Truyện rối loạn tâm thần của Edgar Allen Poe

8 1.1K 7
Truyện rối loạn tâm thần của Edgar Allen Poe

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Người kể chuyện và giọng điệu kể chuyện trong loạt truyện rối loạn tâm thần của Edgar Allen Poe Hoàng Tố Mai Trước khi đi vào vấn đề người kể chuyện và giọng điệu kể chuyện trong loạt truyện Rối loạn tâm thần của Poe, chúng tôi xin giới thiệu sơ qua việc phân loại những truyện ngắn của ông. Truyện ngắn của Poe là một sự pha trộn tài tình. Trong một truyện trinh thám người ta có thể thấy những yếu tố kinh dị đan xen những tình tiết hài hước. Trong một truyện kinh dị người ta lại thấy những ý tưởng ngộ nghĩnh của nhân vật hoặc giọng văn đôi chỗ rất hóm hỉnh. Ngoài ra bạn đọc còn thấy những tình tiết hé lộ những ý tưởng rất thực tiễn về khoa học, cụ thể hơn là y học. Lại có truyện có vẻ như thuần tuý hài hước nhưng lại bộc lộ khá rõ tình trạng thần kinh không bình thường của nhân vật chính. Phân loại truyện ngắn của Poe là một công việc rất khó khăn. Có lẽ gọi chúng là những dị truyện thì thích hợp hơn cả vì chúng luôn vượt quá khuôn khổ nội dung của một câu chuyện thông thường, chúng luôn hướng tới sự độc đáo và gây nên những ấn tượng rất mạnh mẽ cho bạn đọc. Dựa vào những truyện ngắn đặc sắc nhất của Poe có thể tạm chia truyện ngắn của ông thành ba dạng chính: kinh dị, trinh thám và rối loạn tâm thần. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi sẽ chỉ khảo sát người kể chuyện và giọng điệu kể chuyện trong ba truyện ngắn Rối loạn tâm thần đặc sắc của Poe . Đó là những truyện ngắn Trái tim kể tội (The tell-tale heart), Con mèo đen (The black cat), Thùng rượu Amontillado (The cast of Amontillado). Trong Trái tim kể tội, kẻ sát nhân tìm mọi cách giết ông lão hàng xóm với một lý do rất vô lý và nực cười. “Tôi nghĩ mọi sự chỉ tại con mắt của lão. Vâng, chính là nó. Một bên mắt của lão giống mắt của loài kền kền - một con mắt xanh lợt có màng phủ lên. Bất cứ lúc nào nó xói vào tôi là máu trong người trở nên lạnh buốt. Và từng bước một, dần dà, tôi đi đến quyết định tước bỏ mạng sống của lão già, có thế tôi mới tự giải thoát mình khỏi ánh mắt đó vĩnh viễn” (1) . Để thực hiện điều này gã phải mất một tuần để cư xử thật tử tế với nạn nhân. Suốt bẩy đêm gã tìm cách mò vào phòng ngủ của nạn nhân một cách hết sức khó khăn nhưng lại không ra tay vì nạn nhân không hề hé mắt. Gã cho rằng lão hàng xóm không đáng ghét mà chính con mắt quái gở của lão mới làm gã điên tiết. Vào đêm thứ tám gã đã thực hiện được ý đồ vì nạn nhân bỗng mở to mắt kinh hoàng. Gã cảm thấy nghe rõ tiếng tim đập sợ hãi của nạn nhân, nó khiến gã thêm phẫn nộ vì nghe cứ như “tiếng trống thúc quân ra trận”. Vụ giết người được thực hiện nhanh chóng. Sau đó gã chặt nhỏ tử thi, cắt rời đầu và chân tay nhét dưới ván sàn và xoá hoàn toàn dấu vết. Đến bốn giờ sáng ba nhân viên an ninh vào nhà vì một người hàng xóm nghe tiếng la thất thanh trong đêm. Mọi dấu vết đã được xoá sạch nên chẳng ai nghi ngờ gì, gã tự tin dắt mọi người tới chính căn phòng của ông già. Mọi việc sẽ diễn ra xuôn sẻ nếu như trong tai gã không vang lên những âm thanh khó chịu mà gã cho rằng đó chính là nhịp đập của trái tim nạn nhân. Âm thanh đó ngày một lớn hơn khiến gã không chịu nổi, gã cho rằng những nhân viên an ninh cũng nghe thấy nhưng giả tảng không biết mà vẫn cười nói để lừa dối gã. Cuối cùng gã hét lên: “Đừng giả vờ nữa! Tôi nhận tội! - tháo tung ván sàn ra! - đây, đây này! - tiếng đập từ trái tim tởm lợm của lão ta đấy” (2) . Trạng thái tâm thần bồn chồn, hoảng loạn như vậy còn được mô tả khá kỹ lưỡng trong Con mèo đen. Diễn biến bệnh trạng tâm thần của nhân vật chính xảy ra như sau: 1. Vui vẻ, yêu vợ, yêu súc vật đặc biệt là chú mèo đen Pluto. 2. Bắt đầu cáu gắt và ngày càng khó chịu với mọi vật xung quanh, xử sự thô bạo với vợ, hành hạ động vật. 3. Chọc mù mắt mèo Pluto, sau đó giết và treo lên cành cây. 4. Ân hận vì đã giết mèo, đem về nhà một chú mèo đen khác. Lại bắt đầu muốn giết mèo. 5. Cầm rìu giết mèo, vợ ngăn lại, tức quá bổ rìu vào đầu vợ, chôn vợ vào trong ngách tường hầm. Kết thúc của câu chuyện khá giống vớiTrái tim kể tội nhưng có phần kỳ quái hơn. Cảnh sát đến điều tra, lục soát kỹ lưỡng. Kẻ sát nhân tỏ ra rất bình tĩnh khiến họ không nghi ngờ gì. Nhưng trước khi họ ra đi hắn bỗng thốt lên “Tôi có thể nói đây là một ngôi nhà được xây dựng tuyệt hảo. Những bức tường này - các ngài đi đấy ư? - Những bức tường này được gắn kết vào nhau rất chắc chắn” (3) . Và với một “lòng can đảm điên rồ” hắn đã gõ mạnh cây gậy vào bức tường nơi chôn xác vợ hắn. Lập tức một tiếng tru gào rùng rợn, thảm thiết như tiếng khóc của con trẻ vọng ra. Hoá ra hắn đã vô tình chôn sống con mèo cùng với thi thể người vợ tội nghiệp. Thùng rượu Amontillado cũng kể về hành vi sát nhân bệnh hoạn của Montresor, một quí ông rất sành rượu vang. Y rắp tâm giết Fortunato chỉ vì Fortunato luôn "gây tổn thương" cho y. Trong truyện không thấy y đưa dẫn chứng nào chứng tỏ Fortunato đã từng làm chuyện đó. Bản thân y cũng có lúc thừa nhận anh ta là người "đáng trọng", "đáng nể" vì nhiều lẽ trong đó nổi bật là sự sành rượu của anh ta. Dường như y không chịu đựng nổi sự tự tin của Fortunato khi nói về rượu. Y lập kế hoạch giết Fortunato một cách công phu. Đầu tiên y nói với Fortunato là đã mua được một thùng rượu Amontillado quí hiếm. Điều này kích thích trí tò mò của Fortunato ghê gớm, anh ta vội vã đi theo Montresor về tòa lâu đài của y. Ydẫn Fortunato xuống khu hầm mộ của dòng họ Montresor. Nơi đó chất đầy xương người được chôn cất trong nhiều thế kỷ. Y chuốc rượu cho Fortunato đến khi say. Chính thế Fortunato đã không ngần ngại theo y dấn sâu vào khu hầm mộ với hi vọng sẽ được nếm thử rượu Amontillado. Cuối cùng đến một nghách đường hầm y xích Fortunato lại, sau đó dùng vữa, gạch để sẵn từ trước và một cái bay thủ sẵn trong túi xây bít kín chôn sống Fortunato tội nghiệp. Sau đó y xây trát, ngụy trang lại khéo léo đến mức "nửa thế kỷ trôi qua" chẳng ai biết được vụ ám hại này. Để tìm hiểu người kể chuyện và giọng điệu kể chuyện trong loạt truyện ngắn nêu trên, chúng ta không thể bỏ qua một trong những đoạn viết về nghề hay nhất của ông trong tiểu luận Triết lý về soạn tác (The philosophy of composition): “Trong vô số những hiệu quả hay ấn tượng có thể gợi ra được ở trái tim, ở trí tuệ hoặc (khái quát hơn) ở tâm hồn, trong trường hợp này chúng ta, tức là tôi sẽ chọn hiệu quả nào. Sau khi chọn một hiệu quả với đặc tính thứ nhất là mới, thứ hai là mạnh mẽ, tôi cân nhắc hoặc là viết bằng những sự cố bình thường và giọng kể đặc biệt, hoặc là ngược lại, sự cố đặc biệt, giọng bình thường, hoặc là cả sự cố và cả giọng đều đặc biệt - và sau đó cân nhắc (hay đúng hơn là suy ngẫm) xem tổ hợp những sự cố và giọng nào trong các tổ hợp nói trên sẽ giúp tôi nhiều nhất trong việc gây dựng hiệu quả" (4) . Có thể thấy khá rõ là trong loạt truyện ngắn Rối loạn tâm thần, Poe gây dựng hiệu quả "mới", “mạnh mẽ" bằng "sự cố" lẫn giọng kể "đặc biệt". "Sự cố" ở đây có thể hiểu rộng ra là diễn biến cốt truyện. Đây là những cốt truyện thật sự ấn tượng. Một tên sát nhân bệnh hoạn kể lại quá trình dẫn đến hành vi sát nhân của mình. Nếu như có một mẩu tin trên báo viết về một sự kiện thế này chắc chắn nó sẽ là một trong những thông tin được đọc nhiều nhất. Và tương tự như vậy, một truyện ngắn có nội dung tương tự hẳn sẽ thu hút được lượng độc giả rất lớn. Sinh thời Poe cũng là một người làm báo rất giỏi, nhiều tờ báo sau khi Poe làm biên tập và viết bài số lượng phát hành đã tăng vọt. Điều đó chứng tỏ ông rất hiểu thị hiếu của công chúng. Và chắc chắn ông cũng rất biết làm thế nào để tạo ra một truyện ngắn khuấy động dư luận. Đại đa số độc giả sau khi đọc những truyện ngắn về tội phạm tâm thần đều cho rằng Poe đã từng bị điên hoặc ông có sự nhạy cảm phi thường nên mới mô tả được chính xác từng cấp độ tăng dần của các chứng loạn thần kinh. Từ một số nguồn tư liệu đáng tin cậy, những nhà nghiên cứu văn học đã biết được lúc đương thời, Poe đã có tìm hiểu qua thực tế và sách vở căn nguyên và diễn biến của một số chứng bệnh tâm thần bắt đầu lan rộng trong xã hội. Những truyện ngắn Rối loạn tâm thần của ông thường dựa trên những sự kiện được đăng tải trên báo. Sau đó ông đã dùng trí tưởng tượng và năng lực kể chuyện thiên tài của mình thêu dệt nên những câu chuyện cuốn hút kỳ lạ. Cũng cần phải nói thêm rằng những truyện ngắn của Poe không phản ánh trực tiếp thực trạng xã hội Mỹ nửa đầu thế kỷXIX nhưng tâm hồn siêu nhậy cảm của ông lại cảm nhận được rất rõ đời sống nội tâm của người Mỹ giai đoạn này. Ông đã phản ánh được trong tác phẩm của mình trạng thái tâm lý nhiễu loạn của nhân vật. Sự văn minh hoá quá tải đã làm thương tổn đời sống nội tâm của đại bộ phận dân chúng Mỹ. Nỗi lo âu tiềm ẩn và đời sống tinh thần bất an dường như xuất hiện ở nước Mỹ sớm hơn châu Âu. Ít nhất những người châu Âu đã có một cơ cấu, tổ chức xã hội có bề dày lịch sử và điều này đem lại cho họ một tâm lý tương đối an toàn. Tại Mỹ lúc đó không có bảo hiểm xã hội, mạnh ai người nấy sống, Poe đã miêu tả chính xác mặt trái của giấc mơ Mỹ, giấc mơ của những cá nhân đầy tự lập và thành đạt. Thế nhưng cái giá của chủ nghĩa vật chất và sự cạnh tranh thái quá cũng thật khủng khiếp: sự cô đơn, cách biệt, những tín hiệu bất ổn và mang lại cảm giác chết chóc luôn lơ lửng trong đời sống nội tâm của mọi thành viên trong xã hội. Những tác phẩm kỳ dị của Poe nẩy nở từ dự cảm về vực thẳm ngầm ẩn của cuộc sống hiện đại. Hậu quả của nhập cư, đô thị hoá, công nghiệp hoá kéo theo sự kết hợp xô bồ những nền văn hoá khác biệt từ nhiều quốc gia đã thực sự quấy đảo đời sống nội tâm của nhiều thế hệ, điều này với trái tim nhạy cảm của Poe là một cơn ác mộng dai dẳng, kinh hoàng. Cảm giác, bất an, bồn chồn, ám sợ trở thành chất liệu lý tưởng để Poe viết nên những câu chuyện "mê hồn sởn tóc gáy" (5) . Cho đến tận bây giờ những bộ phim Hollywood về những sát nhân bệnh hoạn vẫn đạt những kỷ lục về doanh thu thậm chí đạt được nhiều giải thưởng Oscar như Sự im lặng của bầy cừu. Và những tác phẩm văn học viết về loại tội phạm kiểu này vẫn luôn được độc giả nồng nhiệt chào đón. Rất có thể Poe là "sư tổ" của thể loại văn chương tạm gọi là Sát nhân bệnh hoạn này, cũng như ông đã từng được suy tôn là cha đẻ của thể loại Trinh thám. Sự nhậy cảm thiên bẩm, khả năng nắm bắt thị hiếu của công chúng, trí tưởng tượng độc nhất vô nhị của Poe đã giúp ông tác tạo nên những cốt truyện cực kỳ đặc sắc. Cùng với nghệ thuật kể chuyện bậc thầy của mình Poe đã tạo ra những truyện ngắn vô cùng ấn tượng. Trong loạt truyện Rối loạn tâm thần này Poe đã để cho nhân vật chính kể lại những câu chuyện kỳ quái của mình bằng một giọng điệu "đặc biệt". Các nhân vật trong loạt truyện này đều được viết từ ngôi thứ nhất. Như vậy, có thể liệt ba truyện ngắn này vào dạng Tự truyện hư cấu. - "Trước hết tôi chặt nhỏ tử thi. Tôi cắt rời đầu và chân tay. Sau đó tôi gỡ ba miếng ván sàn và đặt tất cả xuống đó. Tiếp theo tôi đặt lại những miếng ván sàn vào chỗ cũ một cách khôn ngoan, khéo léo đến mức không có cặp mắt nào - kể cả mắt lão - có thể phát hiện ra bất cứ sơ xuất gì" (Trái tim kể tội) (6) . - "Bằng một cái xẻng tôi dễ dàng nậy những viên gạch rồi cẩn thận đặt cái xác vào lớp tường bên trong và dựng nó lên, dù có chút ít khó khăn nhưng tôi vẫn xây lại được cấu trúc ban đầu của bức tường. Sẵn có vữa, cát kiếm được từ trước, với sự đề phòng cao nhất, tôi nhào thành một vật liệu trát không thể phân biệt được với vật liệu cũ, và với đám vữa này tôi trát rất cẩn thận lên chỗ gạch mới xây. Khi tôi kết thúc, tôi thấy hài lòng vì mọi chuyện thế là ổn" (Con mèo đen) (7) . - "Tôi vội vã kết thúc công việc của mình. Tôi ấn viên đá cuối cùng vào vị trí của nó; Tôi trát kín vữa. Tôi dựng một lớp xương cũ dựa vào bức tường mới. Nửa thế kỷ trôi qua không kẻ nào làm xáo trộn chúng - Cầu cho những linh hồn được yên nghỉ” (Thùng rượu Amontillado) (8) . Đại đa số truyện ngắn của Poe được trần thuật từ ngôi thứ nhất. "Tôi" vừa là người kể chuyện vừa là một nhân vật trong truyện. Trong loạt truyện Rối loạn tâm thần nêu trên "tôi" ở đây là "tôi" vai chính vì người kể chuyện là nhân vật chính của câu chuyện. Nhưng có những truyện ngắn như Đảo Tiên (The island of the fay), Sự thật về trường hợp của Valdemar (The facts in the case of Valdemar), Sự sụp đổ của ngôi nhà Usher (The fall of the house of Usher) nhân vật "tôi" lại kể câu chuyện kỳ quái xảy ra với những nhân vật khác. "Tôi" ở đây là "tôi" chứng nhân vì họ chỉ là những nhân vật phụ của truyện. Chẳng hạn trong Đảo Tiên nhân vật "tôi" đi lạc vào một hòn đảo kỳ lạ. Phía Tây là hậu cung tươi sáng tựa vườn địa đàng còn phía Đông thì chìm vào bóng tối, ở đó rất yên tĩnh, nỗi u sầu lan toả, bao phủ mọi vật. Một nàng tiên vô cùng mảnh mai xuất hiện, nàng chèo thuyền chậm rãi quanh đảo. Ở phía Tây trông nàng tươi tắn, rạng rỡ nhưng khi tiến về phía Đông nỗi buồn xuất hiện trên mặt nàng. Một lúc sau đi hết một vòng nàng lại trở lại vùng sáng. "Sự quay vòng nàng tiên vừa trải qua, - tôi tiếp tục mơ màng. - là chu kỳ một năm ngắn ngủi của cuộc đời nàng. Nàng đã dập dềnh trôi qua mùa đông và mùa hạ. Nàng đã gần hơn cái chết một năm. Tôi đã không bỏ lỡ cảnh tượng ấy, đó là khi nàng đi vào vùng tối, bóng nàng rời khỏi thân thể đổ xuống và bị làn nước đen nuốt chửng khiến màu đen của nó càng thêm đen hơn" (9) . Cứ mỗi lần nàng tiên từ vùng tối trở về vùng sáng trông nàng buồn bã và yếu đuối hơn. Cuối cùng khi mặt trời hoàn toàn biến mất, nàng tiên lúc này là chính bóng ma của nàng, một nàng tiên đáng thương không thể nào an ủi được, trôi vào bóng tối và không bao giờ trở ra nữa. Những truyện kiểu này giọng kể chủ yếu thiên về tả, chẳng hạn tả lại những sự vật, hiện tượng kỳ lạ. Còn trong loạt truyện Rối loạn tâm thần của Poe có thể thấy rõ nhân vật "tôi" không đóng vai trò đưa đẩy những câu chuyện của người khác. Họ xuất hiện đơn giản chỉ kể lại những câu chuyện của bản thân, những câu chuyện giết chóc quái đản được kể lại bằng giọng điệu cực kỳ linh hoạt và sống động. Trong loạt truyện Rối loạn tâm thần nêu trên, nếu thay "tôi" bằng một đại từ chỉ ngôi thứ ba số ít như "hắn", "gã", "y" thì hiệu quả sẽ thay đổi. Nhìn chung là câu chuyện vẫn đảm bảo sự hấp dẫn của nó thế nhưng khi nhân vật được kể từ ngôi thứ nhất thì câu chuyện dường như thuyết phục hơn. Khi đó sự can thiệp của tác giả vào nhân vật mờ đi. Độc giả thấy đây giống như là lời kể trực tiếp của sát nhân dạng tự truyện. Ngoài ra, với lối hành văn đậm đà khẩu ngữ thì câu chuyện còn giống như được ghi chép lại từ lời kể lể của sát nhân với một ai đó. Chúng ta không nên kết luận "tôi" vai chính hay chứng nhân chiếm lợi thế hơn trong truyện ngắn của Poe. Nhưng riêng với loạt truyện Rối loạn tâm thần này thì để "tôi" vai chính kể trực tiếp về quá trình gây án của mình là thích hợp nhất. Nói một cách khác, đó là sự lựa chọn sáng suốt của tác giả (10) . Tiếp theo chúng ta cần lưu ý đến giọng điệu kể chuyện của những nhân vật này. Những câu văn thường đậm chất khẩu ngữ, đặc biệt là ở phần đầu của mỗi truyện. Chẳng hạn phần mở đầu của Trái tim kể tôi: "Đúng thế! Thần kinh căng thẳng, cực kỳ căng thẳng, lúc ấy và cả bây giờ; nhưng sao bạn cứ nói là tôi điên? Cơn bệnh khi ấy đã mài sắc những giác quan của tôi - không hủy diệt - không làm cùn chúng. Nhất là thính giác đặc biệt nhậy bén. Tôi nghe thấy mọi điều từ nơi thiên đường tới cõi trần thế. Tôi nghe thấy đủ điều vọng từ địa ngục. Vậy thì tôi điên thế nào đây? Xin hãy lắng nghe và theo dõi xem tôi kể với bạn toàn bộ câu chuyện một cách bình tĩnh và sung sức đến nhường nào" (11) . Thậm chí đoạn văn này còn giống lời độc thoại trong một vở kịch. Nó mở toang thế giới nội tâm đầy bất ổn của nhân vật, nguyên nhân dẫn đến hành vi sát nhân điên rồ. Ngoài ra chất khẩu ngữ còn gia tăng tính hài hước cho câu chuyện, xóa đi rất nhiều cảm giác kinh hãi, ghê rợn. Nó khiến họ có cảm giác câu chuyện này có thật và điều này tạo nên ấn tượng rất mạnh cho độc giả. Để giọng điệu kể chuyện thêm phần đặc biệt, Poe đã sử dụng thủ pháp tỉnh lược ở nhiều cấp độ. Thủ pháp này góp phần không nhỏ cho việc tạo ra hiệu quả "mới" và " mạnh mẽ" mà Poe luôn đề ra khi cầm bút. Nếu đọc lại ba đoạn trích mô tả hành vi giấu xác chết của ba kẻ sát nhân đã dẫn ở trên, có thể thấy những tính từ bộc lộ cảm xúc đã được loại bỏ. Tất cả bọn họ đều không tỏ ra ăn năn hay sợ hãi khi đối diện với tử thi do chính mình sát hại. Việc giấu xác nạn nhân được diễn ra nhanh gọn, lanh lẹn chẳng khác nào một công việc lao động giản đơn. Thủ pháp "tỉnh lược" còn mở rộng tới những cấp độ khác. Poe đã xóa đi mốc thời gian cũng như địa danh nơi xảy ra án mạng. Tóm lại câu chuyện của ông có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, bất cứ thời điểm nào: thế kỷ XVII hay XX thậm chí XXI. Riêng trong Thùng rượu Amontillado có một chi tiết nhân vật cầm đuốc đi vào hầm mộ khiến bạn đọc cảm thấy câu chuyện này có vẻ xảy ra khá lâu rồi nhưng thời điểm nào thì không thể biết rõ. Tuổi nhân vật không xác định, tên cũng không có. Trong Thùng rượu Amontillado nhân vật có tên họ và cũng chỉ được gọi một lần lúc sắp kết thúc. Chính sự "tỉnh lược" triệt để này đã khiến giọng điệu kể trong những truyện ngắn trên mang sắc thái hiện đại mặc dù chúng được viết vào nửa đầu thế kỷ XIX. Cuối cùng, chúng tôi muốn bàn đến nghệ thuật hài hước của Poe, yếu tố quyết định "giọng điệu" đặc biệt của người kể chuyện trong loạt truyện Rối loạn tâm thần. Có thể nói chất uymua đặc sắc cũng như năng lực tư duy kiệt xuất của tác giả đã "dương bản" hoá những trang viết như được thảo từ địa ngục. Thay bằng rùng mình kinh hãi trước những xác chết đầm đìa máu, thậm chí bị cắt nhỏ thì đa số bạn đọc lại mỉm cười từ đầu đến cuối và thốt lên: "Điên quá". Để hiểu hơn về nghệ thuật hài hước của Poe trong loạt truyện ngắn này chúng ta tham khảo một ý kiến mang tính kinh điển về hài kịch: "Cách nhìn hài kịch về con người là cách nhìn con người ở hai bình diện lủng củng, xung khắc nhau: con và người, bản năng thân xác và trí tuệ lý trí, nói và làm, thực sự sống như thế nào và lẽ ra phải sống như thế nào" (12) . Trong cả ba truyện ngắn Rối loạn tâm thần nêu trên ta có thể nhận ra sự xung đột giữa hai bình diện qui chiếu nói năng tỉnh táo và hành sự điên rồ. Nhân vật kể chuyện luôn khẳng định mình tỉnh táo, thông minh, biết lên kế hoạch và không một lần thừa nhận bệnh trạng của mình. Thế nhưng họ lại giết người không ghê tay và với những lý do hết sức vặt vãnh. Trong Trái tim kể tội kẻ sát nhân giết ông già hàng xóm chỉ vì không chịu nổi ánh mắt của ông ta. Trong Con mèo đen, kẻ sát nhân lại căm ghét con mèo của mình chẳng vì lý do cụ thể nào. Y chỉ giải thích đúng một câu là do nghiện rượu. Còn trong Thùng rưọu Amontillado, tên sát nhân ra tay giết người chỉ vì không chịu nổi cá tính của Fortunato, đặc biệt sự tự tin của anh ta khi nói về rượu. Cũng như nhiều tác giả trào phúng khác, Poe sử dụng khá nhiều thủ pháp phóng đại, tương phản và nhại trong loạt truyện ngắn này. Poe đã nắm bắt được trạng thái luôn quá khích của người điên và thể hiện nó qua ngôn ngữ ngoa dụ của nhân vật. Chẳng hạn cái cách mà Montresor trong Thùng rượu Amontillado thể hiện sự khó chịu với nạn nhân của mình. "Tôi phải gồng mình hết sức mình để chịu đựng hàng ngàn những tổn thương mà Fortunato gây nên cho tôi, nhưng khi hắn dám cả gan sỉ nhục tôi thì tôi thề là sẽ trả thù" (13) , hay trong Con mèo đen kẻ sát nhân luôn bộc lộ sự căm ghét quá mức với con mèo đen của y: "Ngày trước con vật không lúc nào rời tôi nửa bước, còn sau này tôi thường xuyên giật mình từ những giấc mơ sợ hãi khó tả để rồi nhận ra hơi thở nóng bỏng của một thứ đè trên mặt, và sức nặng ghê gớm của nó - một cơn ác mộng bằng xương, bằng thịt mà tôi không đủ sức hất ra - không ngừng đè nặng lên trái tim tôi" (14) . Có thể thấy là nạn nhân càng hiền lành, tử tế thậm chí đáng tôn trọng bao nhiêu thì kẻ sát nhân càng khó chịu, rấm rứt bấy nhiêu. Tất cả những sát nhân ở đây đều ở trong tình trạng rối loạn tâm thần trầm trọng thế nhưng họ luôn cố gắng thể hiện mình là một người tỉnh táo, sáng suốt và hợp lý. Một kẻ điên kể lại câu chuyện bệnh hoạn của hắn bằng một giọng điệu lộn xộn, không mạch lạc đã có thể tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ. Thế nhưng ở đây tác giả để nhân vật kể chuyện nhại lại giọng điệu của một người tỉnh hoặc luôn cố tỏ ra tỉnh táo và hợp lý khiến chất uymua được duy trì liên tục từ đầu đến cuối. Chất uymua này đã hà hơi tiếp sức, thổi những luồng sinh khí quí giá vào những trang viết đậm đặc "chết chóc" của Poe. Nó đã giúp Poe thu hút về mình lượng bạn đọc đông đảo đến kinh ngạc. Nghệ thuật hài hước của Poe luôn mang đậm sắc thái khoan hòa. Tiếng cười trong tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ sắc sảo. Nhưng sắc sảo quá có khi lại không hay. Người Pháp có thành ngữ: "Nói những từ sắc sảo có khi lại là xấu thói". Đặc biệt là những lời sắc sảo xúc phạm nặng nề đến đối tượng bị châm biếm. Chính thế tinh thần khoan hòa trong hài hước là rất đáng trân trọng. Trong loạt truyện Rối loạn tâm thần của Poe ta thấy nhân vật kể chuyện không mô tả kỹ hành vi sát nhân hay tình trạng xác chết bị hủy hoại và vì thế cảm giác ghê sợ từ phía độc giả được giảm thiểu. Đọc xong ta cũng không thấy căm ghét hay thương hại kẻ điên hoặc xót xa cho những nạn nhân xấu số vì "tiếng cười vốn kỵ sự xúc động". Cũng không có một bài học luân lý hay chống tiêu cực nào được nhồi vào đầu độc giả. Cười ở đây là để cho vui. Hầu như tất cả trẻ con đều tò mò, thích thú chạy theo xem những người điên ăn mặc kỳ dị đi lang thang trong khi đó người lớn thì e ngại thậm chí muốn tống khứ. Giọng điệu kể chuyện hài hước của nhân vật trong loạt truyện ngắn này đã xóa đi sự "e ngại" nói trên nơi độc giả. Họ đã tiếp cận nhân vật điên của ông với sự "tò mò", "thích thú" như cảm giác đã từng trải qua thời thơ ấu. Tiếng cười "khoan hòa" Poe mang lại đậm nét nhân văn, nó góp phần quan trọng để tên tuổi của Poe được tôn vinh trên văn đàn thế giới. Khi còn sống, Poe được nhiều đồng nghiệp và bạn đọc đương thời hâm mộ, nhưng cũng không ít người ác cảm với những tác phẩm kiệt xuất, dị thường của ông. Giới văn chương Mỹ chính thống đã từng đánh giá Poe không cao. Ngay cả Walt Whitman cũng có những nhận định bất công về Poe, coi ông như một nhạc công chỉ biết chơi những phím chính của đàn Piano và không đại diện cho nền dân chủ Mỹ. Họ cho là Poe đã không có năng lực đối diện với hiện thực của nước Mỹ với những vấn đề nhân sinh chồng chất. Poe chỉ chiếm được trọn vẹn sự ái mộ của những độc giả có khuynh hướng "nghệ thuật vị nghệ thuật". Họ nhận ra rằng ẩn dưới những trang viết u ám và chết chóc kia là cảm hứng nghệ thuật thuần khiết với những âm hưởng nhân văn lan tỏa. Tuy nhiên, rất ít người dám bài bác giọng điệu kể chuyện cũng như những nhân vật kể chuyện đặc biệt của ông. Không chỉ trong loạt truyện Rối loạn tâm thần mà còn ở những thể loại trinh thám, kinh dị Poe cũng tạo nên những nhân vật kể chuyện cùng với những giọng điệu tuyệt vời thể hiện bút lực của một bậc thầy văn chương thế giới. Ông là người cầm bút đầu tiên đã hệ thống lại kinh nghiệm viết hay như chính ông tự nói những "mánh lới", "xảo thuật" nghề nghiệp trong những bài tiểu luận của mình. Những kinh nghiệm viết của Poe, đặc biệt là kỹ năng tạo dựng cốt truyện cũng như giọng điệu kể chuyện và sự kết hợp tài tình giữa hai yếu tố trên đã để lại những bài học nghề nghiệp vô giá cho những nhà văn hậu thế _________________ . chuyện trong loạt truyện rối loạn tâm thần của Edgar Allen Poe Hoàng Tố Mai Trước khi đi vào vấn đề người kể chuyện và giọng điệu kể chuyện trong loạt truyện Rối loạn tâm thần của Poe, chúng tôi. chuyện bậc thầy của mình Poe đã tạo ra những truyện ngắn vô cùng ấn tượng. Trong loạt truyện Rối loạn tâm thần này Poe đã để cho nhân vật chính kể lại những câu chuyện kỳ quái của mình bằng một. qua thực tế và sách vở căn nguyên và diễn biến của một số chứng bệnh tâm thần bắt đầu lan rộng trong xã hội. Những truyện ngắn Rối loạn tâm thần của ông thường dựa trên những sự kiện được đăng

Ngày đăng: 07/07/2014, 11:00

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan