công nhận và thi hành quyết định trọng tài đã bị hủy

8 281 2
công nhận và thi hành quyết định trọng tài đã bị hủy

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp ĐẶNG HOÀNG OANH Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp Công nhận và thi hành quyết định trọng tài đã bị hủy tại nước ra quyết định 1. Giới thiệu vấn đề: Công ước New York năm 1958 của Liên hợp quốc về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài[1](sau đây gọi là Công ước) là một điều ước quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế. Với hơn 4 thập kỷ huy hoàng cùng 141 quốc gia thành viên[2], Công ước đã minh chứng một công cụ hiện đại cho việc công nhận và thi hành thoả thuận trọng tài và quyết định trọng tài một cách hữu hiệu và thành công hơn bất kỳ một công cụ nào trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, mặc dù bộ máy toàn cầu về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài đã được thiết lập và vận hành một cách có hiệu quả, nhưng nó vẫn không thể tránh khỏi những tồn tại nhất định sau 50 năm thi hành. Rất nhiều điểm bất cập của Công ước đã đến lúc cần được loại bỏ để thay thế bằng những quy định mới phù hợp hơn. Trong khi việc sửa đổi Công ước chưa được tiến hành, thì sự thống nhất giữa các nước thành viên về cách hiểu và áp dụng những điều khoản của Công ước là rất cần thiết. Việc áp dụng đúng, đồng thời phần nào linh hoạt những quy định của Công ước cũng đặc biệt quan trọng với Việt Nam, nhất là trong trường hợp pháp luật nước ta vẫn còn nhiều điểm chưa tương đồng với pháp luật quốc tế, mà trong trường hợp này là bản thân Công ước. Trong bài viết này, một vấn đề tồn tại nhất của Công ước New York sẽ được chọn ra để nghiên cứu và tìm giải pháp khắc phục cho Việt Nam và các nước thành viên, đó là thực tiễn công nhận và thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc (country of origin), hay còn gọi là “nước đã tuyên quyết định trọng tài” hoặc “nước trọng tài”. Luận điểm mà tác giả đưa ra là “Nếu việc huỷ quyết định trọng tài tiếp tục là một trong những cơ sở để từ chối công nhận và thi hành, như đang được quy định tại điểm V(1)(e) của Công ước, thì cần phải có sự thống nhất về cách hiểu và áp dụng, để loại trừ các trường hợp quyết định trọng tài nước ngoài bị huỷ (và theo quy định của Công ước, thì hậu quả của nó là không được thi hành) một cách tuỳ tiện, hoặc thiếu căn cứ, hay vì mục đích chính trị, tôn giáo…”. Trong bài viết này, những vụ việc cụ thể, điển hình trong thực tiễn quốc tế sẽ được dẫn chứng để phân tích và so sánh, nhằm mục đích chứng minh và thuyết phục được, rằng, ở một chừng mực và trong những điều kiện nhất định, những quyết định trọng tài đã bị huỷ ở nước gốc vẫn có thể được công nhận và cho thi hành tại nước ngoài. [3]Phương án mà theo chủ quan của tác giả, có tính dung hoà cho mọi trường hợp là “chỉ từ chối công nhận và thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ ở nước gốc nếu như quyết định đó đã bị huỷ dựa trên các tiêu chí quốc tế về huỷ quyết định trọng tài” (international standards annulment). Nói cách khác, “những quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc dựa trên những tiêu chuẩn quốc gia về huỷ quyết định trọng tài (local standards annulment) sẽ không được viện dẫn để từ chối thi hành”. 2. Các án lệ quốc tế về công nhận và thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc Một trong những lý do để từ chối công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài quy định tại Điều V (1)(e) của Công ước, là “quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước đã tuyên quyết định trọng tài”. Những nhà soạn thảo Công ước đã rất thành công trong việc hạn chế được thủ tục Toà án khẳng định hiệu lực của quyết định trọng tài tại nước tuyên quyết định trọng tài cũng như nước thi hành quyết định trọng tài, một điểm vô cùng bất cập của Nghị định thư và Công ước Geneva năm 1923 và 1927.[4]Tuy nhiên, đi ngược lại lịch sử lập pháp của Công ước bằng cách rà soát những văn kiện soạn thảo của Liên Hợp quốc[5], chúng ta thấy ý tưởng chính của những nhà soạn thảo Công ước là không muốn quốc gia khác thi hành quyết định trọng tài một khi nó đã bị huỷ tại nước gốc, tức là nước đã tuyên quyết định trọng tài. Đó là lý do ra đời Khoản 1.e của Điều V. Tuy nhiên, chính bản thân ngôn ngữ của Công ước, mà cụ thể ở đây là Điều V lại không thể hiện nhất quán điều đó (sẽ phân tích dưới đây), dẫn đến một thực tế là Toà án của nước thi hành có thể áp dụng một trong 3 sự lựa chọn: không thi hành quyết định trọng tài (đơn giản vì nó đã bị huỷ), có cơ sở để không thi hành, và có cơ sở để thi hành, trừ trường hợp quyết định trọng tài bị huỷ vì một số lý do nhất định. Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp Thực tế thi hành Công ước cho thấy, Toà án của một số nước trên thế giới (như Pháp, Mỹ, Bỉ, Luxambua…) đã và đang thi hành khá nhiều quyết định trọng tài đã bị huỷ ở nước gốc. Điều đó có nghĩa là, một quyết định trọng tài bị huỷ, và vì thế không được công nhận tại chính nước gốc, lại có thể được thi hành tại một nước khác. Khả năng công nhận và thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc được minh chứng hùng hồn qua một loạt các án lệ nổi tiếng, trong đó đáng kể là các vụ Hilmarton, Norsolor và Chromalloy. a. Vụ Norsolor[6]: Trong vụ này, Nosolor, một công ty của Pháp, và Societe Pabalk Ticaret Ltd. Sirketi (“Pabalk”), công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, đã ký kết với nhau một thoả thuận, theo đó, Pabalk sẽ được nhận một khoản tiền hoả hồng từ phía Nosolor cho việc trung chuyển một số hàng hoá cho bên thứ ba. Do Pabalk không làm đúng nghĩa vụ theo yêu cầu trong Hợp đồng, Nosolor đã huỷ Thoả thuận giữa hai bên, và đề nghị Pabalk hoàn trả số tiền hoả hồng đã nhận cũng như phải đền bù thiệt hại. Pabalk không đồng ý, hai bên đưa vụ tranh chấp ra xét xử tại Toà án trọng tài ICC được chỉ định tại thủ đô Vienna, ÁO. Công ty Thổ Nhĩ Kỳ (Pabalk) đã thắng kiện. Để ra quyết định này, trọng tài ICC đã không hề căn cứ vào pháp luật Pháp cũng như Thổ nhĩ Kỳ, mà đã xem xét vụ kiện dưới bản chất quốc tế của hợp đồng giữa hai bên, và áp dụng nguyên tắc quốc tế Lex Mercatoria[7](còn gọi là Luật thương gia - Law of merchant). Trong khi Pabalk tìm cách thi hành quyết định trọng tài ICC tại Pháp, thì ngày 29.1 năm 1982, phần lớn quyết định trọng tài này đã bị huỷ tại Toà án Tối cao của Áo tại Vienna căn cứ vào lý do các trọng tài đã áp dụng Lex Mercatoria thay bằng pháp luật quốc gia. Hậu quả pháp lý của quyết định này là việc Toà Phúc thẩm tại Paris đã phủ nhận yêu cầu công nhận và thi hành quyết định trọng tài của ICC. Tuy nhiên, ngay sau đó, Toà Tối cao (hay còn gọi là Toà Phá án - Court of Casation) đã lật ngược bản án của Toà Phúc thẩm Paris và tuyên rằng, quyết định trọng tài vẫn được thi hành tại Pháp, bất chấp việc nó đã bị huỷ tại nước đã tuyên trọng tài (Áo). b. Vụ Hilmarton: Án lệ Nosolor của Toà án Pháp sau đó ít năm đã được lặp lại tại một vài quyết định khác, mà điển hình là trong Vụ Hilmarton[8]. Trong Vụ này, Hilmarton, một công ty tư vấn của Anh đã kiện công ty OTV (Pháp) ra Trọng tài ICC tại Thuỵ Sỹ về việc không trả 50% phí môi giới còn lại cho việc tư vấn hợp đồng xây dựng hệ thống thoát nước tại Algiers. Trọng tài ICC đã không đáp ứng đề nghị của Hilmarton, xử thắng kiện cho OTV, cho rằng hợp đồng giữa hai bên đã vi phạm trật tự công cộng của Thuỵ Sỹ . Hilmarton không đồng ý, cho rằng trọng tài đã tuỳ tiện, nhầm lẫn khi xem xét vấn đề trật tự công cộng, và đệ đơn đề nghị Toà án Thuỵ Sỹ huỷ quyết định trọng tài ICC. Toà phúc thẩm của Thuỵ Sỹ tại Geneva, tại quyết định tháng 11 năm 1989 đã đồng ý với đề nghị của Hilmarton. OTV kháng cáo quyết định này lên Toà Tối cao của Thuỵ Sỹ, nhưng Toà Tối cao của Thuỵ Sỹ cũng bác đơn của OTV, khẳng định lại việc trọng tài ICC đã tuỳ tiện áp dụng điều khoản trật tự công cộng của Thuỵ Sỹ và huỷ quyết định của trọng tài ICC. Bất chấp việc Toà án Thuỵ Sỹ đã huỷ quyết định trọng tài của ICC, OTV vẫn đệ đơn đề nghị Toà án Pháp công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài ICC, đòi Hilmarton hoàn trả số tiền mà OTV đã trả cho Hilmarton trước đó. Hilmarton viện dẫn điều V(1)(e) để phản đối việc thi hành án, cho rằng theo quy định của điều này, thì quyết định của trọng tài ICC đã bị huỷ tại nước gốc (Thuỵ Sỹ) và do vậy, không được phép cho thi hành tại Pháp. Tuy nhiên, Toà án Pháp, trong vụ việc này đã đứng về phía OTV, và đương nhiên là bất chấp bản án huỷ quyết định trọng tài của Toà án Tối cao Thuỵ Sỹ trước đó, vẫn công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài của ICC, bằng các quyết định của Toà sơ thẩm Paris ngày 26 tháng 2.1990, sau đó là Toà Phúc thẩm Paris ngày 19 tháng 12.1993 (theo đơn kháng cáo của Hilmarton), và cuối cùng là bằng quyết định của Toà Phá án Pháp ngày 23.3.1994. c. Vụ Chromalloy: Án lệ thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc không chỉ được gặp ở Pháp và một số nước Châu Âu như Luxambua[9], Bỉ… mà còn ở một số nước khác, trong đó điển hình là ở Mỹ trong Vụ Chromalloy[10]. Ở Vụ này, tranh chấp giữa Chromalloy Aero-Service, Inc. (một công ty của Mỹ) và nước Cộng hoà Ai cập đã được xét xử bằng Trọng tài tại Cairo, Ai cập. Quyết định trọng tài được tuyên năm 1994 theo hướng có lợi cho công ty của Mỹ, bằng việc chỉ định nghĩa vụ của Ai Cập trả tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm Hợp đồng. Việc thi hành án được tiến hành tại hai nước Pháp và Mỹ. Tuy nhiên phía Ai Cập không đồng ý với quyết định trọng tài và đã đưa đơn đề nghị Toà án Ai Cập huỷ quyết định trên. Ngày 5 tháng 12 năm 1995, Toà phúc thẩm Cai ro đã ra bản án huỷ quyết định trọng tài, căn cứ vào quy định của Luật Trọng tài (mới) của Ai Cập năm 1994, theo đó quyết định trọng tài có thể bị huỷ nếu pháp luật Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp mà hai bên đã chỉ định lựa chọn không được sử dụng để giải quyết tranh chấp. Cộng hoà Ai Cập viện lẽ rằng trọng tài đã sai khi không áp dụng Luật hành chính của Ai Cập, ngành Luật mà phía Ai cập cho là hai bên tranh chấp đã ám chỉ đến tại thoả thuận trọng tài khi họ sử dụng cụm từ “pháp luật Ai Cập” (Egypt Law). Toà án cho rằng Hợp đồng của hai bên là “Hợp đồng hành chính”, vì vậy việc trọng tài áp dụng Luật Dân sự thay bằng lẽ ra phải áp dụng Luật Hành chính, để giải quyết tranh chấp trong trường hợp này là sai, bởi như vậy có nghĩa là đã không tuân theo pháp luật mà các bên tranh chấp đã lựa chọn. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực từ phía Ai Cập để huỷ quyết định trọng tài, nó vẫn được thi hành tại Pháp và Mỹ. Ngày 14 tháng 1 năm 1997, Toà Phúc thẩm của Pháp đã ra quyết định công nhận và thi hành quyết định của trọng tài Ai Cập. Và ở Mỹ, tương tự, quyết định trọng tài cũng đã có hiệu lực thi hành bằng bản án công nhận và cho thi hành của Toà án Mỹ ngày 31 tháng 12 năm 1996. 3. Phân tích cơ sở pháp lý của việc thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ ở nước gốc[11]: Không phải ngẫu nhiên mà Toà án Pháp, một số nước Châu Âu cũng như Toà án Mỹ cho phép thi hành trên lãnh thổ nước mình quyết định trọng tài đã bị huỷ ở nước nơi đã tuyên quyết định trọng tài. Có hai căn cứ pháp lý để Toà án các nước được thi hành viện dẫn, 1) về mặt quốc tế, đó là chính bản thân điều khoản của Công ước New York và 2) về mặt quốc nội, chính quy định của pháp luật quốc gia về trọng tài. Về mặt pháp luật quốc tế, ngay bản thân trong Công ước New York, có 2 điều khoản là cơ sở để lập luận cho các quyết định của Toà án Pháp và Mỹ. Đó là các điều V và VII. Điều V được hiểu rằng, Toà án các nước được thi hành được trao quyền tự do suy xét việc cho hay không cho phép thi hành quyết định trọng tài nước ngoài trên lãnh thổ nước mình. Các nước thành viên cho rằng, các quy định tại Điều V của Công ước có thể được áp dụng một cách linh hoạt, tuỳ từng trường hợp cụ thể, vì nó tuyên rằng “Toà án nước thi hành “có thể” (“may”) từ chối thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ, chứ không là việc họ “phải” (must) làm việc đó. Và như vậy, về lý thuyết, Toà án của nước thi hành có thể áp dụng một trong 3 sự lựa chọn: không thi hành quyết định trọng tài (đơn giản vì nó đã bị huỷ), có cơ sở để không thi hành, và có cơ sở để thi hành, trừ trường hợp quyết định trọng tài bị huỷ vì một số lý do nhất định. Ngoài ra, bản thân Công ước cũng cho phép áp dụng điều khoản về quyền có lợi hơn (more favorable right provision) (Điều VII) mà theo đó, có thể lập luận rằng, quyết định trọng tài nước ngoài đã bị huỷ tại nước đã tuyên trọng tài cũng có thể được công nhận và thi hành ở một nước khác, nếu như pháp luật nước này không quy định lý do huỷ trọng tài là cơ sở đề từ chối việc thi hành . Điều này tuyên rằng: “Các điều khoản của Công ước này không làm ảnh hưởng tới hiệu lực của các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài, mà các quốc gia thành viên Công ước này đã ký kết hoặc tham gia, và cũng không làm ảnh hưởng đến bất kỳ quyền lợi nào mà một bên hữu quan có thể có được từ quyết định của trọng tài theo cách thức và trong giới hạn mà pháp luật hoặc các điều ước quốc tế của nước được yêu cầu thi hành quyết định của trọng tài đó cho phép” Về mặt quốc nội, năm 1981, Toà án Pháp đã ban hành văn bản pháp luật quy định thuận lợi hơn cho việc không công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, bằng cách hạn chế những điều khoản từ chối thi hành. Điều 1502 của Bộ Luật Dân sự Pháp năm 1981 không chứa đựng quy định tại Điều V(1) (e) của Công ước New York, tức là điều khoản cho phép không công nhận và thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc. Theo quy định của pháp luật Pháp[12], chỉ có 5 trường hợp Toà án Pháp có thể dùng làm căn cứ để không thi hành quyết định trọng tài nước ngoài, đó là: (i) Nếu quyết định đựợc tuyên không trên cơ sở của Thoả thuận trọng tài, hoặc quyết định trọng tài bị vô hiệu hoặc đã hết hiệu lực; (ii) Thành phần của trọng tài không đúng quy định, hoặc trọng tài duy nhất được chỉ định không hợp lệ. (iii) Nếu trọng tài viên vượt quá thẩm quyền xét xử mà các bên đã đề nghị (iv) Nếu thủ tục tố tụng trọng tài không được tôn trọng. (v) Nếu việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài vi phạm trật tự công cộng quốc tế. Toà án Tối cao Pháp, trong các vụ việc đã dẫn chứng ở trên đều tuyên rằng các Toà án Pháp có nghĩa vụ Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp thi hành quyết định trọng tài nước ngoài hoặc quyết định trọng tài quốc tế (foreign or international awards) có yêu cầu thi hành tại Pháp bằng cách loại trừ việc áp dụng khoản V(1)(e) dựa trên cơ sở của điều khoản bắt buộc quy định về “quyền có lợi hơn” (more favorable right) nêu tại Điều VII của Công ước New York . Quyết định của Toà án Pháp về vấn đề thi hành quyết định trọng tài nước ngoài đã bị huỷ này, tương đồng với quan điểm phi địa phương hoá (denationalized/ or delocalized) các quyết định trọng tài.[13]Lý lẽ mà Toà án các nước được thi hành viện dẫn cho vấn đề này là ở chỗ, quyết định trọng tài quốc tế không hoà nhập và không trở thành một bộ phận của hệ thống pháp luật quốc gia nơi tuyên quyết định đó, và nó vẫn có hiệu lực kể cả khi đã bị huỷ tại nước gốc này. Nói cách khác, nó không thể bị bài trừ sau khi bị huỷ. Những Toà án này cho rằng không có lý khi buộc hiệu lực của quyết định trọng tài quốc tế phải phụ thuộc vào pháp luật của nước gốc. Sự hiện diện về mặt vị trí cơ học không nên kéo theo một hệ quả pháp lý bất thường. Hiệu lực của quyết định trọng tài quốc tế, theo quan điểm phi địa phương hoá này, phụ thuộc vào quy định của pháp luật, nhưng là pháp luật của nước thi hành quyết định đó, nhất là một khi điều này đã được quy định tại điều ước quốc tế, rằng nước thi hành có thể sử dụng chủ quyền tối cao của mình để phán quyết hiệu lực của quyết định trọng tài. Sẽ là bất thường khi cho rằng nước gốc vận hành siêu chủ quyền của mình để tước bỏ chủ quyền về quyền lực tư pháp của các nước thi hành quyết định trọng tài. Tương tự như các lập luận của Toà án Pháp trong 3 vụ việc nổi tiếng về thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ nêu trên, trong Vụ Chromalloy, Toà án Mỹ cũng đã tìm ra một loạt các văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc là Ai Cập. Căn cứ vào Công ước New York, Toà án Hoa Kỳ tuyên rằng họ “có thể toàn quyền xem xét tuyên bố việc thi hành”, có nghĩa là họ có thể cho phép hoặc không cho phép việc thi hành. Toà án Hoa Kỳ tuyên rằng, bằng từ “có thể” (“may”), Công ước không ấn định việc từ chối thi hành - Điều V của Công ước chỉ đưa ra những cơ sở pháp lý để các Toà án tự quyền xem xét. Liên quan đến Điều VII (1) về điều khoản có lợi hơn, Toà án phân tích Luật Liên bang về trọng tài năm 1994 và khẳng định rằng theo quy định của Luật này, thì việc “… Toà án nước ngoài huỷ quyết định trọng tài không là cơ sở cho việc không thi hành nêu tại Chương 10 của Luật Liên bang về trọng tài”.[14]Theo pháp luật Mỹ, quyết định trọng tài sẽ được thi hành trừ phi có các chứng cứ của việc gian lận, hối lộ, thiên vị, thành kiến, vi phạm về trình tự tố tụng hoặc khi trọng tài viên vượt quá thẩm quyền xét xử của mình, bao gồm cả việc bất chấp pháp luật một cách hiển nhiên (manifest disregard of the law). Căn cứ vào quy định tại Chương 10 của Luật Liên bang về trọng tài thì cơ sở của việc huỷ quyết định trọng tài của Toà án Ai Cập không phù hợp với pháp luật Mỹ.[15] Việc lựa chọn không chính xác Luật áp dụng không thể bị coi là “bất chấp pháp luật một cách hiển nhiên” được, vì vậy quyết định của Toà án Ai Cập không thể được coi là có hiệu lực tại Mỹ. Và hậu quả pháp lý của nó, là quyết định trọng tài nước ngoài, mặc dù đã bị huỷ, vẫn đương nhiên được thi hành tại Mỹ. 4. Thống nhất hoá tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về huỷ quyết định trọng tài: Như vậy, vấn đề đặt ra là: liệu có cần thiết không khi vẫn quy định như hiện nay trong Công ước New York rằng, việc huỷ quyết định trọng tài tại nước gốc là một căn cứ để không công nhận và thi hành quyết định trọng tài? Theo tác giả, đã đến lúc cần phải xem xét lại điều khoản này. Thực ra nó đã không hợp lý, lỗi thời, và có thể dẫn đến trường hợp trọng tài quốc tế có thể bị tê liệt bởi sự can thiệp chính trị hoặc việc ưu tiên áp dụng những quy định pháp luật quốc nội không hợp lý. Hậu quả pháp lý rất có thể xảy ra, là quyết định trọng tài có thể bị huỷ tại nước gốc căn cứ vào mọi điều khoản pháp luật quốc gia là cơ sở để huỷ, bao gồm cả lý do về trật tự công cộng. Như vậy, những căn cứ để từ chối thi hành quyết định trọng tài có thể gián tiếp bị mở rộng, bao gồm mọi đặc thù riêng biệt của pháp luật quốc nội của nước gốc. Thử lấy một dẫn chứng, liệu một quyết định trọng tài được tuyên tại Ả Rập Xê út liên quan đến vấn đề lợi nhuận (interest), và sau đó bị Toà án nước này tuyên vô hiệu, dựa trên căn cứ rằng pháp luật quốc gia của họ không công nhận hình thức “lãi”,[16] có thể bị lấy làm lý do để từ chối thi hành tại nước khác hay không? Đó là chưa kể đến một loạt các quy định rất không hợp lý trong pháp luật của một số nước khác vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng hay chính trị… Tất cả những điều đó đương nhiên làm ảnh hưởng xấu đến mục đích hạn chế việc từ chối thi hành theo tinh thần của Công ước, và cũng đương nhiên làm giảm tính đồng bộ, nhất quán trong việc áp dụng Công ước. Rõ ràng thực tế thi hành Công ước cho thấy, cũng rất có thể chấp nhận được việc loại bỏ lý do quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc trong điều khoản quy định về căn cứ từ chối thi hành quyết định trọng tài. Đạo lý của vấn đề là ở chỗ, câu trả lời vị lợi cho việc đồng nhất từ chối thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ, bất chấp những công bằng và có lý của việc huỷ này, tại nước gốc, có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của rất nhiều người. Trên bình diện chính trị quốc tế, cũng như trong thương mại, những quan tâm về mặt công lý hay công bằng luôn cạnh tranh với, và thông thường là chiếm ưu thế hơn, những gì vị lợi, giáo điều, hoặc lý thuyết. Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp Như vậy, rõ ràng là thực tiễn công nhận và thi hành quyết định trọng tài bị huỷ tại nước gốc, trong những trường hợp đã phân tích ở trên, có thể được coi là một bước tiến bộ để thúc đẩy trọng tài ngày càng trở nên một phương thức hữu hiệu nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, việc sửa đổi một Công ước quốc tế nhằm đạt được sự nhất quán của hầu hết các quốc gia với một vấn đề có tính chất nhạy cảm, không hẳn là đơn giản. Thêm nữa, cũng phải chấp nhận một thực tế là, đi ngược lại hoàn toàn những gì có tính chất lịch sử, kinh điển, truyền thống của chế định trọng tài cũng không hẳn là dễ được chấp nhận. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để tìm được một phương cách dung hoà giữa một bên là tính bảo thủ quá mức của Điều V(1)(e) với bên kia là chủ nghĩa tự do nổi trội, bao trùm trong pháp luật quốc gia về trọng tài, như của Pháp đã phân tích ở trên. Việc tìm ra giải pháp trung gian đó phải tính đến, và đặt trong tổng thể xu thế đang nổi lên hiện nay là hạn chế sự can thiệp của Toà án quốc gia đối với trọng tài quốc tế, như đang được quy định trong pháp luật một số nước, cũng như thực tiễn nổi bật trong việc soạn thảo và thi hành điều khoản về huỷ quyết định trọng tài trong Công ước Geneva 1961 về trọng tài quốc tế (theo quy định của Điều IX và một số điều tiếp đó, liên quan đến việc huỷ quyết định trọng tài như đã nêu tại Điều V(1)(e) của Công ước New York, lý do về trật tự công cộng và tính “có thể của trọng tài” (arbitrability) sẽ không là cơ sở để từ chối thi hành quyết định trọng tài trên nước khác.) Giải pháp mà tác giả, đặt trong tổng thể xu hướng nhất thể hoá pháp luật trọng tài, đề xuất, là cần phải thống nhất về cách hiểu, giải thích và áp dụng quy định của Công ước New York về nội hàm huỷ quyết định trọng tài, theo hướng cần phân biệt quyết định trọng tài trong nước bị tuyên vô hiệu dựa trên các tiêu chuẩn quốc gia về huỷ quyết định trọng tài, và quyết định trọng tài quốc tế bị tuyên vô hiệu dựa trên tiêu chí quốc tế về huỷ quyết định trọng tài. Tiêu chí mà tác giả muốn đạt được trong chế định công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, là việc nhất thể hoá pháp luật về trọng tài thương mại quốc tế cần tạo thuận lợi nhiều nhất cho việc thi hành quyết định trọng tài, trừ trường hợp có những vi phạm có tính chất nền tảng về mặt thủ tục hoặc nội dung. Theo quan niệm của nhiều quốc gia, những trường hợp vi phạm có tính chất nền tảng về mặt thủ tục, là khi bên phải thi hành không được đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu về mặt thủ tục tố tụng tư pháp, đã được chấp nhận trên bình diện quốc tế; và khi có cơ sở để thấy rõ rằng, thủ tục không phù hợp đang áp dụng để giải quyết vụ việc bằng trọng tài có thể dẫn đến sự khác biệt về mặt nội dung. Những vi phạm có tính chất cơ bản về mặt nội dung cho việc thi hành, đó là trường hợp những nền tảng cho sự sống còn của nước được thi hành sẽ bị ảnh hưởng nếu như tại nước họ, quyết định trọng tài nước ngoài được thi hành. Cụ thể hoá những tiêu chuẩn quốc tế về huỷ quyết định trọng tài, thì đó là những chuẩn mực cần thiết về mặt thủ tục cho việc công nhận và thi hành. Đó cũng chính là những cơ sở pháp lý đã được liệt kê trong các khoản a-d của Điều V(1) trong Công ước New York, đó là vấn đề thoả thuận trọng tài vô hiệu; các bên tranh chấp không thực hiện đầy đủ được quyền tố tụng của mình; nội dung quyết định trọng tài không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá đề nghị của các bên; và thành phần, thủ tục trọng tài không phù hợp. Tất cả những gì còn lại trong điều V này (điểm e khoản 1 và toàn bộ khoản 2) sẽ được coi là “tiêu chuẩn quốc gia về huỷ quyết định trọng tài”, chỉ có thể được áp dụng với quyết định trọng tài trong nước, và có hiệu lực riêng đối với quốc gia đó. Nói một cách khác, quyết định trọng tài bị huỷ dựa trên các tiêu chí quốc gia sẽ không có hiệu lực ngoài lãnh thổ nước đã tuyên quyết định trọng tài. Những tiêu chuẩn quốc tế về huỷ quyết định trọng tài đặc biệt phải được hiểu và áp dụng thống nhất theo các chuẩn mực quốc tế đã được công nhận. Hiện tại, rõ ràng là các thiết chế thi hành quyết định trọng tài thường áp dụng những cách giải thích riêng biệt, tuỳ tiện, và cả khác thường, những lý do để từ chối thi hành. Họ đương nhiên cũng thường xuyên bị chi phối bởi những quy định có tính chất đặc thù của pháp luật quốc gia khi giải quyết từng vụ việc cụ thể. Nếu những điều khoản này được quy định chi tiết và rõ ràng bao nhiêu trong pháp luật trọng tài của các nước, thì sẽ thuận lợi bấy nhiêu cho trọng tài quốc tế khi xét xử, bởi họ có thể hạn chế thấp nhất được việc bị từ chối thi hành, một khi biết tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về mặt thủ tục của quốc gia thi hành quyết định trọng tài nước ngoài. Dựa cơ bản vào ngôn ngữ có tính chất được hiểu tuỳ tiện (discretionary) của Công ước New York, có thể khẳng định rằng, không có một trở ngại pháp lý nào cho việc thi hành quyết định trọng tài bất chấp việc nó đã bị huỷ theo tiêu chuẩn quốc gia. Vì vậy, vấn đề không phải là có thể thi hành quyết định trọng tài đã bị huỷ hay không, mà là có thi hành hay không, và lúc nào thì sáng suốt để làm việc đó. Phương án từ chối công nhận hiệu lực quốc tế của quyết định trọng tài đã bị huỷ theo tiêu chuẩn quốc gia, Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp thực sự là một cuộc “cách mạng”, bởi lẽ nó là kết quả của việc công kích vào uy quyền tối cao của nước có trọng tài xét xử. Án lệ từ vụ Chromalloy là một điển hình trong việc chỉ ra ranh giới giữa quyết định trọng tài bị huỷ tại nước gốc căn cứ vào những chuẩn mực quốc nội về huỷ trọng tài, và quyết định trọng tài bị huỷ dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận. Chương I của Luật trọng tài Liên bang Mỹ về cơ bản đã liệt kê tất cả những cơ sở được quốc tế công nhận để từ chối thi hành quyết định trọng tài đã nêu tại Công ước New York (đương nhiên là loại trừ lý do huỷ quyết định trọng tài tại nước gốc). Nếu như Toà án Ai Cập huỷ quyết định trọng tài dựa trên một trong những căn cứ đó, thì Chromalloy đã không có thể áp dụng điều khoản có lợi hơn trong pháp luật quốc gia, và như vậy quyết định này đã có thể không được thi hành tại Mỹ và các nước khác. Như vậy, là ở Mỹ, trọng tài nước ngoài bị huỷ theo tiêu chuẩn quốc gia vẫn giữ nguyên hiệu lực, trong khi bị huỷ dựa trên tiêu chí quốc tế thì lại không. Điều này thúc đẩy sự thống nhất và tính dự đoán trước về mặt quốc tế của pháp luật trọng tài. Cuộc cách mạng về trọng tài này cũng đã được khởi đầu bằng Công ước Geneva 1961 về trọng tài quốc tế. Như đã nhắc tới một lần ở trên, Điều IX của Công ước này quy định rằng quyết định trọng tài bị huỷ vì lý do vi phạm trật tự công cộng hoặc ngoài phạm vi thẩm quyền xét xử bằng trọng tài, sẽ không là cơ sở của việc từ chối thi hành tại nước ngoài. Tính ưu việt của phương án trên của Công ước 1961 là ở chỗ, nó loại trừ mọi khả năng đồng nhất những quy định đặc thù về huỷ quyết định trọng tài của nước có trọng tài thành các quy định từ chối thi hành của Công ước. Cuộc cách mạng về hạn chế những quy định về huỷ quyết định trọng tài cũng được tiến hành ở một loạt các nước Châu âu khác như Bỉ (tại Luật trọng tài của Bỉ tháng 3 năm 1985), Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển (Luật Tư pháp quốc tế năm 1987), Luxambua… Học giả Frank Bernd Weigand còn khẳng định một cách hơi cực đoan rằng, “thực chất đang có một xu hướng hiện nay là hạn chế việc xem xét tư pháp và tiến tới lúc các bên có thể loại trừ hoàn toàn mọi sự can thiệp của Toà án vào chế định huỷ trọng tài. Luật quốc gia sẽ được sửa đổi lại, đảm bảo tính thống nhất, và Toà án cần phải tuân theo vụ kiện bằng cách phê chuẩn quyết định trọng tài, trừ những trường hợp vô cùng đặc biệt.”[17] 5. Việc công nhận quyết định trọng tài đã bị huỷ với quy định của pháp luật Việt Nam[18]: Ngược hẳn với ngôn ngữ thể hiện tính mềm dẻo, linh hoạt trong việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài đã bị huỷ của Công ước New York (Điều V), thì pháp luật Việt Nam lại quy định một cách rất cứng nhắc chế định này. Chữ “có thể” (“may”) của Điều V Công ước New York được chuyển hoá vào pháp luật Việt Nam tại Điều 16 Pháp lệnh công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài năm 1995 trước đây[19]thành “không” (“shall not”) và sau đó là tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (Điều 370). Quy định này làm hạn chế quyền của Toà án Việt Nam trong việc xem xét công nhận và cho thi hành các quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc, ngay cả khi rõ ràng rằng căn cứ để huỷ quyết định đó là không xác đáng.[20] Thử lấy ví dụ, tranh chấp xảy ra giữa một công ty nước ngoài và một doanh nghiệp Việt Nam, đã được giải quyết bằng trọng tài nước ngoài, theo hướng có lợi cho phía Việt Nam. Doanh nghiệp của ta đề nghị Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài ở nước mình (Việt Nam), do tài sản của bên phải thi hành đang có tại đây. Giả sử trong trường hợp này, bên phải thi hành (công ty nước ngoài) đã lợi dụng những quy định đặc thù về tôn giáo trong pháp luật nước họ về huỷ quyết định trọng tài, đề nghị, và được Toà án nước ngoài huỷ quyết định trọng tài đã được tuyên đó. Liệu Toà án Việt Nam trong trường hợp này có học tập án lệ của Toà án Pháp, Mỹ hay các nước khác (như đã phân tích và dẫn chứng trong các án lệ nổi tiếng ở trên), để xem xét tính công bằng, hợp lý của việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam hay không?! Chắc chắn là sẽ rất khó, nếu như không nói là không thể, một khi Toà án Việt Nam vẫn hiểu và áp dụng một cách cứng nhắc Điều V của Công ước thông qua các quy định của Điều 370 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004! Thêm nữa, Điều VII của Công ước New York, lẽ ra là có thể viện dẫn như điều khoản lợi thế để áp dụng những quy định của pháp luật Việt Nam có lợi hơn cho doanh nghiệp của ta - bên được thi hành, thì rất tiếc, nó lại bị trói chân, hay nói cách khác, bị vô hiệu hoá, bởi lẽ, các quy định của pháp luật Việt Nam về huỷ quyết định trọng tài vẫn khắt khe và cứng nhắc hơn nhiều quy định của các nước, cũng như các điều ước quốc tế như đã phân tích ở trên! Vì vậy, đề xuất mà tác giả đưa ra là cần phải sửa đổi lại ngôn ngữ của Điều 370 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 cho phù hợp với tinh thần Điều V của Công ước New York, bằng cách đổi từ “không được” (shall not) bằng chữ “có thể” (may). Việc thay đổi một từ này trong Pháp lệnh, nghe thì tưởng chừng là không có ý nghĩa gì, nhưng nó lại là ngôn ngữ có tính chất chìa khoá, quyết định cho khả năng công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định trọng tài nước ngoài đã bị huỷ ở nước gốc. Ngoài ra, các căn cứ pháp lý để từ chối công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài quy định tại Điều 370 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, thiết nghĩ, cũng cần được xem xét lại, theo hướng đáp ứng tinh thần của Công ước New York, các điều ước quốc tế khác về trọng tài (ví dụ như Công ước Geneva năm 1961), cũng như pháp luật các nước, là tạo thuận lợi nhiều nhất cho việc thi hành quyết định trọng tài nước ngoài.[21] Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp 6. Kết luận: Tại thời điểm hiện tại, khi mà chúng ta đã bước sang thế kỷ 21, những tiến bộ và phát triển của trọng tài quốc tế tất yếu sẽ đòi hỏi một sự sửa đổi, hay ít nhất là một sự giải thích rõ ràng những khía cạnh nhất định của Công ước, nhằm đạt được sự hoà hợp, thống nhất về cách hiểu và áp dụng những cơ sở của việc từ chối thi hành quyết định trọng tài nước ngoài. Trong khi chưa tiến hành sửa đổi hoặc chưa có được một Nghị định thư bổ sung cho Công ước New York , thì việc hài hoà hoá cách giải thích Công ước dựa trên các án lệ quốc tế đã được thông qua, để có được tiêu chí áp dụng chung, đảm bảo những tiến bộ của trọng tài quốc tế, là rất cần thiết. Ngoài ra, trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay, thì mọi sửa đổi pháp luật trọng tài dù lớn hay nhỏ đều cần phải được thực hiện ở tầm quốc tế. Chỉ có bằng cách đó thì những mục đích lớn lao của Công ước là tạo ra sự đảm bảo cho tính ổn định và an toàn của các giao dịch thương mại quốc tế mới được thúc đẩy. Mọi nỗ lực đơn phương của một quốc gia trong việc thúc đẩy trọng tài trong nước bằng cách ban hành những quy định tưởng chừng như hấp dẫn trong pháp luật nước mình, mà không tính đến việc hoà hợp nó với các thiết chế toàn cầu, sẽ không hề hiệu quả. Trái lại, nó có thể tạo nên những xung đột trong các quy định về trọng tài quốc tế, làm vô hiệu dần tính thống nhất của phương thức trọng tài, vốn đã và đang được coi là biện pháp ưa chuộng nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế./. ========== ****** =========== [1] Công ước được ký tại New York, ngày mồng 10 tháng 6 năm 1958, có hiệu lực từ ngày mồng 7 tháng 6 năm 1959. Công ước được hoàn tất tại Hôi nghị năm 1958 dưới sự bảo trợ của Uỷ ban Kinh tế Xã hội của Liên Hợp quốc. Hội nghị này đã phát triển và hoàn thiện Công ước từ bản Dự thảo đầu tiên do Uỷ ban Thương mại quốc tế đưa ra trước đó, từ năm 1953. Cho đến nay, đã có 128 quốc gia trở thành thành viên của Công ước , bằng cách phê chuẩn, gia nhập hay kế thừa. Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước này từ năm 1995. Xem tuyển tập các điều ước quốc tế của Liên Hợp quốc tại 330 U. N. T. S.38. Tóm tắt nội dung làm việc của Hội nghị New York, diễn ra tại trụ sở của Liên Hợp quốc tại New York từ ngày 20 đến ngày 10 tháng 6 năm 1958, kết thúc bằng việc thông qua Công ước New York năm 1958 được lưu trữ tại Tài liệu của Liên Hợp quốc ký hiệu UN DOC E/ CONF. 26/ SR. 1- 25. Lưu trữ văn bản làm việc của các bên cũng có thể tìm tại UN DOC E/ CONF. 26/ 7 and L. 7 – 63. [2] Tính đến thời điểm tháng 7.2008, 141/192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã gia nhập Công ước này. Chỉ còn 51 quốc gia và Đài Loan là chưa trở thành thành viên của Công ước. Xem http://en.wikipedia.org/wiki/Convent d_Enforcement_ of_Foreign_Arbitral_Awards, ngày 10.7.2008. [3] Chi tiết về các vụ việc này, xem thêm Đặng Hoàng Oanh, “Recognition and enforcement of foreign arbitral awards: a look for a comparable regime for Viet Nam - Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài: thử tìm một cơ chế thích hợp cho Việt Nam” - Luận văn Thạc sỹ Khoa Sau Đại học Luật, Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật bản , lưu tại Thư viện Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật bản; tr. 45 – 56. [4] Nghị định thư Geneva về Thoả thuận trọng tài năm 1923, ký tại Geneva ngày 24 tháng 9 năm 1923, có hiệu lực từ ngày 28 tháng 7 năm 1924, được công bố tại Tuyển tập các điều ước quốc tế của Hội quốc liên số 27 L.N.T. S. 258(1924), no. 678; Công ước Geneva năm 1927 về thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài, ký tại Geneva ngày 26 tháng 9 năm 1927, có thể tìm tại 92 L. N. T. S. 302, no. 2096. [5]Xem sách đã dẫn 1, Văn bản làm việc của các bên Công ước New York tại tài liệu của Liên Hợp quốc UN DOC E/ CONF. 26/ 7 and L. 7 – 63. [6] Xem các quyết định của Toà Phúc thẩm và Toà Phá án Pháp: Judgment of Oct. 9,1984, Cass. Civ.1re, 1985 REV.ARBITRATION.431, dịch và in tại XI Y.B.COMMERCIAL.ARBITRATION 484, 489-91 (1986). [7] Nội hàm của Lex Mercatoria cổ điển, theo James Kent là một hệ thống các luật mà về cơ bản tính chất, đặc thù và quyền lực của nó không phụ thuộc vào những thiết chế thực sự hay tập quán địa phương nhất định của bất kỳ một quốc gia cụ thể nào, mà là tổng thể những nguyên tắc nhất định về tính công bằng, hợp lý, và những tập quán có thể tạo ra lợi ích vật chất và lương tri, công lý, để điều chỉnh những hoạt động của thương gia trong thế giới văn minh của chúng ta”. Xem thêm tại JAMES KENT, 3 COMMENTARIES ON AMERICAN LAW 2-3 (12TH ED. BOSTON, LITTLE BROWN & COURT. 1873). Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp [8] Xem các quyết định của các Toà án trong Vụ OTV (France) no. 5622 tại J J.ARNALDEZ, Y. DERAINS & D. HASCHER, COLLECTION OF ICC ARBITRAL AWARDS (RECUEIL DES SENTENCES ARBITRALES DE LA CCI), 1991-1995 (Paris 1997), 220; Yearbook COMM. ARB’N XIX (1994), tr.105 và 214; YEARBOOK COMM. ARB’N XX (1995), tr. 663. [9] Xem Vụ Sovereign Participations International S.A. v. Chadmore Developments Ltd., 24 Y.B. Com. Arb. 714 (1999). [10] Xem các Quyết định trọng tài trong vụ Chromalloy Aero-Services, Inc. (United States) v. The Arab Republic of Egypt case, ngày 24, tháng 8 năm 1994 tại Cairo (Egypt), tại 11 MEALEY’S INTERNATIONAL ARBITRATION REPORT (1996, no. 8), C-1 et seq. (including the dissenting opinion of the Egypt arbitrator, at 36 et seq.); xem bản án của Toà Phúc thẩm Cairo ngày 5.12.1995 huỷ quyết định trọng tàI tại REV.ARB.(1998), tr. 723; xem quyết định của Toà án Hoa Kỳ tại (U.S District Court, Distric of Columbia) ngày 31 tháng 7 năm 1996: Civil No. 94-2339 (JLG), 939 Fed.Supp. (D.D.C.1996), at 907 et seq.; 11 Mealey’s international arbitration report (1996, no. 8), C-54 et seq.; YEARBOOK COMM ARB’N XXII (1997), tr. 691, 1001. [11] Xem chi tiết tại Sách đã dẫn 4, Đặng Hoàng Oanh, “Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài: thử tìm một cơ chế thích hợp cho Việt Nam”, tr. 56 - 69. [12] Điều 1502 Bộ Luật Dân sự Pháp năm 1981 [13] Về thuyết “phi địa phương hoá” quyết định trọng tài, xem thêm A. Shindler, Arbitration Still Bound, 102 L. Q. REV. (1986); A.B. Avenessian, The NYC and Denationalized Arbitral Awards (with emphasis on the Iran – United State Claims Tribunal), 8 (1)J.INT’LARB. 5 (1991); S. Ward-Atterbury, Enforcement of A- National Arbitral Awards Under the NYC of 1958, 32 VA. J. INT’L L. (1992), OKENZIE CHUKWUMERIJE, CHOICE OF LAW IN INTERNATIONAL COMMERCIAL ARBITRATION 89(1994) [14] Xem Sách đã dẫn 6: quyết định của Toà án Hoa Kỳ tại (U.S District Court, Distric of Columbia) ngày 31 tháng 7 năm 1996: Civil No. 94-2339 (JLG), 939 Fed.Supp. (D.D.C.1996), at 907 et seq.; 11 Mealey’s international arbitration report (1996, no. 8), C-54 et seq.; YEARBOOK COMM ARB’N XXII (1997), tr. 691, 1001. [15] Xem Gary H. Sampliner, Enforcement of Nullified FAA: Chromalloy Revisited, 14(3) J. INT’L ARB. 144, discussing Chapter 1 of the Federal Arbitration Act, 9U.S.C., Sections 1-15. (1997 [16] Luật Hồi giáo không công nhận hình thức thu lãi, xem điều đó là vi phạm trật tự công cộng quốc gia. [17] Xem Frank – Bernd Weigand, Evading EC Competition Law by Resorting to Arbitration?, 9 ARB. INTN’L 249, 254 (1993). [18] Xem chi tiết tại Đặng Hoàng Oanh, “ Vietnamese Regime on Recognition and enforcement of foreign arbitral awards - Pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài, Tạp chí Griffin’s View về Luật Quốc tế và So sánh của Hà Lan (Amsterdam), Tháng 2. 2003 [19]Pháp lệnh này đã hết hiệu lực, cùng với sự ra đời của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004 – Xem Nghị quyết số 32/2004/QH11 ngày 15 tháng 06 năm 2004 của Quốc hội nước CHXHCNVN về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. [20] Xem chi tiết tại Sách đã dẫn 4, Đặng Hoàng Oanh, “Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài: thử tìm một cơ chế thích hợp cho Việt Nam”, tr. 143. [21] Xem chi tiết tại Sách đã dẫn 4, Đặng Hoàng Oanh, “Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài: thử tìm một cơ chế thích hợp cho Việt Nam”, tr. 143 và Sách đã dẫn 19, Đặng Hoàng Oanh, “ Pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài, Tạp chí Griffins View về Luật quốc tế và so sánh, Amsterdam, Hà Lan, 2003. . pháp Công nhận và thi hành quyết định trọng tài đã bị hủy tại nước ra quyết định 1. Giới thi u vấn đề: Công ước New York năm 1958 của Liên hợp quốc về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài. do để từ chối công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài quy định tại Điều V (1)(e) của Công ước, là quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước đã tuyên quyết định trọng tài . Những nhà. đã ra quyết định công nhận và thi hành quyết định của trọng tài Ai Cập. Và ở Mỹ, tương tự, quyết định trọng tài cũng đã có hiệu lực thi hành bằng bản án công nhận và cho thi hành của Toà án

Ngày đăng: 24/08/2014, 00:29

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan