Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội

197 22 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp
Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

Thông tin tài liệu

Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội

Trang 1

VIỆN HÀN LÂM

KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN ĐỨC LONG

BIỂU THỨC QUY CHIẾU TRONG CÁC VĂN BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI

Ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 9 22 90 20

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

PGS.TS NGÔ HỮU HOÀNG

HÀ NỘI - 2024

Trang 2

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác

TÁC GIẢ LUẬN ÁN

Nguyễn Đức Long

Trang 3

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

1 Lí do chọn đề tài 1

2 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 5

3 Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu 5

4 Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 7

1.1 Tổng quan tình hình nghiên cứu biểu thức quy chiếu 10

1.1.1 Tình hình nghiên cứu trên thế giới 10

1.1.2 Tình hình nghiên cứu biểu thức quy chiếu ở Việt Nam 20

1.2 Cơ sở lý thuyết 30

1.2.1 Vấn đề giao tiếp 30

1.2.2 Giao tiếp từ phương diện Dụng học 33

1.2.3 Biểu thức quy chiếu 38

1.2.4 Văn bản và văn bản khoa học xã hội 65

1.2.5 Đặc điểm cấu trúc, ngôn ngữ của văn bản khoa học xã hội 68

Trang 4

2.4.3 Biểu thức miêu tả kết hợp với chỉ xuất 101

2.4.4 Biểu thức tên riêng kết hợp với miêu tả và chỉ xuất 102

2.5 Cơ sở để thành lập biểu thức quy chiếu 103

2.6 Tiểu kết 108

Chương 3 ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA NGỮ DỤNG CỦA BIỂU THỨC QUY CHIẾU TRONG MỘT SỐ VĂN BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI 111

3.1 Đặc điểm ngữ nghĩa 111

3.1.1 Tỷ lệ biểu thức quy chiếu xác định và không xác định 114

3.2 Đặc điểm ngữ dụng của các biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội123 3.2.1 Đặc điểm của biểu thức quy chiếu 123

3.2.2 Nhận diện đối tượng biểu thức quy chiếu trỏ tới trong các bài viết khoa học xã hội 126

3.3 Tiểu kết 145

KẾT LUẬN 147

NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 151

TÀI LIỆU THAM KHẢO 152

PHỤ LỤC 1: DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TRÍCH DẪN 160

PHỤ LỤC 2: CÁC BIỂU THỨC QUY CHIẾU TRONG VĂN BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI 166

Trang 5

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

BTQCXĐ biểu thức quy chiếu xác định

BTQCKXĐ biểu thức quy chiếu không xác định

Trang 6

MỞ ĐẦU 1 Lí do chọn đề tài

Hiện nay, xu hướng trong lĩnh vực ngôn ngữ học là tập trung nghiên cứu sâu rộng các vấn đề liên quan đến đời sống hàng ngày và hoạt động giao tiếp Ngôn ngữ học chú trọng chức năng phục vụ trao đổi thông tin và tương tác giữa con người với nhau Các nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu rộng rãi về sự đa dạng của lời nói, xét theo góc độ chung nhất của hệ thống ngôn ngữ Từ các nghiên cứu của Searle [97] và Austin [73], các nhà ngôn ngữ học đã phát triển dụng học, trong đó quy chiếu và biểu thức quy chiếu được coi là một trong những khía cạnh quan trọng Quy chiếu (reference), hiểu theo nghĩa chung nhất, là việc người nói, người viết chỉ cho người nghe, người đọc biết

mình đang đề cập tới đối tượng nào Quy chiếu, còn gọi là chiếu vật, hoặc sở chỉ, như Asher định nghĩa, là “Thực thể trong thế giới hiện thực được chỉ ra

bằng một sự diễn đạt ngôn từ” [72, 5164] Trong luận án này, chúng tôi dùng thuật ngữ “quy chiếu” Theo Fontain, L., Jones, K., &Schonthal, D [80], thì người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu quy chiếu là Frege (1892 - 1993) Frege cho rằng “Biểu thức quy chiếu là một biểu thức trỏ tới một vật thể duy nhất, nói cách khác, đây là sự mô tả xác định” (dẫn theo Fontain, L., Jones,

K., &Schonthal, D, [80, 6]) Theo Dictionary of semiotics của Martin, B &

Ringham, F., “biểu thức quy chiếu là những từ chỉ có nghĩa một phần: để có thể tìm hiểu được nghĩa toàn thể của nó trong một trường hợp cụ thể, ta phải quy chiếu tới một đối tượng khác” [94, 109] Theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp [23], “Thuật ngữ quy chiếu được các nhà ngôn ngữ học dùng để chỉ mối quan hệ giữa các yếu tố ngôn ngữ với các sự vật, biến cố, hành động, tính chất mà chúng thay thế” [23, 372]

Còn biểu thức quy chiếu (referring expression) là những đơn vị ngôn ngữ mà người nói, người viết sử dụng để “trỏ” về một đối tượng nào đó, giúp cho người nghe, người đọc hiểu được đối tượng nào đang được nhắc tới, đề

Trang 7

cập tới Hurford, Heasley and Smith [88] định nghĩa “Biểu thức quy chiếu là bất cứ biểu thức ngôn ngữ nào được dùng trong một phát ngôn để ám chỉ tới điều gì đó hoặc ai đó (hoặc tới một tập hợp rõ ràng, không hạn định các vật hoặc người), tức là dùng để chỉ một đối tượng cụ thể xuất hiện trong tâm trí họ” (A referring expression is any expression used in an utterance to refer to something or someone (or a clearly delimited collection of things or people), i e used with a particular referent in mind) [88, 37]

Tác giả Nguyễn Thiện Giáp [23] cho rằng biểu thức quy chiếu là “những hình thức ngôn ngữ mà người nói hoặc người viết đã dùng cho phép người nghe, người đọc nhận diện cái gì đó Các tên riêng, chẳng hạn Hà Nội, Hải Phòng, Trà Vinh, Hùng, Tuấn, v v là những biểu thức quy chiếu ít phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp nhất Biểu thức quy chiếu có thể là các danh ngữ xác định, chẳng hạn: phóng viên này, ca sỹ kia, cô sinh viên ấy…; các danh ngữ không xác định, chẳng hạn: một phóng viên nào đó, một ca sỹ nào đó…; các đại từ chỉ ngôi, chẳng hạn: tôi, mày, nó, họ, v v.” [23, 89 - 90]

Biểu thức quy chiếu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình giao tiếp, giúp người đọc hoặc người nghe nhận biết một cách chính xác và nhanh chóng đối tượng mà người viết hoặc người nói đang ám chỉ tới Giả sử không sử dụng biểu thức quy chiếu, người nói hoặc người viết sẽ phải dùng một lượng lớn từ ngữ hoặc câu chữ để mô tả, giải thích mới có thể chỉ ra một cách rõ ràng đối tượng cụ thể mà họ muốn đề cập tới Cao Xuân Hạo [27] cho rằng: “Muốn biết một câu nói ra phản ánh sự tình cụ thể nào, có giá trị chân lý hay không, phải biết sở chỉ của các thành tố của nó” [27, 114] (Cao Xuân Hạo, và một số nhà Việt ngữ khác, dùng thuật ngữ “sở chỉ”, không dùng thuật ngữ “quy chiếu”)

Trong các công bố khoa học xã hội, nhà khoa học và độc giả được xem là các bên của một cuộc đối thoại đặc biệt thông qua văn bản, và đối tượng

Trang 8

biệt về độ tuổi, kinh nghiệm và mức độ quen thuộc với chủ đề nghiên cứu sẽ xảy ra theo diễn trình thời gian: cùng một độc giả đó, nhưng ở lần đầu tiên đọc tác phẩm và lần đọc sau đó rất lâu (ví dụ, 20 năm) sẽ có sự khác biệt lớn về độ tuổi, trình độ, kinh nghiệm của độc giả, điều này có thể dẫn tới những phản ứng khác nhau với bài viết Do đó, tác giả cần chủ động sử dụng biểu thức quy chiếu phù hợp để duy trì tính chuyên nghiệp khi triển khai lập luận, giúp tránh khỏi những phản ứng tiêu cực từ độc giả Việc sử dụng các biểu thức quy chiếu đa dạng không chỉ làm cho văn bản trở nên phong phú hơn, mà còn ngăn chặn sự lặp lại nhàm chán, đồng thời tạo ra sự liên kết mạch lạc hơn trong bài viết Điều này giúp độc giả dễ dàng nắm bắt nội dung hơn và tăng tính thú vị của bài viết

Theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp [23], “quy chiếu rõ ràng gắn với ý định và niềm tin của người nói khi sử dụng ngôn ngữ Để có sự quy chiếu đúng chúng ta phải công nhận vai trò của suy luận, bởi vì giữa các thực thể và các từ không có mối liên hệ trực tiếp nên nhiệm vụ của người nghe là phải suy luận đúng người nói có ý định nhận diện thực thể nào khi dùng một biểu thức quy chiếu” [2, 90] Tức là, bản thân các từ không tự trỏ tới các thực thể bên ngoài thế giới, mà người nói, người viết sử dụng biểu thức ngôn ngữ để trỏ tới đối tượng bên ngoài, và người nghe, người đọc có thể hiểu được, suy luận được đối tượng nào đang được đề cập tới G Yule [69] cho rằng, quy chiếu hoặc sở chỉ không chỉ là một khía cạnh tự nhiên của ngôn ngữ, mà thực tế đó là một hoạt động của con người Do đó, cần nhận ra rằng từ ngữ không tự “chỉ” đến một đối tượng cụ thể một cách tự động Khả năng này chỉ có con người mới thực hiện được Vì vậy, trong giao tiếp nói chung, trong văn bản khoa học xã hội nói riêng, quy chiếu đóng vai trò quan trọng như một cơ sở giúp nhận diện và phân loại các đối tượng mà người nói hoặc người viết muốn chỉ đến Điều này cũng là một trong những vấn đề quan trọng đầu tiên của ngôn ngữ học khi xác định độ chân thực của một phát ngôn

Trang 9

Trong giao tiếp ngôn ngữ, quy chiếu và biểu thức quy chiếu là những yếu tố thường xuyên xuất hiện Đặc biệt, trong lĩnh vực văn bản khoa học xã hội, các biểu thức quy chiếu thường được lựa chọn kỹ càng, mang văn phong nghiên cứu khoa học Việc tìm hiểu kỹ về chúng là cần thiết để giúp hiểu đúng và sâu sắc hơn về nội dung của văn bản Theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp [23], “Trong ngữ cảnh mà mọi người đều nhìn thấy dùng các đại từ làm biểu thức quy chiếu có thể đủ để quy chiếu thành công, nhưng ở những chỗ việc nhận diện khó khăn hơn thì có thể dùng những danh ngữ phức tạp” [23, 90] Việc nghiên cứu các biểu thức ngôn ngữ, những “danh ngữ phức tạp” – thuật ngữ của tác giả Nguyễn Thiện Giáp, để quy chiếu đúng đối tượng trong văn bản khoa học xã hội nói riêng, văn bản khoa học nói chung là điều rất cần thiết

Trên thế giới, biểu thức quy chiếu và tính mạch lạc của nó trong diễn ngôn là những vấn đề được nhiều nhà ngôn ngữ học trong các lĩnh vực cú pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng học quan tâm, nghiên cứu Biểu thức quy chiếu có thể được nghiên cứu từ phương diện ký hiệu học, như công trình của Halliday [83], hay từ phương diện ngữ pháp chức năng cũng của chính Halliday [84] Etsuko Yosida [79] cho rằng các nhà khoa học đang có xu hướng chú ý tới quy chiếu và các yếu tố diễn ngôn ảnh hưởng đến các lựa chọn tham chiếu như sự gắn kết cục bộ hoặc toàn thể của diễn ngôn, cấu trúc thông tin và xử lý diễn ngôn

Tuy nhiên, vẫn còn ít những công trình nghiên cứu biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay Việc thiếu vắng mảng nghiên cứu quan trọng này là lí do cơ bản đưa chúng tôi thực hiện luận án tiến sỹ “Biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội”, giúp cung cấp cho giới nghiên cứu những kết quả bước đầu về biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội

Trang 10

2 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Luận án này nghiên cứu theo hướng ngữ dụng học, khảo sát và mô tả

các dạng biểu hiện của các biểu thức quy chiếu trong văn bản khoa học xã hội, và luận án có hai mục đích chính:

- Nghiên cứu các biểu thức quy chiếu xét từ các phương diện cấu trúc, ngữ nghĩa nhằm tìm hiểu phương thức quy chiếu

- Tìm hiểu các giá trị của biểu thức quy chiếu trong văn bản khoa học xã hội Những phát hiện của nghiên cứu này có thể sẽ được áp dụng trong thực tế công tác tại Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, giúp cho công tác biên tập bài viết được tốt hơn

Để đạt được những mục đích trên, trong luận án này chúng tôi thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Tổng quan những vấn đề lí thuyết có liên quan đến biểu thức quy chiếu - Phân loại và miêu tả các biểu thức quy chiếu xét từ phương diện cấu tạo - Tìm hiểu các đặc điểm ngữ nghĩa học và dụng học của biểu thức quy chiếu trong một số văn bản khoa học xã hội

3 Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

3.1 Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là các biểu thức quy chiếu chỉ người trong văn bản khoa học xã hội Do đối tượng của biểu thức quy chiếu rất rộng, trải dài nhiều lĩnh vực, nên việc khu biệt đối tượng nghiên cứu là cần thiết, và biểu thức quy chiếu chỉ người là một lựa chọn phù hợp với thực tế nghiên cứu Văn bản khoa học xã hội bao gồm nhiều thể loại khác nhau, và thể loại văn bản khoa học xã hội mà chúng tôi lựa chọn là các bài viết nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022

Chúng tôi lựa chọn đối tượng nghiên cứu này vì đây là các bài báo thuộc ngành khoa học xã hội cơ bản, nghiên cứu các phương diện của khoa học xã

Trang 11

hội và nhân văn Đây là những bài viết chung, liên ngành, có độ phủ lớn, bao quát và có nhiều ngành nghiên cứu trong đó, có tính đại diện

Các bài viết nghiên cứu thường có cấu trúc mở đầu, tổng quan tình hình nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, thảo luận, kết luận Chúng tôi lựa chọn Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam vì đây là tạp chí uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có truyền thống lâu năm, có hàm lượng khoa học cao và được cộng đồng khoa học thừa nhận Tạp chí là một diễn đàn để các nhà khoa học có thể trình bày các công trình nghiên cứu, qua đó thể hiện quan điểm, suy nghĩ của cá nhân về các vấn đề nghiên cứu, về thế giới cũng như mong muốn nhận được sự phản hồi từ độc giả

3.2 Phạm vi nghiên cứu

Trong thế giới hiện thực, mỗi sự vật hiện tượng có thể được quy chiếu bằng những biểu thức quy chiếu khác nhau Việc lựa chọn những biểu thức quy chiếu khác nhau để chỉ cùng một đối tượng phụ thuộc vào bản thân người viết, người nói để phục vụ cho dụng ý của riêng tác giả Để có thể nghiên cứu tất cả các hiện tượng biểu thức quy chiếu trong thực tế là điều quá sức với hầu hết các nhà khoa học, do vậy trong luận án này, chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu là các biểu thức quy chiếu chỉ người được khảo sát qua các bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam từ năm 2017 tới 2022, trải dài qua 72 số tạp chí Do đặc thù là một tạp chí đa ngành, các bài viết thường không xuất hiện đồng đều trong các số, nên chúng tôi không phân loại các bài viết thành các chuyên mục khác nhau Thay vào đó, chúng tôi lựa chọn tất cả các bài viết được đăng ở trên tạp chí, vì tất cả các bài viết này đều đáp ứng được các tiêu chí của một bài báo khoa học

Trang 12

4 Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án

Để nghiên cứu đề tài này, chúng tôi áp dụng một số phương pháp luận

khoa học duy vật biện chứng Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng trong luận án như sau:

4.1 Phương pháp thu thập ngữ liệu

Chúng tôi xây dựng bảng tổng hợp các biểu thức quy chiếu có thể xuất hiện trong các văn bản khoa học xã hội, tìm kiếm và trích xuất các cụm từ, mệnh đề và câu có chứa biểu thức quy chiếu; đọc và sàng lọc, lựa chọn các biểu thức quy chiếu chỉ người

4.2 Phương pháp nghiên cứu

4.2.1 Phương pháp miêu tả ngôn ngữ học

Phương pháp này được dùng để miêu tả cấu trúc của các biểu thức quy chiếu và các vấn đề liên quan, để làm nổi bật các khía cạnh ngữ nghĩa hoặc dụng học của các biểu thức trong văn bản khoa học xã hội dựa trên các đặc thù của ngữ nghĩa, dụng học và phân tích văn bản

4.2.2 Phương pháp phân tích diễn ngôn

Phương pháp này được sử dụng để nhận diện các biểu thức quy chiếu, tìm hiểu ngữ nghĩa và chức năng của các biểu thức này Các đặc điểm ngữ nghĩa học và dụng học của biểu thức quy chiếu trong văn bản khoa học xã hội được phân tích theo khung lý thuyết

4.2.3 Thủ pháp thống kê

Thủ pháp này được sử dụng để thu thập các biểu thức quy chiếu trong văn

bản khoa học xã hội Sau khi thu thập được dữ liệu, chúng tôi tiến hành thống kê các biểu thức quy chiếu trong nguồn dữ liệu, phân loại các dữ liệu về các tiểu mục phù hợp, và thống kê kết quả các biểu thức trong các tiểu mục đó

Trang 13

5 Đóng góp của luận án

Luận án góp phần đi sâu xem xét đối tượng biểu thức quy chiếu ở các văn bản khoa học xã hội đặc thù Cụ thể là nhận diện, thống kê các biểu thức quy chiếu trong một số văn bản khoa học xã hội, chỉ ra những biểu thức quy chiếu hay được các nhà khoa học sử dụng trong các công trình nghiên cứu của mình Luận án cho rằng, trong các bài viết khoa học xã hội, tác giả cần sử dụng nhiều biểu thức miêu tả trong quy chiếu chỉ người trong các bài báo khoa học xã hội nhằm thay đổi, đa dạng hóa cách diễn đạt, tạo ra sự mới mẻ sinh động cho văn bản

6 Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

6.1 Về lý luận

- Luận án góp phần làm rõ hiện tượng quy chiếu trong một loại hình văn bản đặc thù là văn bản khoa học xã hội Luận án chỉ ra được phương thức quy chiếu một đối tượng mà người Việt sử dụng thông qua việc nghiên cứu các biểu thức quy chiếu được họ sử dụng

- Bước đầu chỉ ra được ý nghĩa của biểu thức quy chiếu trong phân tích diễn ngôn, phương thức thực hiện chức năng liên nhân

- Bước đầu chỉ ra được vai trò của biểu thức quy chiếu trong văn bản khoa học xã hội

6.2 Về thực tiễn

- Những kết quả nghiên cứu của luận án giúp cho việc hiểu rõ hơn các văn bản khoa học xã hội trong mạch diễn ngôn và có thể ứng dụng trong việc đọc hiểu văn bản và việc xử lý văn bản khoa học xã hội

- Giúp cho các tác giả có thêm những nhận thức mới và tăng hiệu quả của biểu thức quy chiếu trong công tác viết bài khoa học xã hội

Trang 14

7 Bố cục của luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, và Phụ lục, luận án gồm 3

chương:

Chương 1 Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lí thuyết

Chương này trình bày những vấn đề lí thuyết làm nền tảng cho việc triển khai đề tài

Chương 2 Đặc điểm cấu tạo của biểu thức quy chiếu trong một số văn bản khoa học xã hội

Chương này tìm hiểu cấu tạo biểu thức quy chiếu trong các bài viết khoa học đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam

Chương 3 Đặc điểm ngữ nghĩa ngữ dụng của biểu thức quy chiếu trong một số văn bản khoa học xã hội

Chương 3 phân tích đặc điểm ngữ nghĩa ngữ dụng của biểu thức quy chiếu trong một số văn bản khoa học xã hội

Ngoài ra, luận án còn đính kèm Phụ lục thống kê 57 bài viết chứa biểu

thức quy chiếu mà chúng tôi đã thu thập được và đưa làm ví dụ minh họa trong nghiên cứu

Trang 15

Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT

Dẫn nhập

Theo Fontain, L., Jones, K., &Schonthal, D [80], thì người đầu tiên trên

thế giới nghiên cứu quy chiếu là Frege (1892 - 1993) Thuật ngữ biểu thức quy chiếu (referring expression) được L Hjelmslev [86] lần đầu tiên đưa ra trong cuốn Omkring sprogteoriens grundlæggelse (Cơ sở lí thuyết ngôn ngữ),

xuất bản năm 1943 bằng tiếng Đan Mạch và sau đó được Nhà xuất bản Baltimore thuộc Đại học Indiana (Hoa Kỳ) cho dịch và xuất bản bằng tiếng

Anh năm 1953, với tiêu đề Prolegomena to a theory of language Biểu thức

quy chiếu là đơn vị ngôn ngữ mà bên phát thông tin sử dụng để trỏ tới một đối tượng nào đó trong thế giới khả hữu Biểu thức quy chiếu là đối tượng nghiên

cứu được nhiều chuyên ngành khoa học quan tâm

1.1 Tổng quan tình hình nghiên cứu biểu thức quy chiếu

1.1.1 Tình hình nghiên cứu trên thế giới

1.1.1.1 Các nghiên cứu theo hướng lý thuyết

Vấn đề biểu thức quy chiếu đã được nhiều nhà ngôn ngữ học trên thế giới quan tâm, trong đó có những công trình tiêu biểu của các tác giả sau: De

Saussure [53] với cuốn Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương; Otto Jespersen [91] có The philosophy of grammar; Austin [73] có cuốn How to do things

with words; Yule [69] với cuốn Pragmatics (Dụng học, được dịch sang tiếng

Việt và xuất bản năm 2003); Levinson [93] với Pragmatics; Ullmann, S [100] The Principles of Semantics; James R Hurford, Bredan Heasley và

Michael B Schmith [88] với công trình “Semantics - A coursebook”; Geeraerts, D [82] có Theories of Lexical Semantics; Lee, D [16] có Dẫn luận

Trang 16

góp quan trọng của các công trình này liên quan tới biểu thức quy chiếu được trình bày ở phần dưới đây

De Saussure [53] là nhà nghiên cứu tiêu biểu trong ngôn ngữ học nói chung, có nhiều đóng góp làm cơ sở cho dụng học phát triển sau này Với

cuốn Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương, ông đã miêu tả phương thức người

ta quy chiếu sự vật, với hình ảnh cái cây được thể hiện trong các ngôn ngữ khác nhau Dù được thể hiện ra bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng cuối cùng thì đối tượng mà các biểu thức này trỏ về cũng là những cái cây Ông chỉ ra việc cái cây, dù được thể hiện ra bằng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau, nhưng người đọc, người nghe vẫn luôn có thể hình dung ra được một “cái cây”, có gốc, có thân, và có ngọn, thuộc loài thực vật, tồn tại trên trái đất Việc quy chiếu “cái cây” này bằng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau không cản trở độc giả trỏ về đúng đối tượng mà bên phát ngôn muốn chỉ ra Theo ông, việc dùng các biểu thức ngôn ngữ để trỏ cho độc giả biết mình đang muốn nói đến một cái cây là một công đoạn phức tạp, đòi hỏi người nói phải dùng các phương tiện ngôn ngữ hiện có để giúp cho người nghe hiểu được mình đang muốn đề cập tới đối tượng nào Người ta cần tránh đơn giản hóa vấn đề, bởi vì “nó đưa người ta đến chỗ giả định rằng mối quan hệ gắn bó một tên gọi với một sự vật là một thao tác hết sức đơn giản, mà điều đó hoàn toàn không đúng” [53, 138]

Otto Jespersen [91] là người có đóng góp rất lớn cho nghiên cứu về ngôn ngữ, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về dụng học và các biểu thức

quy chiếu Trong công trình The philosophy of grammar xuất bản lần đầu năm

1924, ông đã trình bày nhiều vấn đề cơ bản của quy chiếu Ông cho rằng, quy chiếu về bản chất là quy trình một người tìm về đúng đối tượng mình cần tìm: tương tự như việc đi lên tầng 5, nếu người đó đang ở tầng 4 thì chỉ cần đi lên thêm một tầng nữa là tới tầng 5, nếu đang ở tầng 1 thì phải đi lên 5 tầng Quy

Trang 17

trình quy chiếu cũng vậy, nếu đối tượng cần quy chiếu là dễ dàng được chỉ ra và được nhận biết thì quy trình này đơn giản, còn nếu đối tượng khó nhận diện được thì người nói phải sử dụng nhiều phương tiện khác nhau mới chỉ ra cho người nghe biết được đấy là đối tượng nào

Các phương tiện mà người nói gắn thêm vào thành phần chính, để người nghe có thể xác định được đúng đối tượng mà người nói muốn đề cập tới, được Jespersen [91] gọi là restrictive/qualifying adjunt (phần phụ trợ sơ loại, tương đương định ngữ) Các từ phụ trợ sơ loại này có chức năng hạn chế số lượng các vật thể cần thiết để có thể xác định được đúng đối tượng mà người nói muốn trỏ tới, ví dụ “đỏ” trong “hoa hồng đỏ” sẽ xác định rõ chỉ có những hoa hồng màu đỏ mới được xem xét, các loại hoa hồng trắng/xanh… sẽ không được tính đến Theo hướng nghiên cứu này, nhiều nhà ngôn ngữ học đã kế thừa và vận dụng phương thức mà Jespersen [91] đã đề ra

Jespersen cũng cho rằng, các phần phụ trợ sơ loại có tính chất tương đối, miễn là chúng có thể chỉ dẫn cho người nghe xác định đúng đối tượng mà người phát ngôn muốn người nhận phát ngôn nhận biết nó Ví dụ, nếu một cảnh sát nói với đồng nghiệp, anh hãy theo dõi tên đang hút xì gà uống rượu ngoại ở góc cuối phòng, thì dù đối tượng đó có thể đang không hút xì gà mà chỉ là hút thuốc lá, không uống rượu ngoại mà chỉ đơn giản là uống rượu nội địa, thì người nghe (trong trường hợp này là người đồng nghiệp của viên cảnh sát) cũng vẫn có thể xác định được đúng đối tượng cần theo dõi (Điều này tương tự ví dụ của Saussure, khi ông cho rằng, khi nhìn thấy đèn đỏ hoặc đèn xanh, dù màu sắc của đèn giao thông có thể chỉ là hơi đỏ hoặc hơi xanh, thì ý nghĩa của đèn đối với người tham gia giao thông cũng chỉ là một, là dừng lại/ tiếp tục đi) Trọng tâm của việc nghe và hiểu các chỉ dẫn ở đây là làm sao xác định được đúng đối tượng cần theo dõi, không phải là việc đối tượng đó có

Trang 18

có thể xác định đúng đối tượng mà người nói trỏ tới thường phụ thuộc vào các phụ trợ sơ loại này, các thành phần này càng cụ thể rõ ràng thì người nghe càng có cơ hội xác định đúng đối tượng được quy chiếu Chúng tôi cho rằng, cách phân loại của Jespersen rất dễ hiểu và dễ áp dụng cho phân loại và nghiên cứu biểu thức quy chiếu, các thành phần phụ trong biểu thức chỉ là các phương tiện giúp cho người đọc, người nghe có thể nhận diện được những đối tượng đấy

Nghiên cứu về dụng học có sự đóng góp lớn của Austin [73] và Searle [97] Năm 1962, sau khi Austin qua đời, các học trò của ông đã tổ chức và

biên soạn những bài giảng của ông thành một tác phẩm có tựa đề “How to do things with words” (Cách thực hiện hành động bằng lời nói) Cuốn sách trình

bày nhiều vấn đề trong giao tiếp, bao gồm hành động ngôn từ, hành động tại lời, và một số vấn đề thuộc về giao tiếp Austin [73] đã mô tả nhiều khía cạnh liên quan đến lĩnh vực dụng học và hoạt động ngôn ngữ của con người, bao gồm các vấn đề về tiền giả định Theo ông, để có thể thực hiện được giao tiếp thành công, các bên tham gia cần có những giả định để giao tiếp có thể tiến hành, cần được giải thích nếu một bên hiểu sai đối tượng bên kia đang bàn tới

Searle [97] đã tiếp tục và phát triển lý thuyết của Austin Searle [97] đề xuất rằng để người nghe hoặc người đọc có thể suy luận đúng đối tượng mà người nói hoặc người viết đang đề cập tới, cần phải có bảy yếu tố quan trọng: 1) Đảm bảo điều kiện đầu vào và đầu ra; 2) Phát ngôn của người nói diễn ra như một phần của chuỗi phát ngôn hoặc chuỗi câu; 3) Phát ngôn được xem xét như một hành vi tại lời; 4) Phải có đối tượng được người nói hoặc người viết muốn người nghe hoặc người đọc nhận diện được; 5) Người nói hoặc người viết dự kiến rằng người nghe hoặc người đọc sẽ nhận diện được đối tượng; 6) Người nói hoặc người viết dự tính rằng người nghe hoặc người đọc sẽ nhận diện được đối tượng thông qua việc hiểu các quy tắc của phát ngôn và

Trang 19

dựa trên ngữ cảnh của nó; 7) Các quy tắc ngữ nghĩa phải được thỏa mãn đầy đủ để quy chiếu có thể thành công

Yule [69] trong công trình Pragmatics (Dụng học) trình bày các hình

thức quy chiếu, trực chỉ (deixis) bao gồm trực chỉ người (person deixis), trực chỉ không gian (spatial deixis), và trực chỉ thời gian (temporal deixis) Ông trình bày các vấn đề về quy chiếu và thuộc ngữ, quy chiếu và tên riêng, ngữ cảnh và quy chiếu, các hình thái quy chiếu hồi chỉ, khứ chỉ

Levinson [93] trong công trình Pragmatics (Ngữ dụng học) trình bày quy

chiếu, chỉ xuất (deixis) bao gồm các chỉ xuất chỉ người/ngôi (person deixis), chỉ xuất không gian, chỉ xuất thời gian, chỉ xuất xã hội Levinson rất chú trọng tới biểu thức quy chiếu và cho rằng, một trong những xuất phát điểm của dụng học là việc hai bên tham gia đối thoại có thể chỉ cho nhau biết họ đang đề cập tới đối tượng nào Chỉ ra được đúng đối tượng mà bên phát tín hiệu đưa ra là một trong những yêu cầu rất cơ bản của dụng học Ông đưa ra ví dụ:

(1) Trời tối, một người tên là Harry nói “nghe này, tôi đồng ý với

ông mà không đồng ý với ông, và không phải là về cái này mà là về cái này” [93, 54 - 55]

Trong điều kiện trời tối và không có bất cứ nguồn sáng nào, thì có thể nói phát ngôn trên không chỉ cho người nghe biết người nói đang đồng ý với

“ông” nào (giả sử là có nhiều ông trong phòng), về “cái này” hay “cái này”

thật ra là cái gì/cái nào Để chỉ được cho người nghe biết cụ thể các đối tượng đó, cần có ánh sáng Tương tự, những trường hợp quy chiếu khác đều cần những điều kiện nhất định Chỉ xuất diễn ngôn và chỉ xuất xã hội được Levinson [93], Lyons [43] chú ý nghiên cứu

Biểu thức quy chiếu không chỉ là đối tượng nghiên cứu của ngữ dụng

Trang 20

công trình The Principles of Semantics, trong đó ông đã nghiên cứu nhiều về

các quy tắc của ngữ nghĩa Ông đề xuất mô hình tam giác ngữ nghĩa, được nhiều nhà ngôn ngữ học sau này sử dụng James R Hurford, Bredan Heasley và Michael B Schmith [88] với công trình “Semantics - A coursebook” đã nghiên cứu về các biểu thức quy chiếu, từ định nghĩa, phân loại tới cách dùng Nhóm tác giả coi hai câu chỉ có thể giống nhau nếu giống nhau tuyệt đối cả thành phần và vị trí các bộ phận cấu thành, nếu có bất kì một sự khác biệt nào thì đấy là hai câu khác nhau Các biểu thức quy chiếu trong câu/phát ngôn chỉ ra người/sự vật ở bên ngoài thế giới, xác định đối tượng đó Trong công trình này, các tác giả nghiên cứu quy chiếu từ phương diện của ngữ nghĩa học Geeraerts, D [82] có công trình Theories of Lexical Semantics, trong đó ông

lý giải nhiều vấn đề của ngữ nghĩa học trong tương quan độc lập với mối quan hệ tín hiệu - vật của dụng học Moskalskaja [48] có công trình nghiên cứu Ngữ pháp văn bản, trong đó tác giả dành một phần để trình bày các vấn đề liên quan tới diễn ngôn và biểu thức quy chiếu

Lee, D [16] đã dành một phần công trình nghiên cứu của mình để đề cập tới vấn đề mơ hồ quy chiếu, một trong những điểm tác giả quan tâm là liệu các biểu thức quy chiếu có “trỏ” đúng người, đúng vật mà người nói muốn để cập tới hay không Lee xem xét những vấn đề quy chiếu liên quan tới thời tính (temporal space) hay quan hệ không gian, tác giả cho rằng có thể có những không gian được lồng vào nhau, và do đó nó có thể quy chiếu tới những đối tượng hoàn toàn khác nhau [16, 146]

Lyons [43] nghiên cứu các vấn đề biểu thức quy chiếu và cho rằng quy chiếu là mối liên hệ được xác lập giữa người nói/chủ thể phát ngôn với cái mà người nói đề cập đến trong những hoàn cảnh cụ thể Tên gọi dùng để trỏ, để chỉ ra thực thể/nhóm thực thể thuộc thế giới thực hữu được nói tới, còn vị từ được gán thuộc tính cho những thực thể đơn lẻ/tập hợp những thực thể đơn lẻ

Trang 21

và gán quan hệ cho những thực thể được sắp xếp cặp đôi, cặp ba này Theo Lyons [43], ngoài tên riêng, có hai lớp biểu thức quy chiếu quan trọng phân biệt với nhau cả về cú pháp lẫn ngữ nghĩa, đó là các danh ngữ với danh từ làm trung tâm và các đại từ Ngữ đoạn có danh từ làm trung tâm có thể được phân thành các biểu thức miêu tả xác định (definite descriptions) hoặc có thể thành các phạm trù phân loại (sortal categories) Theo đó, hai loại tiền giả định liên quan tới cách phân loại này được hình thành: tiền giả định tồn tại và tiền giả định phân loại (hay phạm trù) Một vấn đề liên quan tới những danh từ chứa lượng từ, ví dụ “tất cả đàn ông”, “một cô gái nào đó” là hiện tượng mờ quy chiếu (reference opacity) - là ngữ cảnh mà trong đó việc thay một biểu thức quy chiếu này bằng một biểu thức quy chiếu khác có cùng chiếu vật sẽ không tất yếu bảo toàn được điều kiện chân trị của câu có sự thay thế đó [43, 310]

1.1.1.2 Các nghiên cứu theo hướng ứng dụng

Nhiều nghiên cứu về biểu thức quy chiếu theo hướng ứng dụng đã được tiến hành trên thế giới, bao gồm Miriam Eckert [78] nghiên cứu chỉ xuất diễn ngôn và hồi chỉ trong tiếng Đức; tác giả Truan, N [98] tìm hiểu sự hiểu biết của người nghe về một phát ngôn từ bình diện ngữ dụng; Etsuko Yoshida [79] nghiên cứu việc sử dụng các biểu thức quy chiếu trong giao tiếp hội thoại tiếng Anh và tiếng Nhật; Posio [96] nghiên cứu mối liên hệ giữa lựa chọn phương thức quy chiếu, sự khác biệt nói chung trong việc dùng các đại từ nhân xưng và việc bao gộp người nghe trong đó; Hye-Kyung Lee [89] so sánh các loại biểu thức quy chiếu đã được sử dụng trong các bản tin chính trị bằng tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc; Hazim al dilaimy [85] tìm hiểu thức quy chiếu xác định và biểu thức quy chiếu không xác định trong tiếng Anh và tiếng Ả rập; Davies, C., Richardson, A [77] tìm hiểu mức độ ngữ cảnh có thể giúp cho việc dùng biểu thức quy chiếu hiệu quả hơn; Allan [70] tìm hiểu về việc

Trang 22

Ioannidou, P., Salarzai, Z [74] nghiên cứu các hình thức tên riêng trong biểu thức hồi chỉ ở các truyện ngắn về tội phạm; Tshikwatamba [99] tìm hiểu ý nghĩa trong mối quan hệ với vai trò của hệ quy chiếu, biểu tượng và quy chiếu Dưới đây là những kết quả nghiên cứu nổi bật

Miriam Eckert [78] thực hiện luận án “Discourse deixis and null anaphora in German” tại Đại học Edinburgh, vương quốc Anh Tác giả đã

tìm hiểu một số chỉ xuất diễn ngôn và hồi chỉ trong tiếng Đức, trong hội thoại mở và nhận thấy rằng trong tiếng Đức, dùng đại từ chỉ thị để quy chiếu có thể thực hiện thành công nếu các yếu tố tiền giả định được thỏa mãn trong phát ngôn [78, 238] Nghiên cứu về biểu thức quy chiếu trong cả tiếng Đức và tiếng Pháp, Truan, N [98] có bài “The politics of person references: Third-

person form in English, German and French”, đăng trên Pragmatics and beyond new series Trong đó, tác giả đã tìm hiểu sự hiểu biết của người nghe

về một phát ngôn, vốn là mặc định xã hội trong một tình huống nhất định, có được coi là một hành động ngữ dụng hay không

Trong số các nghiên cứu biểu thức quy chiếu theo hướng ứng dụng,

Etsuko Yoshida [79] có luận án Patterns of Use of Referring Expressions in English and Japanese Dialogues, tại Đại học Edinburg, vương quốc Anh

Công trình nghiên cứu việc sử dụng các biểu thức quy chiếu trong giao tiếp hội thoại tiếng Anh và tiếng Nhật, trong đó tác giả chỉ ra đặc trưng và sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Nhật trong việc sử dụng biểu thức quy chiếu chỉ người Tác giả cho rằng “việc lựa chọn các biểu thức quy chiếu có xu hướng liên quan đến trạng thái nhận thức của các thực thể diễn ngôn và các hình thức biểu thức quy chiếu phi danh từ có thể sẽ diễn ra liên tục trong diễn ngôn tương tác Diễn ngôn tương tác có cấu trúc cao theo cách những người tham gia tổ chức và phân đoạn diễn ngôn theo các chủ đề được giới thiệu, duy trì và

Trang 23

chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác trong dòng diễn ngôn đang diễn ra” [79, 264]

Posio [96] công bố công trình “You and we: Impersonal second person singular and other referential devices in Spanish sociolinguistic interview” (Bạn và chúng tôi: đại từ vô nhân xưng ngôi thứ hai số ít và một số phương tiện quy chiếu khác trong phỏng vấn ngôn ngữ học xã hội tiếng Tây Ban Nha”

đăng trên tạp chí Pragmatics, 99 (2016), 1 - 16 Sử dụng bộ Habla Culta de

Salamance 74.000 chữ làm ngữ liệu để phỏng vấn, tác giả tìm thấy mối liên hệ trong lựa chọn phương thức quy chiếu, và có sự khác biệt nói chung trong việc dùng các đại từ nhân xưng và việc bao gộp người nghe trong đó [96, 16]

Tác giả Hye-Kyung Lee [89] có bài “Referring expression in English and

Korean political news”, đăng trên Journal of Pragmatics, 42 (2010), 2506 -

2518 Bài viết đã tìm hiểu các loại biểu thức quy chiếu đã được sử dụng trong các bản tin chính trị bằng tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc qua hai bộ dữ liệu được lấy mẫu từ một số trang tin tức trực tuyến và các biểu thức tham chiếu trong dữ liệu được trích xuất để phân tích Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng các thuật ngữ tham chiếu trong hai ngôn ngữ phù hợp với lý thuyết về quy mô kích hoạt bộ nhớ hoặc khả năng tiếp cận Ngoài ra, phạm vi khác nhau của các thuật ngữ tham chiếu được triển khai trong hai ngôn ngữ được tính theo các quy ước diễn ngôn khác nhau trong hai cộng đồng ngôn ngữ, và chỉ ra rằng việc sử dụng biểu thức quy chiếu trong hai ngôn ngữ tuân thủ theo các quy tắc mà các nhà ngôn ngữ đã đề xuất [89, 2518]

Cũng nghiên cứu, so sánh biểu thức quy chiếu giữa hai ngôn ngữ giống như Hye-Kyung Lee [89], nhưng là ở tiếng Anh và tiếng Ả rập, Hazim al dilaimy [85] có bài viết “Definite and indefinite referring expressions in English and Arabic” (Biểu thức quy chiếu xác định và biểu thức quy chiếu

Trang 24

“Hầu hết tất cả các loại biểu thức tham chiếu đều không thể giải thích được thuần túy về mặt ngôn ngữ học mà không xem xét đến ngữ nghĩa và khía cạnh

khái niệm của các biểu thức này” [85, 222]

Davies, C., Richardson, A [77] có công trình “Semantics as well as referential relevance facilitates the processing of referring expression”, đăng

trên Journal of Pragmatics, 178 (2021), 258 - 269 Các tác giả nhận thấy

trong một ngữ cảnh phù hợp với ngữ nghĩa, ngữ cảnh có thể giúp cho việc dùng biểu thức quy chiếu hiệu quả hơn [77, 268] Những quan niệm này của tác giả bài viết tương đồng với nhận định của Allan [70] trong bài viết

“Referring as a pragmatics act” trên Journal of Pragmatics, Volume 42, Issue

11: 2919 - 2931, khi tác giả cho rằng việc nghiên cứu biểu thức quy chiếu cũng là để “tìm hiểu sự hiểu biết của người nghe về một phát ngôn, vốn là mặc định xã hội trong một tình huống nhất định” [70, 2919]

Các tác giả Bonifazi, A., Ioannidou, P., Salarzai, Z [74] có công trình “Proper names as anaphoric expressions in short crimes stories: Doing more

than referring within and across paragraphs” đăng trên Journal of Pragmatics,

193 (2022), 88 - 104 Các tác giả nghiên cứu các hình thức tên riêng trong biểu thức hồi chỉ ở các truyện ngắn về tội phạm, trong đó có điểm đặc biệt là tên riêng thường xuất hiện từ câu thứ hai, chứ không phải ngay từ câu đầu tiên Tên riêng chiếm 16,26% tổng các quy chiếu hồi chỉ, và tần suất của tên riêng chỉ đứng sau đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít (31,25%) Ngoài ra, tác giả Tshikwatamba [99] trong bài viết “Definitions - A Monotonous Leisure Time of Analyses in Philosophical and Intellectual Search for Meanings” trên

Open Journal of Social Sciences dùng mô hình phân tích ý nghĩa được mô tả trong phạm vi hình tam giác để khám phá những bổ sung về ý nghĩa trong mối quan hệ với vai trò của hệ quy chiếu, biểu tượng và quy chiếu.

Trang 25

1.1.2 Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam

1.1.2.1 Các nghiên cứu theo hướng lý thuyết

Nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam thực hiện các nghiên cứu lý luận chung, trong đó có những vấn đề liên quan đến biểu thức quy chiếu, từ nhiều phương diện khác nhau, và cũng dành mức độ quan tâm khác nhau cho lĩnh vực nghiên cứu này Từ phương diện giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, có Diệp Quang Ban [1], Nguyễn Hòa [33], Nguyễn Chí Hòa [34], Lý Toàn Thắng [56] Từ phương diện ngữ nghĩa học và từ vựng, có Đỗ Hữu Châu [6], Nguyễn Đức Dân [12], Đỗ Việt Hùng [38], Đinh Trọng Lạc - Bùi Minh Toán [42], Nguyễn Thị Ly Kha - Vũ Thị Ân [39], Lê Quang Thiêm [59] Một số tác giả trình bày vấn đề từ các phương diện nghiên cứu tiếng Việt, ví dụ Nguyễn Tài Cẩn [4], Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến [10], Đinh Văn Đức [19], Nguyễn Thiện Giáp [21], Cao Xuân Hạo [27], [28], Hà Quang Năng [45], Nguyễn Kim Thản [55], Trần Ngọc Thêm [58], Bùi Minh Toán [65] Từ phương diện dụng học, có Đỗ Hữu Châu [8], [9], Nguyễn Đức Dân [13], Nguyễn Thiện Giáp [20] Một số tác giả đã xây dựng các từ điển thuật ngữ để điển hóa các khái niệm, ví dụ Diệp Quang Ban [2], Cao Xuân Hạo - Hoàng Dũng [29], Hoàng Phê [49], Nguyễn Như Ý (chủ biên), Hà Quang Năng, Đỗ Việt Hùng, Đặng Ngọc Lệ [67] Một số tác giả khác có những công trình nghiên cứu có quan hệ nhất định tới biểu thức quy chiếu, ví dụ Nguyễn Thiện Giáp [13], Nguyễn Minh Thuyết [61]

Theo thời gian, vấn đề biểu thức quy chiếu được giới nghiên cứu ngôn

ngữ học chú ý nhiều hơn Năm 1996, cuốn “Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học” của nhóm tác giả Nguyễn Như Ý, Hà Quang Năng, Đỗ Việt Hùng,

Đặng Ngọc Lệ có hai mục từ cho phần quy chiếu, đấy là: “Biểu niệm: Khái niệm (những hiểu biết) trừu tượng về các đặc điểm của sự vật (hiện tượng,

Trang 26

tượng, hoạt động, tính chất do từ (hoặc phương tiện khác của ngôn ngữ) gọi tên” [67, 25] Các thuật ngữ như quy chiếu, sở chỉ, biểu thức quy chiếu, v v chưa được đưa vào từ điển này Đến từ điển của tác giả Diệp Quang Ban [2], tác giả đã trình bày nội hàm của biểu thức quy chiếu: “Trong nghĩa học, một biểu thức (từ hay tổ hợp từ) được dùng để nhận diện cái được nói đến (cái được nói đến gọi là “vật chiếu” - referent), như của Tỵ trong cái xe của Tỵ rất tốt, biểu thức của Tỵ quy chiếu tới người có tên là Tỵ, và người này là “vật chiếu” [2, 66]; và: “Trong phân tích văn bản, giữa những câu có ví dụ với nhau cũng có thể gặp biểu thức quy chiếu, và biểu thức quy chiếu trong những trường hợp nhất định cũng tạo thành những lớp hạng” [2, 66] Ngoài ra, tác giả còn trình bày đồng chiếu (còn được gọi là đồng sở chỉ/đồng quy chiếu) [2, 216 - 217]

Trong Giáo trình Đại cương ngôn ngữ học, tác giả Đỗ Hữu Châu [9] đã

trình bày vấn đề quy chiếu (trong tác phẩm, ông không dùng thuật ngữ quy chiếu mà dùng thuật ngữ “chiếu vật”), theo đó ba phương thức chiếu vật cơ bản là dùng tên riêng, dùng biểu thức miêu tả và dùng chỉ xuất Ông cho rằng “giá trị đúng sai của một câu tùy thuộc vào sự chiếu vật của các từ tạo nên câu và sự chiếu vật của cả câu Quan hệ chiếu vật là sự tương ứng của các yếu tố ngôn ngữ (của các tín hiệu) trong diễn ngôn với sự vật, hiện tượng đang được nói tới trong một ngữ cảnh nhất định, nói cho đúng hơn là trong một thế giới khả hữu - hệ quy chiếu nhất định” [9, 61] Cho tới nay, đây vẫn là một trong những cuốn sách có giá trị tham khảo nhất trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành dụng học

Tác giả Nguyễn Đức Dân [13] có công trình nghiên cứu Ngữ dụng học,

trong đó ông nêu những cơ sở lý thuyết cơ bản về ngữ dụng học, bao gồm vấn đề quy chiếu (tác giả dùng thuật ngữ “từ chỉ xuất”, không dùng thuật ngữ “quy chiếu”) Tác giả trình bày nội hàm của chỉ xuất, phạm vi và các lập luận

Trang 27

liên quan tới chỉ xuất Những nội dung tác giả trình bày được khái lược từ các công trình nổi tiếng của thế giới, do đó có tính tổng kết cao Tác giả Nguyễn

Văn Khang [40] có công trình Ngôn ngữ học xã hội, tác giả cho rằng “mỗi

người khi giao tiếp đều có ý thức và nhu cầu lựa chọn mã ngôn ngữ cho phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể Vì thế, ngay trong một cuộc giao tiếp, vì mục đích giao tiếp, người giao tiếp có thể lựa chọn mã giao tiếp này mà không lựa chọn mã giao tiếp khác hoặc chuyển từ mã này sang mã khác hoặc trộn các mã lại với nhau” [40, 378]

Tác giả Nguyễn Thiện Giáp [23] nghiên cứu về quy chiếu và cho rằng “các ranh giới quy chiếu tuy võ đoán và không xác định, nhưng điều này không dẫn đến hiểu nhầm vì khi cần thiết người ta có thể dùng các hệ thống khác để xác định” [23, 27] Thêm vào đó, ông nhận định “sử dụng các từ để quy chiếu người và vật là một vấn đề tương đối đơn giản Tuy nhiên, làm thì dễ nhưng giải thích xem họ đã làm như thế nào thì lại khó Tự thân các từ không quy chiếu cái gì cả mà chính con người quy chiếu Quy chiếu là một hành động trong đó người nói hoặc người viết dùng các hình thức ngôn ngữ cho phép người nghe, người đọc nhận diện được cái gì đó Những hình thức ngôn ngữ ấy là những biểu thức quy chiếu” [23, 28]

Tác giả Nguyễn Văn Hiệp [32] có cuốn Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp,

cuốn sách trình bày nhiều vấn đề trong đó có từ tình thái tiếng Việt Theo tác giả, người phát ngôn khi thực hiện hành động ngôn từ phải thực hiện các thao tác tư duy để lựa chọn được các biểu thức phù hợp Tác giả Đỗ

Việt Hùng [37] đã xuất bản cuốn Ngữ dụng học, trong đó tác giả trình bày

theo hướng thực hành Việt ngữ học, phân tích các yếu tố dụng học trong việc người Việt tạo lập và giải mã các phát ngôn trong giao tiếp

Trang 28

1.1.2.2 Các nghiên cứu theo hướng ứng dụng

Các công trình nghiên cứu theo hướng ứng dụng trải dài trên nhiều mảng nghiên cứu khác nhau Tác giả Đỗ Hữu Châu [5], [7] nghiên cứu tiếng Việt và dụng học; Tác giả Nguyễn Hồng Cổn [11] thực hiện nghiên cứu về phân định từ loại trong tiếng Việt; Tác giả Đặng Thị Bảo Dung [14] nghiên cứu quy chiếu chỉ ngôi, quy chiếu chỉ định và quy chiếu so sánh trong các bài diễn văn của tổng thống Mỹ; Tác giả Hoàng Dũng - Nguyễn Thị Ly Kha [15] bàn về các thành tố phụ sau trung tâm trong danh ngữ tiếng Việt; Tác giả Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp [17] bàn về tình thái và ý nghĩa của nó trong giao tiếp, chỉ ra việc sử dụng các từ tình thái khác nhau sẽ dẫn tới kết quả kỳ vọng khác nhau; Tác giả Đinh Văn Đức, Đinh Kiều Châu [18] bàn về việc nghiên cứu danh ngữ tiếng Việt; Tác giả Triệu Thu Hằng [30] nghiên cứu chuyển ngữ các biểu thức quy chiếu về người, đặc biệt là cặp từ “I - you”, khi chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt; Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hân [31] xem xét hiện tượng lệch ngữ đoạn hồi chỉ, thiếu vắng hoặc đặt sai ngữ đoạn hồi chỉ của người nước ngoài sử dụng tiếng Việt; Tác giả Ngô Hữu Hoàng [35] tìm hiểu các biểu thức quy chiếu bao gộp và không bao gộp; Tác giả Đỗ Việt Hùng [36] nghiên cứu nét nghĩa và hoạt động của nét nghĩa trong kết hợp từ; Tác giả Ngô Thị Kim Khánh [41] nghiên cứu việc sử dụng danh từ riêng/tên riêng để quy chiếu nhân vật xét trên cả ba bình diện ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng; Tác giả Trần Minh - Phạm Văn Hảo [44] phân tích từ xưng gọi trong những lá thư của Hồ Chủ tịch; Tác giả Nguyễn Thị Nhung [46] tìm hiểu chức năng chiếu vật của định tố tính từ trong danh ngữ tiếng Việt; Tác giả Nguyễn Thị Hoài Phương [50] khảo sát danh từ riêng, danh ngữ, chỉ xuất hoặc các từ xưng hô được sử dụng để quy chiếu tới các nhân vật trong truyện; Tác giả Nguyễn Quang [51] xem xét quy chiếu biểu hiện dưới góc nhìn văn hóa, xây dựng hệ quy chiếu với ba tầng là “Biểu hiện” (văn hóa), “tác động” (giao tiếp)

Trang 29

và “Mức độ” (tầng quy chiếu); Tác giả Lê Thời Tân [54] tìm hiểu việc quy chiếu tới một đối tượng không có thật trong hiện thực; Tác giả Phạm Tất Thắng [57] phân tích sự khác biệt giữa tên chung và tên riêng; Tác giả Trần Thị Minh Thu [62] xem xét một số điểm lý thuyết chung về quy chiếu, sự tồn tại của sự vật trong thế giới khả hữu; Tác giả Trần Thị Thủy [60] nghiên cứu quy chiếu trong bộ sách giáo khoa tiếng Anh dành cho học sinh trung học phổ thông của Việt Nam; Tác giả Phạm Văn Tình [63] tìm hiểu yếu tố tỉnh lược đồng quy chiếu trong hội thoại; Tác giả Bùi Minh Toán [66] nghiên cứu quy chiếu thông qua câu đố; Tác giả Phạm Hùng Việt [68] nghiên cứu cách viết tên riêng trong tiếng Việt Những điểm quan trọng trong một số công trình được lựa chọn trình bày ở phần sau đây

Tác giả Đỗ Hữu Châu [5] có bài viết “Các yếu tố dụng học của tiếng

Việt” đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ số 4/1985, và bài “Ngữ pháp chức năng dưới ánh sáng của dụng học hiện nay”, đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ số 1 và

2/1992 [7] Đây là hai trong số những bài viết đầu tiên tại Việt Nam bàn về vấn đề dụng học Tác giả trình bày những phát hiện đầu tiên về các yếu tố dụng học trong tiếng Việt, điều chưa được nghiên cứu nhiều trước đây

Tác giả Phạm Văn Tình [64] có công trình “Tỉnh lược đồng sở chỉ

trong tiếng Việt” đăng trong Hội nghị Khoa học lần thứ 20 - Kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Bách khoa Hà Nội, số 15, trang 150 - 156 Tác giả

cho rằng, hiện tượng tỉnh lược (sự lược bỏ lâm thời một hay một số) thành tố cú pháp mà người nghe vẫn có thể hiểu được, là nhờ yếu tố ngữ cảnh, trong một số điều kiện nhất định Qua nghiên cứu một số trường hợp tỉnh lược trong văn học Việt Nam, tác giả kết luận rằng “bản chất ngữ pháp của một số cấu trúc cú pháp cơ bản là tiền đề để chỉ ra quan hệ nội bộ của mỗi phát ngôn (cấu trúc kết hợp, cấu trúc nghĩa của phán đoán…) trong các trường hợp tỉnh lược

Trang 30

mối liên kết chặt chẽ giữa các phát ngôn thông qua phép tỉnh lược”; và: “giá trị hồi chỉ của các lược ngữ có tác dụng giúp phục hồi một cấu trúc giả định nhưng chính bản thân ngữ trực thuộc hiện hữu mới giúp chúng ta mở ra các bước miêu tả về một cấu trúc chìm cho phép suy luận các thông tin ngữ nghĩa được định hướng rõ rệt theo các ý đồ của người nói” [64, 155]

Tác giả Bùi Minh Toán [66] có công trình “Biểu thức miêu tả chiếu vật

trong ngữ dụng học với câu đố Việt Nam” đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 4 (186) Tác giả cho rằng “việc giải thích nghĩa của một từ ngữ nào

đó (thường thấy trong hoạt động hàng ngày hay trong các từ điển), việc định nghĩa các khái niệm trong văn bản khoa học… đều là các hoạt động nhận thức và tư duy tương liên với trò chơi đố và giải đố” [66, 1], tức là quy trình để một người có thể chỉ ra đúng đối tượng mà người ra câu đố/người nói muốn người giải đố/người nghe phải thực hiện Tác giả lập luận “xét từ góc độ của ngữ dụng học, câu đố chính là một biểu thức miêu tả chiếu vật (BTMTCV), qua đó, người đố ngầm xác lập sự chiếu vật và người giải đố cần suy ra và tìm được nghĩa chiếu vật, để xác định đối tượng chiếu vật” [66, 1] Ông kết luận rằng câu đố “về cơ bản nó được cấu tạo theo cùng nguyên tắc với BTMTCV nói chung trong ngôn ngữ hàng ngày Về mục đích, câu đố cũng tương tự như các BTMTCV thông thường: để quy chiếu về một đối tượng trong hiện thực khách quan” [66, 5]

Tác giả Ngô Hữu Hoàng [35] có bài viết nghiên cứu về việc sử dụng đại

từ nhân xưng tôi, chúng tôi, chúng ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập Bài viết đã trình bày nhiều vấn đề thuộc về sử dụng biểu thức

quy chiếu ta, chúng ta và đưa ra một số đề xuất cụ thể về việc sử dụng biểu thức đó trong các văn bản chính luận, bao gồm các biểu thức bao gộp và biểu thức không bao gộp Việc sử dụng phù hợp các biểu thức bao gộp có thể

Trang 31

mang lại những hiệu ứng tích cực với người đọc, giúp cho quá trình giao tiếp được thuận lợi hơn, và tính liên kết của văn bản trở nên vững chắc hơn

Tác giả Trần Thị Thủy [60] thực hiện nghiên cứu “Những điểm giống và khác nhau trong cách sử dụng phép quy chiếu trong diễn ngôn hội thoại giữa bộ sách giáo khoa tiếng Anh cho học sinh THPT ở Việt Nam (2015) và bộ

giáo trình New Interchance”, đăng trên Tạp chí Khoa học, số 16 Tác giả tìm

hiểu cách sử dụng phép quy chiếu trong bộ sách giáo khoa tiếng Anh dành cho học sinh trung học phổ thông của Việt Nam và phát hiện rằng biểu thức quy chiếu hồi chỉ được sử dụng nhiều nhất (95,32%), tiếp theo là tỉnh lược (3,33%), ngoại chiếu (0,98%) và khứ chiếu (0,37%) (trong công trình này, tác giả Trần Thị Thủy dùng thuật ngữ “hồi chiếu, khứ chiếu, ngoại chiếu”, mà không dùng các thuật ngữ “hồi chỉ, khứ chỉ, ngoại chỉ”) Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hồi chiếu được sử dụng rất nhiều trong bộ sách giáo khoa tiếng Anh dành cho học sinh trung học phổ thông ở Việt Nam, và trong số đó nổi bật là quy chiếu đại từ

Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hân [31] có bài viết “Liên kết hồi chỉ trong

bài viết của sinh viên Hàn Quốc” đăng trên tạp chí Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, số 10 - 11 Tác giả đã tìm thấy hiện tượng lệch ngữ đoạn hồi

chỉ, thiếu vắng hoặc đặt sai ngữ đoạn hồi chỉ là những lỗi thường gặp của người nước ngoài sử dụng tiếng Việt, và đề xuất “thay thế đại từ hồi chỉ có cùng sở chỉ với yếu tố ngôn ngữ tương đương trong tiền văn, bổ sung thêm yếu tố hồi chỉ” [31, 77] để có thể giúp cho bài viết chặt chẽ hơn

Tác giả Lê Thời Tân [54] có công trình “Sở chỉ và quy chiếu của ngôn ngữ và văn chương - trường hợp con “tra” trong truyện Cố hương của Lỗ

Tấn”, đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 4B Trong công

trình này, người viết đã tìm hiểu con “tra” là con gì, và chỉ ra rằng kể từ khi

Trang 32

đích xác con “tra” là con gì Trong thực tế, con “tra” không tồn tại, khi có người hỏi Lỗ Tấn đấy là con gì, thì ông trả lời rằng ông cũng chỉ nghe người dân đồng hương kể lại rằng tương truyền có một con vật như vậy; mọi người đã tìm kiếm khắp khu vực mà tác giả mô tả là nơi trú ngụ của “tra”, và không phát hiện ra bất kỳ con vật nào như thế Trong trường hợp này, việc quy chiếu “tra” tới một đối tượng không có thật vẫn đáp ứng được các yêu cầu về quy chiếu tới một sự vật có trong thế giới khả hữu, giống như ma quỷ, thần tiên trong thần thoại

Tác giả Triệu Thu Hằng [30] có bài “Đánh giá dịch Anh - Việt các biểu thức quy chiếu về người trong văn học: Hành trình chuyển ngữ “Harry Potter”

từ Anh sang Việt”, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, số 4 Thông

qua việc nghiên cứu chuyển ngữ các biểu thức quy chiếu về người, đặc biệt là cặp từ “I - you”, tác giả chỉ ra sự cố gắng (và thành công) của bản dịch trong việc “lựa chọn tương đương một hệ thống quy chiếu về người vô cùng đa dạng của tiếng Việt để đem đến một bản dịch phù hợp với ngôn cảnh tình huống cũng như ngôn cảnh văn hóa của ngôn ngữ đích” [30, 32] Tác giả đề xuất chiến lược dịch hướng đích đối với việc dịch các biểu thức quy chiếu về người trong văn học

Tác giả Nguyễn Thị Hoài Phương [50] thực hiện nghiên cứu “Biểu thức quy chiếu “người phụ nữ” trong một số truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư từ

góc nhìn của phân tích diễn ngôn” đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ,

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, số 3, trang 101 - 112 Qua khảo sát

14 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận, bài viết cho thấy danh từ riêng, danh ngữ, chỉ xuất hoặc các từ

xưng hô được sử dụng để quy chiếu tới các nhân vật trong truyện, trong đó danh ngữ được sử dụng nhiều nhất Có bốn tiểu loại của danh ngữ được sử

Trang 33

dụng là danh từ chung + định ngữ, danh từ trống nghĩa hoặc từ ngữ xưng hô + tên riêng, danh từ chung + từ chỉ xuất, và cụm danh từ

Tác giả Đặng Thị Bảo Dung [14] thực hiện bài viết “Liên kết quy chiếu

trong các bài phát biểu của tổng thống Mỹ” đăng trên Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 4, trang 62 - 68 Tác giả đã nghiên cứu 15 bài phát biểu của

5 vị tổng thống Mỹ, và nhận thấy quy chiếu chỉ ngôi chiếm 43,3%, quy chiếu chỉ định chiếm 52,4% và quy chiếu so sánh chỉ chiếm 4,3% Quy chiếu chỉ định chiếm tỷ lệ lớn một phần là do mạo từ “the” xuất hiện nhiều lần, và biểu thức hồi chỉ là chủ yếu

Tác giả Trần Thị Minh Thu [62] có công trình “Quy chiếu và các vấn

đề liên quan” đăng trên Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 4, trang

51-56 Tác giả đã khái quát lại một số điểm lý thuyết chung về quy chiếu, sự tồn tại của sự vật trong thế giới khả hữu, và có đưa ra một số gợi mở trong ngữ cảnh của Việt Nam, đặc biệt là việc sử dụng quá nhiều các thuật ngữ

Tác giả Ngô Thị Kim Khánh [41] có công trình “Việc sử dụng danh từ riêng để chiếu vật nhân vật trong một số truyện ngắn của nhà văn Nguyễn

Công Hoan”, đăng trên tạp chí Khoa học (Đại học Hải Phòng), số 43, trang 96

- 102 Tác giả khảo sát 74 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhận thấy có 52/74 truyện nhà văn dùng 142 tên riêng để chiếu vật, số lượt dùng là 1.346 lần Bài viết nghiên cứu việc sử dụng danh từ riêng/tên riêng để chiếu vật nhân vật xét trên cả ba bình diện ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng Tác giả cho rằng “dùng tên riêng là phương thức chiếu vật lý tưởng nhất bởi tính tương ứng chiếu vật cá thể Việc trùng tên riêng dễ dẫn đến sự mơ hồ về nghĩa chiếu vật song nếu biết dùng đúng cách, linh hoạt, nó lại tạo nên sự đa dạng trong việc gọi tên đối tượng, sự vật, mang lại những giá trị tu từ nhất định” [41, 97] Việc nhà văn đặt tên cho các nhân vật của mình có thể mang

Trang 34

những nét tường minh, lại phần nào thể hiện đặc điểm nhân vật, cũng như thái độ, tình cảm của nhà văn [41, 102]

Tác giả Nguyễn Quang [51] có bài viết “Hệ quy chiếu được đề xuất cho

nghiên cứu tương đồng dị biệt trong giao tiếp liên văn hóa”, Tạp chí Ngôn ngữ, tập 3, số 5 Tác giả đã tập trung xem xét quy chiếu biểu hiện dưới góc

nhìn văn hóa, xây dựng hệ quy chiếu với ba tầng là “Biểu hiện” (văn hóa), “Tác động” (giao tiếp) và “Mức độ” (tầng quy chiếu)

Ngoài các nghiên cứu quy chiếu chỉ người, chúng tôi cũng nhận thấy có một số công trình nghiên cứu quy chiếu chỉ vật, tuy không nhiều Nguyễn Thị Bích Hà [25] có công trình: “Chiếu vật “trăng” trong thơ thiếu nhi Trần Đăng

Khoa và Xuân Quỳnh”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 2 (308) Tác giả

nghiên cứu 68 lần xuất hiện từ “trăng” và 25 lần xuất hiện từ “ông” trong hai

tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa và “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh, tìm thấy cấu tạo biểu thức chiếu vật là từ đơn chiếm

72,2% và từ ghép là 27,8% Ý nghĩa chiếu vật của các biểu thức chiếu vật chứa “trăng” bao gồm thực thể thiên nhiên tươi đẹp, người thân, người bạn tâm tình của trẻ thơ, người bạn đồng hành cùng con người trong chiến đấu và trong lao động sản xuất, thời gian Cùng một biểu thức quy chiếu là “trăng”, tác giả đã nghiên cứu và làm rõ bình diện cái biểu đạt, và bình diện cái được biểu đạt Với công trình của tác giả Phạm Hùng Việt [68], những yêu cầu về trình bày tên riêng trong tiếng Việt là một yếu tố mà người viết cần quan tâm khi xem xét các hình thức thể hiện phù hợp trong văn bản

Tác giả Nguyễn Tú Quyên [52] có luận án tiến sỹ về quy chiếu, đồng

quy chiếu (trong luận án của mình, tác giả dùng hệ thống thuật ngữ là sở chỉ, và đồng sở chỉ), với đối tượng nghiên cứu là các biểu thức sở chỉ trong một số

tác phẩm văn học Việt Nam thế kỷ 20 Công trình này đã nghiên cứu cấu tạo của biểu thức sở chỉ, đồng sở chỉ trỏ tới các nhân vật trong một số tác phẩm

Trang 35

văn học tiêu biểu Một trong những đặc trưng được tác giả chỉ ra là các tác giả thường dùng rất nhiều biểu thức miêu tả để trỏ tới cùng một người, và đây là yếu tố giúp cho mạch văn thêm sinh động Mỗi biểu thức miêu tả thường mang theo những dụng ý riêng của tác giả trong việc “gán” cho họ những đặc tính tiêu biểu Đây là một trong số những công trình nghiên cứu công phu, tác giả đã phân tích, tổng hợp nhiều biểu thức sở chỉ, đồng sở chỉ được sử dụng trong văn học, trên cơ sở đó đưa ra một số kết luận hữu ích

Tuy nhiên, theo những trình bày của chúng tôi trên đây, các vấn đề nghiên cứu liên quan đến biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội mặc dù đã được đề cập đến nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu kiểm chứng, bổ sung Hiện nay, chúng ta vẫn còn thiếu những công trình nghiên cứu chuyên sâu về biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội Đây cũng chính là lý do để chúng tôi chọn hướng nghiên cứu biểu thức quy chiếu trong các văn bản khoa học xã hội để phần nào bổ sung khoảng trống nghiên cứu này

1.2 Cơ sở lý thuyết

1.2.1 Vấn đề giao tiếp

1.2.1.1 Chức năng của ngôn ngữ

Nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng, ngôn ngữ có hai chức năng quan trọng, đấy là chức năng quy chiếu và chức năng mô tả Mỗi nhà ngôn ngữ học lại xây dựng những thuật ngữ riêng, hệ thống lý luận riêng để mô tả, lập luận vấn đề theo định hướng của mình, ví dụ G Brown và G Yule [3] cho rằng ngôn ngữ có

hai chức năng là liên giao (transactional) và liên nhân (interactional), còn K Bühler [75] cho rằng ngôn ngữ có hai chức năng chính là biểu hiện (representative) và biểu cảm (expressive), trong khi R Jakobson [92] nhận định rằng ngôn ngữ có chức năng quy chiếu (referential) và cảm xúc (emotional)

Trang 36

nhân (interpersonal), còn J Lyons [43] cho rằng ngôn ngữ có chức năng mô tả (descriptive) và biểu cảm xã hội (social expressive) Nguyễn Thiện Giáp [24]

cho rằng ngôn ngữ có hai chức năng chính là chức năng làm phương tiện giao tiếp và chức năng làm phương tiện tư duy

Trong luận án này, chúng tôi chỉ xem xét một số biểu thức quy chiếu hữu hạn, và nhận thấy mô hình của Jacobson phù hợp cho việc thực hiện nghiên cứu, do vậy chúng tôi tập trung vào chức năng quy chiếu (referential) Khi phân tích các biểu thức quy chiếu mà tác giả sử dụng trong bài viết, chúng tôi sẽ xem xét thêm dưới góc độ cảm xúc (emotion, theo cách phân loại của Jakobson), hay còn gọi là liên nhân (Brown & G Yule, Halliday), biểu cảm (Bühler), xã hội biểu cảm (J Lyons)

1.2.1.2 Kênh giao tiếp

Định nghĩa cơ bản về giao tiếp thường được hiểu là một quá trình liên tục của sự tương tác giữa bên phát thông điệp (người nói/người viết) và bên nhận thông điệp (người nghe/người đọc) Giao tiếp không chỉ là việc truyền thông một chiều từ bên phát đến bên nhận mà còn bao gồm sự chuyển đổi vai trò, trao đổi thông tin để bên nhận có thể hiểu đúng về nội dung đang được truyền đạt Nếu bên phát thông điệp nhận thức rằng bên nhận không hiểu đúng thông điệp, họ sẽ sử dụng các biện pháp như làm rõ, hỏi lại, giải thích, so sánh, và các biện pháp khác để đảm bảo rằng bên nhận có thể hiểu đúng ý mà bên phát muốn truyền đạt

Khi nhận được phản hồi đầy đủ từ bên nhận, bên phát thông điệp có cơ sở để điều chỉnh cách giao tiếp để đạt được mục tiêu Ví dụ, trong trường hợp giáo viên giảng dạy, có nhiều nội dung mà giáo viên muốn truyền đạt và họ cần kiểm tra để đảm bảo học sinh hiểu đúng về nội dung và sự vật mà họ đang giảng Sự tương tác giữa hai bên làm cho hoạt động giao tiếp trở nên hiệu quả

Trang 37

hơn, mỗi bên sử dụng ngữ cảnh và kỹ năng giao tiếp để đạt được mục tiêu cụ thể của quá trình giao tiếp

Bên nhận thông điệp cũng phải thực hiện một quá trình xem xét cẩn thận đối với nội dung mà bên phát đã gửi Dựa trên thông tin ban đầu, bên nhận thông điệp tiến hành việc giải mã ý nghĩa của thông điệp Tiếp theo, bên nhận thông điệp phải xem xét nội dung và trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào, cần trao đổi với bên phát thông điệp để làm rõ ý nghĩa của thông điệp, mục tiêu là để cả hai bên đều hiểu đúng nội dung trao đổi Sau đó, bên nhận thông điệp tiếp tục quan sát và tiếp thu các thông điệp mới

Mô hình tương tác giữa bên phát và bên nhận thông điệp tiếp tục diễn ra như vậy, cho đến khi cả hai bên đạt được mục đích giao tiếp của họ Cụ thể, bên nhận thông điệp phải nắm vững nội dung mà bên phát thông điệp mong muốn truyền tải Đối với bên phát thông điệp, điều này đồng nghĩa với sự trọn vẹn của quá trình truyền tải thông điệp, vì cả hai bên đều thực hiện các quá trình mã hóa và giải mã theo cách riêng của họ

Các nhà ngôn ngữ học như Austin [73], Searle [97], và một số nhà nghiên cứu khác, xem giao tiếp là một trong những hoạt động phức tạp nhất của con người, do đặc điểm đa dạng của nhiều yếu tố từ cả bên trong và bên ngoài phương tiện ngôn ngữ Theo quan điểm của họ, chỉ nghiên cứu về khía cạnh bề mặt của ngôn ngữ không thể mang lại hiểu biết toàn diện về những thách thức của giao tiếp và ngôn ngữ Do đó, họ đề xuất việc khám phá và áp dụng những ý tưởng và phương pháp mới từ các lĩnh vực như xã hội học, nhân học, và tín hiệu học hiện đại để mở rộng chiều sâu và phong phú trong nghiên cứu của mình Về bản chất, theo Akmajan A., Demers R A., Farmer A K, và Harnish R M., đây là dụng học trong thực tiễn [71, 311]

Trang 38

1.2.2 Giao tiếp từ phương diện Dụng học

Năm 1938, Morris [95] xuất bản cuốn “Foundations of the theory of

signs” (Cơ sở lý thuyết về tín hiệu), trong đó ông trình bày lý thuyết về nghiên

cứu tín hiệu học nói chung và ngôn ngữ nói riêng Ông cho rằng ngành học nghiên cứu tín hiệu cần tách thành 3 chuyên ngành: kết học, nghĩa học và dụng học Tuy nhiên, những lập luận của ông về ký hiệu học, theo Hongwei, J., “còn mang nặng siêu hình, những luận giải của ông về bản chất và sự phân loại của ký hiệu, ba chiều của ký hiệu học, cơ chế các mối quan hệ của ký hiệu, tính phổ quát của ký hiệu, và ngôn ngữ sự vật hoặc là không chặt chẽ về mặt logic hoặc không đầy đủ về nội dung và phạm vi Về cơ sở lý thuyết của dấu hiệu, nó chưa xem xét sự biến đổi dấu hiệu, do vậy cần có thêm những nghiên cứu về mối quan hệ ký hiệu học” [87] Để tách biệt nhau, từng nghiên cứu riêng lẻ khó lòng có thể giải thích đầy đủ và chính xác các dấu hiệu và ý nghĩa, do vậy chúng nên được kết hợp với nhau, bởi vì theo Zhang “Ngữ nghĩa học nghiên cứu các ngôn ngữ thực tế nhấn mạnh mối quan hệ giữa các dấu hiệu và các tham chiếu của chúng Dụng học nghiên cứu cả ngôn ngữ khả thể và ngôn ngữ hiện thực, nhấn mạnh mối quan hệ giữa các dấu hiệu, hành vi và giá trị” [102]

Trong quá trình giao tiếp, bên phát thông tin và bên nhận thông tin liên tục thực hiện các hoạt động giao tiếp nhằm mã hóa và giải mã nội dung được trao đổi Trong trường hợp xuất hiện hiểu lầm hoặc sự không đồng nhất giữa các bên, việc giải thích và làm rõ là cần thiết Hymes [90] trong công trình “Models of interaction of Language and Social Life”, in trong J J Gumperz

& D H Hymes (eds.), Directions in Sociolinguistics New York: Holt,

Rinehart & Winston, trang 35 - 71, đề xuất khung giao tiếp SPEAKING, mỗi

chữ cái đại diện cho một yếu tố trong giao tiếp:

S Settings: Bối cảnh diễn ra giao tiếp

Trang 39

P Participants: Các bên tham gia giao tiếp E Ends: Mục đích giao tiếp

A Acts Sequence: Chuỗi hoạt động trong giao tiếp: hình thức, nội dung K Key: Giọng điệu

I Instrumentalities: phương tiện phục vụ giao tiếp N Norms of interaction: Các chuẩn mực trong giao tiếp

Norms of interpretation: Chuẩn hiểu thông điệp

G Genres: Thể loại diễn ngôn

Tiếp nối Hymes [90], Đỗ Hữu Châu [8], trong công trình Cơ sở ngữ dụng học, tập 1, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, đề xuất đưa các nhân tố trên vào 3 nhóm: ngữ cảnh (situtional context), ngôn ngữ (language) và diễn ngôn (discourse) Nhóm 1 là Ngữ cảnh, gồm: đối ngôn (người tham gia), hoàn cảnh, ngữ huống Nhóm 2 là Ngôn ngữ, bao gồm: hai kênh nói và viết, các

biến thể của ngôn ngữ mà các đối ngôn chọn để giao tiếp, trong đó có ngữ

vực và loại thể “Ngôn ngữ là phương tiện của diễn ngôn nhưng nằm ngoài diễn ngôn.” [8, 155] Nhóm 3 là Diễn ngôn, “là phương tiện và là cái hình

thành trong giao tiếp, tương đương với thông điệp của các cuộc giao tiếp không dùng ngôn ngữ làm phương tiện Diễn ngôn có hình thức và nội dung, xuất hiện giữa tiền ngôn cảnh và (ở ngôn ngữ viết) hậu ngôn cảnh Diễn ngôn có nội dung thông tin và nội dung liên cá nhân Hai thành phần này thống nhất với nhau, thể hiện các đích khác nhau Những đích này là sự cụ thể hóa các chức năng của giao tiếp trong diễn ngôn, cũng là sự cụ thể hóa ý định mà người tham gia giao tiếp đặt ra trong giao tiếp.” [8, 155] Theo Đỗ Hữu Châu

[8], các bên tham gia giao tiếp (còn gọi là đối ngôn) là những cá nhân tham

gia trực tiếp vào hoạt động trao đổi thông tin Đây là yếu tố không thể thiếu trong một tình huống giao tiếp; nếu thiếu các bên tham gia, thì không có sự

Trang 40

định rõ ràng về vai trò giao tiếp và mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân Trong một tình huống giao tiếp, các cá nhân tham gia thường phân chia vai trò giữa bên phát tín hiệu và bên nhận tín hiệu nói chung Trong trường hợp bài báo khoa học xã hội, tác giả thường đóng vai trò của bên phát ngôn, trong khi độc giả đóng vai trò của bên nhận diễn ngôn

Trong mọi diễn ngôn, cả vai người nói và vai người nghe đều cố gắng lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt sao cho phù hợp với ngữ cảnh và mục tiêu giao tiếp Mối quan hệ giữa các cá nhân tham gia giao tiếp có thể được phân loại qua các khía cạnh xã hội, giao tiếp và quan hệ thân cận Vị thế xã hội của nhân vật giao tiếp thường thể hiện sự tương quan trong cấp bậc, địa vị xã hội giữa các cá nhân tham gia giao tiếp Vị thế giao tiếp phản ánh quyền lực hoặc tư duy chủ động/bị động của các nhân vật trong một tình huống trò chuyện Người nắm giữ quyền chủ động trong việc đặt chủ đề, điều khiển cuộc trò chuyện thì được xem là ở vị thế giao tiếp mạnh, ngược lại sẽ là vị thế yếu Mối quan hệ thân cận thường thể hiện qua cách các nhân vật giao tiếp tương tác trong môi trường cá nhân Mức độ thân cận có thể tương ứng với mức độ hiểu biết về nhau, tuy nhiên, không nhất thiết là việc hiểu biết sâu sắc sẽ dẫn đến mối quan hệ thân thiết

Dựa trên các tiêu chí về mối quan hệ và vị thế giao tiếp, khi xem xét mối quan hệ thân cận trong bài viết khoa học xã hội, có thể nhận thấy rằng vị thế của tác giả thường chi phối vị trí của độc giả Tất nhiên, độc giả cũng sở hữu những vị thế cụ thể, đủ để đảm bảo tác giả giao tiếp trong bối cảnh môi trường nghiên cứu học thuật, thể hiện qua phong cách văn phong trang trọng và hàn lâm của bản thân Áp lực từ độc giả buộc tác giả phải liên tục đặt ra câu hỏi về văn phong trong bài viết, nhằm đảm bảo rằng khi đọc, độc giả không có cảm giác phản đối phong cách viết của tác giả Trong khi nội dung

Ngày đăng: 17/05/2024, 16:07

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan