Phát triển sản phẩm du lịch biển Côn Đảo theo hướng bền vững

9 463 2
Phát triển sản phẩm du lịch biển Côn Đảo theo hướng bền vững

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Phát triển sản phẩm du lịch biển Côn Đảo theo hướng bền vững Phạm Ngọc Thuỳ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội Luận văn ThS. Du lịch: Chương trình đào tạo thí điểm Người hướng dẫn : PGS.TS Nguyễn Đình Hoè Năm bảo vệ: 2013 112 tr . Abstract. Điều tra được thực trạng và tình hình lượng khách du lịch đến Côn Đảo từ năm 2005 đến năm 2013. Điều tra thực trạng hoạt động Du lịch biển huyện Côn Đảo về 3 mặt của du lịch bền vững: Phúc lợi kinh tế, phúc lợi xã hội và phúc lợi môi trường. Điều tra nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách du lịch tại Côn Đảo. Đánh giá tiềm năng phát triển các loại hình dịch vụ du lịch ở Côn Đảo. Nghiên cứu để phát triển một số sản phẩm du lịch biển Côn Đảo. Định hướng các thị trường khách mục tiêu cho du lịch biển Côn Đảo. Nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tiềm năng phát triển loại hình du lịch lặn biển ngắm san hô tại Côn Đảo. Đưa ra những giải pháp phát triển du lịch biển Côn Đảo theo hướng bền vững. Keywords. Du lịch; Sản phẩm du lịch; Du lịch biển; Côn Đảo Content. 1. Lý do chọn đề tài. Côn Đảo được đánh giá là huyện có tiềm năng phát triển du lịch biển, có 200km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp còn đậm nét hoang sơ như Đầm Trầu, bãi Vông, bãi Nhát, bãi An Hải được xếp là những bãi biển có chất lượng tốt của cả nước. Côn Đảo có quỹ đa dạng sinh học giàu có, được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Anh) bầu chọn là 1 trong 10 hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới (năm 2011). Côn Đảo được đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và hiện là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Hiện nay, chủ trương của ngành du lịch nước ta là tập trung phát triển du lịch biển đảo, đi kèm với đó là những chính sách ưu tiên cho các dự án đầu tư du lịch như ưu đãi về tiền thuê đất và mặt nước, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp Tuy đã đượcThủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020 với những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và định hướng phát triển như xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao , phát triển Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế nhưng đến nay, ngành du lịch ở Côn Đảo vẫn chưa phát triển mạnh mẽ như mong muốn. Thời gian du khách lưu trú tại Côn Đảo không dài, nguyên nhân bởi cho đến nay ngoài các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, Côn Đảo chưa có những sản phẩm du lịch nổi trội, chưa có nhiều hoạt động vui chơi và nghỉ dưỡng, không đủ sức cạnh tranh với những vùng du lịch biển phát triển như Nha Trang, Phú Quốc Một điểm du lịch để có thể thu hút du khách cần phải có những sản phẩm du lịch phong phú, hình thức du lịch vui chơi đa dạng, như vậy vừa có thể giữ chân du khách, thu hút được nguồn vốn đầu tư, tăng thu nhập cho địa phương vừa đem lại những cơ hội phát triển kinh tế. Luận văn “Phát triển sản phẩm du lịch biển Côn Đảo theo hướng bền vững” đi sâu nghiên cứu vào tình hình phát triển sản phẩm du lịch biển tại Côn Đảo và các vấn đề có liên quan nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch biển của Côn Đảo, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời để Côn Đảo trở thành điểm du lịch hấp dẫn, có một vị thế riêng trong lòng mỗi du khách, phát triển Côn Đảo thành điểm đến du lịch xứng tầm quốc tế. 2. Mục đích nghiên cứu. Dựa trên cơ sở tài nguyên biển, các loại hình du lịch có sẵn đồng thời dựa trên việc đánh giá, phân tích đặc điểm, thị hiếu, nhu cầu của thị trường khách du lịch, tác giả nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch biển theo hướng bền vững ở Côn Đảo nhằm thu hút và hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. 3. Lịch sử nghiên cứu Trong quá trình nghiên cứu, luận văn đã tham khảo và sử dụng một số khái niệm, nội dung của các tác giả sau: Trần Đức Thanh “ Nhập môn khoa học du lịch”, “ Du lịch bền vững” của Nguyễn Đình Hòe – Vũ Văn Hiếu, “Tài nguyên động, thực vật Vườn Quốc gia Côn Đảo” của Nguyễn Chí Thành, hay Võ Sĩ Tuấn với “Hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam” … Cho tới nay, chưa có một công trình khoa học, báo cáo quy hoạch hay chiến lược nào định hướng riêng cho phát triển du lịch biển Côn Đảo mà chỉ có một số luận văn, đề tài nghiên cứu có liên quan đến du lịch Côn Đảo như: - Luận văn thạc sỹ địa lý học của tác giả Ngô Thị Lợi với đề tài “Nghiên cứu phát triển bền vững du lịch huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)” năm 2009 với nội dung nghiên cứu phát triển du lịch bền vững chung của toàn huyện Côn Đảo. - “Dự án bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại Côn Đảo” với cơ quan quản lý là Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cơ quan thực hiện dự án là VQG Côn Đảo được khởi động vào tháng 4 năm 2007, nhằm mục tiêu tăng cường năng lực địa phương để bảo tồn đa dạng sinh học biển và ven biển tại Côn Đảo, cải thiện việc lồng ghép bảo tồn và quản lý môi trường vào lập kế hoạch phát triển, thiết lập cơ chế tài chính bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học, và gắn liền các nỗ lực địa phương với việc xây dựng chính sách và chiến lược quốc gia, qua đó góp phần bảo tồn đa dạng sinh học biển và ven biển có ý nghĩa toàn cầu. - Ngoài ra còn có một số bài báo như : “Côn Đảo - Tiềm năng và định hướng phát triển” được đăng trên vietrade, trang web của Cục xúc tiến thương mại ngày 15 tháng 11 năm 2011; “ Côn Đảo - “ Đô thị di sản - du lịch” trên biển đảo” của tác giả Hoàng Quân - Báo văn hóa điện tử ngày 22 tháng 08 năm 2012; “Phát triển Côn Đảo thành “Thiên đường du lịch” của Nhựt Thanh trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 17 tháng 08 năm 2013. Những bài báo này đã đánh giá sơ bộ về tiềm năng du lịch chung của Côn Đảo trong đó có một phần nhỏ giới thiệu về tiềm năng của du lịch biển. Những bài báo khác như : “Côn Đảo phát triển du lịch biển đảo và du lịch văn hóa lịch sử” ngày 18 tháng 11 năm 2011 tại trang wed chinhphu.vn; “Xây dựng Côn Đảo thành khu du lịch kinh tế mới hiện đại” của trang dulichvungtau.vn đã tìm hiểu về du lịch tại Côn Đảo và đưa ra một số định hướng chung để phát triển du lịch Côn Đảo. Một số bài báo như: “Côn Đảo - cơ hội đầu tư” của tác giả Khánh Băng trên diễn đàn doanh nghiệp ngày 06 tháng 03 năm 2013; “Phát triển đô thị di sản du lịch Côn Đảo : Qui hoạch và thực tiễn” của tạp trí kiến trúc, đã tổng kết về tình hình hoạt động du lịch của huyện, phản ánh được số lượng khách quốc tế đến Côn Đảo đồng thời nhấn mạnh đến xu hướng lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển Côn Đảo. Những vấn đề được quan tâm bao gồm việc áp dụng chính sách khuyến khích, ưu đãi của nhà nước với các dự án đầu tư vào việc phát triển du lịch Côn Đảo, chỉ ra cơ hội và đưa ra một số đề xuất đối với định hướng phát triển Côn Đảo thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế và khu vực. Những báo cáo này cũng đưa ra những giải pháp cho việc phát triển du lịch chung cũng như khẳng định quy hoạch du lịch đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của huyện đảo này… Tuy nhiên, đến nay chưa có một tài liệu nào nghiên cứu riêng, chi tiết về du lịch biển Côn Đảo, đồng thời chưa đưa ra được những giải pháp mang tính cụ thể, chi tiết, khả thi cho việc phát triển du lịch biển Côn Đảo theo hướng bền vững. 4. Đối tượng, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu. - Đối tượng nghiên cứu của đề tài: Phát triển sản phẩm du lịch biển - Nhiệm vụ nghiên cứu : + Điều tra thực trạng phát triển sản phẩm du lịch biển huyện Côn Đảo. + Nghiên cứu phát triển một số sản phẩm du lịch biển theo hướng bền vững nhằm thu hút khách du lịch, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và doanh thu của du lịch biển tại điểm đến Côn Đảo. - Phạm vi nghiên cứu: + Phạm vi về không gian: Các vùng biển của Côn Đảo. + Phạm vi về thời gian: Từ khi có chủ trương của Chính phủ về việc phát triển kinh tế xã hội huyện Côn Đảo, đặc biệt lấy nhiệm vụ phát triển du lịch làm nhiệm vụ hàng đầu (năm 2005) đến nay. 5. Phương pháp nghiên cứu. *Phương pháp nghiên cứu số liệu sơ cấp, thứ cấp: Thu thập các số liệu sơ cấp do chính người làm nghiên cứu thu thập, ngoài ra còn sử dụng nguồn số liệu thứ cấp do những người khác, do các cơ quan, đoàn thể, internet đã thu thập từ trước để làm cơ sở lý luận khoa học và làm rõ một số vấn đề trong luận văn. - Tài liệu, số liệu về dân số, đa dạng sinh học, tài nguyên biển Côn Đảo… - Dữ liệu về tình hình hoạt động và lượng khách du lịch đến Côn Đảo từ 2005 – 2013. * Phương pháp điều tra thực địa: Công tác thực địa kiểm tra chỉnh lý và bổ sung những tư liệu về tài nguyên, cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho hoạt động du lịch và các số liệu lien quan đến khách du lịch, doanh thu từ du lịch cùng các tài liệu liên quan khác. Phương pháp này được kết hợp với phương pháp điều tra xã hội học với các đối tượng khác nhau ( khách du lịch, dân bản địa ) nên thông tin thu được khá phong phú và có kết quả chân thực. * Phương pháp phân tích hệ thống : Là một giai đoạn trong phát triển dự án, tập trung vào các vấn đề nghiệp vụ. Ở luận văn này là những gì hệ thống phải làm về mặt dữ liệu, các thủ tục xử lý và giao diện, độc lập với kỹ thuật có thể được dùng để cài đặt giải pháp cho vấn đề phát triển các sản phẩm du lịch biển. * Phương pháp thống kê: Phương pháp này áp dụng để thống kê các hệ sinh thái đặc thù, các tài nguyên du lịch quan trọng và phụ trợ, thống kê hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; thống kê đánh giá lượng khách; đánh giá tỷ lệ doanh thu; tỷ trọng và mức tăng trưởng du lịch để đưa ra bức tranh chung về hiện trạng đang có tại điểm đến Côn Đảo. * Phương pháp chuyên gia : Phương pháp chuyên gia nhằm thu thập những ý kiến đóng góp để đề tài mang tính khách quan, đảm bảo kết quả của đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Luận văn thu thập ý kiến của các chuyên gia về du lịch biển, về loại hình du lịch lặn biển ngắm san hô, các nhà quản lý về du lịch sinh thái biển. * Phương pháp phỏng vấn không chính thức đối với khách du lịch và người dân trên địa bàn Côn Đảo, nhằm lấy thêm thông tin về đặc điểm xã hội của các đối tượng du lịch, ý kiến của cộng đồng, du khách, điều tra về sức hấp dẫn của các điểm du lịch, tài nguyên du lịch, chất lượng dịch vụ …Phương pháp này bao gồm các bước: xác định các vấn đề cần điều tra, thiết kế bảng hỏi, lựa chọn khu vực và đối tượng để điều tra, thời gian tiến hành điều tra, xử lý các kết quả điều tra. * Phân tích PEST Phương pháp phân tích PEST rất phù hợp cho điểm đến du lịch để xác định phương hướng phát triển. Phân tích PEST là bước đầu tiên của quá trình xây dựng kế hoạch nhằm xác định nền tảng cho sự phát triển của một ngành như du lịch. Những yếu tố căn bản giúp phát triển điểm đến du lịch Côn Đảo cần xem xét: - Về chính trị : + Sự ổn định môi trường chính trị. + Ảnh hưởng của chính sách nhà nước đến những điều luật điều chỉnh hoặc đánh thuế kinh doanh du lịch. + Chính sách phát triển kinh tế của nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm đến vị thế của du lịch. + Các điều luật và quy định liên quan đến bảo vệ môi trường, chính sách thuế, sử dụng lao động, đầu tư nước ngoài và những lĩnh vực khác ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến du lịch. - Về kinh tế : Nghiên cứu tình trạng của nền kinh tế và các hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt khi hướng tới thị trường du lịch quốc tế. - Về văn hóa xã hội:Cơ cấu và xu hướng phát triển dân số theo tuổi, giáo dục và thu nhập.Các vấn đề về vệ sinh và sức khỏe. - Về công nghệ: Công nghệ là một yếu tố quan trọng để đạt được lợi thế cạnh tranh. * Phân tích SWOT Phân tích SWOT là một phương pháp phát triển chiến lược được sử dụng để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với một dự án hay hoạt động kinh doanh. Phân tích này bao gồm việc xác định mục tiêu của dự án, trong trường hợp này là phát triển du lịch tại điểm đến và xác định các yếu tố bên trong và bên ngoài có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu. Luận văn áp dụng phân tích SWOT để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức nhằm xác định vị thế cạnh tranh của điểm đến, từ đó phát triển sản phẩm du lịch và xây dựng chiến lược marketing phù hợp để phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu. * Phân tích vòng đời phát triển của khu du lịch Áp dụng phương pháp phân tích vòng đời phát triển khu du lịch của Butler để xác định điểm đến Côn Đảo hiện đang ở giai đoạn nào của chu kỳ sống nhằm đưa ra những giải pháp hợp lý du lịch biển Côn Đảo. * Ma trận Ansoff Các điều kiện thị trường thường xuyên thay đổi, thị trường và cơ hội phát triển sản phẩm tăng rồi giảm. Lập kế hoạch vì vậy dựa trên nguyên tắc cung cấp sản phẩm thích hợp tại thời điểm thích hợp và phân khúc thị trường thích hợp để đảm bảo thành công của điểm đến du lịch. Các sản phẩm du lịch đang mang lại lợi nhuận được kỳ vọng là tiếp tục mang lại lợi nhuận dưới áp lực cạnh tranh vì vậy phải cập nhật và phát triển những sản phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu thay đổi của khách hàng cũng như điều kiện thị trường. * Ma trận BCG ( Boston Consulting Group ) Bất cứ một điểm đến nào hay doanh nghiệp nào phát triển nhiều hoạt động kinh doanh đều phải phát triển chiến lược riêng cho mỗi hoạt động và chiến lược chung cho toàn doanh nghiệp. Luận văn áp dụng ma trận BCG nhằm làm rõ tốc độ tăng trưởng của thị trường của sản phẩm hiện tại và thị phần tương đối của sản phẩm so sánh với các đối thủ cạnh tranh chính. 6. Kết cấu của luận văn. Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, đề tài luận văn bao gồm 3chương chính được phân chia như sau: Chương I: Cơ sở lý luận về phát triển sản phẩm du lịch biển Chương II: Thực trạng phát triển sản phẩm du lịch biển phục vụ khách du lịch ở Côn Đảo. Chương III: Định hướng phát triển sản phẩm du lịch biển Côn Đảo theo hướng bền vững TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tiếng Việt 1. Bản tin du lịch, Sổ tay về phát triển sản phẩm du lịch, Số tháng 6/2012, Hà Nội. 2. Bản tin du lịch, Nghiên cứu thị trường trong du lịch và lữ hành, Số tháng 6/2012, Hà Nội. 3. Lê Ngọc Cường - Lê văn Bính (2010), Biển, đại dương và chủ quyền biển, đảo Việt Nam , NXB quân đội nhân dân , Hà Nội. 4. Nguyễn Văn Dung ( 2009), Marketing du lịch: Việt Nam cần có chiến lược Marketing du lịch đáp ứng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội. 5. Ngô Thị Lợi (2009), Nghiên cứu phát triển bền vững du lịch huyện Côn Đảo ( tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ), TP Hồ Chí Minh. 6. Phạm Trung Lương (2002), Du lịch sinh thái: những vấn đề về lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 7. Phạm Trung Lương ( 2000), Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam, Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội. 8. Đỗ Hoài Nam, ( 2003) Phát triển kinh tế - xã hội và môi trường các tỉnh ven biển Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội. 9. Trần Ngọc Nam - Trần Huy Khang ( 2001), Marketing du lịch, NXB TP Hồ Chí Minh. 10. Nguyễn Đình Hòe – Vũ Văn Hiếu (2001), Du lịch bền vững, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 11. Nguyễn Hữu Tăng (2003), Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 12. Trần Đức Thanh (1999), Nhập môn khoa học du lịch, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội. 13. Đặng Ngọc Thanh - Lê Đức Tố (2003), Biển Đông: Sinh vật và sinh thái biển, NXB Đại học quốc gia Hà Nội. 14. Đặng Ngọc Thanh - Nguyễn Huy Yết (2009), Bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội. 15. Nguyễn Chí Thành (2004), Tài nguyên động, thực vật Vườn Quốc gia Côn Đảo. NXB Nông nghiệp, Hà Nội. 16. Phạm Quang Thao (1998), Thương mại - môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 17. Nguyễn Hồng Thao (2004), Bảo vệ Môi trường môi trường biển: Vấn đề và giải pháp, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 18. Nguyễn Hồng Thao (2003), Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam: Luật pháp và thực tiễn, NXB Thống kê, Hà Nội. 19. Nguyễn Văn Tiên (2008), Tuyển tập tài nguyên và môi trường biển, Tập 13, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội. 20. Thu Trang (2001), Du lịch văn hóa ở Việt Nam, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh. 21. Võ Sĩ Tuấn (2006), Hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam, Nxb Khoa khọc Kỹ thuật, Hà Nội, năm 2006 22. Nguyễn Huy Yết ( 1998) , Kết quả nghiên cứu hệ sinh thái san hô và xác định các khu bảo tồn thiên nhiên biển Việt Nam. 2. Tiếng Anh 23. Linden Brown – Stewart Adam – Gary Armstrong ( 2004), Marketing, Pearson Prentice Hall. 24. Michael Hitchcock – Victor T. King – Michael Parnwell – Mike Parwell ( 2009), Tourism in Southeast Asia: challenges and new directions, University of Hawaii Press. 25. Stephen Page – Joanne Connell (2006), Tourism: A Modern Synthesis, Cengage Learning EMEA.

Ngày đăng: 17/04/2015, 18:38

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan