Báo cáo nghiên cứu khoa học: "ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG - MỘT HIỆN TƯỢNG TRUYỀN KÌ TRONG THƠ ĐƯỜNG" potx

6 1.5K 14
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG - MỘT HIỆN TƯỢNG TRUYỀN KÌ TRONG THƠ ĐƯỜNG" potx

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG - MỘT HIỆN TƯỢNG TRUYỀN KÌ TRONG THƠ ĐƯỜNG DE DO THANH NAM TRANG - A MARVELLOUS FACT IN TANG POETRY NGUYỄN HOÀNG THÂN Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Đề đô thành nam trang là một bài thơ hay của thơ Đường nói chung và của Thôi Hộ nói riêng. Bài thơ này không những được lưu truyền ngay từ khi nó mới ra đời cho đến nay, mà còn được thêu dệt thành nhiều giai thoại truyền kì trong dân gian, có giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo. Mục đích của bài viết này là nhằm nghiên cứu về tác giả, vấn đề văn bản, giá trị truyền kì về nội dung và nghệ thuật của nó. ABSTRACT De Do Thanh Nam Trang was a pretty poem of Tang poetry in general and of Thoi Ho in particular. This poem has not only been circulated down since its appearance but it is also embroidered into many marvellous anecdotes among the masses of people. It was a poem of original form anh conted worth. This commentary aims to examine the author, textual problem and the value of form and content. 1. Mở đầu Trong quá trình đọc và nghiên cứu Truyện Kiều, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Du đã viết hai câu thơ “Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” từ ý tưởng bài thơ Đề đô thành nam trang của nhà thơ Thôi Hộ. Như vậy, bài thơ này ngoài ảnh hưởng đối với văn học Trung Quốc, còn có ảnh hưởng đối với văn học Việt Nam chúng ta. Thôi Hộ là một trong những nhà thơ nổi tiếng thời vãn Đường. Nhưng tác phẩm thơ ca của ông còn lại đến ngày nay không nhiều, chỉ có 6 bài được chép trong Toàn Đường thi. Như người ta thường hay nói: “quí hồ tinh, bất quí hồ đa”, Thôi Hộ thực sự đã nổi tiếng chỉ duy nhất với bài thơ Đề đô thành nam trang. Bài thơ này được lưu truyền lâu dài từ xưa đến nay, không những trở thành một sự kiện độc đáo, mà còn trở thành một điển cố bất hủ trong lịch sử văn học Trung Quốc và các nước đồng văn. Ngoài ra, nhiều giai thoại truyền kì và nhiều bài thơ hoạ lại đã được ra đời từ ý tưởng của bài thơ này. Song, Thôi Hộ và bài thơ Đề đô thành nam trang của ông cũng chỉ mới được giới thiệu sơ lược trong các cuốn văn học sử của Trung Quốc mà thôi. Nghiên cứu đề tài này sẽ có một ý nghĩa quan trọng đối với việc dạy-học và nghiên cứu môn văn học cổ trung đại (Trung Quốc và Việt Nam) nói chung và môn Hán Nôm nói riêng. 2. Hiện tượng truyền kì trong Đề đô thành nam trang 2.1. Sơ lược về tác giả và giai thoại truyền kì của tác phẩm Thôi Hộ, không rõ năm sinh năm mất, người Bác Lăng 博陵 đời Đường (nay là huyện Định tỉnh Hà Bắc), tự Ân Công 殷功, đỗ tiến sĩ vào năm 796, thời Trinh Nguyên 贞元 thứ 12, làm chức Lĩnh Nam tiết độ sứ 官岭南节度使. Trong Toàn Đường thi 全 唐 诗 , thơ của ông chỉ có 6 bài, trong đó có bài Đề đô thành nam trang rất nổi tiếng. Đô thành chính là Trường An. Đầu đề bài thơ này còn có tên là Đề tích sở kiến 题 昔 所 见 1 . Bài thất ngôn tuyệt cú này của Thôi Hộ có mặt chữ đơn giản, ngôn ngữ rất tự nhiên, trong sáng rõ ràng, mấy trăm năm nay luôn được người đời sau truyền tụng, sống mãi trong lòng hậu thế; không chỉ có vậy, “nhân diện đào hoa” được sử dụng nhiều như là một điển cố và thành ngữ. Nói về bài thơ ngắn ngủi này, trong dân gian lưu truyền một giai thoại mang màu sắc rất truyền kì. Sách Đường thi kỉ sự 唐诗纪事 và Bản sự thi 本事诗 đều có những ghi chép về giai thoại này. Đường thi kỉ sự chép như sau: “Thôi Hộ thi không đỗ tiến sĩ, trong tiết thanh minh, một mình dạo chơi ở phía nam đô thành, nhìn thấy một ngôi vườn toàn đầy hoa. Gọi cửa rất lâu, có người con gái 2 hỏi vọng từ khe cửa. Chàng trả lời rằng: 寻 春 独 行,酒 渴 求 饮。 tầm xuân độc hành, tửu khát cầu ẩm (tìm xuân một mình, khát xin nước uống)”. Người con gái mở cửa, mang nước đến cho chàng, nàng đứng yên thật lâu bên cành đào nghiêng bóng, mắt lặng nhìn đăm đăm. Lúc Thôi Hộ từ biệt, nàng tiễn chàng ra đến cổng, tình chàng vẫn còn lưu luyến. Mãi về sau, chàng không quay trở lại. Đến tiết thanh minh năm sau, chàng tìm về nơi xưa cũ, cửa ngõ vẫn như ngày nào, nhưng cổng ngoài đã khóa, không biết chủ nhân ngày xưa giờ ở nơi đâu. Nhân đó chàng đề câu thơ “Khứ niên kim nhật thử môn trung” ở cánh cửa bên trái”. 3 Nội dung toàn bài như sau: 题都城南庄 崔护 去年今日此门中, 人面桃花相映红。 人面不知何处去, 桃花依旧笑东风。 ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG Thôi Hộ Phiên âm: Khứ niên 4 kim nhật thử môn trung, Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện bất tri 5 hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong 6 . Dịch thơ: Cửa này, năm ngoái, hôm nay, Hoa đào phản chiếu mặt ai ửng đào. Mặt người giờ ở nơi nao? Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông. (Trần Trọng San dịch) Cửa đây, năm ngoái cũng ngày này, Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây. Má phấn giờ đâu? Đâu vắng tá? Hoa đào còn bỡn gió xuân đây. (Tương Như dịch) Năm qua trong cánh cổng này, Màu hoa cùng với mặt ai ửng đào. Giờ đây người ở nơi nao, Hoa đào như cũ cười chào gió đông. (Nguyễn Thị Bích Hải dịch) Năm ngoái ngày này dưới cánh song Hoa đào ánh má mặt ai hồng Mặt ai nay biết tìm đâu thấy Chỉ thấy hoa cười trước gió Đông (Đỗ Bằng Đoàn & Bùi Khánh Đản dịch) Tính chân thực của những “giai thoại” được chép ở Đường thi kỉ sự và Bản sự thi rất đáng hoài nghi. Có lẽ là có thơ trước, sau đó người ta dựa vào thơ mà sáng tác ra “giai thoại”, cũng có thể không phải khả năng như vậy. Chúng ta không cần biết “giai thoại” ấy là thật hay là giả, nhưng có hai điểm dường như có thể khẳng định: một là, bài thơ này có tình tiết; hai là, “giai thoại” có ý nghĩa nhất định giúp chúng ta khi tìm hiểu bài thơ này. 2.2. Hiện tượng truyền kì trong Đề đô thành nam trang Bài thơ này của Thôi Hộ vỏn vẹn có bốn câu, đã diễn tả trọn vẹn cảm nhận của tác giả về thời gian và không gian. Trong đó những hình ảnh không gian và thời gian đồng hiện, quá khứ và hiện tại đan cài, xen lẫn. Cảm nhận về thời gian của bài thơ là sự hồi tưởng về một người thiếu nữ xinh đẹp đa tình, duyên dáng như hoa đào mà tác giả chợt nhìn thấy nhưng lại vội chia tay. Từ trong hiện tại nhớ về quá khứ, tác giả sử dụng bút pháp tường thuật, đầu tiên viết “khứ niên (năm ngoái)”, do vậy đã tạo nên một khung cảnh thứ nhất: chơi xuân gặp người đẹp: Khứ niên kim nhật thử môn trung, Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. “Khứ niên (năm ngoái)”, “thử môn (cửa này)” miêu tả thời gian, địa điểm, diễn đạt một cách khẳng định, chắc chắn, không một chút mơ hồ, có thể thấy được sự sâu sắc về hình tượng, sự chính xác về kí ức. Lúc ấy, “thử môn trung (trong cửa này)”, gió xuân hiu hiu thổi, hoa đào nở rộ, đứng yên đấy là một thiếu nữ xinh đẹp, khuôn mặt nàng và hoa đào phản chiếu cho nhau, thật là đẹp đẽ. Ở đây nhà thơ không trực tiếp miêu tả nét kiều diễm của hoa đào và vẻ xinh đẹp của thiếu nữ, mà là khắc họa một bức tranh đẹp nhất làm cảm động lòng người trong cả một hành trình “chơi xuân gặp người đẹp (tầm xuân ngộ diễm 寻春遇艳)”, chỉ dùng 3 chữ “tương ánh hồng”, mà đã diễn tả được bức tranh xinh đẹp của người thiếu nữ và hoa đào như hòa quyện vào nhau đồng thời cũng như tranh đua với nhau về nhan sắc. “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” không chỉ là vẽ ra cảnh đẹp, mà trong đó mặt người đẹp như hoa đào, qua hình ảnh hoa đào, tác giả còn tôn lên vẻ đẹp của người thiếu nữ, đồng thời cũng biểu đạt một cách hàm súc tình trạng tâm lí của nhà thơ đang ngắm nhìn say đắm, tâm hồn lâng lâng dâng trào và tình cảnh hai người lẳng lặng nhìn chứa chan tình cảm, không nói nên lời. Qua bức tranh lay động lòng người này, những cảm giác êm ái, lâng lâng, những cảm nghĩ đẹp đẽ, diệu kì len thấm vào hồn và lan toả trong lòng người đọc, từ đó một thế giới liên tưởng mới mẻ trong đầu tác giả cũng như trong đầu chúng ta được mở ra không cùng. Dùng hoa đào để ví với mỹ nữ giai nhân, từ xưa đến nay các nhà thơ vẫn thường làm vậy, nó đã trở thành một thủ pháp nghệ thuật, như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có hai câu thơ: Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông Nhưng ở bài thơ này lại có mấy điểm không giống với cái thường lệ ấy, một là nhà thơ không miêu tả trực tiếp vẻ đẹp của hoa đào và vẻ đẹp của thiếu nữ, mà chỉ dùng hoa đào tươi đẹp để tô điểm cho gương mặt thiếu nữ, dùng cái gián tiếp “tương ánh hồng” để làm nổi bật hình tượng xinh đẹp của người con gái, cảnh sắc và con người hoà quyện một cách rất nên thơ; hai là bài thơ này miêu tả cảnh thực trước mắt, đó chính cái mà người ta thường gọi là “phong cảnh nơi đây, tiện tay miêu tả”. Khắc hoạ tới đây, nhà thơ vốn có thể tiếp tục miêu tả khung cảnh đi chơi gặp người đẹp “năm ngoái (khứ niên)”, nhưng nhà thơ đã không làm vậy, mà lại xoay ngọn bút, trực tiếp đi vào “kim nhật (ngày này)”. Thế là bèn phác thảo khung cảnh thứ hai: đi tìm người đẹp trở lại nhưng không gặp. Cùng là “kim nhật”, cùng là “thử môn”, nhưng người thiếu nữ xinh đẹp đã đi rồi. Như cũ vẫn là quang cảnh mùa xuân rực rỡ, muôn hương ngàn sắc, như cũ vẫn là cổng nhà đầy hoa đào rực rỡ, nhưng mà, “nhân diện (mặt người)” đã từng làm cảnh xuân thêm tươi sắc, cùng “tương ánh hồng” với hoa đào lại không biết “hà xứ khứ (ở nơi nào)”, duy chỉ còn lại một cành hoa đào mỉm cười trước gió đông. Hoa đào mỉm cười như cũ trước gió đông, càng gợi thêm sự tưởng nhớ và luyến tiếc của nhà thơ đối với “nhân diện đào hoa tương ánh hồng” của “năm ngoái (khứ niên)”, khiến cho nhà thơ cảm thấy thất vọng và buồn bã không gì sánh nổi trong lúc tìm lại chốn xưa. Thử nghĩ, ngày này năm ngoái, người thiếu nữ không hẹn mà gặp kia đứng lâu dưới dưới gốc hoa đào mỉm cười tình tứ, lẳng lặng nhìn chứa chan tình cảm, tương ánh với hoa đào; mà nay, hoa đào vẫn cười đó mà người biệt tăm nơi nào, điều này ngoài gợi nên hồi ức tốt đẹp của chuyện xưa và cảm khái của cảnh đẹp bất thường ra, còn có thể gửi gắm tâm sự gì nữa chứ? Hai chữ “y cựu (như cũ)”, đang ẩn chứa tâm trạng thất vọng, luyến tiếc và buồn bã vô hạn của nhà thơ. Nhìn chung, toàn bài thơ, hai câu đầu diễn tả về thời gian từ hiện tại đến quá khứ, hai câu sau lại diễn tả thời gian từ quá khứ đến hiện tại, hai cặp câu so sánh, đối ngẫu với nhau. Cho dù tâm trạng có sự chuyển biến dữ dội, nhưng mạch văn vẫn nhất quán từ đầu chí cuối, không hề thay đổi. Ngôn ngữ toàn bài thơ mộc mạc, thật thà, thẳng thắn, tự nhiên, trình bày sự việc rõ ràng lưu loát. Bút pháp miêu tả chủ yếu sử dụng “so sánh phản chiếu”, dùng “nhân diện” và “đào hoa” làm thành một chuỗi xuyên suốt nhất quán, thông qua “khứ niên” và “kim nhật” để so sánh phản chiếu “cảnh còn người đi” trong cùng một thời điểm, một địa điểm, biểu đạt một cách khúc chiết, lặp đi lặp lại sự kiện hai lần đi chơi nhưng chỉ một lần gặp người đẹp và niềm cảm khái nảy sinh khác nhau. Biện pháp so sánh phản chiếu ở trong bài thơ này có tác dụng cực kì quan trọng. Bởi vì miêu tả khung cảnh xinh đẹp đã mất trong sự hồi ức về thực tại đang đối mặt, thì hồi ức càng đặc biệt quí báu, tốt đẹp, tràn đầy tình cảm, ở đây mới có sự miêu tả truyền thần về “nhân diện đào hoa tương ánh hồng”; chính vì có kí ức tốt đẹp như vậy, tác giả mới đặc biệt cảm thấy tiếc nuối, buồn bã đối với những điều tốt đẹp bị mất đi, do vậy mà có niềm cảm khái “nhân diện chỉ kim hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Cho dù bài thơ này có tính tình tiết, mang một vài màu sắc kịch tính, đồng thời còn có nhiều ghi chép “giai thoại” với những sắc thái truyền kì nào đó, nhưng nó được mọi người thuộc lòng; ngoài bút pháp miêu tả này và nghệ thuật sử dụng ngôn từ, kết cấu hiệu quả như trình bày ở trên ra, chúng tôi cho rằng sự thể nghiệm một vấn đề nhân sinh mà bản thân bài thơ này biểu đạt mới là điều quan trọng nhất. “Giai thoại” có thể tạo nên tác dụng “thêm gió cho sóng” nhất định, nhưng bài thơ này vẫn để lại cho độc giả niềm hứng thú về một câu chuyện đầy ý nghĩa. Người đọc tuy không nhìn thấy câu chuyện gặp gỡ kia hoặc có khả năng gặp được sự tình ngoài đời tương tự như trong “giai thoại” đã ghi chép, nhưng lại có thể có sự thể nghiệm nhân sinh tương tự như vậy, tức là ngẫu nhiên hoặc vô tình gặp được một sự tình tốt đẹp nào đó, mà khi bản thân có ý thức theo đuổi, tìm kiếm nó thì lại không dễ đạt được. Điều này có lẽ chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên sức sống nghệ thuật của bài thơ được duy trì không thay đổi trong mấy trăm năm nay chăng? 7 3. Kết luận Bài thơ gói trọn trong bốn câu, hai mươi tám chữ, đã khắc họa lại một bức tranh truyền kì thật giàu tình tứ về sự gặp gỡ tình cảm của đôi tài tử giai nhân gặp nhau, thơ mộng, huyền ảo. Nội dung chủ yếu vẫn là thể hiện nội tâm của tác giả, một thi sĩ tài hoa, phong lưu đã phải luyến tiếc cho một mối tình mà chẳng phải là mối tình bởi vì hai người chỉ mới gặp nhau, chưa biết tên nhau, chưa một lời thề non hẹn biển. Một bài thơ đã làm cho một người thiếu nữ đoạn thực tuyệt ẩm, sinh bệnh tương tư rồi qua đời, tài hoa của tác giả khỏi phải bàn vậy. Đấy chẳng phải là một hiện tượng truyền kì trong văn học Trung Quốc nói chung và trong thơ Đường nói riêng hay sao?! 1 Theo Trần Hữu Duy (ĐHSP Huế) 2 Theo sách Cổ kim kì quan (do Mộng Bình Sơn biên soạn) thì cô gái có tên là Đào Quốc Trinh. 3 Giai thoại này còn được ghi chép trong sách Tình sử (do Phùng Mộng Long biên soạn) như sau: Một hôm Thôi Hộ ra phía nam đô thành du xuân, thấy một dinh cơ có vườn đào nở hoa rất đẹp liền gõ cửa vào xin nước uống. Có một cô gái yểu điệu thanh tân ân cần mời chàng uống nước. Rồi chàng cáo biệt trở về. Ngày thanh minh năm sau, Thôi Hộ chợt nhớ nơi cũ liền tìm đến, thấy vườn đào vẫn như xưa nhưng của ngoài thì khóa. Thôi Hộ đề vào cánh cửa bài thơ trên. Mấy hôm sau Thôi Hộ đi qua gần lối ấy, nhân đó ghé lại thì nghe trong nhà có tiếng khóc. Thôi Hộ gõ cửa vào thăm, một ông cụ chạy ra hỏi ngay rằng: - Cậu có phải là Thôi Hộ không? Thôi sinh nhận, ông cụ khóc nói rằng: - Cậu giết chết con lão rồi! Thôi Hộ kinh ngạc, ông cụ lại nói rằng: - Con lão là gái có học, tuổi mới cập kê, chưa gả cho ai. Tự năm ngoái đến giờ con lão như ngây như dại; hôm vừa rồi lão đưa đi chơi, về đến cửa thấy thấy có chữ, nó đọc rồi sinh bệnh liền, không ăn không uống mà chết. Lão chỉ có một mụn con, chưa gả chồng là có ý kén rể hiền, ai ngờ nay con lão chết, không phải cậu giết nó thì ai? Ông cụ nắm lấy Thôi sinh mà khóc. Thôi Hộ xúc động xin vào viếng, thấy dung nhan nàng vẫn còn tươi tắn, chàng rơi nước mắt khấn vái và kêu lên: - Nàng ơi, tôi trở lại đây! Cô gái mở bừng đôi mắt, sống lại. Ông cụ mừng quá, gả ngay cho Thôi sinh. 4 Có bản in là 昔年 tích niên. 5 Còn có dị bản: 只今 (chỉ kim). Theo ghi chép trong Mộng Khê bút đàm của Thẩm Quát, trong nguyên tác câu thứ ba bài thơ này là “人面不知何处去”,sau đó tác giả cho rằng “ý chưa hết, lời chưa đủ” bèn đổi “不知” thành“只今” 6 Có bản in là 東風 đông phong 7 Chính vì đây là một bài thơ Đường rất hay, nên đời sau đã có nhiều bài họa lại. Như: Bài 1 玉柳成行泉淙淙,红桃胜火情偬偬。 碧宛清流漾思忆,但求窈窕复玉容。 Phiên âm: Ngọc liễu thành hàng tuyền tông tông, Hồng đào thắng hỏa tình chủng chủng. Bích uyển thanh lưu dạng tư ức, Đãn cầu yểu điệu phục ngọc dung. Bài 2 桃花蕴情相思中,春风拂面现醉容. 昔日回眸宛凝处,惟有绿柳衬桃红。 Phiên âm: Đào hoa uẩn tình tương tư trung, Xuân phong phất diện hiện túy dung. Tích nhật hồi mâu uyển ngưng xử, Duy hữu lục liễu sấn đào hồng. Bài 3 去年今日此门里,人面桃花相映美。 今年若有佳人来,兴儿还吃三碗水。 Phiên âm: Khứ niên kim nhật thử môn lí, Nhân diện đào hoa tương ánh mĩ. Kim niên nhược hữu giai nhân lai, Hưng nhi hoàn ngật tam uyển thủy. . ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG - MỘT HIỆN TƯỢNG TRUYỀN KÌ TRONG THƠ ĐƯỜNG DE DO THANH NAM TRANG - A MARVELLOUS FACT IN TANG POETRY NGUYỄN HOÀNG. duy nhất với bài thơ Đề đô thành nam trang. Bài thơ này được lưu truyền lâu dài từ xưa đến nay, không những trở thành một sự kiện độc đáo, mà còn trở thành một điển cố bất hủ trong lịch sử văn. một là, bài thơ này có tình tiết; hai là, “giai thoại” có ý nghĩa nhất định giúp chúng ta khi tìm hiểu bài thơ này. 2.2. Hiện tượng truyền kì trong Đề đô thành nam trang Bài thơ này của Thôi

Ngày đăng: 22/07/2014, 13:20

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan