thực phẩm chức năng với sức khỏe

8 456 2
thực phẩm chức năng với sức khỏe

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Thực phẩm chức năng với sức khỏe ThS. BS. Đào Thị Yến Phi Chủ nhiệm BM Dinh Dưỡng ĐHYK Phạm Ngọc Thạch TPHCM Một trong những vấn đề sức khỏe được nhân loại quan tâm nhất từ cổ chí kim, là kéo dài tuổi thọ cho con người. Sự phát triển của y học hiện đại, với các máy móc thiết bị giúp chẩn đoán sớm bệnh lý, các loại thuốc men và phương tiện lý hóa giúp việc điều trị bệnh hiệu quả hơn, các kỹ thuật phục hồi chức năng và dinh dưỡng hỗ trợ giúp người bệnh khắc phục các hậu quả của bệnh tật một cách tốt hơn rất nhiều so với những thời kỳ trước đây, và tất cả những điều này góp phần làm tuổi thọ trung bình của con người tăng dần. Thế nhưng, phần tuổi thọ gia tăng chỉ thật sự có ý nghĩa nếu người ta tiếp tục được sống với đúng ý nghĩa của cái từ “sống”, tức là tiếp tục tham gia vào cuộc đời với công việc, sinh hoạt, giao tiếp…, như lúc người ta còn trẻ. Sự tham gia này cần một điều kiện quan trọng, điều kiện cần và cũng là điệu kiện đủ không thể thiếu, đó là sức khỏe. Không có sức khỏe, những ngày sống thêm trong cuộc đời này sẽ là cực hình, nếu đó là chỉ những ngày hít thở bằng dụng cụ chuyên khoa, ăn uống bằng thực phẩm chuyên biệt, di chuyển trên những phương tiện chuyên dụng, giải trí bằng radio hoặc giao tiếp với ti vi, sống bằng những ký ức của tuổi xuân và ước mơ là được thoát hỏi những đau đớn về thể chất hay buồn phiền về tinh thần do bệnh tật sớm sớm một chút… Sự khám phá các chức năng sức khỏe của thực phẩm chức năng mang đến cho y học một lĩnh vực nghiên cứu mới, và mang đến cho nhân loại một hy vọng mới trong việc duy trì sức khỏe cho tuổi già, hay nói một cách khác, làm gia tăng chất lượng sống cho tuổi thọ. Hy vọng thì… không bị đánh thuế, nên chẳng cần hạn chế làm gì, nhưng điều không thể không quan tâm, đó là chuyện thực phẩm chức năngthực sự là một cứu cánh cho sức khỏe, như những lời có cánh người ta thường dùng để quảng cáo một loại thực phẩm chức năng nào đó… ? KHÁI NIỆM VỀ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG Cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa chính thức nào về thực phẩm chức năng được thống nhất sử dụng trên toàn thế giới. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu đưa ra một khái niệm khác nhau về thực phẩm chức năng tùy thuộc vào hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng của các thực phẩm này, và điều này gây không ít khó khăn cho người sử dụng trong việc hiểu đúng về thực phẩm chức năng. Đây cũng chính là khe hở lớn cho các hoạt động buôn bán, kinh doanh, quảng bá thực phẩm chức năng có thể sử dụng để nhằm vào các mục đích thương mại, và làm cho thị trường thực phẩm chức năng ngày càng trở nên rối rắm phức tạp hơn. Định nghĩa sau đây về thực phẩm chức năng của WHO thường được sử dụng nhiều nhất trong y khoa: Thực phẩm chức năng là một loại thực phẩm mà trong thành phần ngoài những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống và phát triển của cơ thể sống thì còn chứa những chất có chức năng tác động đến sức khỏe một cách tích cực. Các chức năng được quan tâm nhất của thực phẩm chức năng đối với sức khỏe bao gồm: - Bảo vệ tế bào của cơ thể, chống lại sự thay đổi về cấu trúc và chức năng của tế bào - Hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể: trợ tiêu hóa, tăng sự minh mẫn, tăng hoạt động cơ, tăng thải trừ độc chất và các chất chuyển hóa… - Gia tăng khả năng đề kháng của cơ thể với các tác nhân có hại bên ngoài - Gia tăng sử dụng các chất dinh dưỡng và làm tăng khả năng sống còn của cơ thể - Hỗ trợ cho việc điều trị các bệnh lý đã mắc hoặc phòng ngừa các bệnh lý chưa mắc. Ngoài ra, tùy theo lĩnh vực nghiên cứu, một số chức năng khác của thực phẩm như làm trẻ hóa tế bào, tái tạo các mô cơ thể, tăng khả năng thể lực ngắn hạn… cũng được đề cập đến. Ngay trong khái niệm được sử dụng nhiều nhất này, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể phân định và gây tranh cãi, vì bản thân các chất được gọi là chất dinh dưỡng, vẫn có khả năng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chức năng kể trên. Nếu như vậy thì thực phẩm chứa chất dinh dưỡng đó có được xem là thực phẩm chức năng không hay chỉ gọi là thực phẩm thông thường? Theo định nghĩa về thực phẩm, bản thân thực phẩm đã phải là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng, nên một chất dinh dưỡng hiện diện trong thực phẩm không thể là yếu tố giúp thực phẩm đó được gọi là thực phẩm chức năng. Ví dụ: Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu hiện diện trong khá nhiều loại thực phẩm thông thường như trái cây họ citrus, các loại rau quả tươi… Vitamin C đồng thời cũng là một chất có chức năng sức khỏe hiệu quả là chống lại các gốc oxy hóa tự do, bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và qua đó chống lại sự lão hóa, chống ung thư… Như vậy, các loại thực phẩm có chứa vitamin C đều có thể được gọi là thực phẩm chức năng! Nếu mở rộng ví dụ này ra với một số chất dinh dưỡng khác như chất xơ, các acid béo no chuỗi dài, các acid amin thiết yếu, các chất khoáng vi lượng như kẽm, sắt… thì hầu như thực phẩm nào cũng có thể gọi là thực phẩm chức năng. Điều này sẽ xóa mờ vai trò thật sự của các chất chức năng không phải là chất dinh dưỡng hiện diện trong thực phẩm. Vì vậy, trong phạm vi bài này, thực phẩm chức năng sẽ được hiểu là các thực phẩm có chứa thêm các chất chức năng có tác dụng với sức khỏe, và các chất chức năng này không phải là các chất dinh dưỡng thông thường bao gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất cồn, chất xơ, nước, chất khoáng đa lượng và vi lượng, vitamin tan trong nước (B, C) và vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K). Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa chất chức năngthực phẩm chức năng. Một thực phẩm được gọi là thực phẩm chức năng chỉ khi trong thành phần có chứa chất chức năng. Trong tự nhiên, một loại thực phẩm chức năng có thể chứa nhiều chất chức năng khác nhau, và những loại thực phẩm chức năng khác nhau có thể cung cấp cùng một chất chức năng như nhau. NHỮNG NHÓM CHẤT CHỨC NĂNG CHÍNH VÀ VAI TRÒ VỚI SỨC KHỎE Phytochemical Là tên gọi chung của các loại hoạt chất chức năng chưa định định danh và phân nhóm riêng biệt, nhưng trong các y văn cổ và thực nghiệm trên súc vật đã bước đầu xác định được các vai trò với sức khỏe, mặc dù cơ chế tác động thật sự vẫn còn chưa hiểu rõ. Các chất màu thảo mộc Là những chất tạo màu cho thực vật, được phát hiện là có chức năng hỗ trợ sức khỏe, tác động được nhắc đến nhiều nhất là chống lại các gốc oxy hóa tự do, bảo vệ sự nguyên vẹn của tế bào và các cơ sở di truyền (DNA, RNA). Carotenoids Thực phẩm nguồn gốc thực vật có màu vàng cam, đỏ đậm, xanh đậm… cung cấp cho bữa ăn hàng ngày các carotenoids. Carotenoids bao gồm nhiều chất khác nhau được phân thành hai nhóm chính: - Tiền chất của vitamin A: gồm có alpha-carotene, beta-carotene và beta-cryptoxanthyl, trong đó chất được hiểu biết nhiều nhất là beta-caroten. Các chất này sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A dưới dạng retinal với tỷ lệ chuyển đổi rất khác biệt nhau từ 6:1 đến 24:1. Hệ số chuyển đổi thường được sử dụng hiện nay là 12 beta-caroten : 1 retinal và 24 carotenoid khác : 1 retinal. - Không phải tiền chất của vitamin A: gồm lycopene, lutein và zeaxanthin Cho dù có là tiền chất của vitamin A hay không, tất cả các carotenoids đều là những chất chống gốc oxy hóa tự do đã được xác nhận. Nhờ vào chức năng này, các carotenoids được sử dụng nhiều trong y, dược với tác dụng phòng chống lão hóa, phòng ngừa các bệnh do lão hóa và phòng ngừa ung thư. Carotenoids được cung cấp từ thực phẩm tự nhiên hoàn toàn an toàn cho con người. Do tan trong chất béo, nên nếu ăn vào nhiều hơn khả năng chuyển hóa của cơ thể, các carotenoids sẽ được tích trữ lại trong mô mỡ dưới da gây triệu chứng vàng da (nhưng không kèm theo vàng kết mạc mắt) không nguy hiểm. Ngược lại, các carotenoids dùng dưới dạng bổ sung (dạng thuốc hay thực phẩm có bổ sung thêm carotenoids liều cao) có thể gây ngộ độc cấp biểu hiện bằng các triệu chứng thần kinh như nhức đầu, co giật, nôn ói, thậm chí hôn mê, ngừng thở ngừng tim… Curcumin Là một chất màu thảo mộc được tìm thấy trong củ nghệ. Tương tự như các chất màu thảo mộc khác, Curcumin có tác dụng chống các gốc oxy hóa tự do và bảo vệ tế bào. Tuy nhiên, chức năng quan trọng chất của Cucurmin là tác dụng rút ngắn thời gian lành sẹo các vết tổn thương trên da niêm và giảm tạo thành sẹo xấu, có lẽ nhờ tính năng kháng viêm mạnh, làm giảm sự viêm tấy của tế bào, bảo vệ môi trường tại mô tổn thương và làm giảm tác động của các hợp chất trung gian được phóng thích từ các tế bào bạch cầu. Curcumin được ứng dụng nhiều nhất trong điều trị các vết thương dạng loét ở niêm mạc (như loét dạ dày, viêm loét ruột…) và các tổn thương ngoài da, tránh sẹo xấu. Flavonoids Là một nhóm các hợp chất hóa học dễ bay hơi, mùi rất mạnh, có nhiều trong các loại rau gia vị (như tía tô, rau húng…), hành, tỏi, gừng, riềng, nén… Các flavonoid có chức năng kháng khuẩn, đồng thời có tác dụng kích thích hoạt động của hệ miễn dịch làm gia tăng khả năng đề kháng của cơ thể với các vi sinh vật xâm nhập từ môi trường. Trong cuộc sống hàng ngày, các flavonoid trong các loại gia vị này được sử dụng rất nhiều trong thực phẩm, không chỉ với mục đích làm tăng hương vị và cảm quan của món ăn, mà còn dùng với tác dụng trị bệnh (cháo giải cảm, cháo giải rượu…) hoặc phòng ngừa sự phát triển của vi khuẩn (dùng riềng, tỏi… trong các món ăn sống như gỏi cá, nem chua…) Ngoài ra, còn có một số flavonoid có tác dụng đặc biệt: Isoflavon (Phyto-estrogen) Là một flavonoid thực vật đặc biệt được tìm thấy trong một số loại đậu đỗ, nhiều nhất trong đậu nành (đậu tương) và các chế phẩm từ đậu nành như đậu hũ, đậu hũ ky…, trong lá cây linh lăng, và rễ cây Cohost đen ở châu Mỹ. Isoflavon có chức năng tương tự nội tiết tố nữ estrogen. Các thí nghiệm trên động vật và trên người ho thấy Isoflavon có tác dụng duy trì sự trẻ trung và nguyên vẹn của tế bào, giảm các nguy cơ bệnh lý liên quan đến lão hóa như tim mạch, huyết áp, giảm các triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh. Rutin Một loại flavonoid có trong hoa hòe, có tác dụng làm gia tăng tính bền của thành mạch máu, thường được dùng trị chảy máu cam, xuất huyết dạng điểm vô căn ở người cao tuổi. Volatile oils (ascaridol, eucalyptol…) Là các flavonoid dạng tinh dầu có mùi hương, hiện diện nhiều trong các loại cây gia vị, rau tần… có tác dụng sát trùng đường hô hấp , giảm ho… Các Volatile oils trích tinh từ các loại hoa như oải hương (lavender), hoa hồng (rose)… thường được sử dụng trong các xông hơi để làm thông thoáng da, đường hô hấp… và được gọi là hương thơm liệu pháp, nhưng thực chất, tác dụng hỗ trợ sức khỏe là nhờ chất chức năng dạng tinh dầu. Catechin Là một flavonoid dạng ester (polyphenol) có nhiều trong ca cao, rượu nho, chocolate, trà xanh (không có trong các dạng trà đã sao chế, trà đen…), có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch, phòng chống ung thư. Saponins Là các hợp chất hữu cơ được tìm thấy trong nhiều loại thực vật. Có rất nhiều chất chức năng thuộc nhóm Saponin. Nhìn chung, các Saponins có tác dụng kích thích các hoạt động nội tiết trong cơ thể sinh vật, qua đó làm gia tăng dây chuyền các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Một số Saponin thông dụng nhất là: Gingsenosids Là các hợp chất hữu cơ thuộc nhóm Saponin được tìm thấy trong nhân sâm. Có khoảng trên dưới 37 loại Gingsenosid đã được tìm thấy trong các dòng nhân sâm khác nhau trên thế giới. Các Gingsenosids này có rất nhiều tác dụng tích cực với sức khỏe sinh vật sống: - Gia tăng khả năng hoạt động cả về thể chất lẫn về trí tuệ - Rút ngắn thời gian hồi phục của cơ thể sau các hoạt động mạnh. - Tăng khả năng vận động cơ bắp và giảm thời gian mỏi cơ sau vận động nặng - Làm giảm kích xúc với các tác động từ môi trường (giảm stress) - Tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng - Cải thiện khả năng sinh dục ở cả nam và nữ Cơ chế hoạt động của các Gingsenosids trong cơ thể sinh vật rất đa dạng và còn khá nhiều điều chưa được biết hết, tuy nhiên các nghiên cứu bước đầu cho thấy các Gingsenosid có tác dụng kích thích hoạt động của tuyến thượng thận và làm tăng khả năng sử dụng oxy của tế bào. Một điểm đáng lưu ý là cách chế biến nhân sâm theo các phương pháp khác nhau sẽ làm các Gingsenosids được chuyển hóa thành các loại Saponins khác nhau, chính vì vậy các dạng nhân sâm khác nhau như Hồng sâm, Bạch sâm, Huyền sâm… có thể có các tác dụng khác biệt nhau với sức khỏe. Ví dụ như chế biến sâm bằng cách gọt vỏ, hấp chín rồi mới sấy khô sẽ tạo ra AFG (hợp chất có Arginine – Fructose – Glucose) có tác dụng làm giãn mạch máu nên không làm tăng huyết áp, trong khi nếu chế biến nhân sâm bằng phương pháp sấy khô trực tiếp, thì sẽ có hiện tượng hoạt hóa các emzyme gây tăng co mạch, làm tăng huyết áp. Pananax Là một hoạt chất chức năng được tìm thấy trong nhân sâm với hàm lượng thường tỉ lệ nghịch với các Gingsenosids. Pananax có tác dụng làm giảm đường huyết nhanh sau bữa ăn nên giúp nhân sâm có tác dụng điều hòa đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Charantin Là một saponin có nhiều trong khổ qua (mướp đắng), có tác dụng làm hạ đường huyết. Tác dụng hạ đường huyết của khổ qua cũng có sự tham gia của một loại peptid có tác dụng tương tự insulin được gọi tên là insulin-like peptid. Glycosides Là một nhóm hợp chất chức năngchức năng chủ yếu là kháng viêm, giảm đau, chóng lành vết thương Loại Glycoside được biết đến nhiều nhất có lẽ là Anthraquinone có trong cây Lô Hội (còn gọi là Nha Đam hay Aloe Vera). Ankaloids Là một nhóm hợp chất hữu cơ có tính kiềm, hiện diện trong nhiều loại thực phẩm có vị đắng, chát như khổ qua, rau đắng… Các ankaloid có tác động rất đa dạng, như trên các hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và hệ nội tiết tố, trên mạch máu, trên hoạt động của hệ tiêu hóa, ức chế vi khuẩn … Có thể kể một số ankaloid thông dụng: Berberin Một loại ankaloid thực vật được tìm thấy trong cây vàng đắng, có tác dụng kháng khuẩn nhất là các loại amibe đường ruột và các vi khuẩn gram âm như E. Coli, được dùng nhiều trong các trường hợp ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng đường ruột… Tannins Có nhiều trong các thực vật có vị chát như ổi, trà… Tác dụng làm săn se niêm mạc ruột, giảm hấp chu các cholesterol có hại. Sanguinarin Có tác dụng kháng khuẩn vùng miệng, thường được dùng sát khuẩn tại chỗ trong các trường hợp viêm họng, viêm nha chu… Capsaicin Là hợp chất chức năng được tìm thấy nhiều trong các loại gia vị cay như ớt, tiêu… Capsaisin có tác dụng làm giảm các trường hợp đau liên quan đến thần kinh bằng tác dụng kích thích giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters) vào synape thần kinh, Ở đây, các chất dẫn truyền thần kinh này không đủ các receptor để tác động lên tế bào thần kinh tiếp theo nên bị phân hủy. Kết cục là Capsaisin gây cạn kiệt tạm thời các chất dẫn truyền thần kinh và nhờ vậy ngăn chặn sự dẫn truyền cảm giác đau. GLA (Gamma Linoleic Acid) Có nhiều trong rau Borage (một loại rau gia vị thông dụng ở châu Âu), quả bơ, chất béo trong cá hồi… có tác dụng kháng dị ứng (chàm mãn, thấp khớp cấp) HIỆU QUẢ CỦA THỰC PHẨM CHỨC NĂNG VÀ VIỆC BỔ SUNG CÁC CHẤT CHỨC NĂNG CHO CƠ THỂ HÀNG NGÀY Nhìn chung, khoa học đã công nhận về tác dụng tích cực của các chất chức năng đối với sức khỏe và sự sống của sinh vật. Cũng đã có nhiều nghiên cứu khoa học được tiến hành để tận dụng cơ hội chăm sóc sức khỏe và gia tăng chất lượng cuộc sống này từ tự nhiên. Tuy nhiên, việc sử dụng các chất chức năng một cách an toàn và hiệu quả vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ. - Liều lượng sử dụng hàng ngày? Liều lượng có tác dụng duy trì và liều lượng có tác dụng tối đa? - Sự tương tác của các chất chức năng khác nhau với nhau và với những chất dinh dưỡng khác trong bữa ăn hàng ngày? - Các yếu tố hỗ trợ và yếu tố ức chế hoạt động của các chất chức năng? - Sự tương tác giữa các chất chức năng với thuốc điều trị, nếu có? - Các yếu tố làm ảnh hưởng đến hàm lượng các chất chức năng có trong thực phẩm? - Tác động của một chất chức năng trên các cá thể khác nhau có thể hoàn toàn không giống nhau! Mỗi cá thể có sự nhạy cảm với các chất chức năng theo một cung cách khác nhau. Sự khác biệt này có thể do di truyền (các nội tiết tố, số lượng các thụ thể trên tế bào, khả năng tiêu hóa hấp thu và chuyển hóa…), do môi trường, do thói quen dinh dưỡng đồng thời đưa vào cơ thể những thực phẩm có chứa các chất chức năng khác có thể là chất phản dinh dưỡng hay chất hỗ trợ dinh dưỡng so với chất chức năng. Tuy nhiên, một yếu tố rất thuận lợi có thể được tận dụng trong việc bổ sung các chất chức năng vào khẩu phần hàng ngày là, nếu các chất chức năng được bổ sung từ nguồn thực phẩm tự nhiên thì thường an toàn cho người tiêu dùng. Sự an toàn này có được là vì các chất chức năng thường hiện diện trong thực phẩm tự nhiên với một hàm lượng thấp, vừa phải. Mặt khác, tự nhiên thường có những sự kết hợp khéo léo mà cho đến nay loài người vẫn chưa thể hiểu hoàn toàn, ví dụ một chất chức năng trong một loại thực phẩm này sẽ tác dụng tốt hơn khi hiện diện trong một loại thực phẩm khác, có thể là do tỉ lệ các chất dinh dưỡng và chức năng có trong thực phẩm đó hoặc sự hiện diện của một chất nào đó mà con người chưa biết đến trong loại thực phẩm tự nhiên đó. CÁI NHÌN ĐÚNG VỀ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG: KHÔNG CẦN THẬN TRỌNG NHƯNG CŨNG KHÔNG NÊN QUÁ KHÍCH Đừng quên một câu quan trọng luôn được nhấn mạnh khi một loại thực phẩm chức năng được giới thiệu đến người tiêu dùng: Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng điều trị bệnh. Cho đến nay, thực phẩm chức năng dù là không bị khuyến cáo hạn chế sử dụng, nhưng không là một yếu tố bắt buộc trong bất kỳ một phác đồ điều trị chính thức nào, và càng không bao giờ được khuyến cáo sử dụng như một phương pháp điều trị. Điều này có nghĩa là, người bệnh vẫn phải tiếp tục tuân thủ đầy đủ các phác đồ điều trị bệnh và thực phẩm chức năng sẽ không làm thay đổi phát đồ điều trị này. Với các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên như hành tỏi, lô hội, cà rốt, gấc… cách sử dụng tốt nhất cho đến thời điểm này là dùng tươi như là thực phẩm. Tất cả các dạng chế biến như làm thành viên nén, viên hoàn, chiết xuất thành cao hay dung dịch… thường dẫn đến các thành phẩm không tốt bằng các chất chức năng tồn tại trong tự nhiên theo các chiều hướng sau: - Đậm đặc chất chức năng hơn. Điều này chưa chắc đã là cần thiết, thậm chí còn có thể không an toàn. Ví dụ, hàm lượng Gingsenosids trong nhân sâm có tác dụng dược lý cao nhất là 7-8%. Nếu hàm lượng Gingsenosid cao hơn, hàm lượng Pananax trong nhân sâm sẽ giảm xuống, tác dụng kích thích của nhân sâm sẽ trội hơn tác dụng thư giãn và hạ đường huyết, tác dụng chung là sẽ làm gia tăng chuyển hóa và tăng tốc độ hoạt động của tế bào, có thể gây kích thích thần kinh, kích thích tim mạch… - Các chất chức năng bị mất đi một phần hoặc thay đổi tính chất qua quá trình chế biến với nhiệt độ (phơi, sấy…), mất hơi nước, hoặc bảo quản. Ví dụ bột nghệ khô sẽ có tác dụng làm lành vết loét da niêm kém hơn so với củ nghệ tươi. - Có thêm các chất phụ gia nhằm kéo dài thời gian bảo quản hay gia tăng lợi nhuận. Những chất này có thể làm thay đổi thành phần hóa học của thực phẩm chức năng và chưa có đủ nghiên cứu để xác định sự tương tác giữa các phụ gia này với chất chức năng là tích cực hay tiêu cực. Ví dụ dịch chiết xuất lô hội nếu kèm theo một lượng đường quá cao có thể làm mất cân đối thành phần đường / vitamin chuyển hoá năng lượng và làm tăng đường huyết, tăng tạo lipid… - Loại trừ đi các chất tương hợp trong tự nhiên mà khoa học chưa thể định danh hay chưa hiểu biết hết về chức năng, vai trò của chúng với sự sống. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến giá trị thực sự của thực phẩm chức năng đối với sức khỏe cần phải tương ứng với số tiền người tiêu dùng trả cho các sản phẩm mà họ mua sử dụng. Trong thực tế, các loại thực phẩm chức năng đang được thổi phồng tác dụng và bán với giá cao hơn hẳn so với giá trị thực của chúng. Đây chính là một trong các vấn đề cần lưu ý nhất bởi vì thực tế thì đa số thực phẩm chức năng không tổn hại gì cho sức khỏe, chỉ là được bán với giá làm tổn hại túi tiền của người tiêu dùng mà thôi! BẢO VỆ SỨC KHỎE BẰNG CÂN BẰNG TRONG DINH DƯỠNG VÀ LỐI SỐNG Các tác dụng hỗ trợ sức khỏe của thực phẩm chức năng chỉ có thể phát huy tác dụng trên nền tảng một cơ thể khỏe mạnh và một tinh thần thoải mái vui vẻ, chứ không thể thay đổi hoàn toàn tình trạng tinh thần và thể chất của một cá thể. Chính vì vậy, đầu tư cho một sức khỏe căn bản luôn là đầu tư có lợi nhất và tiết kiệm nhất, hơn hẳn so với việc chi một khoản kinh phí lớn cho việc sử dụng các thực phẩm chức năng khi mà sức khỏe đã bị tổn hại. Cân bằng trong cuộc sống Là sự điều độ, chừng mực, đúng giờ, quy củ, và phải biết “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Các stress về tinh thần và thể chất đều có thể làm gia tăng hoạt động bất thường của hệ thần kinh và hệ nội tiết, từ đó chi phối hoạt động của toàn bộ cơ thể, làm gia tăng chuyển hóa bất thường và làm cơ thể mệt mỏi, nguồn gốc phát sinh các bất lợi cho sức khỏe kể cả bệnh tật. Thời gian ngủ đủ, giấc ngủ sâu, nghỉ ngơi hợp lý sau công việc và thay đổi loại hình hoạt động rất có lợi cho cơ thể, vì đó chính là thời gian để các tế bào hoạt động chậm lại, thải bỏ các chất chuyển hóa ứ đọng, sắp xếp lại hoạt động, chỉnh sửa các sai sót trong hoạt động và nghỉ ngơi trước tri bước vào giai đoạn hoạt động mới. Cân bằng trong dinh dưỡng 1. Đủ lượng và đủ chất Khái niêm đủ ở đây có nghĩa là vừa đủ. Nhu cầu năng lượng hàng ngày bao gồm hai phần chính là năng lượng cho chuyển hóa và năng lượng cho hoạt động. Trên thực tế, có thể ước lượng một khẩu phần có đủ về năng lượng không dựa trên theo dõi cân nặng hàng tuần. Nếu giữ nguyên cân nặng theo thời gian, khẩu phần ăn hiện tại vừa đủ năng lượng, nếu tăng cân, là khẩu phần thừa năng lượng và ngược lại, nếu giảm cân chứng tỏ khẩu phần không đủ năng lượng theo nhu cầu. Ngoài yêu cầu đủ về mặt số lượng, cũng cần quan tâm đến đủ chất, tức là có đủ các loại chất dinh dưỡng cần thiết. Mỗi bữa ăn chính luôn phải có đủ 4 nhóm thực phẩm chính là bột đường, đạm, béo, rau và trái cây tươi. 2. Chừng mực Là chỉ ăn vừa đủ chứ không ăn thừa. Sự dư thừa cũng nguy hiểm không kém gì sự thiếu hụt, và cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy các rối loạn về chuyển hóa và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Đối với những chất có hại cho cơ thể như alcohol, cafein, nicotin… càng phải chừng mực hơn. Ngưỡng thải độc của gan thận đối với những chất này rất khác biệt nhau ở những cá thể khác nhau, và thường sẽ giảm dần theo thời gian hoạt động của các cơ quan. 3. Cân đối Là sự cân đối giữa các thành phần thực phẩm khác nhau trong bữa ăn để đạt được một tỉ lệ chất dinh dưỡng tốt nhất theo đúng nhu cầu của cơ thể. Lượng các thực phẩm trung bình cho một người trưởng thành có thể tính như sau - <6g muối - <20g đường - 30g dầu mỡ - 120g thực phẩm giàu đạm - 200g trái cây - 300g rau xanh các loại - 4-5 chén chất bột (trong đó nên có 1 chén bột thô như miến, khoai, gạo lứt…) - >2 lít nước (trong đó phải có 500ml sữa) 4. Đa dạng Trong thiên nhiên, không có một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đầy đủ tất cả chất dinh dưỡng cần thiết với một tỉ lệ phù hợp tối ưu cho sự sống, ngay cả sữa, là loại thực phẩm được xem là hoàn hảo nhất và được tự nhiên ưu ái dành cho các sinh vật non. Vì vậy, chế độ ăn càng đa dạng càng có cơ hội nhận được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Ăn đa dạng cũng giúp làm gia tăng sự tương tác của thực phẩm, làm gia tăng khả năng hấp thu hoặc giảm bớt nguy cơ phản hấp thu dưỡng chất. Sự phối hợp cân đối giữa các thành phần dưỡng chất sẽ có lợi cho quá trình hấp thu của hệ tiêu hóa và quá trình sử dụng dưỡng chất của tế bào. Sự phong phú đa dạng cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cảm quan và sự hiểu biết về thực phẩm, làm cho dinh dưỡng không chỉ có vai trò nuôi dưỡng cơ thể vật chất là còn là một thành phần thực phẩm để nuôi dưỡng sự khoái cảm của tinh thần. 5. Tự nhiên Các loại thực phẩm được chế biến càng đơn giản, món ăn càng gần với tự nhiên thì càng tốt cho sức khỏe. Quá trình chế biến thường làm hao hụt và mất đi các dưỡng chất có trong thực phẩm, đặc biệt là các vitamin tan trong nước như vitamin C, vitamin nhóm B và các chất có tác dụng trung hòa gốc oxy hóa. Một vài phương pháp chế biến như nướng trực tiếp trên lửa than, chiên trong dầu với nhiệt độ cao, kéo dài, xông khói… còn có thể làm gia tăng các chất có hại cho sức khỏe vào thực phẩm thậm chí có thể gây ung thư nếu tích tụ lâu ngày. Các cách chế biến tốt nhất là hấp bằng hơi nước, luộc nhanh, xào nhanh. Với các loại rau xanh, trái cây tươi… nên ăn tươi sống là tốt nhất. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi dùng các món ăn sống, không qua chế biến bằng nhiệt độ nhất là trong điều kiện thực phẩm của nước ta hiện nay. . giữa chất chức năng và thực phẩm chức năng. Một thực phẩm được gọi là thực phẩm chức năng chỉ khi trong thành phần có chứa chất chức năng. Trong tự nhiên, một loại thực phẩm chức năng có thể. chuyện thực phẩm chức năng có thực sự là một cứu cánh cho sức khỏe, như những lời có cánh người ta thường dùng để quảng cáo một loại thực phẩm chức năng nào đó… ? KHÁI NIỆM VỀ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG. Vì vậy, trong phạm vi bài này, thực phẩm chức năng sẽ được hiểu là các thực phẩm có chứa thêm các chất chức năng có tác dụng với sức khỏe, và các chất chức năng này không phải là các chất dinh

Ngày đăng: 04/05/2014, 10:19

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan