KẾ TOÁN DOANH THU VÀ KẾT QUẢ KINH DOANH TẠI CÁC DOANH NGHIỆP DỆT MAY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

6 413 2
KẾ TOÁN DOANH THU VÀ KẾT QUẢ KINH DOANH TẠI  CÁC DOANH NGHIỆP DỆT MAY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

KẾ TOÁN DOANH THU VÀ KẾT QUẢ KINH DOANH TẠI CÁC DOANH NGHIỆP DỆT MAY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ Diệp Tố Uyên Khoa Kinh tế & QTKD, Trường Đại học Hùng Vương 1. Mở đầu 1.1. Tính cấp thiết Ngành dệt may ở nước ta là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, phát triển nhanh, trong những năm vừa qua đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam luôn đứng trước những thách thức to lớn. Trước sự cạnh tranh khắc nghiệt của các nước trong khu vực, ngành dệt may Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp dệt may tỉnh Phú Thọ nói riêng luôn phải tìm cho mình một hướng đi hợp lý để tồn tại và phát triển. Bên cạnh các giải pháp cần phải thực hiện như tăng cường quan hệ với các đối tác truyền thống; có chiến lược tìm kiếm bạn hàng, thâm nhập thị trường mới; cập nhật các thông tin thị trường để kịp thời ứng phó… thì các doanh nghiệp dệt may phải đưa ra các giải pháp để nâng cao vai trò quản lý doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, kế toán doanh thu, kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp dệt may phải không ngừng được hoàn thiện, tổ chức một cách khoa học và đồng bộ phục vụ kịp thời thông tin cho quản trị doanh nghiệp. Xác định doanh thu, kết quả sản xuất kinh doanh đúng đắn sẽ giúp cho nhà lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá đúng hiệu quả sản xuất kinh doanh để từ đó đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp. 1.2. Tổng quan về kế toán doanh thu và kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu. Kết quả kinh doanh là kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường và các hoạt động khác của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định, biểu hiện bằng số tiền lãi hay lỗ. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường và kết quả hoạt động khác. Dưới góc độ kế toán tài chính, các doanh nghiệp có quy mô khác nhau, loại hình kinh doanh đặc thù thì có chế độ, chính sách kế toán phù hợp với doanh nghiệp đó. Tuỳ theo đặc điểm sản xuất kinh doanh và tuỳ thuộc vào yêu cầu quản lý của từng đơn vị thì doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng một trong các chế độ kế toán như: chế độ kế toán ban hành theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ tài chính (áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế); Quyết định 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 của Bộ trưởng Bộ tài chính (áp dụng tất cả các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế trong cả nước). Dưới góc độ kế toán quản trị: Để thực hiện mục tiêu kế toán quản trị doanh thu, thì việc tổ chức kế toán quản trị doanh thu phải bao gồm những nội dung sau: Thứ nhất, định giá bán sản phẩm. Thứ hai, xây dựng dự toán về doanh thu bán hàng. Thứ ba, tổ chức thu thập thông tin chi tiết về doanh thu phục vụ yêu cầu quản trị. Thứ tư, tổ chức phân tích tình hình thực hiện dự toán doanh thu. Việc tổ chức kế toán quản trị kết quả kinh doanh của từng mặt hàng, sản phẩm, từng loại lao vụ dịch vụ cần phải được tiến hành một cách đồng bộ và bắt đầu từ khâu tổ chức kế toán chi tiết chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm để xác định được trị giá vốn hàng bán, tới việc kế toán chi tiết doanh thu, thu nhập và việc phân bổ các chi phí thời kỳ: Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp. 2. Phương pháp nghiên cứu Để nghiên cứu vấn đề đặt ra, tác giả sử dụng các phương pháp sau: Thứ nhất: sử dụng phương pháp thống kế kinh tế để thu thập, xử lý số liệu, phân tích, so sánh, đối chiếu các chỉ tiêu đã được lượng hóa có cùng nội dung, tính chất, nhằm đánh giá được các mặt phát triển hay các mặt kém phát triển của đối tượng. Thứ hai: sử dụng các phương pháp chuyên môn của kế toán để phản ánh, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện kế toán doanh thu và kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Các phương pháp được sử dụng bao gồm: phương pháp chứng từ kế toán, phương pháp tài khoản kế toán, phương pháp tính giá, phương pháp tổng hợp - cân đối kế toán. Thứ ba: Trong quá trình thu thập dữ liệu và đề xuất giải pháp, tác giả sử dụng phương pháp chuyên gia để tham khảo ý kiến của đội ngũ chuyên gia có trình độ cao về lĩnh vực đang tìm hiểu như ban giám đốc, nhân viên kế toán tại công ty để xem xét, nhận định bản chất vấn đề lý luận hay thực tiễn phức tạp để tìm ra giải pháp tối ưu cho các sự kiện đó, hay phân tích đánh giá một sản phẩm khoa học. 3. Kết quả nghiên cứu Để có cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu đề tài, tác giả đã khảo sát nghiên cứu tại 03 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đó là: Công ty cổ phần may Phú Thọ Công ty cổ phần dệt Vĩnh Phú Công ty cổ phần may Vĩnh Phú Công nghiệp dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất lợi thế của Tỉnh Phú Thọ dựa trên tiềm lực chính là nguồn nhân công lao động địa phương dồi dào. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Phú Thọ thì mặt hàng dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các doanh nghiệp dệt may của tỉnh Phú Thọ có đặc điểm sản xuất kinh doanh truyền thống là may gia công cho đối tác nước ngoài. Các sản phẩm tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chủ yếu là các sản phẩm dệt may mang tính truyền thống của doanh nghiệp. Ví dụ, Mặt hàng sản xuất gia công chủ yếu của công ty cổ phần may Phú Thọ là áo Jacket, áo sơ mi, quần áo thể thao, áo khoác… với số lượng, chủng loại, mẫu mã chủ yếu phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng, căn cứ trên hợp đồng gia công đã ký kết. Do đặc điểm của các doanh nghiệp là gia công các sản phẩm may mặc thì khách hàng chủ yếu là các công ty nước ngoài. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha và tiêu thụ một phần nhỏ trong nước. Phương thức bán hàng được áp dụng tại các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là xuất bán trực tiếp, không có bán đại lý hoặc các hình thức bán hàng khác. Căn cứ vào hợp đồng gia công đã ký kết, các doanh nghiệp sẽ tiến hành sản xuất sản phẩm mẫu gửi cho đối tác để xác nhận mẫu trước khi tiến hành sản xuất số lượng lớn, thời gian giao hàng thường là khoảng 03 tháng sau khi hai bên nhất trí xác nhận mẫu. Doanh nghiệp sẽ thực hiện các thủ tục xuất khẩu sang địa chỉ giao hàng mà đối tác thông báo. Trước khi giao hàng, đối tác nước ngoài sẽ gửi thông báo bằng văn bản cho đơn vị biết về số lượng và chất lượng của hàng hóa cần giao. Phương thức thanh toán tiền hàng là thanh toán bằng thư tín dụng (L/C) trả tiền ngay không hủy ngang hoặc thanh toán bằng điện chuyển tiền (TT) tùy từng điều kiện cụ thể. 3.1. Thực trạng và các giải pháp hoàn thiện kế toán doanh thu và kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ dưới góc độ kế toán tài chính Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bao gồm: doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (bao gồm doanh thu từ hoạt động gia công các sản phẩm may mặc cho đối tác nước ngoài, doanh thu từ bán sợi, vải mộc, doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ như cho thuê nhà xưởng, cung cấp dịch vụ xử lý nước thải…), doanh thu hoạt động tài chính (doanh thu từ tiền gửi tiết kiệm, lãi cho vay vốn, lãi bán ngoại tệ, lãi từ hoạt động cho thuê tài sản…). Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bao gồm: kết quả từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, kết quả hoạt động tài chính. Nhìn chung, kế toán doanh thu và kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tổ chức khá chặt chẽ từ tổ chức chứng từ, tổ chức tài khoản đến tổ chức sổ kế toán và báo cáo kế toán doanh thu với nhiệm vụ ghi chép kịp thời, chi tiết các khoản doanh thu phát sinh trong kỳ nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản trị doanh nghiệp trong việc giám sát quá trình hình thành và xác định doanh thu, kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp. Để hoàn thiện kế toán doanh thu, kết quả kinh doanh dưới góc độ kế toán tài chính, các giải pháp cần phải thực hiện tại các doanh nghiệp là: Thứ nhất, Hoàn thiện việc xác định nội dung, phạm vi doanh thu: Để tính đúng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh làm cơ sở cho việc xác định chính xác kết quả kinh doanh trong kỳ, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải xác định chính xác các khoản nào đúng bản chất là doanh thu và được hạch toán vào tài khoản doanh thu, ngược lại các khoản nào không đúng bản chất là một khoản doanh thu thì không hạch toán trên tài khoản phản ánh doanh thu. Cụ thể: Các chi phí phát sinh trong quá trình nhập khẩu hộ nguyên vật liệu gia công và chi phí phát sinh khi xuất khẩu hàng gia công chi hộ các đơn vị bạn không phải là chi phí hay doanh thu của doanh nghiệp, chỉ là các khoản chi hộ, nhưng hiện nay tại các doanh nghiệp dệt may hạch toán vào chi phí và doanh thu như sau: - Phần chi phí phát sinh chi hộ khi nhập xuất hàng (bốc xếp, chi phí thông quan…) kế toán hạch toán tăng chi phí bán hàng - TK 641. - Sau đó kế toán ghi tăng khoản phải thu của khách hàng, tăng doanh thu bán hàng. Mặc dù việc bù trừ giữa ghi nhận doanh thu và chi phí như vậy không làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cuối cùng của toàn doanh nghiệp nhưng việc xác định sai nội dung và phạm vi của doanh thu dẫn đến hạch toán kế toán sai bản chất của doanh thu, chi phí, sai trị giá của chỉ tiêu doanh thu và chi phí phát sinh trong kỳ. Giải pháp để hoàn thiện kế toán doanh thu, kết quả kinh doanh trong trường hợp này là: Kế toán phải xác định đúng nội dung và phạm vi doanh thu. Các khoản chi hộ và phải thu của các đơn vị khác mà không thuộc bản chất của doanh thu thì không được ghi nhận vào doanh thu và chi phí. Kế toán hạch toán khoản chi hộ và phải thu từ các đơn vị khác theo định khoản đúng như sau: Nợ TK 138 – chi tiết khoản phải thu đơn vị bạn Có TK 338, 111, 112 – số tiền chi hộ Khi thu được tiền của đơn vị bạn, kế toán hạch toán: Nợ TK 111, 112 Có TK 138 – chi tiết khoản phải thu đơn vị bạn Thứ hai, Hoàn thiện việc xác định thời điểm ghi nhận doanh thu: Theo quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14, doanh thu bán hàng được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn tất cả năm (5) điều kiện trong đó có điều kiện là doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua. Theo đó, thời điểm xuất hóa đơn xuất khẩu chưa đủ căn cứ để xác định rằng doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua hay chưa. Vì vậy, việc ghi nhận doanh thu tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngay sau khi xuất Hóa đơn xuất khẩu là chưa phù hợp. Để ghi nhận doanh thu đúng thời điểm, kế toán cần căn cứ vào thời điểm thời điểm xác nhận thông quan và xác nhận hàng thực xuất (ghi tại mục số 32, 33 trên tờ khai hải quan). Tại thời điểm đó, doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu hàng hóa cho người mua và đáp ứng đầy đủ các điều kiện còn lại để ghi nhận doanh thu. Thứ ba, Hoàn thiện hệ thống tài khoản, hệ thống sổ kế toán chi tiết doanh thu, kết quả kinh doanh: Các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã mở các tài khoản chi tiết doanh thu nhưng không mở tài khoản chi tiết theo dõi chi tiết cho tài khoản Xác định kết quả kinh doanh. Theo đó, hệ thống sổ sách kế toán chi tiết về doanh thu, kết quả kinh doanh cũng chưa đầy đủ đáp ứng yêu cầu thông tin cho nhà quản lý. Chính vì vậy, nhà quản trị không thể biết được rằng trong số các mặt hàng đang sản xuất, mặt hàng nào đang đem lại hiệu quả, mặt hàng nào không hiệu quả, từ đó tìm ra nguyên nhân khắc phục và có quyết định sản xuất kinh doanh đúng đắn. Vì vậy, việc bổ sung các tài khoản kế toán chi tiết và mở thêm sổ kế toán chi tiết cho tài khoản Xác định kết quả kinh doanh là rất cần thiết. Tuy nhiên, để có thể xác định được kết quả kinh doanh chi tiết cho từng nhóm mặt hàng thì phải bóc tách được chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cho từng nhóm mặt hàng thông qua các công thức phân bổ. Tiêu thức phân bổ phù hợp nhất là phân bổ theo giá vốn hàng bán hoặc doanh thu bán hàng. Công thức phân bổ đề xuất như sau: Chi phí bán hàng (chi phí quản lý doanh nghiệp) phân bổ cho mặt hàng A = Tổng chi phí bán hàng và chi phí QLDN phát sinh trong kỳ * Doanh thu (Giá vốn) của mặt hàng A Tổng doanh thu bán hàng (Tổng Giá vốn hàng bán) Việc áp dụng công thức phân bổ trên dựa trên cơ sở hiện nay các doanh nghiệp đã theo dõi chi tiết được giá vốn và doanh thu cho từng nhóm mặt hàng. Việc xác định chi tiết kết quả kinh doanh cho từng nhóm mặt hàng rất cần thiết trong việc cung cấp thông tin cho nhà quản trị trong việc ra quyết định sản xuất đối với từng nhóm mặt hàng. Khi xây dựng được hệ thống tài khoản kế toán chi tiết để hạch toán doanh thu, kết quả kinh doanh chi tiết theo mặt hàng, các doanh nghiệp rất dễ dàng mở và theo dõi doanh thu, kết quả kinh doanh cho từng mặt hàng. 3.2. Thực trạng và các giải pháp hoàn thiện kế toán doanh thu và kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ dưới góc độ kế toán quản trị Mô hình kế toán quản trị mà các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng là mô hình tổ chức kết hợp kế toán quản trị và kế toán tài chính. Theo đó, một nhân viên kế toán thực hiện đồng thời công việc kế toán tài chính và công việc kế toán quản trị. Ví dụ: tại công ty cổ phần may Vĩnh Phú, kế toán tiêu thụ vừa có nhiệm vụ theo dõi, ghi chép doanh thu, kết quả kinh doanh toàn doanh nghiệp, vừa có nhiệm vụ theo dõi chi tiết doanh thu của hàng xuất khẩu và doanh thu nội địa, theo dõi chi tiết công nợ của từng đối tượng khách hàng và tình hình thanh toán của từng đối tượng đó. Qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, công tác kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị doanh thu kết quả kinh doanh nói riêng chưa được quan tâm đúng mức, bước đầu mới thực hiện được một số nội dung của kế toán quản trị. Để tiếp tục hoàn thiện kế toán doanh thu và kết quả kinh doanh, các giải pháp dưới góc độ kế toán quản trị đối với các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như sau: Thứ nhất, Hoàn thiện định giá bán sản phẩm may gia công: Qua khảo sát thực trạng nhận thấy rằng tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ khâu định giá sản phẩm bị bỏ qua. Theo đó, giá bán sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào phía đối tác nước ngoài. Điều nay gây ra sự thụ động trong sản xuất, không tránh khỏi những mặt hàng gia công không những không thu được lợi nhuận mà còn phải bù lỗ do Chi phí bỏ ra lớn hơn Doanh thu thu được. Do đó, khâu định giá bán sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp thông tin để nhà quản trị ra quyết định trong ký kết các hợp đồng kinh tế, giúp doanh nghiệp tránh khỏi việc ký kết và gia công những hợp đồng vô ích. Tác giả đề xuất cách định giá sản phẩm phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may gia công là định giá bán sản phẩm dựa trên chi phí nhân công. Xuất phát từ đặc điểm chi phí chủ yếu cấu thành nên giá thành sản phẩm gia công là chi phí nhân công, cách định giá bán sản phẩm được xác định như sau: Để xác định giá nhân công trong giá bán ta căn cứ vào đơn giá giờ công của công nhân trực tiếp sản xuất và tỷ lệ phụ phí nhân công để tính ra phần chi phí cần phải bù đắp các khoản chi phí nhân công cho các bộ phận khác và mức lợi nhuận nhất định tính cho chi phí nhân công. Công thức xác định: Giá bán sản phẩm = Chi phí nhân công trực tiếp sản xuất sản phẩm + Chi phí nhân công trực tiếp sản xuất sản phẩm x Tỷ lệ thu phụ phí nhân công Tỷ lệ thu phụ phí nhân công = Tỷ lệ bù đắp chi phí nhân công bộ phận khác x Tỷ lệ lợi nhuận tính trên chi phí nhân công Thứ hai, Hoàn thiện dự toán doanh thu và kết quả kinh doanh: Mục đích của việc lập dự toán doanh thu, kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là giúp cho nhà quản lý có được thông tin cần thiết trong việc điều hành sản xuất trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm), để sản xuất được diễn ra một cách liên tục, đều đặn, tránh tình trạng có kỳ thì sản xuất với cường độ lớn, tăng ca liên tục, có kỳ thì sản xuất lại đình trệ do phụ thuộc vào các đơn đặt hàng. Để lập được dự toán doanh thu, kết quả kinh doanh kế toán phải căn cứ vào tình hình tiêu thụ của các kỳ kế toán trước, số lượng các hợp đồng đặt may gia công sẽ phải hoàn thành tiến hành trong năm. Thứ ba, Hoàn thiện báo cáo kế toán quản trị: Trên cơ sở kế toán chi tiết doanh thu, kết quả kinh doanh theo mặt hàng, theo địa bàn… mà cuối kỳ kế toán có thể dễ dàng lập báo cáo quản trị tương ứng và rất hữu ích cho nhà quản lý, trong đó phải kể đến Báo cão lãi (lỗ) theo mặt hàng. Qua đó, nhà quản lý sẽ cân nhắc đưa ra được những quyết định đúng đắn, nên tiếp tục thực hiện sản xuất mặt hàng nhất định không, từ đó có sự đầu tư hợp lý để mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Báo cáo lãi (lỗ) theo mặt hàng có thể được thiết kế như sau: Bảng 1: Báo cáo lãi lỗ theo mặt hàng CÔNG TY CỔ PHẦN MAY PHÚ THỌ PHONG CHÂU – T.XÃ PHÚ THỌ - TỈNH PHÚ THỌ BÁO CÁO LÃI LỖ THEO MẶT HÀNG Quý IV/2011 STT Tên mặt hàng Doanh thu Giá vốn Lãi gộp CPBH CPQL Lãi (lỗ) 1 Áo Jacket 12 208 785 107 13 626 314 102 (1 417 528 995) 1 091 043 533 902 535 209 (3 411 107 737) 2 Áo nữ 501 366 420 648 730 868 (147 364 448) 44 804 834,01 37 063 544 (229 232 826) 3 Quần áo BHLĐ 485 958 080 457 400 333 28 557 747 43 427 860,82 35 924 482 (50 794 595.5) 4 Quần áo các loại 448 151 000 482 235 426 (437 420 426) 40 049 214,24 33 129 591 (107 263 231) Tổng 13 644 260 607 15 214 680 729 (1 570 420 122) 1 219 325 442 1 008 652 826 (3 798 398 390) (Nguồn số liệu: Công ty cổ phần May Phú Thọ) 4. Kết luận Trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay khi mà các doanh nghiệp phải kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt thì vấn đề tiêu thụ, xác định kết quả kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại phát triển của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp có thể đứng vững trong điều kiện hiện nay đòi hỏi những cán bộ quản lý, những người điều hành doanh nghiệp phải có những quyết định sáng suốt, lựa chọn được những phương án kinh doanh có lợi nhất. Muốn vậy nhà quản lý phải được cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời để có quyết định hợp lý. Chính vì vậy việc bố trí tổ chức công tác kế toán hợp lý có ý nghĩa quan trọng và thực sự cần thiết, đặc biệt là kế toán doanh thu, kết quả kinh doanh. Với ý nghĩa đó kế toán doanh thu và kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải thực hiện các giải pháp hoàn thiện đồng bộ dưới góc độ kế toán tài chính và kế toán quản trị để việc thực hiện nội dung kế toán này vừa tuân thủ đúng quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hiện hành vừa thực sự là công cụ quản lý hiệu quả cho nhà quản trị doanh nghiệp. Tài liệu tham khảo 1. Bộ tài chính (2007), 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam và các thông tư hướng dẫn chuẩn mực: đã cập nhật thông tư 161/2007/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2007 về hướng dẫn thực hiện 16 chuẩn mực kế toán mới. 2. Ngô Thế Chi, Trương Thị Thủy (2006), Giáo trình kế toán tài chính, Nxb Tài chính 3. Tài liệu kế toán tại công ty cổ phần may Phú Thọ, công ty cổ phần dệt Vĩnh Phú, công ty cổ phần may Vĩnh Phú. . thành và xác định doanh thu, kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp. Để hoàn thiện kế toán doanh thu, kết quả kinh doanh dưới góc độ kế toán tài chính, các giải pháp cần phải thực hiện tại các doanh. hợp lý có ý nghĩa quan trọng và thực sự cần thiết, đặc biệt là kế toán doanh thu, kết quả kinh doanh. Với ý nghĩa đó kế toán doanh thu và kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp may trên địa bàn. trạng và các giải pháp hoàn thiện kế toán doanh thu và kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Phú Thọ dưới góc độ kế toán quản trị Mô hình kế toán quản trị mà các doanh

Ngày đăng: 28/10/2014, 19:34

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan