chủ yếu. Khả năng đọc diễn cảm còn hạn chế đã ảnh hưởng đến năng lực cảm thụ văn học của các em. Tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh xuất hiện với hai tư cách: tư cách ngữ liệu cho một đơn vị bài học và tư cách một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Là tác phẩm nghệ thuật, mỗi bài thơ, câu văn đều ẩn chứa những tín hiệu thẩm mỹ. Từ mục tiêu chương trình, quá trình đọc hiểu văn bản không chỉ giúp học sinh tri nhận về những gì diễn ra trong thế giới xung quanh mà còn bồi dưỡng tâm hồn, định hướng những tình cảm tốt đẹp cho các em. Để đạt mục tiêu ấy, hình thức tác phẩm có vai trò quan trọng. Trên thực thế, qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy các biện pháp tu từ đã tạo sức hấp dẫn cho câu văn, lời thơ tiếng Việt. Biện pháp tu từ là một là những cách phối hợp sử dụng khéo léo các đơn vị từ vựng (trong phạm vi của một câu hay một chỉnh thể trong câu) có khả năng đem lại hiệu quả tu từ do mối quan hệ qua lại giữa chúng. Hiểu được vai trò và sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với học sinh tiểu học. Nhân hóa và so sánh là những biện pháp tu từ được sử dụng với tỉ lệ lớn thông qua các văn bản văn học chương trình tập đọc ở 1 CN, Trường CĐSP Hải Dương tiểu học. Mỗi đoạn trích trong các bài tập đọc sử dụng nhân hóa, so sánh, khi được giáo viên chú ý khai thác sẽ nâng cao khả năng cảm nhận vẻ đẹp ngôn từ, giúp các em nói, viết được các câu văn gợi hình, gợi cảm và sinh động. 1.2. Trong nhiều giờ học tập đọc, với nhiều nguyên nhân, giáo viên chưa quan tâm đúng mức đến việc rèn khả năng cảm thụ văn học cho học sinh. Những năm gần đây, một trong những vấn đề khiến nhiều giáo viên văn trăn trở, bối rối, thậm chí bất lực buông xuôi, đó là tình trạng học trò chán học văn, miễn cưỡng với: nghe, ghi chép, trả bài - trong đó hoạt động nghe không còn hứng thú, hoạt động ghi không có sáng tạo và việc trả bài phần nào đúng với ý nghĩa là trả lại bài thầy cô đã giảng cho thầy cô. Việc hướng dẫn tìm hiểu nội dung hay hình thức tác phẩm chỉ đơn thuần là việc trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa. Do thời lượng quy định của tiết học, giáo viên đã vô hình trung hạn chế học sinh phát hiện những dấu hiệu hình thức và tác dụng của nó trong việc biểu đạt nội dung. Đôi khi giáo viên áp đặt một cách hiểu duy nhất, học sinh thụ động tiếp nhận kiến thức một chiều, dẫn đến việc vận dụng hiểu biết một cách máy móc, chưa hiệu quả hoặc làm giảm sức hấp dẫn của bài học. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do đặc trưng của ngôn ngữ tiếng Việt trong tác phẩm văn học. Nếu ở một số môn học khác như Lịch sử, Địa lí bản thân mỗi bài học trong sách giáo khoa đã là một nguồn tri thức trực tiếp thì phần quan trọng nhất của ngữ liệu trong sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học lại là các tác phẩm văn học với yêu cầu tiếp nhận thẩm mỹ. Kiến thức học sinh cần tiếp nhận không dừng lại ở tác phẩm mà là ở những giá trị tư tưởng, những thông điệp nghệ thuật nhà văn muốn gửi gắm thông qua tác phẩm. Con đường đi tới những giá trị của tác phẩm đòi hỏi sự dẫn dắt chủ đạo của thầy, sự tiếp nhận tích cực của trò. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Một số vấn đề chung 2.1.1. Một số yêu cầu khi giáo viên hướng dẫn học sinh tiểu học cảm thụ Văn Từ kết quả nghiên cứu tâm lí học - giáo dục học, các chuyên gia đã khẳng định rằng tiếp nhận Văn học ở trẻ em mang tính đặc thù lứa tuổi: rất giàu tính sáng tạo nhưng cũng cảm tính. Sự sáng tạo này đặc biệt bởi tính hồn nhiên, ngây thơ, ngộ nghĩnh của trẻ em. Vì vậy, khi dạy tập đọc cho học sinh tiểu học, với mục tiêu giúp học sinh đọc - hiểu, giáo viên cần lưu ý: + Giáo viên phải khéo léo gợi mở, dẫn dắt nhằm phát huy tính sáng tạo về tư duy văn học của mỗi học sinh. Giáo viên đóng vai trò người gợi mở, dẫn dắt các em tiếp xúc với tác phẩm, tôn trọng những suy nghĩ, những cảm xúc chân thật, thơ ngây của trẻ và nâng chúng lên ở chất lượng cao hơn. Khi tiếp nhận văn chương, các em phải tư duy khác với lối tư duy logic thông thường. Đó là năng lực thẩm mỹ khi học sinh biết nghe và đọc được những gì ẩn chứa bên trong lớp vỏ ngôn từ. Những tín hiệu nghệ thuật này chính là cách biểu hiện của văn chương bằng những lớp từ gợi cảm, gợi tả, những cách biểu đạt đa nghĩa, những tứ thơ hay, những hình thức tu từ mới lạ… + Giáo viên hướng dẫn học sinh phát hiện những tín hiệu nghệ thuật. Để giải mã tác phẩm văn chương, học sinh phải chú trọng các yếu tố được diễn đạt hàm ẩn, cách nói biểu trưng, tính đa nghĩa, những cách nói hướng đến “gây ấn tượng” (lạ hóa) khác với ngôn ngữ thông thường. Các biện pháp tư từ đã góp phần hữu hiệu vào việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Khi đánh giá các tín hiệu nghệ thuật trong việc biểu đạt nội dung, học sinh không những cần nhận diện cắt nghĩa mà còn cần đánh giá ý nghĩa của chúng trong đoạn thơ, câu văn từ dễ đến khó. + Giáo viên phải hướng đến chủ trương tích hợp các phân môn. Khi học sinh được trang bị những kiến thức về sử dụng hiệu quả biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa trong tác phẩm văn học, các em sẽ nhận thấy cái hay, cái đẹp của cuộc sống và con người. Từ đó, các em sẽ biết sử dụng các biện pháp tu từ sao cho đúng, cho hay để viết văn miêu tả gợi hình, gợi cảm và sinh động. + Giáo viên phải đảm bảo tính vừa sức, đúng đối tượng. Hệ thống câu hỏi, bài tập thực hành cần phải phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức nhưng cũng cần đảm bảo tính vừa sức để kích thích học sinh trong khi phối hợp thực hiện yêu cầu của giáo viên. Tránh đưa ra các bài tập quá khó khiến học sinh chán nản, ngược lại, không nên đưa ra bài tập quá dễ khiến trẻ chủ quan. Đặc biệt cũng cần phân hóa hệ thống bài tập kiểm tra kiến thức để phù hợp với các nhóm học sinh khá, giỏi, trung bình. 2.1.2. Vai trò của các biện pháp tu từ đối với việc xây dựng văn bản nghệ thuật Khi nói và viết, ngoài những cách sử dụng ngôn ngữ thông thường, chúng ta còn có thể sử dụng ngôn ngữ một cách đặc biệt thông qua các biện pháp tư từ. Bởi lẽ, “Biện pháp tu từ là những cách phối hợp sử dụng trong hoạt động lời nói các phương tiện ngôn ngữ không kể là có màu sắc tu từ hay không trong một ngữ cảnh rộng để tạo ra hiệu quả tu từ (tức tác dụng gây ấn tượng về hình ảnh, cảm xúc, thái độ, hoàn cảnh)” [6, tr.142]. Căn cứ vào cấp độ ngôn ngữ của các phương tiện ngôn ngữ được phối hợp sử dụng, các biện pháp tu từ được chia ra: biện pháp tu từ từ vựng, biện pháp tư từ ngữ nghĩa, biện pháp tu từ cú pháp, biện pháp tu từ văn bản, biện pháp tu từ ngữ âm - văn tự. Như vậy, trong Tiếng Việt, biện pháp tu từ rất được chú trọng sử dụng trong những văn bản nghệ thuật. So sánh và nhân hóa là những biện pháp tu từ ngữ nghĩa gần nhau. So sánh là biện pháp đối chiếu các sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng nhằm làm gia tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt; giúp cho sự vật, sự việc được cụ thể, sinh động, vừa có tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm sâu sắc. Có hai kiểu so sánh: so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng. Bên cạnh đó, nhân hóa là biện pháp tu từ gọi tên hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi tên hoặc tả con người. Tác dụng của nhân hóa là làm cho thế giới loài vật, cây cối, con vật, đồ vật trở nên gần gũi với con người, biểu hiện được những suy nghĩ, tình cảm của con người. Có ba kiểu nhân hóa thường gặp là: dùng những từ vốn gọi tên người để gọi tên vật; dùng những từ vốn chỉ hành động, tính chất của người để chỉ hành động, tính chất của vật; trò chuyện, xưng hô với sự vật như đối với con người. 2.1.3. Phân môn tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học Ở bậc tiểu học, tập đọc là một phân môn cơ bản, làm cơ sở cho học sinh học tốt các phân môn khác của Tiếng Việt và các môn học khác. Phân môn này được đưa vào dạy trong chương trình Tiếng Việt tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Ở lớp 1 gồm có 42 bài tập đọc; lớp 2 mỗi tuần có 4 tiết tập đọc với 124 bài; lớp 3 mỗi tuần có 3 tiết tập đọc với 93 bài; lớp 4 và lớp 5, mỗi tuần có 2 tiết tập đọc với 62 bài. Nhóm văn bản nghệ thuật ở phân môn tập đọc bậc tiểu học (đặc biệt là tập đọc lớp 4, 5), nhiều đoạn văn, câu thơ các tác giả đã sử dụng hiệu quả biện pháp so sánh, nhân hóa. Chỉ tính riêng biện pháp tu từ nhân hóa, qua thống kê, chúng tôi nhận thấy các văn bản tập đọc có sử dụng biện pháp này chiếm số lượng lớn. Ở lớp 3 có 21/93 bài tập đọc có sử dụng biện pháp nhân hoá; lớp 4 có 14/62 bài; lớp 5 có 8/62 bài có sử dụng biện pháp nhân hoá. Trong đó ở lớp 3 có 11/93 bài có câu hỏi hướng dẫn tìm hiểu giá trị của biện pháp tu từ nhân hoá; lớp 4 có 6/62 bài và ở lớp 5/62 bài có câu hỏi hướng dẫn tìm hiểu giá trị tu từ nhân hoá. Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, 4, 5 có rất nhiều bài tập đọc có sử dụng biện pháp nhân hoá và các câu hỏi hướng dẫn học sinh tìm hiểu giá trị của biện pháp này. Điều đó chứng tỏ rằng biện pháp nhân hoá đã được chú ý đưa vào giảng dạy giúp học sinh có được những kiến thức về những biện pháp tư từ phổ biến. Từ đó các em có khả năng phân tích giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ trong các bài văn, bài thơ để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của cuộc sống và ngôn ngữ tiếng Việt. Việc đưa các tác phẩm văn học có xuất hiện với tần số cao hai biện pháp tu từ trên đây xuất phát từ mấy nguyên nhân sau: - Thứ nhất, tư duy cảm thụ của học sinh bước đầu đã được hình thành từ bậc học mầm non, qua phân môn tập đọc bậc tiểu học, với mục tiêu nhằm giúp các em hiểu biết, khám phá cuộc sống và con người xung quanh, đồng thời hình thành những tình cảm thẩm mỹ tốt đẹp, học sinh được tiếp cận những văn bản văn học có chất lượng nghệ thuật cao hơn, đòi hỏi sự tinh tế trong cảm thụ, liên tưởng, tưởng tượng. - Thứ hai, ở bậc tiểu học, học sinh được làm quen với tác phẩm văn học một cách hệ thống và khoa học thông qua các chủ điểm tuần. Đến lớp 4, 5, học sinh bắt đầu viết bài làm văn về cảm thụ tác phẩm, văn miêu tả, biểu cảm. Như vậy, chính việc cảm thụ và đánh giá vai trò của hình thức (trong đó có tác dụng của các biện pháp tu từ) góp phần hình thành kĩ năng viết, kĩ năng cảm thụ tác phẩm, khả năng tưởng tượng trong bài làm văn. Thao tác này đã cụ thể hoá chủ trương tích hợp các phân môn khác nhau trong môn Tiếng Việt. Thực tế cho thấy, có thể coi những tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa tiểu học là những bài văn mẫu mực. Học sinh hoàn toàn có thể học tập cách viết của các nhà văn, nhà thơ thông qua những tác phẩm. 2.2. Một số dạng bài tập thể nghiệm nhằm bồi dưỡng khả năng cảm thụ văn học của học sinh tiểu học thông qua biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa 2.2.1. Căn cứ xây dựng hệ thống bài tập Thứ nhất, giáo viên cần căn cứ vào đặc điểm của sự hình thành kĩ năng của học sinh Tiểu học. Dựa trên lí thuyết về hoạt động lời nói có thể thấy rằng muốn hình thành một kĩ năng cho học sinh thì phải xây dựng được một quy trình luyện tập kĩ năng đó và phải thông qua hoạt động luyện tập thường xuyên, luyện tập có ý thức. Do vậy, muốn học sinh có kĩ năng sử dụng biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa thì các em phải được rèn luyện kĩ năng đó thông qua một hệ thống bài tập đầy đủ và hợp lí. Bài tập đưa ra phải phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và phải gắn với những tình huống cụ thể, sinh động để kích thích hứng thú học tập của các em. Thứ hai, giáo viên căn cứ vào đặc điểm nhận thức của học sinh Tiểu học. Đối với học sinh Tiểu học, tư duy trực quan đã được hình thành và bắt đầu chuyển dần sang tư duy trừu tượng, khái quát. Các em có lòng say mê khám phá kiến thức mới, hứng thú với việc “học mà chơi”, có tình cảm và sự gắn bó với những đồ vật, những loài vật và cây cối xung quanh. Từ đó các em có nhu cầu bộc lộ cảm xúc của mình trước những sự vật, sự việc mà bản thân mình tiếp xúc hàng ngày. Do vậy, cần có bài tập giúp các em sử dụng các biện pháp so sánh và nhân hóa để bài viết hay hơn, sinh động và hấp dẫn hơn. Thứ ba, giáo viên cần căn cứ vào thực tế sử dụng các biện pháp tu từ của học sinh thông qua các phân môn khác nhau của Tiếng Việt. Qua khảo sát thực tế, kĩ năng sử dụng biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa trong câu văn, đoạn văn và bài văn của học sinh tiểu học, chúng tôi nhận thấy các em còn lúng túng hoặc sử dụng các biện pháp này chưa hợp lí, chưa chính xác, chưa mang lại kết quả cao. Bài viết này đề xuất hướng xây dựng hệ thống bài tập rèn kĩ năng cảm thụ văn học thông qua việc sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa. 2.2.2. Các dạng bài tập thực nghiệm * Dạng bài tập nhận diện biện pháp tu từ Dạng bài tập này khá đơn giản vì mục tiêu đặt ra là rèn luyện cho học sinh phát hiện từ ngữ, hình ảnh mà tác giả dùng biện pháp nhân hóa, so sánh trong văn bản. Ví dụ 1: Tìm những từ ngữ tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa khi nói về sự vật trong đoạn thơ dưới đây : Lúc ấy, Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ Chỉ còn tiếng đàn ngân nga Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà. (Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà - Quang Huy - Tiếng Việt 5, tập 1) Ví dụ 2: Tìm các hình ảnh so sánh trong đoạn văn sau: “Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh. Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu. Chú đậu trên một cành lộc vừng ngả dài trên mặt hồ. Bốn cánh khẽ rung rung như đang còn phân vân”. (Con chuồn chuồn nước - Nguyễn Thế Hội - Tiếng Việt 4, tập 2) * Dạng bài tập viết thêm từ ngữ phù hợp để tạo hình ảnh nhân hóa, so sánh Ví dụ 1: Hãy thêm vế câu có hình ảnh so sánh thích hợp vào chỗ trống để mỗi dòng dưới đây trở thành một câu văn có ý mới mẻ, sinh động: a. Lá cọ tròn, xòe ra nhiều phiến nhọn dài, trông xa như b. Trái bầu nậm lủng lẳng như c. Đôi mắt của bé tròn và đen như d. Dòng sông uốn lượn như Ví dụ 2: Tìm từ ngữ chỉ đặc điểm, dấu hiệu của con người điền vào chỗ trống cho thích hợp nhằm diễn tả sự vật bằng cách nhân hóa. a. Vầng trăng … b. Mặt trời … c. Cổng trường * Dạng bài tập chỉ ra và sửa lại những câu văn, câu thơ có sử dụng các biện pháp tu từ những chỗ chưa hợp lí Ví dụ: Hàng ngày, gà mẹ phải đau khổ chăm sóc cả chục đứa con. Mà chục đứa con của chị đứa nào cũng đáng yêu. Mười chú đều vàng như cuộn tơ, hai chân của các chú gà con to như hai ngón tay của đứa trẻ. Mắt chúng sáng như sao, to như hai hòn bi ve, lúc nào cũng đưa đi đưa lại. Gợi ý: HS đọc và thảo luận để tìm ra chỗ chưa hợp lí. Giáo viên hướng dẫn, gợi ý để học sinh sửa lỗi sai. (Hàng ngày, gà mẹ phải vất vả chăm sóc cả chục đứa con. Mà chục đứa con của chị đứa nào cũng đáng yêu. Mười chú đều vàng như cuộn tơ, hai chân của các chú gà con nhỏ xíu như hai chiếc tăm. Mắt chúng như hai hạt đậu, lúc nào cũng đưa đi đưa lại). Giáo viên cần gợi mở để học sinh tìm thật nhiều từ thay thế lỗi sai trong đoạn văn trên để dùng từ ngữ hình ảnh hợp lí, biểu cảm hơn. * Dạng bài tập chữa lỗi sử dụng biện pháp so sánh và nhân hóa không thể hiện đúng thái độ, tình cảm Ví dụ 1: Đọc đoạn văn sau và chỉ ra chỗ chưa hợp lí rồi sửa lại cho đúng: Cặp gắn bó thân thiết với em, có niềm vui hay nỗi buồn gì em đều tâm sự với nó. Nhiều lúc nó vui quá như nhảy trên lưng em làm em thấy khó chịu. Gợi ý: Trong đoạn văn trên là nhân hóa cái cặp, coi cặp như một người bạn thân thiết để chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Nhưng khi miêu tả cái cặp vui như nhảy trên lưng mà người viết lại cảm thấy khó chịu. Cách diễn đạt này không thể hiện được tình cảm yêu mến, gần gũi với cái cặp của mình. Học sinh nên thay thế như sau: “Cặp gắn bó thân thiết với em, có niềm vui hay nỗi buồn gì em đều tâm sự với nó. Nhiều lúc em có niềm vui vừa đi vừa nhảy chân sáo, chiếc cặp như cũng nhảy trên lưng em làm em thấy càng vui”. Ví dụ 2: Viết lại những câu văn dưới đây cho sinh động, gợi cảm bằng cách sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa: - Cây phượng vĩ ở cổng trường đã nở hoa đỏ như những tháp đèn khổng lồ. - Xe cộ chạy nhanh vun vút trên con đường nhựa. - Những em nhỏ quần áo đủ màu sặc sỡ đang nô đùa trên sân trường. - Bé có đôi mắt đen tròn, hai má ửng hồng. - Mặt trăng đêm rằm nhô lên. - Cành cây dày rậm đan xen vào nhau. - Mặt hồ Gươm rộng. Đáp án tham khảo: - Cây phượng vĩ ở cổng trường đã nở hoa đỏ . - Xe cộ chạy vun vút trên con đường nhựa nhanh như tên bắn. - Những em nhỏ quần áo đủ màu sặc sỡ như một đàn bướm đang nô đùa trên sân trường. - Bé có đôi mắt đen tròn như hai hạt nhãn, hai má ửng hồng như hai trái đào chín. - Mặt trăng đêm rằm tròn như cái đĩa đang mỉm cười với chúng em. - Cành cây dày rậm đan xen vào nhau như gọng ô. * Dạng bài tập tập tạo câu văn có sử dụng biện pháp so sánh và nhân hóa Ví dụ 1: Dựa vào các cặp từ ngữ dưới đây, hãy viết các câu văn có hình ảnh so sánh: a. Mặt trăng - quả bóng b. Miệng bé cười - hoa hồng c. Chiếc đĩa bạc - vầng trăng d. Tấm thảm vàng - cánh đồng lúa chín Ví dụ 2: Hãy sử dụng biện pháp nhân hóa và so sánh để diễn đạt lại những câu văn dưới đây cho sinh động, gợi cảm. a. Mặt trời mọc từ phía đông, chiếu những tia nắng xuống cánh đồng lúa chín. b. Đôi mắt bé đen tròn, hai má ửng hồng. c. Bông hoa đang nở trong nắng sớm. d. Mấy con chim đang hót ríu rít trên vòm cây. e. Mùa xuân, sân trường mướt xanh màu lá. Ví dụ 3: Sử dụng biện pháp so sánh để tạo những câu văn sinh động, gợi cảm để tả: a. Mặt trời mọc b. Dòng sông uốn khúc c. Biển phẳng lặng, rộng d. Tiếng mưa rơi e. Cánh đồng lúa chín * Dạng bài tập viết đoạn văn cảm thụ giá trị của ngôn từ thông qua các biện pháp tư từ Đây là dạng bài tập ở mức độ cao nhất, là cái đích của quá trình rèn cảm thụ, là sản phẩm cảm thụ văn học mà học sinh tiểu học cần đạt được. Dạng bài tập này đòi hỏi học sinh phải biết nhận dạng, tái hiện, cắt nghĩa và bình giá về tác dụng, giá trị của biện pháp được người viết sử dụng trong bài thơ, bài văn (hoặc đoạn trích). Sản phẩm của dạng bài tập này không chỉ là những câu văn đơn lẻ mà là cả đoạn văn. Dưới đây là một số dạng bài luyện tập và đáp án minh họa cho mỗi bài. Ví dụ 1: Lời ru có gió mùa thu Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về Những ngôi sao thức ngoài kia Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con Đêm nay con ngủ giấc tròn Mẹ là ngọn gió của con suốt đời. (Mẹ - Trần Quốc Minh, TV2, tập 1) Hình ảnh nào góp phần nhiều nhất làm nên cái hay của đoạn thơ trên, vì sao? Đáp án tham khảo: Hình ảnh ngọn gió trong câu thơ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời góp phần tạo nhiều nhất tạo nên tính hình tượng và biểu cảm của khổ thơ trên. Mẹ như là ngọn gió thổi mát cho con, ru con ngủ và đi vào giấc mơ. Ngọn gió ấy thổi mát cho con cả cuộc đời như là mẹ đã làm việc nuôi con khôn lớn từng ngày, mong con được hạnh phúc. Sự so sánh đẹp đẽ và sâu sắc đó cho ta thấy thấm thía hơn về tình mẫu tử. Ví dụ 2: Hình ảnh nào góp phần làm nên cái đẹp của khổ thơ sau, vì sao? Cánh đập trời xanh Cao hoài, cao vợi Tiếng hót long lanh Như cành sương chói. (Con chim chiền chiện - Huy Cận - Tiếng Việt 4, tập 2) Đáp án tham khảo: Hình ảnh làm nên cái đẹp của khổ thơ trên là sự so sánh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được thể hiện qua hai dòng thơ: Tiếng hót long lanh Như cành sương chói. Biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã làm ta cảm nhận tiếng chim hót không chỉ bằng tai mà còn cả bằng mắt. Tiếng chim hót thông thường chỉ cảm nhận được bằng việc nghe nhưng có lẽ bằng tài năng, liên tưởng thầm mĩ đặc biệt, nhà thơ đã ví von tiếng chim như cành cây non, ánh nắng chiếu qua, bé thơ nhìn lên phải nheo mắt. Âm thanh tiếng chim vừa có khả năng gợi hình, vừa gợi thanh. Chính nhờ cách miêu tả ẩn dụ này kết hợp với phép liên tưởng ở hai dòng thơ đầu ta càng thấy thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng và yên bình. Ví dụ 3: Hãy chỉ ra hình ảnh so sánh có trong khổ thơ sau và nêu rõ hình ảnh đó gợi cho em cảm nghĩ gì. Thế rồi cơn bão qua Bầu trời xanh trở lại Mẹ về như nắng mới Sáng ấm cả gian nhà. (Mẹ vắng nhà ngày bão - Đặng Hiển - Tiếng Việt 3, tập 1) Đáp án tham khảo: hình ảnh so sánh có trong khổ thơ trên là Mẹ về như nắng mới, Sáng ấm cả gian nhà. Hình ảnh này đã làm nên vẻ đẹp của đoạn thơ, gợi lên trong lòng ta những ấn tượng đẹp đẽ. Người mẹ trở về nhà khi cơn bão qua được so sánh với hình ảnh nắng mới hiện ra khi bầu trời xanh trở lại sau cơn bão. Sự so sánh đã giúp ta hiểu được một điều sâu sắc: người mẹ cần thiết cho cả gia đình chẳng khác nào ánh nắng cần thiết cho sự sống. Chính vì vậy, khi mẹ trở về, cả gian nhà trở nên sáng ấm bởi tình yêu thương đẹp đẽ. Vai trò của mẹ trong gia đình thật quan trọng và đáng quý biết bao nhiêu. 3. KẾT LUẬN Trong dạy học Tiếng Việt, đọc hiểu, cảm thụ tác phẩm văn học là quá trình vất vả, công phu nhưng thú vị. Cảm thụ văn học là một năng lực bắt buộc phải có ở học sinh giỏi Tiếng Việt. Khả năng cảm thụ phụ thuộc rất nhiều vào vốn sống của học sinh và kinh nghiệm, phương pháp đinh hướng của giáo viên. Muốn hình thành kĩ năng cảm thụ văn học cho học sinh ngay từ bậc tiểu học, trước hết giáo viên cần phải bồi dưỡng vốn sống cho các em bằng nhiều con đường, nhiều thao tác sư phạm khác nhau. Thông qua biện pháp so sánh, nhân hóa xuất hiện trong các ngữ liệu sách giáo khoa, giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy, tính sáng tạo, khả năng lựa chọn từ ngữ khi nói và viết để có được những câu văn, lời thơ giàu hình ảnh và cảm xúc. So sánh và nhân hóa luôn là cánh cửa mở ra cho các em bao điều mới lạ trong cuộc sống muôn màu vẻ. Phát triển năng lực cảm thụ văn học cho học sinh phải tôn trọng mục tiêu: đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và phải được tiến hành thường xuyên. Để giúp học sinh phát huy và phát triển năng lực này, mỗi giáo viên cần có biện pháp tự bồi dưỡng nâng cao kinh nghiệm, vốn hiểu biết về văn học và cuộc sống. Bài viết trên chỉ góp một ý kiến nhỏ về một vấn đề lớn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê A, Đỗ Xuân Thảo, Giáo trình Tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H., 1997. 2. Trần Mạnh Hưởng, Luyện tập về cảm thụ văn học ở tiểu học theo chương trình và sách giáo khoa mới, Nxb Giáo dục Việt Nam, H., 2012. 3. Lê Phương Nga, Dạy học Tập đọc ở Tiểu học, Nxb Giáo dục, H., 2003. 4. Lê Phương Nga, Bồi dưỡng học sinh giỏi Tiếng Việt tiểu học, Nxb Giáo dục Việt Nam, H., 2012. 5. Lê Phương Nga, 35 đề ôn luyện Tiếng Việt cuối cấp tiểu học, Nxb Giáo dục Việt Nam, H., 2012. 6. Đinh Trọng Lạc, 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H., 1996. PROMOTING STUDENTS’ ABILITY OF LITERARY SENSE THROUGH RHETORICAL DEVICES NAMELY SIMILE AND PERSONIFICATION Nguyen Thi Hoa Abstract The aim of the subject Vietnamese in primary schools is to help students feel the interesting and the beautiful of the Vietnamese language and have an initial understanding about their surrounding life. The beauty of the Vietnamese language is expressed by means of language data in Reading exercises. During the teaching process, the teachers of primary schools ought to enhance and encourage student’s ability to sense the literary works. With regards to forms, in order to attract students appropriately to their psychological age, most of the literal works in the textbooks at primary level have created aesthetic effects by rhetorical measures. The article limits on investigating the effectiveness of two rhetorical devices, namely simile and personification through a system of experimental exercises, thereby exchanging opinions around the issue of fostering students’ ability of literary sense. . BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC CHO HỌC SINH TIỂU HỌC THÔNG QUA BIỆN PHÁP TU TỪ SO SÁNH VÀ NHÂN HÓA Nguyễn Thị Hoà 1 Tóm tắt: Một mục tiêu của môn Tiếng Việt ở tiểu học là giúp học sinh. hợp sử dụng, các biện pháp tu từ được chia ra: biện pháp tu từ từ vựng, biện pháp tư từ ngữ nghĩa, biện pháp tu từ cú pháp, biện pháp tu từ văn bản, biện pháp tu từ ngữ âm - văn tự. Như vậy,. học sinh tiểu học thông qua biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa 2.2.1. Căn cứ xây dựng hệ thống bài tập Thứ nhất, giáo viên cần căn cứ vào đặc điểm của sự hình thành kĩ năng của học sinh Tiểu

Ngày đăng: 04/09/2015, 19:21

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan