Các yếu tố chi phối phẩm chất văn học - báo chí trong phóng sự pdf

7 622 4
Các yếu tố chi phối phẩm chất văn học - báo chí trong phóng sự pdf

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Các yếu tố chi phối phẩm chất văn học - báo chí trong phóng sự 2. Môi sinh văn hoá thời cuộc Các yếu tố thuộc tổng thể môi sinh văn hoá cộng đồng dân tộc và thời đại như: quan niệm thể chế chính trị, triết học, đạo đức, tâm lý và thị hiếu tiếp nhận, sự tương tác và cạnh tranh giữa các loại hình, loại thể… có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình tác nghiệp phóng sự theo các xu hướng cảm hứng khác nhau của các chủ thể sáng tạo. Sinh thành từ bối cảnh văn hoá, xã hội nào, phóng sự cũng cần thoả mãn những yêu cầu cơ bản cả về nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật theo “đơn đặt hàng” của chính thời đoạn lịch sử đó. Phóng sự giầu màu sắc văn chương thẩm mỹ theo lối truyện hoá đặc sắc đã lên ngôi ở giai đoạn 1932 – 1945, bởi lúc này các thể loại văn xuôi nghệ thuật, đặc biệt là văn xuôi lãng mạn với những mộng mị của ái tình, hoan lạc… đã không còn khả năng níu kéo người đọc trước một hiện thực cuộc sống nóng bỏng, tràn căng mâu thuẫn, đang đặt ra những yêu cầu nhận thức bức thiết hơn. Lối văn thông tấn khách quan của các thể loại báo chỉ phù hợp để phản ánh các sự kiện thời sự nổi cộm trong từng thời khắc, không đủ tầm khơi sâu vào những tầng chìm, góc khuất của những phạm vi hiện thực bề bộn đa chiều. Phóng sự văn học giai đoạn này đã nhanh chóng trở thành “một thực đơn tinh thần” thiết thực, ích dụng đối với thời cuộc. Không chỉ tỏ rõ ưu thế phơi bày, lột tẩy tận cùng những giả trá, nguỵ tạo của tấn tuồng “Âu hoá” mà phóng sự còn đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp hiệu quả của cả một thế hệ những người cầm bút trong bối cảnh “văn báo bất phân” lúc bấy giờ. “Tính chất đan xen văn báo trong phóng sự đã tạo ra chất lượng đặc biệt cho phóng sự thời kỳ này. Nó kết dệt trong cấu trúc tác phẩm cái đẹp của sự thật được sâu chuỗi, chỉnh lý theo nhãn quan thẩm mỹ tinh tế của các nhà văn nên giầu yếu tố thi vị và hấp dẫn” (11) . Đây là cuộc bùng nổ lần thứ nhất đầy viên mãn của phóng sự Việt Nam hiện đại. Môi sinh văn hoá thời chiến 1945 - 1975 khó tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phóng sự với tư cách là một thể loại văn học dân chủ, giầu tính năng điều trần, mổ xẻ những hiện thực xã hội nhức nhối. Các phóng sự tiêu biểu của Sao Mai, Thép Mới, Đỗ Quảng, Nam Hà… thực chất chỉ là những trang ghi chép theo lối tái hiện nguyên dạng về người thật, việc thật. Người viết phóng sự trong môi trường chiến tranh khốc liệt dường như không mấy bận tâm (hoặc không có điều kiện) cho những chau chuốt về phương diện nghệ thuật tổ chức tác phẩm. Họ viết chỉ cốt sao “theo sát diễn biến của các chiến dịch qua từng bước thắng lợi, từng mũi tiến quân, kịp thời thông báo những tin tức, câu chuyện và những tấm gương trong chiến đấu” (12) . Cuộc sống thời chiến ngồn ngộn những sự kiện và con người tiêu biểu đã tự thân là những cái đẹp không cần thi vị hoá. Hào khí quyết chiến, quyết thắng đã khoả lấp hoặc đẩy lùi những bức xúc, trăn trở, những khoảng tối của hiện thực về phía sau. Cả quy mô tác phẩm và chất lượng nghệ thuật thể hiện trong phóng sự thời kỳ này đều chủ yếu thiên về thông tin sự kiện cập nhật, khách quan, rất ít những sáng tạo theo lối phóng sự văn chương thẩm mỹ. Thép Mới vốn là cây bút trữ tình đặc sắc ở các thể loại văn xuôi khác, vậy mà khi cần đến phóng sự như một phương tiện thông tin phù hợp với bối cảnh chiến tranh, các phóng sự của ông cơ bản vẫn phải tuân thủ nguyên tắc thông tấn báo chí nghiêm cẩn, xác thực. Gia tài phóng sự chiến tranh của các cây bút Thanh Châu, Lê Điền, Trần Minh Tân, Đỗ Quảng… cũng không nằm ngoài phạm vi quy chiếu của lý tưởng thẩm mỹ thời đại. Mỗi người đều tự điều chỉnh ý thức sáng tạo sao cho phù hợp với khuôn thước khách quan của môi sinh văn hoá thời cuộc. Chẳng riêng gì phóng sự, các thể loại ký khác, thậm chí các thể loại văn xuôi nghệ thuật khác trong thời kỳ này cũng đều ít nhiều xác lập đặc tính cơ bản là tuân thủ tính chất tự sự khách quan. Thậm chí cảm quan nghệ thuật gắn với tính chất đặc thù của môi sinh văn hoá thời chiến còn chi phối đến cả thơ ca. Nó hướng đạo cho thơ triển khai xúc cảm ngay trên những phạm vi hiện thực có địa chỉ xác thực với những con người, những địa danh có thật. Vì vậy, phóng sự Việt Nam trong môi trường chiến tranh thiên về tính chất thông tấn báo chí là tất yếu khách quan. Màu sắc văn chương chỉ hiện diện trên cấp độ bộ phận, có tính chất điểm xuyết, không đủ tạo nên tầm vóc bề thế của một giai đoạn phóng sự văn học đích thực như thời kỳ hoàng kim 1932 - 1945. Môi sinh văn hoá thời kỳ đổi mới từ 1986 trở lại đây đã mở ra những tiền đề thuận lợi cho sự thăng hoa nở rộ của phóng sự. Tinh thần dân chủ khởi phát từ các hình thái ý thức xã hội khác nhau đã châm ngòi cho phóng sự nã những loạt đạn đầu tiên khai chiến với những bảo thủ, trì trệ yếu kém, giải toả những bức xúc trong đời sống xã hội. Sau những phóng sự mở đường táo bạo của Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Trần Khắc… là các tập phóng sự không kém phần “gai góc” của Xuân Ba (5 tập), Hoàng Minh Tường (3 tập), Vũ Hữu Sự (3 tập), Huỳnh Dũng Nhân (3 tập)… và nhiều tuyển tập phóng sự của các báo, nhà xuất bản… lần lượt ra đời. Đặc biệt cây bút phóng sự trẻ Đỗ Doãn Hoàng, chỉ trong vòng hơn 1 thập kỷ trở lại đây, anh đã có tới 13 tập phóng sự. Cuộc bùng nổ lần thứ hai này đã đem lại cho lịch sử phóng sự Việt Nam một quy mô chưa từng có cả về số lượng và chất lượng. Tình trạng vơi thiếu thông tin, đặc biệt thông tin về những sự thật ngang trái từ bao nhiêu năm trước đây đã đến lúc cần được thay đổi. Ngòi bút phóng sự của các nhà văn nhà báo đã truy tìm, xăm xới đến tột cùng mọi góc cạnh của cuộc sống. Tầm kiến văn của người viết trong bối cảnh hội nhập toàn cầu thực sự mở rộng, nhu cầu mỹ cảm của người đọc đã khác, sự tương tác và lấn lướt giữa các loại hình truyền thông về văn hoá nghệ thuật đang diễn ra khốc liệt… Tất cả đã góp phần tạo nên một môi sinh văn hoá mới thực sự thoáng rộng cho sự kế thừa và cách tân của các chủ thể sáng tạo. Bên cạnh những hình thức phóng sự vốn có trong truyền thống, các cây bút phóng sự hôm nay đã tìm đến những kiểu dạng phóng sự mới mẻ, độc đáo. Rất nhiều phóng sự đặc sắc của thời kỳ này đều thuộc về những trang viết giầu tính năng tổng hợp phẩm chất các loại ký khác. Phẩm chất văn học được khai thác linh hoạt qua các phóng sự giầu mầu sắc ký sự của Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân, Đỗ Doãn Hoàng…, phóng sự giầu chất suy tưởng theo lối bút ký của Hoàng Minh Tường, Thái Hồng Thịnh, Đỗ Doãn Hoàng…, phóng sự đan xen hồi ký của Trần Huy Quang, Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân… Đặc biệt do yêu cầu khuyến dương cái đẹp, cái tốt trong công cuộc đổi mới, loại phóng sự thiên về tạo dựng chân dung nhân vật cũng đã xuất hiện thường xuyên qua các phóng sự của Trần Huy Quang, Khắc Dũng, Nguyễn Quốc… Những hình thức phóng sự mới này có khả năng mở rộng biên độ sáng tạo hết sức linh hoạt ở cả nghệ thuật tạo dựng điểm nhìn trần thuật và các thủ pháp phức điệu hoá văn phong thông tấn… Cá biệt, đã có những phóng sự vươn tới những chiều kích sáng tạo mới lạ chưa từng có qua việc tạo dựng những chi tiết, tình tiết, không gian thời gian sự kiện hư ảo, huyền hoặc - điều mà phóng sự với tư cách là một thể loại báo chí thường hết sức hạn chế khai thác. Chẳng hạn: phóng sự Đừng bắt bà Chúa Kho tham nhũng (Vũ Hữu Sự), Truyện về những hồn ma liệt sĩ Trường Sơn (Xuân Ba)… Riêng Vũ Hữu Sự còn có biệt tài lạ hoá phóng sự đương đại bằng những thủ pháp “bí mật tình tiết” theo lối kịch hoá đặc biệt cuốn hút người đọc (Xích lô liệt truyện; Nỗi buồn thăm quê, Cờ người ).Điều đáng nói là những thủ pháp sáng tạo này ngay cả các cây bút phóng sự văn học đặc sắc thời kỳ 1932 - 1945 cũng chưa từng thể nghiệm. Như vậy để thấy rằng phóng sự Việt Nam hôm nay nhờ những thuận lợi của môi sinh văn hoá mới đã khai thác tối đa ưu thế của các thủ pháp văn học tạo hiệu quả tác động thẩm mỹ đặc sắc cho tác phẩm. Tất nhiên những phóng sự như thế thường thuộc về những cây bút phóng sự có tài nghệ và phong cách độc đáo. 3. Phong cách tác giả Thành tựu phóng sự Việt Nam được kết tinh bởi những phong cách sáng tạo độc đáo, tài hoa từ Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Lạp… đến Xuân Ba, Vũ Hữu Sự, Hoàng Minh Tường, Huỳnh Dũng Nhân… Giá trị của mỗi phong cách là sự cộng hưởng bởi tài nghệ cá nhân và sự dung dưỡng của môi sinh văn hoá thời cuộc. Sự chi phối của phong cách người viết đối với mọi yếu tố cấu thành tổ chức tác phẩm là nhất quán và mang tính hệ thống, do vậy cũng có thể cảm nhận được khả năng xử lý theo lối riêng về mối tương quan giữa các phẩm chất văn học và báo chí trong ý thức sáng tạo của các cây bút phóng sự. Nói đến Vũ Trọng Phụng là nói đến cảm quan phê phán hiện thực gay gắt bằng cái nhìn biếm hoạ tinh tế, sắc sảo. Ứng với sở trường này, nhà văn thường đào sâu vào các loại vấn nạn ở chốn đô thị như cờ bạc, mãi dâm, ma tuý… Song điều đáng nói là những sự thực đểu cáng của “cái xã hội chó đẻ” ấy không hề được ông phơi bày lên trang viết theo lối ghi chép dưới dạng tác phẩm thông tấn báo chí đơn thuần. Cảm quan tinh tế của một nhà văn hiện thực trào lộng đã giúp cho Vũ Trọng Phụng chắt lọc, nhào luyện ý nghĩa nhân sinh của những sự thật đời sống vào trong những hình thức tổ chức tác phẩm giàu chất văn. Hầu hết phóng sự của ông được kết cấu theo mô thức truyện hoá đặc sắc với những chi tiết, tình tiết ấn tượng, nhân vật đầy ám ảnh, hư cấu bất ngờ, phán xét sắc sảo và rất đa thanh về giọng điệu trần thuật… Màu sắc của sự thật gợi tính chất thông tấn báo chí qua những tên người, địa danh… đã gắn quyện cùng mỹ quan tổ chức tác phẩm tài tình của nhà văn. Sự thật và cái đẹp đã không còn ranh giới trong hình hài những tác phẩm phóng sự thẫm đẫm chất văn chương. Cái tạng phóng sự tài hoa và phóng túng như vậy khó có thể hợp vừa với lối tổ chức phóng sự báo chí vốn cần bám sát sự kiện khách quan, ngôn từ trung tính, trần thuật đơn giọng… Trên thực tế khó có thể tìm được từ gia tài của “ông vua phóng sự đất Bắc” những tác phẩm với đúng nghĩa là phóng sự báo chí đích thực. Trong thời kỳ đổi mới cũng xuất hiện những phong cách phóng sự thiên về hình thái văn chương như Xuân Ba, Vũ Hữu Sự, Hoàng Minh Tường, Đỗ Doãn Hoàng, Nguyễn Quang Vinh, Huỳnh Dũng Nhân… Đó là những cây bút đem đến sự phá cách thể loại đáng kể cho phóng sự Việt Nam đương đại. Sở trường khám phá đề tài, hình thức tổ chức sự kiện, tạo dựng nhân vật, giọng điệu, văn phong… của các cây bút này đều chịu sự chi phối trực tiếp từ đặc điểm phong cách cá nhân hết sức đa dạng của mỗi cây bút. Nhờ nội lực phong cách đa dạng lại có thêm sức mạnh tương hỗ từ phía môi sinh văn hoá mới nên phóng sự văn học Việt Nam đương đại đã thực sự tạo nên một cuộc bứt phá ngoạn mục cả về số lượng và chất lượng như trên đã nói. Cùng môi sinh văn hoá đồng đại với Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang… Nguyễn Đình Lạp lại đăng đàn phóng sự bằng một cá tính sáng tạo khác. Xuất phát từ sở trường điều trần những mặt trái của xã hội bằng những chứng cứ xác thực đến từng con số, Nguyễn Đình Lạp ưa tìm đến những sự kiện và con người trong các môi trường giao tiếp sinh động, những địa danh xác thực ở cả nội đô và ngoại thành Hà Nội đương thời. Phóng sự Nguyễn Đình Lạp nổi bật ở văn phong thông tấn khách quan, hạn chế tối đa những bình bàn, phán xét chủ quan. Không phải ngẫu nhiên mà ông rất thường dùng và khuyên mọi người nên dùng từ “phỏng sự” thay vì “phóng sự” với ý thức tìm tòi, truy nguyên và cân nhắc thấu đáo những sự thật khách quan cho những trang viết. Nguyễn Đình Lạp cùng với các cây bút phóng sự thông tấn báo chí khác như Trúc Hà, Huỳnh Văn Chính, Minh Tuyền,… và sau này là Lê Điền, Vũ Tuấn Việt, Trần Huy Quang, Lê Thanh Phong, Hà Văn Thuỳ… có thể chứng minh cho sự chi phối của phong cách phóng sự thông tấn đối với quá trình tổ chức tác phẩm phóng sự tương ứng với cá tính sáng tạo của người viết. Rõ ràng sự chi phối của phong cách người viết quyết định đáng kể đối với thực tiễn sáng tạo phóng sự theo hướng văn học hay báo chí. Điều này khiến người đọc cần tỉnh táo ghi nhận một thực tế có vẻ phi lôgíc rằng: không ít nhà văn viết phóng sự rất báo và cũng lại có những nhà báo viết phóng sự rất văn. Việc xác định rõ thiên hướng sáng tạo của người viết là vô cùng quan trọng để tránh những ngộ nhận không đáng có (chỉ đơn thuần nghĩ đến danh vị hay uy tín của tác giả) khi đánh giá chất lượng tác phẩm phóng sự. Trên đây mới chỉ là những phác vẽ cơ bản về các điều kiện chi phối phẩm chất văn học và báo chí trong quá trình sáng tạo phóng sự. Mối tương quan giữa hai bình diện quan trọng hợp thành bản chất đặc trưng của phóng sự còn chịu sự chi phối của nhiều tác nhân khác như: đặc trưng kiểu loại phóng sự, thị hiếu sáng tạo và tiếp nhận quen thuộc của cộng đồng, tôn chỉ, mục đích thông tin của tờ báo… Do dung lượng có hạn, bài viết này chưa thể có điều kiện lý giải thấu triệt, hy vọng còn có dịp trở lại vấn đề ở một bài viết khác . Các yếu tố chi phối phẩm chất văn học - báo chí trong phóng sự 2. Môi sinh văn hoá thời cuộc Các yếu tố thuộc tổng thể môi sinh văn hoá cộng đồng dân tộc. giả) khi đánh giá chất lượng tác phẩm phóng sự. Trên đây mới chỉ là những phác vẽ cơ bản về các điều kiện chi phối phẩm chất văn học và báo chí trong quá trình sáng tạo phóng sự. Mối tương quan. Hà Văn Thuỳ… có thể chứng minh cho sự chi phối của phong cách phóng sự thông tấn đối với quá trình tổ chức tác phẩm phóng sự tương ứng với cá tính sáng tạo của người viết. Rõ ràng sự chi phối

Ngày đăng: 25/07/2014, 08:21

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan